Quảng Nam: Cắm mốc phân định ranh giới, bảo tồn hệ sinh thái cảnh quan Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)

06/07/2022 13:42

Theo dõi trên

Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã phối hợp cùng chính quyền các địa phương và ngành Kiểm lâm tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn tình trạng xâm lấn và giữ gìn sinh cảnh của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn.

Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) Phan Hộ cho biết: Kết quả điều tra chi tiết vào đầu tháng 7/2022 cho thấy, trong các khu rừng thuộc Khu vực bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam có 37 loài thú sinh sống, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt trong các khu rừng này còn có một số loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: Cu li lớn, Tê tê Zava, Mèo rừng, Cầy hương, Trút và 238 loài thực vật, thuộc 18 chi, 82 họ là những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam. 

Chú thích ảnh Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

 

Để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá này, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn phối hợp cùng chính quyền các xã Duy Phú, Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và ngành Kiểm lâm tiến hành cắm mốc phân định ranh giới giữa khu vực bảo tồn và đất canh tác của người dân để ngăn chặn triệt để tình trạng xâm lấn và giữ gìn sinh cảnh của các loài động, thực vật trong khu bảo tồn.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn rộng hơn 1.160 ha, trong đó có hơn 1.100 ha rừng tự nhiên, thuộc 2 xã Duy Phú và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong 5 năm (2021-2025), Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn được đầu tư gần 100 tỷ đồng để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và quý giá, nhằm góp phần phát triển sản phẩm du lịch, bảo tồn và khai thác có hiệu quả, bền vững Di sản - ông Phan Hộ thông tin thêm.

 

Ngoài việc phân giới cắm mốc, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn còn phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo tồn và ngăn chặn tình trạng săn bắn, khai thác trái phép, góp phần bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là một di tích đặc biệt, không chỉ là quần thể công trình kiến trúc đền tháp mà còn gắn với vùng cảnh quan độc đáo xung quanh. Những thực thể núi, sông, suối nơi đây đều có giá trị về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tạo nên trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất của Vương quốc Champa. Đây là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử quý giá được tỉnh Quảng Nam bảo tồn và khai thác một cách hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Cắm mốc phân định ranh giới, bảo tồn hệ sinh thái cảnh quan Di sản văn hóa Mỹ Sơn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn