Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo tiêm vaccine COVID-19: Bài 2: Cảnh giác ‘thông tin trôi nổi’ về vaccine phòng COVID-19

Thúy Hà – Đình Nam

11/07/2021 10:59

Theo dõi trên

Việc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 và quản lý người được tiêm vaccine tuân theo quy trình chặt chẽ. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn...

 

Người dân cần đến các cơ sở y tế được cấp phép để tiêm chủng. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đây là khẳng định của đại diện một số bệnh viện được Bộ Y tế chỉ định thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 khi phóng viên Báo điện tử Chính phủ tìm hiểu về thông tin lừa đảo tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua.

PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng (Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) cho biết, ngay từ khâu lập danh sách người đăng ký tiêm phải tuân theo đúng quy định và có xác nhận từ cơ quan chủ quản. Đơn vị tiêm chủng sẽ rà soát lại danh sách đối chiếu với người đến tiêm và chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân.

Đối với vaccine phòng COVID-19, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân khẳng định các lô vaccine nhập về Việt Nam không chỉ qua kiểm định của Bộ Y tế mà còn liên quan đến các điều kiện, quy định bảo quản, vận chuyển nghiêm ngặt.

 “Giả sử có vaccine xách tay, hay mua qua suất ngoại giao thì vận chuyển, bảo quản như thế nào, kiểm định ra sao? Vaccine rất dễ bị mất dược tính, tác dụng nếu không được bảo quản đúng cách”, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân đặt vấn đề và khuyến cáo người dân khi tiêm, không chỉ vaccine phòng COVID-19 mà bất kỳ vaccine nào, cần tìm hiểu vaccine đó đã có sự phê duyệt hoặc kiểm tra, kiểm định của Bộ Y tế hay chưa.

Đồng tình với trao đổi của PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân, Đại tá, TS. Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho rằng hiện nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân rất lớn nhưng lượng vaccine về Việt Nam chưa nhiều nên trên mạng xã hội có thể xuất hiện các hiện tượng rao bán và tiêm dịch vụ.

“Đây là hiện tượng lừa đảo. Khi nhận được những thông tin lời mời chào tiêm vaccine dịch vụ hay tiêm vaccine xách tay, người dân tuyệt đối không tin. Vaccine phòng COVID-19 hiện nay ở nước ta phải thông qua Bộ Y tế kiểm duyệt về chất lượng, phân phối”, Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định.

Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh phân tích thêm: Nếu không kiểm soát được nguồn gốc của vaccine, việc bảo quản vaccine cũng không bảo đảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vaccine.

Mặt khác, nếu có vaccine  xách tay thì vaccine đó sẽ được tiêm cho người dân ở đâu? Các cơ sở đó có an toàn không, có được cấp phép của Bộ Y tế, nhân viên có được tập huấn, đào tạo, các trang thiết bị có đủ để xử trí người được tiêm nếu xảy ra các phản ứng không mong muốn hay không? Hiện nay, các điểm được phép tiêm vaccine COVID-19 đều phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định như nhân lực phải được tập huấn, đủ trang thiết bị để hoạt động tiêm và hoạt động cấp cứu, có cán bộ chuyên môn sẵn sàng xử trí nếu có phản ứng sau tiêm.

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, những điểm tiêm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đều tuân thủ quy trình người được tiêm phải được đăng ký trước đó, có  xác nhận của đơn vị quản lý. Khi khám sàng lọc, người đi tiêm phải được tư vấn kỹ tiền sử dị ứng, mắc các bệnh mãn tính, bệnh lý nền, đã mắc COVID-19 trước đó hay không…

“Các liều vaccine khi tiêm tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đều được tiếp cận, bảo quản, vận chuyển theo quy trình rất chặt chẽ. Khi xuất vaccine, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) đều có phiếu xuất, phiếu lĩnh đầy đủ số lượng liều… và khi sử dụng đơn vị có ghi chép đầy đủ”, Đại tá, PGS.TS Phan Quốc Hoàn (Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108) thông tin thêm.

Bên cạnh đó, những người đã tiêm vaccine sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêm theo mẫu quy định tại Quyết định 2995 của Bộ Y tế ngày 18/6/2021 gồm thông tin cá nhân, ngày tiêm mũi 1, mũi 2, tên vaccine, lô sản xuất, nước sản xuất… Tất cả các thông tin tiêm chủng của người dân đều được đẩy lên trang web hồ sơ sức khỏe toàn dân, như vậy, không thể nào làm được giấy chứng nhận giả đã tiêm vaccine.

Tương tự, Giấy chứng nhận tiêm vaccine do Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cấp theo số lượng danh sách tiếp nhận từ Cục Quân y. Chứng chỉ này được làm từ phôi cứng, được cập nhật danh sách tiêm từ trước đó nên rất khó làm giả.

Đại tá Phan Quốc Hoàn tin tưởng, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong năm nay có thể 70% người dân sẽ được tiêm ít nhất là 1 mũi vaccine phòng COVID-19.

Vì vậy, người dân cần bình tĩnh và chờ đến lượt tiêm của mình, có vaccine nào thì tiêm vaccine đó, không nên lựa chọn vaccine, vì tất cả vaccine về Việt Nam đều thông qua Bộ Y tế kiểm duyệt chất lượng.

“Việc quảng cáo vaccine trên các trang mạng xã hội đều là những thông tin không chính xác, thậm chí vi phạm pháp luật, nên người dân cần tỉnh táo, và cần kiểm tra kỹ lại khi nhận được những không tin mời chào đó, thông tin đến cơ quan chức năng như công an hay Bộ Y tế”, Đại tá Phan Quốc Hoàn trao đổi.

Cảnh giác trước các thông tin không chính thống, mạo danh

Đại diện hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vaccine là một dạng hàng hóa rất đặc biệt. Tất cả vaccine nói chung hay các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép, hiện nay mới chỉ có mấy loại vaccine COVID-19 được cấp phép khẩn cấp trong điều kiện phòng chống dịch. Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) kiểm soát cấp phép lưu hành. Các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định quốc gia Vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định.

Đồng thời, tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh với điều kiện rất khắt khe, từ 2-8 độ C, hoặc có những loại cần bảo quản ở nhiệt độ sâu đến âm 70 độ C để bảo đảm chất lượng vaccine được tốt nhất, vaccine đạt hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó là những yếu tố khắt khe về thời gian rã đông, thao tác mở lọ vaccine, tiêm vaccine... phải đúng quy trình thao tác chuẩn.

Vì vậy, người dân cần cảnh giác trước các thông tin không chính thống, mạo danh mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 đang lan truyền hiện nay. Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy cơ sốc phản vệ hoặc thậm chí biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng, người dân cần liên hệ chính quyền và cơ quan y tế để xác minh thông tin, hoặc thông báo đến cơ quan công an để tố cáo các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua đăng ký tiêm vaccine COVID-19.