B-52

Đặng Sỹ Ngọc

27/06/2022 15:44

Theo dõi trên

Đến ngày nay, một số cường quốc vẫn sản xuất các loại máy bay to mang được nhiều bom đe dọa đánh phá đối phương kiệt quệ. Nhắc đến hình ảnh này tôi nhớ ngày máy bay B52 của Mỹ. Tôi chưa được đến gần nó để biết nó thế nào. Chỉ biết nó là loại máy bay khổng lồ chở được rất nhiều bom.

mah-bom-1656319402.jpg
Mảnh bom b52 xuyên qua 2 liệt sỹ Nga và Ngọ rồi nằm trong cơ thể tôi. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Nó đã tấn công tôi ở cả quê hương nơi tôi lớn lên và cả nơi chiến trận. Riêng ở vĩ tuyến 17 của tổ quốc ta vào các năm 1967 -1972 tôi cùng đơn vị đã bị B52 dội bom đúng địa bàn chúng tôi đóng quân hàng mấy chục lần. Tôi không thể đếm và nhớ hết được. Vào những năm 1970 - 1971 khi tôi được chỉ huy phân đội pháo phòng không. Tôi có học nhận dạng được biết một số chi tiết như chiều dài 48,07m, chiều cao 12,39m, sải cánh 56,72m, diện tích 131,60m², tốc độ trung bình 210m/s, lên cao 16.700 m, bay xa 18.000km, bán kính hoạt động 6.400km… và phải có 6 phi công. Khi chúng đến đánh vào tổ quốc ta chúng thường bay ở độ cao 8000-10.000m, bay thành từng tốp hàng dọc ba chiếc một. Mỗi lần đánh chúng tôi ở chiến tuyến, chúng  thường dùng 3 tốp 1 thành đoàn và rất nhiều lần chúng dùng ba đoàn bằng 27 chiếc.

Mỗi lần B52 xuất hiện, chúng tôi thấy nhiều loại máy bay thấp cao, nhanh chậm dò xét trước rồi mới nghe tiếng rung động râm ran cả bầu trời. Biết là có máy bay B52, các pháo thủ của loại pháo phòng không 85 – 100 hay tên lửa hoặc các phi công của ta xuất kích đánh trả. Còn tất cả các binh chủng như bộ binh chúng tôi phải vào hầm. Chúng tôi thường nằm sấp, hai tay bưng tai, miệng há ra chờ… tiếng nổ xé tai chớp giật liên tục. Trời đất chao đảo, các loại bom to nhỏ nổ gần nghe ành ạch, bình bịch. Khoảng cách của những quả bom cách nhau 5m, 10m, 20m hoặc 100m, 200m tùy độ khuếch tán do B52 bay thấp hoặc bay cao. Vậy mà tỉ lệ hầm trúng bom cũng rất ít. Sau mỗi lần 3 chiếc, 3 tốp ném bom vào một tọa độ. Những hầm không bị trúng bom đã ra khỏi công sự nhìn lại địa hình mới lạ. Trong khói bom đen đặc đang cuộn bốc cao lên là tiếng gọi nhau í ới.

Sợ nhất là sẽ có tốp khác, đoàn khác lại trút bom tiếp vào khu vực đã đánh. Nếu phát hiện hầm bạn bị trúng bom bay đi hoặc lấp mất là loạng choạng tìm kiếm rồi đào bới trong hoảng loạn. Nhưng nhiều khi khu vực vừa bị đánh lướt qua. Chúng tôi ra khỏi hầm và nhìn theo số bom đang nổ ở phía trước, trái phải, xa dần. Tiếng nổ càng xa chúng tôi nghe nó càng to. Có lúc nhìn B52 ném cách chúng tôi chừng 5 - 7 km trở ra, nhìn số bom nối đuôi nhau thành dòng chảy xuống. Tiếng bom rít trong không gian rất đáng sợ, sợ nhất là một số quả có sai phạm gì đó về kỹ thuật. Nó tách dòng rơi chéo hoặc tụt lại phía sau không thành luật. Tiếng rít của những quả bom này nghe rùng rợn lắm.

Ngày nay có những bản tin B52 của Mỹ bay một chiếc, hai chiếc từ nước này sang nước kia, từ châu lục này sang châu lục kia là có thể. Còn thời chống Mỹ có nhà báo trẻ nói có một hai chiếc đến ném bom là những cựu chiến binh chúng tôi không tin.Bị trải qua mấy chục trận bom B52 của Mỹ như vậy trong chiến tranh thì tôi không thể nhớ hết được. Tôi chỉ nhớ không nguôi nhiều đồng đội từng hy sinh trong những trận bom ấy. Riêng tôi có ba lần bị B52 đánh bom sập hầm và lần cuối ngày 20 tháng 7 năm 1972 ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Một mảnh bom của B52 xuyên qua hai liệt sĩ là Nga và Ngọ chiến sĩ của tôi rồi nó nằm lại trong cơ thể tôi. Tôi may mắn được đồng đội nhanh chóng cứu chữa để sống sót đến hôm nay.

Ở quê nhà (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang ,tỉnh Hà Tĩnh) năm 1967 cũng bị B52 bay cao rải bom dọc sông ngàn sâu đã giết chết nhiều người trong đó có gì Ngụ và hai em con gì của tôi cũng chết do bom B52 của Mỹ.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "B-52" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn