Cái lon đong gạo ( ống bơ)

Lệ Thủy

27/06/2022 17:00

Theo dõi trên

Không biết từ bao giờ đã có cái lon đong gạo. Ngày tôi biết giúp mẹ nấu cơm thì tôi đã thấy cái lon đong gạo bằng sắt ấy. Nó được tận dụng từ lon sữa bò hiệu Ông Thọ.  Khi tôi thân thuộc thì thấy cái lon đong gạo đã cũ xỉn màu rồi.

ong-bo-1656323957.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Kĩ thuật làm cái lon này cũng vô cùng đơn giản. Ba tôi đi xin ở đâu đấy một lon sữa bò đã dùng, về nhà cặm cụi mài dũa. đầu tiên là úp đầu nắp lon đã khui xuống mặt đá. sau đó ma sát mặt lon với tảng đá cho phần viền miệng lon mòn đi. thế là nắp lon sữa rơi ra. làm cách này sẽ rất an toàn khi sử dụng. đường viền khi mài mòn bo cạnh, sẽ không còn sắc bén để cứa vào tay. Ba đem rửa sạch sẽ, để khô ráo vậy là dùng được.

Quê tôi, mỗi nhà đều có một cái thạp sành đựng gạo. Sau khi đem lúa đi máy để cho ra những hạt gạo trắng muốt, thì chiếc thạp sành là nơi cất giữ gạo sạch sẽ và tốt nhất. Gạo được đổ vào thạp và cái lon đong gạo được để trên cùng, rồi đậy nắp thạp kín bưng. Không một con gián hay con chuột nào có thể tơ tưởng đến.

Khi nấu cơm, cái lon đong gạo là vật dụng đo lường gạo chuẩn nhất của quê tôi. Nếu nấu một lon gạo, thì có nghĩa là gạo được đong một lon vun có ngọn. Nếu nói nấu một lon cạo, thì gạo chỉ đong vừa đầy đến miệng lon. Tuy nhiên, khi đong gạo vẫn đong lon vun. Sau đó sẽ lấy ngón tay gạt phần gạo vun ở lại thạp. Gạo còn lại vừa đủ đến miệng lon là được, không hơn không kém.

Ngày xưa, các gia đình thường hay mượn gạo của nhau khi trong nhà thiếu gạo. Đó là những lúc giáp hạt hay những khi chưa kịp đi máy lúa.

Nghĩa tình làng xóm khi tối lửa tắt đèn có nhau là như vậy. khi mượn và khi trả đều dùng cái lon đong gạo này.

Những người buôn bán gạo ngày xưa ở quê tôi cũng dùng cái lon này để giao thương chứ ít khi dùng cân kg. Mặc dù vậy, mối liên hệ giữa chiếc cân với cái lon đong gạo cũng rất hay. Cứ mỗi kg tương đương với 4 lon gạo đong vun ( bây giờ qui ước đó không còn nũa ).

nhớ hồi đó mỗi khi có việc cần đúc bánh xèo hay làm các loại bánh khác, chỉ cần nói làm mấy kg thì sẽ qui ra lon để đong ( hồi đó nghèo nên ít nhà có cân lắm ).

Mỗi chiếc lon đong gạo có thời gian sử dụng rất lâu. nhanh thì một năm hoặc lâu hơn.

Khi lon bị gỉ sắt, thủng lổ mới tìm lon sữa bò khác để thay. Càng sử dụng lâu, cái lon đong gạo càng thân thuộc và gần gũi lắm. Lon càng cũ lại được xem là càng đẹp và giá trị hơn. Vì vậy mà trong mỗi nhà, cái lon đong gạo là một vật dụng không thể thiếu và như là kỉ vật của mỗi gia đình vậy.

Ngày nay, trên thị trường sản xuất những chiếc lon bằng nhựa, xô nhựa để đựng gạo đong gạo với nhiều hình thức mẫu mã rất đẹp. Tuy vậy, gia đình tôi vẫn dùng thạp đựng gạo và cả cái lon đong gạo từ lon sữa bò ấy, dù năm tháng đi qua với bao đổi thay.

Chắc rằng sẽ vẫn còn rất nhiều nơi và nhiều gia đình vẫn đang dùng cái lon đong gạo ấy.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cái lon đong gạo ( ống bơ)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn