Chuyện cười ra nước mắt

Phan Vinh Dien

01/04/2022 20:45

Theo dõi trên

Tôi và những người thân thế hệ chúng tôi, sinh ra trong cơ chế hành chính bao cấp và lớn lên thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ném bom ra miền Bắc Việt Nam.

anh-tac-gia-minh-hoa-1648820645.jpg
Hình ảnh minh hoạ

 

Trải qua biết bao khổ ải của chiến tranh và cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp đến khi về già, vui mừng thấy đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, các lớp con cháu được học hành tử tế, bài bản, nhiều người được đi du học nước ngoài. Tưởng từ nay, chấm dứt cảnh cửa quyền, quan liêu, hách dịch của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.

Cứ nghĩ tới hình ảnh của một quan chức nhà nước trong các cơ quan hành chính, công an hộ khẩu, cơ quan xét duyệt tem phiếu, tài chính, ngân hàng, sổ đỏ nhà đất… Với phương châm làm việc “hành là chính”. Những cô bán gạo, bán hàng cá, hàng thịt, nước mắm… trong các cửa hàng lương thực, thực phẩm nhà nước, mặt cứ vênh ngược lên đã chết từ lâu rồi, chỉ còn là những bóng ma thời bao cấp đã xa xưa mà thôi…

Nhưng không ngờ, ngay trong thời cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với không gian mạng internet kết nối vạn vật này, chỉ cần ngồi nhà là có thể làm ăn, buôn bán, giao dịch thuận tiện, an toàn. Quyền tự do, dân chủ và nhân quyền của con người được tôn trọng. Nhất là, những người già, người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả… Càng được kính trọng, giúp đỡ, nhưng không !

Có một bộ phận lớp trẻ được lớn lên trong hòa bình, được ăn học đầy đủ, đào tạo bài bản về chuyên môn nhưng rất máy móc, thiếu tình người, vô cảm với mọi người, thiếu tu dưỡng rèn luyện. Họ làm việc như một cái máy, không biết suy nghĩ, hay là như con rô bốt không có tình người…

Sau đây là câu chuyện có thật 100% đang diễn ra mà tôi là người trực tiếp chứng kiến: 

Ông cậu tôi sinh ra từ thời trước Cách mạng Tháng Tám, trong một gia đình tri thức. Bố ông là một thầy giáo tình nguyện lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Cụ là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tuổi thiếu niên ông được nhà nước cho sang học tại Khu học xá tại Quế Lâm - Trung Quốc. Sau này, ông tham gia quân đội gần 20 năm. Trong kháng chiến chống Mỹ ông bị thương hạng 2/4. Ông được chuyển ngành về làm ở một cơ quan Bộ, cho đến lúc nghỉ hưu. Ông là một cán bộ, đảng viên trung thành và mẫn cán của Đảng và Nhà nước. Đầu năm 2022, ông bị ốm nặng và từ trần đột ngột ở tuổi 80.

Là một cán bộ liêm khiết, đến khi nghỉ hưu ông chỉ có hơn 30 triệu đồng, đem gửi tiết kiệm ở một chi nhánh của Ngân hàng “Tiền Phong”, phòng lúc ốm đau và lúc về già. Không ngờ ông ra đi quá đột ngột, không kịp trăng chối gì. Hai con thì vất vả, đi làm ăn xa nhà, không kịp về lo tang cho bố.

Khi gia đình lo toan mọi việc cho ông chu tất. Vợ ông, là bà lão hơn 70 tuổi mới tìm thấy quyển sổ tiết kiệm của ông, mang ra ngân hàng để xin rút số tiền gửi tiết kiệm của chồng…

Bà được cô nhân viên ngân hàng trẻ măng, ăn mặc diêm dúa, xinh đẹp hướng dẫn bà, phải về Uỷ ban nhân dân phường làm giấy ủy quyền và mang Giấy khai sinh của ông, Giấy chứng nhận kết hôn, cả Giấy chứng tử ra đây, thì ngân hàng mới giải quyết. 

Bà già về, lục tìm các loại giấy tờ, tìm mãi mới thấy được tờ Giấy chứng nhận kết hôn từ cách đây hơn 50 năm về trước và đi xin thêm Giấy chứng tử của chồng.  Ra Uỷ ban phường, mấy lần, mấy ngày sau mới xin được tờ giấy Uỷ quyền để nhận tiền.

Bà lại thuê xe ôm lọ mọ ra ngân hàng để lĩnh tiền. Lần này, lại một cô gái xinh đẹp khác tiếp bà và nói Giấy tờ này chưa đủ để được nhận tiền. Bà hỏi lại:

Sao lại chưa đủ, có đầy đủ Giấy nhận kết hôn, Giấy chứng tử, Giấy ủy quyền đây rồi còn gì ?

Cô gái trẻ mặt lanh tanh giải thích, đây là tài sản của người đã chết. Nếu ông ấy đã di chúc lại cho các con rồi thì sao ?

Bà phải về nói với các con viết Giấy ủy quyền cho mẹ nhận số tiền này. Phải có dấu chứng nhận của Uỷ ban xã, phường nơi các con bà sinh sống và làm việc hiện nay…

Bà già lại ngậm ngùi ra về gọi điện thoại cho các con, làm giấy ủy quyền cho mẹ nhận số tiền tiết kiệm của bố chúng !

Đến khi nhận được đầy đủ Giấy chứng nhận ủy quyền của các con, bà lại thuê xe ôm chở ra Chi nhánh ngân hàng để nhận lại số tiền tiết kiệm của chồng mình. Tiếp bà lại một cô gái xinh đẹp, sau khi xem xét các loại giấy tờ một hồi lâu, rồi đi ra một chiếc bàn ở phía sau, có một cô gái tuổi trung niên ngồi xét duyệt các loại giấy tờ. Có vẻ như cô này là xếp của các cô nhân viên giao dịch ngồi ở phía trước.

Sau một hồi trao đổi, cô gái xinh đẹp quay lại quầy giao dịch, nói với bà lão. Giấy tờ này chưa đủ để nhận tiền bà ạ.

Bà già hỏi lại:

Bao nhiêu giấy tờ tờ thế, sao còn chưa đủ ?

Bà phải về lấy thêm Giấy chứng nhận chứng tử của cụ ông, cụ bà là bố, mẹ đẻ ra ông chồng bà nữa mới được giải quyết!

Bà già kêu trời!

Chồng tôi năm nay đã 80 tuổi rồi, Bố mẹ của ông ấy, sao còn sống đến bây giờ được ? Trộm vía các cụ đã chết từ mấy chục năm nay rồi lấy đâu ra Giấy chứng tử đây ?  

Cô gái trẻ lại đi ra phái sau hỏi xếp. Quay lại giải thích:

Nếu không còn Giấy Chứng tử, thì bà về chụp ảnh mộ các cụ và có dấu chứng nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường ra đây mới được giải quyết.

Bà lão chỉ còn nước suýt ngất sửu ngay tại ngân hàng !

Bà lại thuê xe ôm về nhà.

Cảnh nhà quá khó khăn, mình bà chỉ có đồng lương hưu hơn 2 triệu đồng một tháng, còn phải phụ giúp thêm các con, nuôi 2 cháu đang tuổi ăn học. Con gái út thì đang bị ốm nặng… Bà nghĩ mãi không biết làm cách nào ? Đành nghĩ quẩn làm một việc chưa từng có tiền lệ trong văn bản hành chính và pháp luật của Việt Nam.

Bà ra đầu ngõ, mua mấy bông hoa và mấy trái cây về đặt lên bàn thờ xin phép các Cụ Bố mẹ chồng:

 Cho phép bà được chụp ảnh mộ các cụ, làm Giấy chứng nhận, để nhận tiền tiết kiệm của chồng.

Thật là sự việc hy hữu, có một không hai trong lịch sử !

Nếu các cụ linh thiêng thì sẽ rất đau lòng, Vì cụ Bà đã chết cách đây trên 70 năm. Còn cụ ông cũng đã chết gần 40 năm rồi !

Sau khi thắp hương xin phép các cụ xong, Bà điện thoại nói người cháu họ ở quê, ra mộ chụp cho bà hai tấm ảnh, mộ của hai cụ. Sau đó in ra, mang ra Uỷ ban xã xác nhận đây là ảnh mộ của hai cụ sinh ra Ông Ng. V. A… chồng bà.

Ông cháu hết sức ngạc nhiên và nói, Uỷ ban xã người ta không chứng nhận việc ấy đâu ! Nhưng vì bà Cô quá nài nỉ, thành ra người cháu cũng liều mang ra Uỷ ban xã đề nghị người ta chứng nhận cho, xem có được không ?

Y như rằng, Uỷ ban xã người ta trả lời, không ai lại có kiểu chứng nhận lạ lùng thế bao giờ !

Người cháu về nhà lập tức điện thoại lại cho bà cô họ ở Hà Nội, là Uỷ ban xã người ta không chứng nhận kiểu đó cho đâu.

Bà cô. Lại nài nỉ, cháu bàn thêm xem có cách nào giúp cô, chứ bây giờ cô quá khó khăn…

Người cháu ở quê, đành tập hợp người nhà trong họ lại, xem ai có quen biết, làm cách nào để giúp bà cô dưới Hà Nội được không ? 

Rất may có người cháu khác ở quê, có quen biết với ông trưởng khu, hồi bé ở quê ông là học trò của Cụ ông nhà mình. Để tôi nói ông ấy xác nhận, đây là ảnh mộ của hai cụ thân sinh ra Ông Ng. V. A…

Sau đó, anh mang ra Uỷ ban xã nói, người ta xác nhận, chữ ký của ông Ng. V. B… trưởng khu là đúng !

Ai cũng phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm, vì có người đã nghĩ ra cách cứu bà cô dưới Hà Nội một bàn thua trông thấy !

Sau hơn một tuần, bà cô dưới Hà Nội nhận được tờ Giấy chứng nhận lạ lùng đó. Bà mang ra ngân hàng để nhận tiền tiết kiệm của chồng mình…

 Nghe nói, ngân hàng họ trả lời là vẫn còn phải đợi, để người ta niêm yết thông báo công khai. Sau hai tuần nữa, nếu không có ai khiếu kiện gì, thì có thể nhận được số tiền tiết kiệm hơn 30 triệu đồng cả gốc lẫn lãi…

Ôi! Chi nhánh Ngân hàng Tiền Phong họ làm làm ăn chắc chắn và có trách nhiệm ghê thật !

Gía như khi mọi người gửi tiền vào, mà người ta làm chắc chắn thế ! Liệu con ai dám gửi không ?

 Hay người ta chỉ “hành” người yếu thế ? hay lại muốn vòi vĩnh gì đây …?  

Tác giả viết câu chuyện này là cán bộ đã nghỉ hưu, chỉ là một công dân hết sức bình thường, chẳng có quyền chức gì. Nhưng quá bất bình về cung cách làm ăn “Cửa quyền” mất tính người của một  Ngân hàng thương mại !

Chỉ xin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đổi tên “Ngân hàng Tiền Phong” thành “Ngân hàng Cửa quyền” hay là “Ngân hàng Thụt lùi” cho đúng nghĩa.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện cười ra nước mắt" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Quocvantran

Quocvantran

10:03 05/04/2022

Đọc xong bài này cười không nổi!