Cánh đồng quê hương

Mai Văn Hải

21/08/2021 11:07

Theo dõi trên

Trò chơi thuở bé và những câu hỏi tuổi thơ cứ vậy. Hầu như ở một vùng quê ai cũng chăm chỉ làm lụng và ai cũng nghèo. Mảnh ruộng với người dân quê cũng quen thuộc, gần gũi chỉ sau mảnh sân góc vườn. Nó quen thuộc lắm, họ thuộc từng lỗ cua lỗ chuột trên bờ ruộng nhà mình. Nắng mưa, vất vả gì, mơ mộng hay vui buồn gì, đều ở đó cả.

hoa-muop-1629518806.jpg
 

Hồi còn nhỏ, mỗi khi ra đồng làm việc, tôi thường có một ý nghĩ hay đúng hơn là câu hỏi trong đầu: không biết một ngàn năm trước cái cày cái cuốc có giống bây giờ không? Tôi chẳng hỏi ai vì biết những người lớn là nông dân đang quần quật, kiên trì làm lụng có vẻ không thích đứa trẻ hay hỏi. Cũng việc đi cày bằng trâu bò, và nhà nào nghèo mà có sức khỏe thì còn một người kéo một người cày. Tất nhiên, với người thay cho trâu bò thì đường cày không sâu được, chỉ là xới lên. Cũng việc đi cuốc ruộng thì hàng ngàn, thậm chí cả vạn năm từ khi loài người "phát minh" ra nông nghiệp, cũng tư thế bổ xuống đất ấy, cái cuốc chắc vẫn vậy. Tôi cứ nghĩ vậy mà thở dài thườn thượt cho công việc nhà nông. Cái thở dài ấy, với những người quanh tôi hay gọi là "nhác hay bàn", "dài lưng tốn vải". Những người nông dân mà, có bao nhiêu cảm xúc cực đoan, yêu ghét người ta xả ra ngay. Sau này học lịch sử có những đoạn trích về vua đi cày "Tịch điền" vào năm mới như một nghi thức cầu mong cho đất nước thanh bình, bội thu thì tôi biết, cái cày cái cuốc, ngàn năm trước đã vậy.

Cách thức làm lụng, sản xuất vậy thì nếp sống, điều kiện kính tế cũng chẳng khá hơn là bao. Khi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng vẫn thấy "xe cứu thương " chạy qua xã tôi lên bệnh viện huyện là hai người đàn ông vác cây tre hoặc luồng trên vai; người ốm được đặt vào chiếc võng hoặc tấm chăn buộc chặt hai đầu vào cây luồng. "Xe cứu thương" lủng lẳng bệnh nhân chạy bằng cơm ấy chẳng mang lại cho đứa trẻ bé là tôi chút cảm xúc thương cảm nào ngoài hình ảnh hai người đàn ông, hình như cả đời quần quật nên dai sức, cứ chạy mà không mệt, khuất dần khỏi tầm nhìn trên con kênh liên xã.

Hồi đó, cái trò chơi tuổi thơ cũng đơn giản, tất nhiên là vẫn vui vẻ, hồn nhiên và đầy tâm huyết, ăn thua: chơi vỏ hến. Vỏ hến được tìm trong các đống cát sông. Cứ bới trong đống cát là vỏ hến hiện ra và khi nào được cái vỏ hến to thì chao ôi là sung sướng. Những cái đó sẽ là vốn để lũ trẻ đánh với nhau. Vỏ hến được đặt úp xuống đất, đứa cùng chơi dùng vỏ hến của mình đánh cho vỏ hến của bạn lật ngửa lên là "ăn". Những con hến "to ền" lũ trẻ chúng tôi gọi vậy với cái vỏ to được đem ra chơi sau cùng vì tiếc.

Trò chơi thuở bé và những câu hỏi tuổi thơ cứ vậy. Hầu như ở một vùng quê ai cũng chăm chỉ làm lụng và ai cũng nghèo. Mảnh ruộng với người dân quê cũng quen thuộc, gần gũi chỉ sau mảnh sân góc vườn. Nó quen thuộc lắm, họ thuộc từng lỗ cua lỗ chuột trên bờ ruộng nhà mình. Nắng mưa, vất vả gì, mơ mộng hay vui buồn gì, đều ở đó cả.

Nói chuyện ruộng đất, có lần khi tôi là sinh viên, tôi đi nghe một hội thảo khoa học. Người trình bày đưa ra quan điểm rằng ruộng đất bây giờ không còn nhiều ý nghĩa với người nông dân. Khổ thân anh ta, cả hội trường ào lên phản đối. Rồi các báo cáo khoa học sau dù không trực tiếp liên quan nhưng cũng gián tiếp bác bỏ luận điểm này. Toàn là các nhà nghiên cứu, phân tích nhiều chiều cạnh lắm để thấy vai trò của đồng ruộng với người nông dân từ lịch sử đến hiện đại, từ khía cạnh văn hóa rồi xã hội đến khía cạnh kinh tế. Tôi nghe vậy và nhớ mãi.

Các vị ngồi bàn giấy máy lạnh thì tranh cãi, còn thực tế thì đang diễn ra trên những cánh đồng. Cái trò chơi thuở bé bằng vỏ hến của lũ trẻ quê rồi cũng dần quên lãng. Quên như trò chơi ô ăn quan, đánh khẳng, đánh đáo, đánh cù... không còn được lũ trẻ ngày nay biết đến. Suy đến cùng trò chơi thuở bé của anh phu kéo mo cau chở theo cô khách nghèo cũng phải gác lại để cô đi lấy chồng vậy.

Dĩ nhiên, quá trình thay đổi có vật vã, có khó khăn bởi cái quy luật muôn đời rằng tiền sinh ra tiền, nghèo sinh ra nghèo và thất học thì sinh ra...mù chữ. Nhưng nó vẫn âm thầm diễn ra theo kiểu một người nông dân tự nhận ra: ngày xưa mình kém thật, cả ngày chỉ lo lên đồng đầu tắt mặt tối mà nghèo vẫn hoàn nghèo, giờ chúng nó làm ăn nhẹ nhàng mà bét ra cũng tiền trăm bỏ túi trong ngày. Cái kém đó là bối cảnh, là thời thế và vận động của xã hội. Con cá quen sống trong bể thì khi được thả ra hồ nước nó cũng phải bơi như trong bể nước đã mới dần bơi xa. Cách tính toán làm ăn của người nông dân cũng cần có thời gian thích nghi và thay đổi cả trên bình diện cá nhân và xã hội vậy.

Ruộng đồng quê tôi giờ bỏ hoang nhiều dù sản xuất nông nghiệp người ta đã dùng máy móc cả. Người nông dân chỉ cần làm phép tính đơn giản trên một sào ruộng mỗi vụ được vài ba tạ thóc, thu về không đủ tiền giống, phân bón, thuê cày, thuê gặt... Vậy thì đồng ruộng bỏ hoang có gì là lạ. Nguồn nhân lực địa phương trước kia vào nam làm công nhân; giờ thì công ty may về tận địa phương xây trụ sở, về tận đầu làng phát tờ rơi tuyển công nhân. Đi làm công nhân, không quá vất vả mà mỗi tháng cũng kiếm được dăm bảy triệu. Trong bối cảnh cảnh dịch bệnh hiện nay thì những người "chuyển đổi" này xem ra là những người may mắn nhất.

Bao nhiêu nghìn năm nhỉ, người nông dân giờ không còn sáng sớm cùng con trâu làm quần quật trên cánh đồng của mình mà phóng xe máy ào ào lên công ty, nhà máy làm việc. Tôi chợt nghĩ khéo một lúc nào đó lũ trẻ chẳng biết cái cày cái cuốc như chưa từng nghe đến cái cù, cái khẳng.

Cánh đồng Châu Âu thường tuyết trắng trời trong mùa đông và người nông dân của họ cũng đón Noel trong ngôi nhà mái dài phủ tuyết nhưng đầy ấm áp, an lành với cây thông nhấp nháy. Bao nhiêu cái xinh đẹp, cái tuyệt vời cánh đồng ấy chờ đến mùa xuân để rừng hoa táo bung nở, bạt ngàn ngô và mỗi cây ngô ngọt cao vài ba mét. Thỉnh thoảng vài ba con hươu trên cánh đồng ấy hứng chí chạy thi với đoàn tàu liên thành phố phía xa xa. Cánh đồng của chúng ta giờ có vẻ chưa thành những vùng chuyên canh lắm mà vẫn còn ô còn thửa cho vài ba ông bà nông dân trong làng còn sót lại. Họ là những người đã cao tuổi chẳng thể đi làm công nhân và cũng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Tập quán ngàn năm tự cung tự cấp nên mẩu ruộng cũng bé để mỗi thứ trồng một chút chăng.

Quê hương giờ rõ ràng chưa giàu nhưng quá trình thay đổi là rõ nét. Bên cạnh việc phát triển thì cần chú ý tới chất lượng cuộc sống, hạn chế tàn phá môi trường bằng hóa chất, thuốc trừ sâu... cũng là góc cạnh khác khi tôi nghĩ về quê hương. Các bà các mẹ ở quê giờ hay trồng cây trái trong vườn, nuôi gà nuôi cá để không phải mua là vì ngại đồ ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi còn nhỏ, vào vụ lúa trổ, tôi vẫn thường được người lớn bắt cho những con cà cuống hoặc trứng của nó đẻ trên lá lúa. Cà cuống nướng lên dầm phần đuôi của nó với mắm thính hay còn gọi là mắm moi ăn rất thơm nồng, hợp vị. Giờ thì bói cũng không ra con cà cuống trên đồng. Có lẽ hóa chất, môi trường sống và sự tận diệt cả trứng của nó đã làm nó biến mất. Lớn lên một chút, khi đi chăn trâu chăn bò, tôi chứng kiến những mương nước tưới tiêu trên đồng ngập vỏ thuốc trừ sâu. Vậy nên, bên cạnh sự phát triển về lượng còn cần cả về chất. Chất ở đây là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững.

Làng quê, có lẽ không chỉ là tình cảm mà còn là minh chứng cho sự thay đổi. Quê hương thay da đổi thịt thì cánh đồng cũng khác đi. Hơn nữa, những tiềm năng của đồng ruộng trong sản xuất hàng hóa nông sản sạch và giữ gìn theo hướng phát triển bền vững, không hủy hoại môi trường bằng khai thác tận diệt và hóa chất độc hại cũng là một nguồn lực cho sự phát triển vậy. Trái ngon quả ngọt, sản vật quê hương từ làng quê ra siêu thị, đến mâm cơm các gia đình, còn điều gì ý nghĩa hơn như thế?

Vài dòng lan man ngày cuối tuần bên tách trà, ngắm nắng thu sáng trong mà nhớ quê hương. Tôi bấm bằng điện thoại nên không phải lúc nào cũng chính xác câu chữ xin được lượng thứ.

21/8/2021- MVH

 

Bạn đang đọc bài viết "Cánh đồng quê hương" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn