Chuyện thằng Sang

Bùi Trung.

04/10/2021 10:02

Theo dõi trên

Thằng Sang sinh ra ngay ngày 30/4 năm 1975. Ngày đó cô Út của nó cũng về nhà sau bao năm đi bụi. Ông nội của nó thương nó bao nhiêu thì ghét cô Út nó bằng chừng đó.

chuy-lang-que2-1633315245.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Ông nội nó cương quyết không cho đứa con gái hư dám bỏ nhà đi bụi làm gái bán Bar cho mấy thằng Mẽo ôm ấp khác gì mấy đứa bán phấn buôn hương được đặt chân vô nhà. Ba nó được ra riêng nên cô Út nó qua tạm trú tại nhà người anh của mình. Mà cô Út ngoài chuyện làm Me Mỹ thì chẳng biết làm gì để nuôi thân. Sau 75 thì người như Cô Út làm gì được bây giờ ? Nhà nào cũng khó khăn cái ăn cái mặc. Nhiều người thân quen đến năn nỉ ông già bỏ qua giùm cô Út nhưng ông già búi đầu tóc nên khó giàn trời, lời nói của ông như xuất ngôn phá thạch. Cô Út không có việc gì làm nên tối ngày lo giữ thằng cháu cho người chị dâu đi làm cỏ mướn. Người anh thì cũng giỏi ngoài chuyện giăng câu đặt lờ kiếm cá, ai mướn gì anh cũng làm nên gia đình cũng tạm đủ ăn. Thấy anh mình cơ cực quá cô Út nói với người anh:

- Em đặt tên cho cháu nó là Sang nhe anh chị. Đặt tên như vậy sau này mong là cuộc đời nó sẽ được sang giàu.

Đến năm 1978, lúc thằng Sang 4 tuổi thì một hôm cô út thỏ thẻ nói với anh mình:

- Anh ơi, em muốn đi vượt biên mà không có tiền. Anh có cách nào giúp em không? Chỉ năm chỉ vàng thôi.

Thương em gái nên tía thằng Sang lột hết trang sức của vợ, vay mượn thêm cho đủ số vàng đưa cho cô em gái. Sau khi ngậm ngùi chia tay cô Út hứa sẽ có ngày trở lại đền ơn cho anh mình và từ đó anh bặt tin cô em gái.

Khi cô Út đi rồi người anh cũng không biết cô có đi vượt biên được hay không? Còn sống hay đã chết? Đến lúc Việt kiều khắp xứ được phép về nước hỏi thăm cũng không ai biết tin cô Út. Thương em, người anh lập cái bàn thờ nhỏ trong góc nhà. Dẫu sao cô ấy cũng là em ruột mình. Khi người cha qua đời, trước khi ra đi ông mới hỏi :

- Con Út đâu?

Người anh lắc đầu nói:

- Con không biết. Cũng vì cái khó của Ba mà nó bỏ xứ đi. Có lẽ nó chết mất xác trên biển rồi.

Người cha thều thào:

- Có gặp nó con nói là ba sai rồi... Cái nhà này ba để cho nó mà.

Sau khi người cha mất, người anh ốm đau bệnh hoạn triền miên nên cũng khó làm ra tiền. Thằng Sang đang tuổi ăn học nên các thứ phải lo toan. Mỗi ngày nó đạp chiếc xe đạp cà tàng đi ra Thị xã học, đi về gần 20 cây số. Mỗi sáng đi học mẹ nó chỉ cho nó mấy đồng đủ mua mấy củ khoai lang. Vậy mà nó học giỏi lắm, thấy cha mẹ nghèo nên nó càng cố học không biết ăn chơi gì.

Một hôm, thằng Sang vừa dẫn chiếc xe ra khỏi nhà thì gặp một chiếc ta xi ngừng trước cửa. Một người phụ nữ trong xe thò đầu ra hỏi :

- Con ơi. Cho cô hỏi nhà của anh Hai Thanh có thằng con trai tên Sang ở đâu con biết không?

Thằng Sang :

- Dạ Hai Thanh là ba con. Nhà này nè cô.

Người phụ nữ la lên :

- Trời ơi vậy là con là thằng Sang đây hả?

Sang khẻ gật đầu.

- Cô Út nè con. Ba mẹ con đâu?

- Dạ ba con đang bệnh ở trong nhà cô ơi.

Người anh gặp cô em gái về anh mừng rơi nước mắt. Vợ anh cũng vội dẹp cái bàn thờ.

Người anh nói như trách:

- Em bao năm nay sống ở đâu sao không có thư từ gì hết vậy?

Cô Út:

- Để em từ từ kể cho anh chị nghe. Lần đó, nhờ có năm chỉ vàng của anh chị nên em theo nhỏ bạn vượt biên. Sau một năm ở đảo thì em được qua Mỹ. Ở xứ lạ quê người tình cờ em gặp được người bạn ngày xưa tên John. Anh ấy hay lại quán Bar chỗ em làm ăn nhậu, hay boa cho em tiền. Anh ta ăn mặc xuề xòa như một người nông dân, không cha mẹ không vợ con. Anh có một cái nông trại nho nhỏ anh nói:

- Nếu em không chê thì đến ở với anh.

Vậy là em làm vợ anh ấy. Ở nông trại nên cũng xa thành phố. Hàng xóm láng giềng cũng đâu có ai là người Việt. Chữ nghĩa không rành, đường xá không biết làm sao đi? Mấy lần nhờ anh chồng Mỹ tìm cách báo tin cho anh nhưng anh ta nói:

- Cha mẹ anh ở gần một bên mà anh ta còn không liên lạc nữa kìa. Khi nào có tiền kha khá anh sẽ cùng đi với em về Việt Nam.

Chưa kịp về thì một lần lái xe ra thành phố John bị tai nạn giao thông và qua đời. Em một mình quán xuyến cả nông trại nuôi thằng con trai ăn học. Nhờ có nó mà bây giờ em biết được tiếng Mỹ, nhờ nó mà em mua được vé máy bay về thăm anh chị đây.

Nhìn căn nhà mục nát của anh Hai mình cô Út nói tiếp:

- Anh tìm thợ thầy xây dựng lại, em sẽ xây cái nhà lại cho anh. Anh chị thích gì cứ nói em sẽ mua.

Người anh chợt nói:

- Ba mất rồi em.

Khựng lại mấy giây... Những giọt nước mắt rơi trên má, cô Út trầm giọng:

- Cũng tại em hư hỏng. Tánh ba thì khó, mấy ông già xưa mà anh.

- Anh chôn ba chung với má bên hông đó cô Út. Chút anh dẫn cô qua thăm.

Cô Út hỏi :

- Ai ở bên đó?

- Đâu có ai ở đâu em.

- Vậy anh kêu thợ làm luôn cái nhà thờ cho ba má. Xem như đứa con hư này trả hiếu cho hai đấng sinh thành. Còn Sang con thích gì cô sẽ mua cho con. Gì cũng được con đừng ngại.

Thằng Sang tướng tá nó phổng phao so với đám bạn học cùng tuổi. Năm nay nó 18 tuổi rồi, trái tim đã biết rung rinh nhưng nó mặc cảm mình là học sinh nghèo nên chưa dám để ý tới ai, nó ao ước có được chiếc xe máy. Mà loại phân khối lớn nó mới chịu. Nó nghe cô Út nói con muốn mua gì cũng được nó chạy vô rút trong cặp ra tấm hình của chiếc xe kawasaki phân khối lớn có giá mấy trăm triệu. Cứ tưởng sẽ bị cô Út la rầy nào ngờ cô Út cười vui vẻ:

- Con chạy chiếc xe này hợp với tướng của con. Mai cô sẽ dẫn con đi mua.

Người anh rầy đứa em gái vì anh nghe nói giá chiếc xe này giá tới mấy chục ngàn đô. Cô Út lúc đó mới khoe với anh:

- Chồng em nghèo nhưng ba anh ấy giàu lắm. Ngày xưa John đi lính qua Việt Nam nên hai cha con giận nhau. Sau khi về Mỹ John mới bỏ đi lập cái nông trại sống một mình mà không cần tiền của ba mình. Sau khi John mất vài năm, ba anh ấy cũng mất theo. Vì John là con trai một nên mẹ con em là người thừa kế gia tài của bên chồng. Bây giờ hai mẹ con em ra Thành phố sống cho tiện việc đi học của thằng Kent con trai em. Mùa hè năm tới em sẽ dẫn nó về cho nó biết Việt Nam quê ngoại của nó. Bên đó hai mẹ con em vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

- Sao nó biết?

- Thì em dạy tiếng Việt cho nó còn nó dạy tiếng Mỹ cho em. Tiếng Việt của Kent đủ nói chuyện cho anh hiểu mà không cần ra dấu.

Khi cất xong nhà cửa, cô Út mua thêm chục công đất vườn cho anh mình đào ao thả cá an hưởng tuổi già. Thằng Sang sau khi có chiếc xe nó vẫn đi học bằng chiếc xe đạp và âm thầm đi học lấy bằng lái để chạy chiếc Mô tô của cô Út mua cho. Khi học xong lớp 12, nó mời đám bạn cùng lớp đến nhà chơi làm tiệc chia tay. Trong đám bạn học có cô bạn gái nhà gần chợ Châu Đốc là con gái rượu của một ông chủ có cả chục bè cá trên sông. Cô bạn học cũng là hoa Khôi của cả lớp, cả trường. Đám học sinh công tử nhà giàu tranh nhau làm thơ tỏ tình nhưng chưa đứa nào lọt vào mắt xanh của cô Tiểu thư xinh đẹp.

Đến nhà thằng Sang, cả đám bạn bất ngờ vì nhà thằng bạn nhà nghèo hàng ngày chạy chiếc xe đạp cọc cạch đi học mà nhà nó to đùng như nhà một ông Bá hộ ngày xưa vậy. Khu vườn thì đủ loại trái cây ngon, lội đi hái cũng mỏi cả đôi chân. Bất ngờ hơn là chiếc Mô tô phân khối lớn đang chễm chệ đậu trong nhà, là giấc mơ của bao đứa học sinh nhà giàu. Cô Tiểu thư nhìn chiếc xe rồi hỏi :

- Xe của ai vậy bạn?

Sang nói:

- Xe của mình chứ của ai.

- Sao bạn không chạy đi học?

Sang cười hiền:

- Mình không tiền đổ xăng.

Nghe Sang nói như vậy cả đám bạn cười vang. Sang ngập ngừng nói tiếp :

- Xe này để dành khi nào có bạn gái mình mới đem ra chạy.

Cô bạn Tiểu thư hỏi :

- Sang có bằng lái chưa?

Sang gật đầu.

- Vậy chút xong tiệc Sang lấy xe chở mình về nhà giùm nhé.

Từ đó, mỗi lần đi đâu cô Tiểu thư đều a lô nhờ thằng Sang chở giùm. Thấy nó hiền, học giỏi nhà cửa không thua kém gì ai. Đúng là mẫu người thích hợp làm con rể mình nên sau đó Đại gia cá bè gả cô con gái rượu của mình cho thằng Sang. Khi có cháu ngoại ông giao hết chuyện kinh doanh cho con rể rồi an nhàn đi lo chuyện phước thiện.

Bây giờ cuộc sống của thằng Sang ngày lại càng Sang đúng như mơ ước của cô nó ngày xưa khi đặt tên cho cháu mình vậy. Chuyện thằng Sang đúng là chuyện cổ tích thời hiện đại phải không các bạn? Cuộc sống quanh ta vốn vẫn nhiều nổi bất ngờ. 

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện thằng Sang" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn