“Bê trọc” là nhật ký thời chiến của một tác giả vừa cầm súng, vừa cầm bút

Nhuần Đàm

04/09/2022 16:33

Theo dõi trên

Có lẽ tôi đã gặp may nên mới được đọc tiểu thuyết "Bê trọc" của nhà văn Phạm Việt Long. Đó là những trang viết về hình tượng người lính ở chiến trường (trên đường hành quân vào mặt trận phía Nam, sau đó hoạt động nằm vùng trong dân cho đến ngày toàn thắng).

Theo như lời bình của nhà thơ Phạm Thành Trai (đồng đội cùng chiến trường của tác giả): "Một Lev Tolstoy của những trang sử khu 5 anh hùng, người viết sử Bình Định không phải bằng mực là bằng "máu tim" mình...". Còn lời bình của tôi là: "Một Mikhail Sholokhhov (tác giả cuốn Sông Đông êm đềm) bởi tính hiện thực sâu sắc, với tất cả sự thật, dù có tàn nhẫn..."

kk-1663074193.png

Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật kỳ chiến trường của một thời máu và hoa

Nếu sự so sánh này có chút khập khiễng thì chỉ khác ở nội dung, đề tài khai thác, còn ở bút pháp và bản chất, có thể khẳng định được điều này.

 Khi nói đến một suy nghĩ duy nhất, thì đó là: cảm phục và ngưỡng mộ - chắc vẫn chưa đủ, bởi vì những trang viết mang tính hiện thực sâu sắc đến nỗi, nếu cho phép tôi sẽ nói: "đã giúp cho thế hệ mai sau hiểu được cội nguồn lịch sử của dân tộc...".

Với vai trò trách nhiệm của một phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, tác giả đã dấn thân vào máu lửa để có vốn sống ở chiến trường, sau đó trút xuống trang viết một khối lượng khổng lồ về tư liệu, kèm theo chủ trương đường lối của Đảng, phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương.

Ghi chép trong bảy năm và hoàn thiện tác phẩm trong một năm, đó là tâm huyết là đam mê của một người cầm bút có Tâm và có Tầm.

 Đúng là "chuyện đời thường trong chiến tranh" nhưng với những bước khởi đầu của những người lính bước vào trận chiến, với bao khó khăn gian khổ thiếu thốn, thử thách và cái chết luôn rình rập cận kề, là cảnh sốt rét rừng ác tính, lính thương bị nhiễm trùng vì thiếu thuốc, là đói khát, bẩn thỉu, là vắt và muỗi, là những giây phút nhớ nhà, rồi va chạm với giao liên, là cái chết của anh Vò, chị Hạnh - một cái chết bi thương mà bất tử, đã cứa vào cảm xúc của người đọc, là trường hợp của anh hùng Bùi Đức Sơn đã trở thành một huyền thoại,  là chị Vân một phụ nữ kiên cường...khiến ta không khỏi bị ám ảnh và rưng rưng...

Sự thật có thể tàn nhẫn - đó là sự xấu xa, nhỏ nhen ích kỷ và biến chất của một vài người,  nhưng ngòi bút của tác giả đã không ngần ngại để cập đến.

Người đọc đã có những cảm giác căng cứng khi rất thấm thía cái khó chịu ngột ngạt vì thiếu oxy lúc ở dưới hầm bí mật: " chết vì thiếu không khí thì đau khổ biết chừng nào, bởi vì không khí tràn đầy cả trái đất, không khí hào phóng với tất cả các loại sinh vật..." và khi bị cơn sốt rét rừng ác tính tấn công: " còn đau xót nào hơn nỗi đau, khi biết cách cứu được đồng chí mình: chỉ cần ít ký ninh uống, B12 tiêm, là có thể giữ cậu ta lại được, nhưng không có điều kiện để cứu, đành chịu thua thần chết ..." nhưng cũng có những cảm giác vui lây trước tình cảm hồn nhiên và trong sáng của tổ dân công gái xã Mỹ Đức với anh Bảy Trương,  cảm giác thú vị bởi những nét chấm phá về cảnh đẹp thiên nhiên và con người, cảm giác dễ thương với giọng điệu và từ ngữ đặc trưng của mỗi vùng miền, cảm giác hạnh phúc khi đọc những lá thư nhà mà tác giả trích dẫn để khẳng định một phần yếu tố quyết định thắng lợi của người lính chiến trường và cuối cùng là cảm giác trân trọng trước những bức ảnh thực tế ở chiến trường, đó là dáng dấp phong trần của các anh - (người gầy gầy xương xương, chính hiệu là Việt cộng ), là cảnh tự túc trong việc cõng gạo, nấu cơm ăn, vác củi, làm rẫy... tất cả đều có thể nói đó là một di sản tinh thần vô giá.

Có những trang viết, thay vì những dòng đầy ắp về tư liệu, thì ở đây là những dòng chứa chan tình cảm trong quan hệ tình yêu đôi lứa...Điều khác biệt rất thú vị là tác giả - anh Việt Long đã cùng với người vợ trẻ - chị Kim Ngân đi đến tận cùng của cuộc chiến,  khiến người đọc phải ngạc nhiên và qua đó dễ dàng nhận diện được quan điểm và con người của tác giả.

Bản lĩnh của một người chân chính thì trong hoàn cảnh nào họ cũng tỏa sáng và giá trị của tác phẩm là ở chỗ: giúp cho chúng ta hiểu thêm giá trị của cuộc sống hôm nay...

Nếu không nhầm thì chưa có tác phẩm nào lột tả hết được những gì về nếp sống sinh hoạt, tình cảm và bí ẩn trong sâu thẳm của con người - chân thực đến vậy...

"Bê trọc" đã được chuyển thể thành phim truyện  "Nhật ký chiến trường" gồm 4 tập, chiếu nhiều năm trên VTV1 và nhiều Đài truyền hình địa phương

Tác phẩm  còn được dựng phim tài liệu: "Giá trị muôn đời - tập1 (và 2)". Bao giờ cũng vậy, tôi thường có cảm xúc đặc biệt đối với các phim tài liệu và tôi đã được thưởng thức hai tập phim này trên youtube.com với cảm giác bị lôi cuốn và rưng rưng...

Tác giả - anh Phạm Việt Long - đã cùng lúc mang hai chức danh : cầm súng và cầm bút. Thêm nữa, anh còn là người "Ba trong một" như đồng nghiệp anh đã từng nói, đó là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ và gần đây đang có dấu hiệu là thi sĩ nữa.

Xin được gửi lời cảm ơn và chúc anh cùng gia đình luôn vui khỏe, bình an và hạnh phúc.

Bạn đang đọc bài viết "“Bê trọc” là nhật ký thời chiến của một tác giả vừa cầm súng, vừa cầm bút" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn