Chúc mừng Kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2021): Trí thức và cách mạng

Nguyễn Xuân Hòa

07/11/2021 14:06

Theo dõi trên

Tháng 1 năm 1918, ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Aleksandr Blok viết bài báo “Trí thức và cách mạng”. Dưới ảnh hưởng của cách mạng, ý thức sáng tác của nhà thơ chuyển động hướng về những vấn đề của thời đại gắn liền với vận mệnh đất nước và cuộc sống của con người.

cach-mang-thang-muoi-1636268738.jpg
 

Nhà thơ đến với cách mạng

Tháng Mười năm 1917 là mốc chói lọi trong lịch sử nước Nga đồng thời cũng là ranh giới quan trọng của nền thơ ca Nga dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga “mười ngày rung chuyển thế giới” đang chuyển biến mạnh mẽ phù hợp với xu thế thời đại. Những người trí thức, những nhà văn, nhà thơ trước cách mạng trong sáng tác của mình thường đề cao “cái tôi” cá nhân, thiên về cách biểu hiện thần bí siêu hình, biểu tượng theo chủ nghĩa tượng trưng thì nay với ý thức công dân đã bắt đầu hướng tới những vấn đề của thời đại, vận mệnh dân tộc, trí thức và cách mạng. Aleksandr Blok - nhà thơ của “thế kỷ Bạc” đầu thế kỷ 20 của nước Nga xuất thân từ giới thượng lưu đại trí thức là một nhà thơ như thế. Từ sau khi đoạn tuyệt với chủ nghĩa tượng trưng dựa trên học thuyết duy tâm thần bí của Vladimir Soloviov mà một thời nhà thơ từng tôn thờ, Aleksandr Blok (1880-1921) đã gắn thơ ca của mình với thực tại sống động nước Nga, đoạn tuyệt với “thế giới mù sương của chủ nghĩa tượng trưng ” và thực sự trở thành nhà thơ - công dân. Mặc dù đã có chuyển biến trong ý thức sáng tác về những vấn đề của đất nước và thời đại, song trong ý thức A. Blok vẫn còn băn khoăn “ một mặt nhà thơ chào đón cách mạng, một mặt lại e sợ nó. Tuy nhiên đối với Blok, cách mạng là tất yếu lịch sử, và chủ đề cách mạng gắn với con người và đất nước Nga, trở thành một phần quan trọng và giá trị trong thơ Blok” (Trần Thị Phương Phương.Thơ ca Nga từ khởi thủy đến hiện đại. Nxb ĐHQG TP HCM, 2010, tr. 281). Ngày 9 tháng Giêng năm 1918, chỉ hơn hai tháng sau Cách mạng tháng Mười, A. Blok đã cảm nhận được sức mạnh của cách mạng, không còn e sợ nó, trái lại còn đứng về phía nó, kêu gọi mọi người “ bằng tất cả thân thể, bằng tất cả trái tim, bằng tất cả nhận thức – hãy lắng nghe Cách mạng” (A. Blok. Trí thức và cách mạng). Để chạm đến bước ngoặt của ý thức sáng tác nghệ thuật phải đáp ứng được những đòi hỏi của đất nước và thời đại, và đến được bước ngoặt tự nguyện “lắng nghe cách mạng”, A.Blok đã có những đấu tranh bản thân về mặt nhận thức cách mạng để nhận chân rằng người nghệ sĩ “cần phải nhìn một cách chân thực, mà nhìn trung thực về mặt nghệ thuật có nghĩa là nhìn về tương lai”. Chính Blok đã nhìn thực tại như thế. Mở đầu bài viết “Trí thức và cách mạng” A. Blok đã viết: “ Tôi nghe thấy xung quanh mình những âm thanh “ Nước Nga sẽ diệt vong”. “Nước Nga không còn nữa”, “Đời đời tưởng nhớ nước Nga ”. Nhưng trước mặt tôi là nước Nga – một nước Nga mà các nhà văn vĩ đại của chúng ta đã nhìn thấy trong những giấc mơ sợ hãi và được báo trước; là Petersburg mà Dostoevski đã từng nhìn thấy; là nước Nga mà Gogol gọi là cỗ xe tam mã đang vun vút lao nhanh. Nước Nga là cơn bão tố (…). Nước Nga đã phải chịu những nỗi thống khổ, bị lăng nhục, bị chia cắt; nhưng từ những sự bị lăng nhục ấy nước Nga sẽ trở thành một nước Nga mới - và theo kiểu mới – nước Nga sẽ trở thành một nước Nga vĩ đại. Trong dòng ý nghĩ và linh cảm từng xâm chiếm tôi mười năm trước đây là một tình cảm lẫn lộn về nước Nga: nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự sám hối và niềm hy vọng” (A. Blok. Trí thức và cách mạng). Với tư cách của một người nghệ sĩ, A. Blok viết tiếp: “Sự nghiệp của người nghệ sĩ, nghĩa vụ của người nghệ sĩ – là nhìn thấy điều mình dự định làm, lắng nghe tiếng âm nhạc rền vang trong “không trung gió giật từng hồi”. Dự định là phải làm gì đây? Phải làm lại tất cả. Phải tổ chức sắp xếp sao cho tất cả mọi thứ đều trở nên mới mẻ, sao cho cuộc sống giả dối, bẩn thỉu, tẻ nhạt, tồi tệ của chúng ta trở thành cuộc sống công bằng, trong sạch, vui vẻ và tươi đẹp. Khi những ý định được ẩn giấu từ ngàn xưa trong tâm hồn loài người, trong tâm hồn nhân dân - những ý định như thế đang làm đứt tung những gông xiềng trói buộc và như dòng thác cuồn cuộn cuốn phăng đi những con đập chắn nước, tràn phủ lên bờ - đó gọi là cách mạng. Ôn hòa ít hơn, nhiều hơn, thấp hèn hơn – thì đó gọi là sự nổi loạn, bạo loạn, đảo chính. Nhưng cái đó gọi là cách mạng” (A. Blok. Trí thức và cách mạng). Vượt qua được những rào cản trong nhận thức thế giới sau khi từ bỏ chủ nghĩa tượng trưng duy tâm thần bí, Blok đã nhận ra những bước đi tất yếu của lịch sử. Với tâm thế ấy và như một lẽ tự nhiên Blok đã đứng về phía cách mạng, chủ động ghi lại thực trạng của nước Nga đầu thế kỷ 20 bằng những sáng tác mở đầu cho một nền thơ ca mới: Trường ca Mười hai (1/1918); bài thơ Dân Skiph (1/1918).

Trường ca Mười hai – kiệt tác về Cách mạng tháng Mười

Bắt tay vào viết trường ca Mười hai, nhà thơ càng hiểu rõ hơn những mặt cơ bản của đời sống xã hội nước Nga khi được trực tiếp tham gia các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước. Mùa hè năm 1917 Blok dự Đại hội lần thứ nhất các Xô viết công nhân và binh sĩ, sau đó tham gia Hội nghị đại biểu giới trí thức văn nghệ họp ở Cung điện Smolnưi. Không khí hào hùng của những ngày sôi động chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Petrograd rồi những ngày nổ ra Cách mạng Tháng Mười 1917 đã truyền cho nhà thơ cảm hứng cao độ phải ghi lại một cái gì đó rất đặc trưng cho thực tại nước Nga lúc bấy giờ. Cách mạng Tháng Mười thực sự là nguồn thơ ca mới khiến nhà thơ nhận ra đang có những con người mới hình thành trong cách mạng. Blok đã nhìn thấy sự thật của cách mạng Tháng Mười, nhìn thấy lẽ phải của lịch sử, nhìn thấy sức mạnh của chủ nghĩa tập thể: “Cách mạng là tôi – không phải một mình tôi mà là chúng tôi. Bọn phản động – đó là sự lẻ loi, sự bất tài” (Nhật kí đầu năm 1918). Những yếu tố xúc tác tinh thần ấy đã khiến Blok viết một mạch hoàn thành một kiệt tác về cách mạng Tháng Mười Nga – trường ca “Mười hai” vào tháng Giêng năm 1918. Và, mặc dù Blok là một con người rất nghiêm khắc với bản thân, nhưng khi hoàn thành bản trường ca rất tâm đắc, nhà thơ đã tự đánh giá mình “Hôm nay tôi – thiên tài”.

Rõ ràng chỉ sau cách mạng Tháng Mười với trường ca Mười hai Blok mới có thể biểu thị một cách rõ ràng thái độ của mình đối với bạo lực cách mạng. Đó chính là lí do chủ yếu khiến ngòi bút của nhà thơ không ngần ngại ngợi ca cách mạng xã hội chủ nghĩa với sức mạnh bạo lực một ngày bằng hai mươi năm và đã viết nên trường ca trác tuyệt Mười hai.

Trường ca Mười hai miêu tả Petrograd vào đầu tháng Giêng 1918. Hình hài bản trường ca đã hiển hiện trên bản nháp. Bão tuyết dữ dội tượng trưng cho cách mạng. Hình tượng trận gió, cơn giông, cơn rét thấu xương – những hình tượng mà Blok ưa thích nhất và thường dùng khi muốn truyền đạt cám xúc tràn đầy của mình về cuộc sống hoặc tâm trạng chờ đợi những biến cố phi thường.

Những hình tượng gió, bão tuyết, cơn rét thấu xương người đọc đã gặp trong những thi phẩm trước đó của Blok, như trong chùm thơ Gió hát những điều gì (1913) hoặc trong bài thơ “Trái tim trần thế dù tê lạnh” (1914): Trái tim trần thế dù tê lạnh/ Ta ưỡn ngực lên đón giá băng. Cách mạng Tháng Hai 1917 nổ ra và không lâu sau đó Blok hiểu ra cuộc cách mạng này chỉ là lừa dối nhân dân. Bởi vậy đến trường ca Mười hai không phải ngẫu nhiên Blok lại dùng hình tượng trận gió cuốn để mở đầu bản trường ca. Hình tượng trận gió cuốn xuyên suốt bản trường ca, đồng hành với mọi ý nghĩ của nhà thơ trong những ngày cách mạng dữ dội.

Blok đã kể về công việc sáng tác bản trường ca như sau: “trong và sau khi kết thúc Mười hai mấy ngày liền tôi cảm thấy về mặt thể xác và thính giác có tiếng ầm ầm rất lớn quanh tôi – đó là tiếng ầm liên tục nối tiếp nhau (hẳn đó là tiếng ầm của sự đổ vỡ thế giới cũ)” (Ghi chép Mười hai, 1920). Hình tượng gió cuốn như một biểu tượng mạnh mẽ cuốn phăng đi thế giới cũ được tiếp nhận như sự miêu tả trực tiếp cuộc sống – đó chính là thời tiết có gió nổi và bão tuyết xảy ra trong tháng Giêng 1918 đồng thời cũng là biểu tượng cơn gió của làn sóng cách mạng. Trận gió cuốn đi xô ngã nhào những kẻ đại diện thế giới cũ thối nát từ những cha cố, những tên tư sản, thằng cha văn sĩ đến những cô tiểu thư, gái điếm. Gió cuốn bứt đi, cuốn phăng đi tấm khẩu hiệu chăng trên dây cáp: Tất cả chính quyền về tay Hội đồng lập pháp*. Trong đêm trường gió cuốn và bão tuyết chỉ có mười hai đội viên cận vệ đỏ quả cảm của Đội tuần tra cách mạng là vững bước đi với gương mặt đanh thép. Họ là những người con của nước Nga được cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nông nâng dậy từ dưới đáy của xã hội. Họ bước đi với sức mạnh tự phát, bị lôi cuốn bởi ý tưởng của thế giới mới và họ hùng dũng bước đi với tư thế của những chủ nhân mới của đất nước.

Xuyên qua màn đêm tối và bão tuyết, ưỡn ngực đón lấy giá băng họ bước đi lên phía trước quyết đánh đuổi con chó hoang cụp đuôi lầm lũi – biểu tượng cho thế giới cũ. Họ sẵn sàng đón nhận mọi điều hướng về lá cờ đỏ thắm trước mắt, cùng tiến bước dưới lá cờ đỏ dẫn đầu đoàn quân.

Hãy giữ vững bước đi cách mạng!

Blok hình dung trong tâm tưởng khí thế của đoàn quân cách mạng, và nhà thơ muốn nhắc đi nhắc lại điệp khúc Hãy giữ vững bước đi cách mạng! trong ngày lễ lịch sử kỉ niệm một năm Cách mạng Tháng Mười (7/11/1918). Người đọc nghe thấy bước đi rầm rập của đoàn quân và cả hơi thở cách mạng, tiếng vọng nhiều giọng của những tháng ngày cách mạng căng thẳng, tiếng ầm ầm giữa những phố cách mạng. Blok đã sử dụng những phương tiện rất khác nhau như khẩu hiệu cách mạng, ca dao của người lính để đạt được điều đó. Bằng cách đó Blok đã đưa vào trường ca những gương mặt khác nhau trong các tầng lớp nhân dân bằng cách này hay cách khác đã tham gia cách mạng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Chúc mừng Kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2021): Trí thức và cách mạng" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn