Bé cái lầm hay phải có một người yêu mình

Trịnh Xuân Tiến

28/07/2022 08:13

Theo dõi trên

Ngày ấy chả hiểu sao trong các quán cà phê hoặc chè chén, người ta hay luận bàn thơ Đoàn Thị Lam Luyến thế không biết. Một nữ sĩ, những vần thơ mạnh dạn và đầy ấn tượng về tình yêu trai gái chăng?

Chả biết nữa. Nói về nữ sĩ, một nhà thơ nổi tiếng thần đồng từng phát biểu, đại loại, Đoàn Thị Lam Luyến ý à, hơi bị tốn giai đấy. Và những bài thơ, vần thơ đầy dạn dĩ luôn được gán cho nữ sĩ này.

Từng nghe một chuyện về cái ngộ nhận ấy. Chả là một hôm ông bạn lính Nguyễn Trọng Thảo nghe chúng bạn đọc thơ nàng. Đến một bài, vừa nghe mấy câu Thảo đã bảo, “Sai toét! Bé cái lầm rồi.” Đó là bài thơ với câu cuối nổi tiếng, “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.” Cãi không nổi, Thảo điện thoại cho tôi để kiếm đồng minh. Tôi bảo, “Đúng rồi. Đó là bài của Dư Thị Hoàn, cũng một nữ sĩ, người đất Cảng (cách vắn tắt gọi Hải Phòng). Gai ngạnh lắm, kém gì Đoàn Thị Lam Luyến đâu.

ch1dvh2-1658970680.jpg
Cô gái ngồi viết và hoa phượng. Ảnh do tác giả sưu tầm trên mạng.

 

Một lúc, lại léo nhéo. Một bài thơ khác. “Tao bảo chả Dư chả Đoàn gì cả nhá. Là của thằng bạn tao. Thằng Tiến Thọt.” Mãi mới nhớ ra cái không gian và thời gian khi ngẫu hứng ra bài thơ ngộ nghĩnh ấy. Mà đúng mình làm thật. Có điều khi đó đọc từng câu, quên béng đó là một bài. Quên béng đó là của mình. Và càng không nghĩ, chúng bạn lại đem truyền lan rộng đến thế.

Số là hôm ấy, tôi với Thảo và mấy lính cả cựu lẫn đương ngồi chuyện gẫu ở quán cà phê nhà Bình Toại (Phan Kế Bình, con út của bà út cụ Phan Kế Toại). Hôm ấy, đâu như còn có mấy bạn khác, trong đó có Đỗ Khắc Tái và Nguyễn Thụy Kha, chàng nhạc sĩ lính của bài hát trẻ thơ “Gió có gì lạ…” Cũng phải thêm, chàng lính thành danh nhạc sĩ là bởi bài hát với vô số “có gì lạ.” Tái dẫn ra, nào én, nào bút, nào bài hát… Song chỉ nhớ đến gió, nào phải vì “thổi khăn quàng bay.” Mà chính vì có gió thì mới có “phải gió,” mới có câu mắng yêu của các bà các cô, “Phải gió cái nhà anh này.”

Nhà anh Bình, lúc sinh thời anh chả hiểu sao cánh lính trong Thành (thành Hà Nội), bên an ninh và giới văn nghệ sĩ Hà thành hay tụ hội. Không ít khi có cả những nhân vật nổi tiếng từ lâu, như cụ nhà thơ Hoàng Cầm của Lá diêu bông thứ thiệt, chứ không phải cái Lá diêu bông của Trần Tiến. Rồi một nhà thơ cỡ cha chú khác là cụ Thu Bồn, song bọn trẻ cũng chẳng tha với câu thơ đùa “Ái Vân ngồi cạnh Thu Bồn, Thu Bồn tí toáy sờ… tay Ái Vân.”

Có mấy nhân vật gần như thường trực, là Thận (Nguyễn Kim Thận) cùng đơn vị tôi, Việt Đen (dân công an, chuyên quản lí súng săn) và Hùng (bên an ninh), người luôn mồm cái bài nhái, “Nếu không yêu thì thôi, sao nàng còn suỵt chó cắn quần tôi…” Tất nhiên, một trong những chủ đề hót là thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Với những vần thơ vừa gai góc vừa phá cách, lại nói hộ những bức xúc nhiều điều.

Đó là cái thời buổi khó khăn. Sĩ quan được phát thứ quân phục không thoát mồ hôi, cứng như mo nang. Khối chàng ống quần thủng lỗ chỗ vì tàn thuốc rơi vào. Thế nên, toàn đem bán lấy tiền ăn nhậu, kể cả quần đùi. Lính nghĩa vụ còn tệ hơn, quần áo dầy như mo nang, cứng xều xều, chưa giặt đã ố vàng. Lương thực có gì ăn nấy, không ít chỗ ăn độn cả khoai tây bi. Một anh bạn bảo, ngay trạm khách tại Sài Gòn của Bộ Tổng Tham mưu món ruột cũng chỉ bo bo và đặc sản mắm tôm phi mỡ hành, thơm điếc mũi. Đó là khi Miền Nam nổi lên với di tản và nạn kiều, miền Bắc với đường biên căng như dây đàn, và cũng lại chuyện người Hoa. Bộ đội ra quân hàng loạt, với bài vè hầu như ai cũng thuộc bắt đầu bằng “Đầu đường đại tá bơm xe…”

Thảo được anh Bình tôn vinh là ánh sáng ban ngày. Vì sớm từ lính chuyển ra làm bên thủy sản. Nhờ thế, thỉnh thoảng lại cung cấp cho cả hội ít nước mắm, tất nhiên chất lừ, hoặc tha đến một con cá biển to tướng. Để… nhậu. Và lúc nhậu cũng là khi đem ra tán đủ thứ chuyện trên đời. Một hôm, chả hiểu sao, câu chuyện lại xoay sang bàn về cái sự yêu và được yêu.

Cuộc sống lúc ấy vất vả cay cực thế. Vẫn may, người ta ít nhất cũng còn một điểm tựa riêng. Ai chả có chí ít một người đang yêu thương, trông cậy, tin tưởng nơi mình. Người đó nào biết là mẹ, là cha, là vợ, là con… và có thể là một ai đó khác giới, khó định nghĩa về quan hệ, song dường như cặp mắt luôn trông tới mình. Chắc chắn là ai cũng có. Đó là cái nguyên cớ khiến ta phải cố ưỡn ngực ra mà sống. Nghiến răng mà sống. Ngậm đắng nuốt cay mà sống.

Nghe mấy câu thơ về mía ngọt và ngô bùi của nữ sĩ họ Đoàn, tôi buột miệng, “Phải có một người yêu mình, để yên tâm mà sống.” Nghe thế, một bạn cười nhẹ, “Thế chả sống được thì sao?” Lại đọc, “Phải có một người yêu mình để yên tâm mà chết.” Lính khác lắc đầu, “Chết được đã may. Phần đa là sống chả xong mà chết cũng chả xong.” Nghe đến đấy tôi buột mồm, “Phải có một người yêu mình để yên tâm mà nửa sống nửa chết.” Cả hội phá lên cười. Được đà tôi như lên đồng, đọc liền một mạch, nhấn từng tiếng:

“Phải có một người yêu mình

Để yên tâm mà sống

Phải có một người yêu mình

Để yên tâm mà chết

Và phải có một người yêu mình

Để yên tâm mà dở sống dở chết

Túm lại, cứ phải có một người yêu mình cái đã. Còn người đó là ai, tùy.”

Không nghĩ đó là một bài thơ, song sau khi cười chán chê, thế quái nào lại được gật gù. Thế rồi được đem truyền lan, thêm bớt không ít mỡ dầu mắm muối. Để có sức nặng, cái gọi là bài thơ ấy được gán cho Đoàn Thị Lam Luyến. Có nhẽ vì gai góc chăng. Rồi chả biết thế nào nó đến tai Thảo. Ông bạn bật cười, kể hết từ đầu chí cuối những câu thơ gốc và hoàn cảnh ra đời, cũng như cái gọi là tác… thật. “Bạn tao, nhá. Chứ đâu phải là tác… giả.”

Nghe chuyện Thảo, tôi phì cười, “Bé cái lầm. Toàn hóng ý mà. Ở Hà thành chuyện như rứa gặp đầy. Ấm dẫm làm qué gì.” Nhưng ông bạn bảo, “Khối ông gọi là nhà thơ, có hẳn bài trong sách giáo khoa, bắt trẻ học ra rả mà nào có đứa nào thèm nhớ. Còn thơ mày, dù con cóc còn gọi bằng cụ, nhưng chúng nó vẫn sướng, vẫn thuộc. Dù chả thèm nhớ đứa nào bịa ra.”

Ô hay, ông bạn tôi. Cái thứ thơ thẩn trà dư tửu hậu này ai làm ra lại quan trọng đến thế ư? Rồi cũng trôi qua, cũng quên béng ngay í mà. Tôi cũng chả nhớ mình đã “tối tác” chúng vào lúc nào nữa. Mà đúng ra, đó là một sản phẩm tập thể. Không có những câu hỏi tréo ngoe của chúng bạn, sao có được cái gọi là bài thơ quái lạ ấy.

T.X.T

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Bé cái lầm hay phải có một người yêu mình" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn