Câu chuyện tình yêu của anh lính sinh viên

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nọi

05/10/2022 08:25

Theo dõi trên

Lứa sinh viên đại học Tổng hợp Hà Nội, đại học Bách khoa Hà Nội nhập ngũ ngày 23 tháng 9 năm 1972 không “may mắn” như lứa sinh viên cùng trường nhập ngũ tháng 5 năm 1972.

Lứa sinh viên nhập ngũ tháng 5 năm 1972 đa phần đi học tên lửa SAM3 ở Liên Xô, tháng 12 năm 1972 trở về nước nhưng không phải tham chiến “Điện Biên Phủ trên không” vì vũ khí chưa về kịp. Những sinh viên nhập ngũ đợt tháng 9 năm 1972, một số anh được giữ lại ở miền Bắc để đào tạo tiểu đội trưởng hoặc về trường đại học quân sự… còn đại bộ phận là phải hành quân bộ vào chiến trường B2. Bên cái rủi lại có “cái may”, họ được cùng nhau tận hưởng chuyến hành quân bộ xuyên dãy Trường Sơn gần như là cuối cùng của bộ đội miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Những người lính sinh viên đó lại cùng nhau được bổ sung về Trung đoàn 271, chiến đấu ở mặt trận Quảng Đức, Đắk Nông ngày nay. Kết thúc chiến tranh, nhiều anh trong số đó lại cùng nhau khuấy động trái tim của những thiếu nữ; nữ sinh vốn dễ rung động của Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Đước, Rạch Kiến (Long An) – lính sinh viên là thế.

dvh1aq1-1664932935.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trước khi nhập ngũ, anh Nguyễn Hữu Thanh học trên tôi hai lớp ở Khoa Lý, tôi học Lý 1 còn anh Thanh học Lý 3. Anh Thanh lớn hơn tôi ba tuổi, quê ở Duy Tiên (Hà Nam). Không biết có phải vì anh cùng quê với nhà thơ Nguyễn Khuyến và nhà văn Nam Cao không mà anh cứ tếu táo cũng thành thơ mặc dù học Vật lý. Sáu tháng hành quân trên Trường Sơn, sốt rét quật lên quật xuống, nhiều khi phải chống gậy mới đi nổi và lết bết trong nhóm thu dung vậy mà anh cũng viết xong một quyển sổ thơ. Thật tiếc là là quyển thơ anh viết trên Trường Sơn bị thất lạc chứ nếu còn chắc nhà thơ Đặng Vương Hưng lại có thêm một sưu tầm để đời. Tôi nhớ một câu thơ trong tập thơ của anh viết mà như viết cho tôi:

“Đi đánh trận giữa bụi mù cơn lốc;

Lại bồi hồi theo cánh bướm chao nghiêng…”;

chả là tôi hay thả hồn theo những cánh bướm đủ màu sắc bay trên những dòng suối cạn ở trên đường hành quân trong dãy Trường Sơn, bắt bướm ép đầy một cuốn an bum để hy vọng ngày trở về làm quà cho một nỗi nhớ.

Sau khi được bổ sung vào đại đội thông tin (C20) của Trung đoàn 271, anh Thanh tiếp tục viết những bài thơ mới trong quyển sổ thứ hai. Lúc này, tôi không còn ở gần anh nữa nên không được đọc, được nghe những bài thơ anh viết về chiến trận. Tuy nhiên, có những vần thơ của anh tôi nghe đồng đội tôi đọc một lần mà tôi đã nhớ và đã say dù tôi cũng là một anh vật lý:

“Nghèo lắm em ơi đời anh lính;

Nhà tăng, giường võng, tủ ba lô.

Lục tìm chỉ thấy đầy mây gió;

Một suối trăng vàng một tập thơ”.

Rất tiếc tập thơ thứ hai của anh cũng bị học trò nữ của anh ở trường Trung cấp nấu ăn, Cẩm Giàng, Hải Dương – nơi anh làm giáo viên một thời vì quá mê thơ thầy nên đã chôm mất.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, anh Thanh đóng quân trong nhà dân ở Rạch Kiến, Long An. Gần nơi anh đóng quân có một xưởng xay sát lúa. Cô nữ sinh tên Yến - cháu gái sống ở Sài Gòn của ông chủ xưởng trong một lần xuống chơi nhà chú đã tình cờ tiếp chyện anh lính sinh viên Nguyễn Hữu Thanh. Anh Thanh cao một mét bảy, dáng “xì ke” - cái dáng mà các nữ sinh Sài Gòn thời ấy xem như là lựa chọn đầu tiên. Chẳng biết nhà thơ lính sinh viên ấy thủ thỉ những gì, viết tặng cho em bài thơ nào không mà cô nữ sinh Sài gòn ấy chỉ về Sài Gòn mươi hôm lại quay về Long An thăm nhà chú thím. Chú thím ngạc nhiên còn cô cháu thì bẽn lẽn giải thích “tại cháu nhớ Rạch kiến”. Lính sinh viên giỏi vậy đấy.

Mấy tháng sau anh Thanh được đơn vị cho ra Bắc để trở về trường đại học học tiếp. Cô nữ sinh Sài Gòn cũng vào học trường đại học khoa học tp. Hồ Chí Minh. Tình yêu mới chớm nở của cô nữ sinh Sài Gòn với anh lính sinh viên “xì ke” tưởng sẽ bị héo mòn bởi sự xa mặt cách lòng. Vậy nhưng không, bằng những cánh thư chứa đựng nỗi nhớ da diết thông qua những bài thơ thấm đẫm tình yêu dành riêng cho nàng. Anh lính sinh viên ấy đã làm cho cô nữ sinh Sài Gòn tên Yến đóng cửa lòng mình với tất cả những chàng trai mong muốn bước vào. Cô tập trung vào học để hy vọng sau khi ra trường sẽ có cơ hội đến với anh lính sinh viên của mình.

Có một chuyện khá thú vị là trong thời gian anh Thanh và cô nữ sinh Sài Gòn đang còn yêu nhau bằng những cánh thư. Cô nữ sinh trường đại học khoa học tp. Hồ Chí Minh đã tìm được cho anh một cuốn từ điển Anh – Việt, Việt – Anh. Hồi đó loại từ điển này là của hiếm đối với sinh viên và các nhà khoa học ngoài Bắc. Người đến mang cuốn từ điển đó ra Bắc cho anh Thanh lại là tiểu đội phó của tiểu đội tôi trên đường hành quân vào B2 – anh Đinh Kim Phong. Anh Phong lúc nhập ngũ đã là kỹ sư nông nghiệp, là con cán bộ miền Nam tập kết, vợ anh là người Hà Nội. Sau khi đơn vị vào đến Tây Ninh thì anh Phong được điều động về Trung ương cục nhận nhiệm vụ khác. Sau 30 tháng 4 năm 1975, anh Phong ở lại tp. Hồ Chí Minh công tác nên có điều kiện để đến ký túc xá trường đại học khoa học mang giúp cô nữ sinh cuốn từ điển ra Bắc cho anh Thanh. Anh Phong đẹp trai lại là một người đàn hay, hát giỏi. Buổi chiều hôm đó, trong phòng ký túc xá nữ sinh của trường, anh đã đánh đàn và hát các ca khúc “Ngôi sao ban chiều”, “Đôi Bờ”, “Tuổi trẻ sôi nổi”, đặc biệt là bài hát “Trăng tàn trên hè phố” – bài hát vốn quen thuộc với tuổi trẻ miền Nam trước năm 1975. Tất cả các cô gái trong phòng đã chìm đắm theo tiếng đàn và giọng hát của anh Phong và chắc đều mơ có một người yêu là lính sinh viên giống bạn mình. Riêng Yến thì ôm mặt khóc nức nở. Tiếng đàn, giọng hát của anh Phong đã làm nỗi nhớ người yêu của cô nữ sinh trào ra qua nước mắt. Cố nén cảm xúc, Yến mở cuốn sổ thơ được anh Thanh tặng. Cô nắn nót tô đậm hai chữ T - Y, được viết lồng vào nhau. Yến chợt mỉm cười vì hai chữ T - Y đâu chỉ là hai chữ cái đầu của tên Thanh, Yến mà còn có nghĩa là Tình Yêu của cô nữ sinh Sài Gòn và anh lính sinh viên đang ở Hà Nội. Yến tự hào vì người yêu mình có một người bạn, người đồng đội tài năng là anh Phong. Một viễn cảnh đầy hạnh phúc đang ở trước mặt cô.

Với anh Thanh thì bức tường ngăn cản tình yêu của anh và cô nữ sinh Sài Gòn bắt đầu được dựng lên sau khi anh ra trường, năm 1978. Tốt nghiệp đại học, theo phân công công tác, anh Thanh phải lên một huyện xa xôi của tỉnh Phú Thọ. Anh đã trả lại giấy phân công công tác cho nhà trường vì anh không thể đi xa như thế khi mẹ anh ở quê cần có anh ở gần. Sau một lần phân công tác nữa và vẫn ở xa, anh lại từ chối và buộc phải tự xin việc. Sau vài tháng vất vả, cuối cùng anh đã nhờ được một người quen ở Bộ Nội thương xin được một vị trí dạy vật lý tại trường Trung cấp nấu ăn tại Cẩm Giàng,Hải Dương. Lương giáo viên ba cọc ba đồng. Hải Dương và tp. Hồ Chí Minh lại xa xôi quá là một thực tế không thể trốn tránh. Anh Thanh đã phải khó khăn để lựa chọn trả tự do cho cô nữ sinh, bằng cách giảm tần suất viết thư, giảm những bài thơ - những dòng chảy từ cảm xúc. Trong những bức thư cuối gửi cho Yến, anh Thanh đã khuyên cô nên tìm một tình yêu khác. Tình yêu của anh với cô nên dừng lại bởi vì nó vô vọng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, 1979, Yến được điều động về dạy một trường Trung cấp ở Đồng Nai. Cùng làm giáo viên ở trường đó có anh Tiến từng học Vật lý đại học Tổng hợp Hà Nội, dưới anh Thanh một khóa. Yến hỏi anh Tiến có biết ai là Thanh không, anh Tiến nói không biết Thanh là ai nhưng anh có thể hỏi người khác để biết. Lớp của anh Tiến có đến năm người cùng nhập ngũ với chúng tôi. Ba trong năm anh đã đi B cùng chúng tôi và hai anh đã là liệt sỹ. Người cùng lớp anh Tiến còn sống trở về là Vũ An Ninh, là đồng đội thân thiết với anh Thanh, cùng C20, trung đoàn 271. Anh Tiến đã tìm ra địa chỉ trường trung cấp nấu ăn, nơi anh Thanh dạy học. Anh Tiến cũng đã được cô nữ sinh kể về mối tình của mình và cho anh Tiến xem tất cả những lá thư anh Thanh gửi cho cô. Sau này anh Tiến đã gặp Vũ An Ninh và thốt lên “Tao là đàn ông mà đọc những lá thư của Thanh gửi cho cô ấy tao còn phải mê mẩn, bảo sao cô ấy không say đắm”. Thật may, giáo viên cùng trường với anh Tiến và Yến có một cô gái Hà Nội. Cuối năm 1979 cô nữ sinh Sài Gòn đã theo bạn gái của mình lên tàu ra Hà Nội, trước là thăm nhà bạn, sau là định dành cho anh Thanh một sự bất ngờ.

Thứ Bảy trong kỳ nghỉ ngắn ngủi đó, hai cô gái đã đi xe khách (xe đò) từ Hà Nội đến Cẩm Giàng, mất hơn nửa ngày mới đến được trước cổng trường Trung cấp nấu ăn. Khá mệt mỏi vì chuyến đi nhưng đầy hào hứng vì sắp được gặp người yêu sau bốn năm mong đợi. Yến và cô bạn gái sửa sang lại quần áo rồi mới đến hỏi bác bảo vệ về anh Thanh. Những học sinh trường nấu ăn và những người dân đi qua đều ngoảnh nhìn hai cô gái vì trang phục của hai cô đều quá đẹp so với trang phục của họ hồi đấy. Bác bảo vệ hơi ngỡ ngàng trước tà áo dài trắng của cô nữ sinh Sài Gòn nhưng rồi như chợt hiểu nên vui vẻ hỏi lại:

“hai cô là bạn của thày Thanh đến dự lễ cưới của thày Thanh à?”. Sao lại là lễ cưới? Hai cô bạn cùng nhìn nhau ngơ ngác, khuôn mặt Yến nhợt nhạt dần.

Đúng là Chủ nhật tuần ấy, tức hôm sau là ngày anh Thanh tổ chức lễ cưới một cô giáo cùng trường. Anh đâu biết cái sự bất ngờ mà cô nữ sinh Sài Gòn định dành cho anh lại rơi đúng vào ngày trọng đại của đời anh. Anh Thanh đã ra gặp Yến và bạn gái của cô ấy. Cô nữ sinh Sài Gòn hoàn toàn suy sụp trong vòng tay ôm của bạn gái khi anh Thanh xin lỗi và kể về hoàn cảnh của mình cũng như lễ cưới ngày mai là thật. Chủ tịch công đoàn nhà trường đã gặp anh Thanh và yêu cầu anh phải làm rõ mọi chuyện trước lễ cưới ngày mai. Sau khi bình tĩnh trở lại cô nữ sinh Sài Gòn đã có một cuộc nói chuyện tâm tình với vợ săp cưới của anh Thanh. Cả hai người phụ nữ, hai cô giáo đều thông cảm cho hoàn cảnh của nhau. Yến và bạn gái đã ngủ lại phòng khách của trường đêm đó và hôm sau quay trở về Hà Nội từ sớm chứ không dự lễ cưới của anh Thanh.

Chiều chủ nhật, Yến lên tàu Thống nhất Hà Nội - tp. Hồ Chí Minh. Khi chuyến tàu chở Yến rời khỏi ga Hà Nội cũng là khi lễ thành hôn của anh Thanh bắt đầu diễn ra. Yến lôi cuốn sổ thơ ra, xé trang giấy có hai chữ T - Y, cô từ từ xé trang giấy ra thành từng mảnh nhỏ. Yến thả nắm giấy vụn qua cửa sổ toa tàu. Cô lắng nghe tiếng bánh sắt đoàn tàu nghiến trên đường ray, cố quên những gì đã xảy ra.

Câu chuyện tình yêu của anh lính sinh viên Nguyễn Hữu Thanh kết thúc như vậy, gần giống nhiều cuộc tình của các anh lính sinh viên giai đoạn 1975 – 1980.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Câu chuyện tình yêu của anh lính sinh viên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn