Chuyện làng văn

Tiến Nhân

11/10/2022 12:10

Theo dõi trên

Cũng vừa tròn sáu năm tôi bước vào làng thơ ca facebook. Những ngày đầu ngờ ngờ nghệch nghệch, chốc chốc lại gọi con chỉ bảo. Tôi mổ cò từng chữ một, uấn éo từng vần thơ lục bát, đắn đo mãi rồi mới dám đăng bài.

lang-van-1665464920.PNG

1/Tác giả và ông chủ tịch CLB phường tại buổi lễ.

2/ Cụ nhà thơ đọc bài thơ tình của mình

 

Thế mà... Đùng một cái, tôi thành nhà thơ từ lúc nào cũng không hay. Nhưng tôi nhớ danh vọng nổi lên chỉ khi tôi làm chân loong toong trong ban quản trị trang thơ ccb.  Chả là, mỗi khi có hội thơ  tôi  vác chân máy chạy theo nhà quay phim (khéo nói thì gọi là trợ lý). Cũng nhờ thế mà nhiều người biết mặt tôi, kết bạn với tôi. Thậm chí nhiều trang thơ còn mời tôi tham gia vui chung cùng họ nữa. Có một trang hài đánh tiếng mời tôi làm một chân quản trị viên, xét duyệt người muốn tham gia. Nào đã hết đâu, có đến mấy lần các nàng thơ xinh đẹp kéo tôi đứng giữa họ để chụp hình. Họ được trẻ thêm ra bởi bên cạnh người già.

Tưởng thế là mãn nguyện rồi. Ấy thế, tôi vẫn cảm thấy mình còn thiếu thiếu một chỗ đứng nào đấy. Nơi tôi đang cư trú là vùng đất bồi, bờ bãi ở ven sông. Đến như người được gọi là gốc gác mấy đời ở đây cũng chỉ là dân nghèo không nhà ở đâu đó dạt về. Họ cắm lều, cắm trại, sau mới biến thành thổ dân. Ngập lụt vẫn thường đe dọa họ. Họ chỉ được cứu thoát khi nhà nước xây dựng xong các đập thủy điện giữ lại nước ở đầu nguồn. Cũng lẽ vì thế chăng mà tính làng xóm kiểu thôn quê vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Vài chục năm về trước tôi còn là anh thợ chữa tivi có chút danh tiếng ở xóm bãi này. Thế mà, khi cuộc sống dân vùng bãi khấm khá dần lên, Khi những cột ăng ten vươn cao bằng cây tre hạ xuống, đẩy những chiếc tivi điện tử cổ lỗ vào hàng đồng nát thì danh tiếng của tôi cũng  lụi tàn.

Bây giờ thì tôi già rồi. Tôi vẫn lượn lờ trước mắt họ nhưng với tâm thế của một gã xe ôm. Sáng sáng thả đứa bé này xuống nhà mẫu giáo,  buông đứa lớn hơn ở cổng trường tiểu học. Chiều chiều lại chống chân chiếc xe máy cà tàng, chầu hẫu ngóng đợi, đón trẻ đưa về.

Vùng bãi này qua bao năm tháng hàn vi, nay cũng đã đổi thành phường có cả tên đường, tên phố hẳn hoi. Họ đâu biết rằng tôi đã từng đeo thẻ vùng vẫy giữa các hội thơ, ở nhiều nơi.

Đùng một cái, vào một ngày đẹp trời đầu tháng chín, năm hai ngàn hai hai, một chỗ đứng thiếu hụt của tôi có cơ hội được lắp đầy. Số là hôm đó có ông cựu chủ tịch phường vào nhầm nhà tôi. Tôi nghe danh ông này từ lâu - một người đàn ông hào hoa phong nhã. Rồi như một cái duyên của những người yêu thích văn chương, hai mạch nguồn chạm nhanh vào nhau. Hể hả nói, hể hả cười. Trước khi về, ông rút ra từ cái cặp cũ của ông chủ tịch phường đặt trước mặt tôi tờ giấy. Một tờ giấy mời! Chính xác là tờ giấy mời... vẫn còn để khống. Nội dung: mời dự hội nghị câu lạc bộ thơ phường. Hóa ra ông ta định đến nhà ông bạn hàng xóm của tôi, người bạn cũ của ông để mời, nhưng vào nhầm nhà. Ông thật thà kể vậy, rồi lấy bút đề tên tôi vào đó. Hai người đàn ông bắt tay nhau cùng nở nụ cười tươi tắn kiểu văn chương, hẹn ngày...

Ngày đó đã đến.

Sau hai năm vì đại dịch covid, đây là lần đầu tiên hội thơ Phường họp lại. Mấy bà thơ già nhìn tôi với cái nhìn dành cho người trẻ. Tôi nhìn các ông thơ già như thấy bóng dáng bô lão hội nghị Diên Hồng năm xưa. Hôm ấy, ông cựu  chủ tịch phường trúng cử chủ tịch câu lạc bộ thơ. Cánh cửa hội trường nhà văn hóa mở toang, để  từng tràng tiếng vỗ tay rền rã tự do tràn ra ngoài. Mấy người đi qua đường dừng lại, ngó nghiêng

 Hơn tôi tới năm tuổi mà tóc ông chủ tịch chẳng có sợi bạc nào. Có lẽ ông ta bước vào thơ ca từ hồi còn thanh niên nên mới trẻ lâu đến thế. Tân chủ tịch giới thiệu tân thành viên mới. Tôi đứng lên thưa bẩm đàng hoàng.

Giống như hội tao đàn ngày xưa, các ông bà lần lượt đứng lên đọc thơ của mình. Nhiều người cầm tờ giấy viết tay sẵn từ nhà để đọc, cặp mắt già cố dãn vết nhăn nheo. Cứ từng chập vỗ tay  đi qua như thế. Đến lượt, ở gần tôi là cụ nhà thơ râu tóc bạc phơ. Cụ đọc bài thơ về tình yêu tới hết mức cuồng si, tôi nghiêng người chụp tấm hình của cụ.

Từ phía bàn đối diện, có cụ bà nhắc khéo tôi: "Mời đồng chí bộ đội đọc thơ". Chết tôi rồi. Tôi vào các hội thơ lâu nay chỉ nặng chuỵên vui đùa, có mấy khi làm thơ đâu. Nhưng rồi tôi cũng mở lại đươc bài thơ đã viết từ lâu để làm lễ "nhập môn". Thơ rằng:

   CON ĐÃ VỀ

Con đã về, giữ lời thề với mẹ

Trước lúc đi xa

Nhưng con không đi vào cửa giữa nhà đang mở

Con chẳng cho mẹ dang tay để mà mừng rỡ

Còn ngược theo chiều bay khói hương...

Tôi dừng lại sau khổ thơ đầu của mình, nhìn về phía các bà mẹ. Hình như có ai đó có đứa con đi xa.

Rồi bài thơ kết thúc cũng nhận từng tràng vỗ tay, báo hiệu tôi đã là thành viên chính thức của hội thơ cấp phường.

Người ta vẫn hay nói rằng, các nhà thơ thì tâm hồn bay bổng không giới hạn.Nhưng tôi thì không dám thế. Tôi chỉ mộng mơ ngăn ngắn một chút thôi. Giấc mơ chỉ để dân vùng bãi nhận ra tôi, kiểu như thế này:  Một ngày nọ tôi lượn lờ ở khu chợ  phường tôi. Tự dưng thấy thèm ăn bánh đúc lạc. Tôi xà vào quán của một cô gái trẻ. Phía bên kia đường là quán tiết canh lòng lợn. Có hai người đàn ông một già một trẻ đang ngồi . Người già hơn có bộ râu ria lởn chởm lâu ngày chưa cạo, người trẻ xăm hình kín cả cánh tay. Cả hai đều  chân co chân duỗi. Người già bỗng đập tay vào đùi người trẻ, chỉ về phía quầy bánh đúc giọng khề khà:

- Mày biết ông già tóc bạc kia không?

Người trẻ nhếch mép:

- Lạ gì ông xe ôm.

Ông già hơn cãi, giọng quả quyết:

- Không! Nhà thơ phường ta đấy!

Hai chén rượu của hai người đàn ông chan chát va vào nhau.

Từ phía bên này đường, người tóc bạc giật mình. Không biết vì tiếng người nói hay tiếng chén rượu va nhau mà miếng bánh đúc vừa đưa lên, tuột qua đôi đũa của ông rơi tõm vào bát tương bần.

      Hết

Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện làng văn" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn