Ca sĩ Chiến Chapi: Người mang ẩm thực Thái đến giữa lòng Thủ đô

Ngô Khiêm

25/10/2022 11:26

Theo dõi trên

Từng lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi Sao Mai năm 2005 và giành giải Ba Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2008 với ca khúc “Giấc mơ Chapi”, bởi vậy ca sĩ Khoàng Văn Chiến (người dân tộc Thái) được nhiều người yêu mến gọi với cái tên Chiến Chapi. Sau nhiều năm ca hát, anh đã chuyển sang kinh doanh nhà hàng với giấc mơ mang ẩm thực người Thái đến giữa lòng Thủ đô.

ca-si-1666671877.jpg
Ca sĩ Chiến Chapi đam mê với nghệ thuật ẩm thực

 

Khoàng Văn Chiến sinh năm 1982 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở thị xã Mường Lay (Điện Biên) khi bà nội và bố anh đánh đàn tính tẩu rất giỏi. Anh cũng từng được gia đình định hướng làm thầy giáo thế rồi âm nhạc đã bám riết lấy cuộc đời anh. Sau khi học hết phổ thông trung học, Khoàng Văn Chiến thi tuyển về Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng (nay là Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên). Công tác được một thời gian, anh nhận ra rằng việc hát một cách bản năng sẽ khó có thể tiến xa. Bởi thế, anh đã xin đi học và thi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, năm 2005 dưới sự giảng dạy của Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Chung, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cũng trong thời gian này, được sinh sống ở Thủ đô, được các thầy cô, bạn bè động viên, khuyến khích, nam ca sĩ người Thái đã mạnh dạn đăng ký thi Sao mai năm 2005. Do yêu thích và thấy hợp giọng với ca khúc “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến nên anh đã chọn hát ca khúc này trong cuộc thi âm nhạc lớn nhất cả nước và kết quả cuối cùng anh đã lọt vào vòng Chung kết. Ca khúc này tiếp tục mang đến cho anh Giải ba trong Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2008.

Khi thời gian học tập đã hết, anh trở lại công tác tại Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng cho đến năm 2014 thì rời Đoàn. Anh bắt đầu mơ về môi trường nghệ thuật lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, được tự do, tự tại phát triển giọng hát và những sở thích riêng mà một trong những sở thích riêng đó là kinh doanh ẩm thực Tây Bắc. Anh bảo: “Cùng với văn hóa, chữ viết thì ẩm thực dân tộc Thái ở Tây Bắc có từ ngàn đời. Đặc sản dân tộc Thái rất hay, rất ngon, rất hấp dẫn và thú vị. Tôi đã rất ấn tượng với những món ẩm thực mà bà, mẹ nấu cho ăn từ tấm bé, như cá nướng, thịt trâu nướng ma khén, vịt suối cổ xanh đến các món lợn quê, gà đen, thắng cố, dê… Từng sống ở Thủ đô mấy năm nên tôi càng thấu hiểu được việc có những nhà hàng mang tiếng là ẩm thực Tây Bắc nhưng lại không phải vậy. Chính vì thế tôi muốn mở nhà hàng ẩm thực Tây Bắc ở Thủ đô để bà con Tây Bắc sinh sống ở Hà Nội có thể được thưởng thức hương vị quê nhà cho bớt nỗi nhớ quê. Còn với người dân Thủ đô và cả nước thì thì biết đâu qua món ăn Tây Bắc, họ có thể hiểu, yêu hơn đồng bào Tây Bắc”.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tôi vô cùng phấn khởi khi được đến tham dự khai trương nhà hàng mới của anh tại phố Trung Yên 9 (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đó là một cơ sở khang trang, sạch sẽ nằm ở ngã tư con phố sầm uất. Hôm đó, Chiến Chapi cười rất tươi, khách hàng đến nườm nượp. Nhưng tôi biết để mở được cơ sở này, anh đã từng mở 2 cơ sở với bao vất vả, lo toan và cả những thất bại như anh chia sẻ là “phải đi biểu diễn để mua từng cái bát, cái bàn…”. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh lo “méo mặt” khi không có show biểu diễn và nhà hàng cũng phải đóng cửa. Nhưng hôm nay, khi ánh nắng đã hửng lên, anh đã hoàn toàn tin tưởng về một cơ sở làm ăn phát đạt.

Có hôm tôi đến nhà hàng của anh thì thấy anh đang say sưa gảy đàn ghita và hát những ca khúc về miền Tây Bắc cho thực khách nghe. Vừa được ăn món ăn ngon, rõ xuất xứ, nguồn gốc và lại được nghe chính “ông chủ” hát… là những “điểm cộng” để nhà hàng thu hút lượng khách lớn. Tôi biết nhà hàng của anh mới khai trương nên cần nhiều việc phải làm như việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp hơn rồi việc phải sắp xếp, bố trí bàn ghế sao cho hợp lý hơn… Dù còn nhiều việc phải lo nhưng trò chuyện cùng anh, lúc nào cũng thấy một nguồn năng lượng tích cực được tỏa ra, một điều gì đó rất… Tây Bắc.

Anh chia sẻ: “Mỗi người có cách riêng để thể hiện tình yêu của mình với quê hương còn tôi thì muốn hướng về Tây Bắc bằng việc làm cụ thể. Kinh doanh nhà hàng, tôi không quá đặt nặng vấn đề kinh tế mà điều quan trọng là phải để khách hàng ra về với sự vui vẻ từ món ăn đến cung cách phục vụ và đặc biệt phải làm sao để tình yêu với Tây Bắc trong mỗi thực khách lớn dần lên sau mỗi lần đến. Hiện tại, tôi không giàu có mà chỉ là rất thoải mái, rất hạnh phúc khi được làm việc mình yêu thích. Ca hát và ẩm thực là niềm đam mê của tôi. Tôi mong muốn lan tỏa 2 điều này đến với mọi người”.

7 năm đến với việc kinh doanh nhà hàng là thời gian không dài nhưng đủ để Chiến Chapi hiểu giá trị cốt lõi mà mình đã và đang mang đến cho khách hàng. “Khách hàng đến với chúng tôi đều có phản hồi tích cực. Chúng tôi không chạy theo thương mại mà luôn lấy chữ tín lên hàng đầu. Tôi đặc biệt chú trọng đến việc nhập nguồn nguyên liệu rõ nguồn gốc, chất lượng, mang đúng bản sắc của người Tây Bắc. Là ca sĩ mở nhà hàng nên tôi nghĩ mình có nhiều lợi thế nhưng dù sao muốn khách hàng đến với mình thì điều quan trọng là mình phải bộc lộ được cái tâm trong sáng, cái sự thật thà, nhiệt tình và lòng mến khách vốn có của người Tây Bắc”, nam ca sĩ 8X nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Ca sĩ Chiến Chapi: Người mang ẩm thực Thái đến giữa lòng Thủ đô" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn