Kình ơi

Trịnh Duy Sơn

31/07/2022 10:23

Theo dõi trên

Đã gần hai chục năm tôi mới lại ra Bắc bằng tàu hỏa. Tôi muốn làm một chuyến rong ruổi xem đất nước đổi thay đến chừng nào. Bên cạnh đó tôi còn một việc hệ trọng chưa làm được nên cứ canh cánh bên lòng, ấy là xác nhận phần mộ cho Kình.

Hơn nữa, Nhà nước lại sắp phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà cụ thân sinh anh Kình chỉ có Kình là con trai độc nhất, chưa vợ con. Cụ đã mất dăm năm nay, không biết chỗ đất cụ ở, có ai thừa tự và nhang khói? Địa phương có đưa vào danh sách đề nghị phong tặng đợt đầu hay còn trục trặc chỗ nào về thủ tục...

Ngày ở cùng đơn vị, Kình khoe tôi "Mày mà về quê tao, loại con gái khoèo chân hở rốn cũng làm mày nghiêng ngả". Tôi biết Kình nói thật. Chè Thái, Gái Tuyên, câu phương ngôn ấy những anh lính trẻ như tụi tôi hồi ở Bắc đều đã được nghe. So với anh em trong tiểu đội thì Kình thuộc loại trình độ văn hóa cao. Kình lại điển trai, ăn nói lưu loát, chăm chỉ nên đơn vị đóng quân ở đâu Kình cũng sớm được nhiều người nhất là các mẹ, đám thanh niên nam nữ và các cháu thiếu nhi biết tới nhiều nhất. Cứ mổi buổi sớm sau khi tập thể dục là Kình vớ chiếc chổi rơm hoặc chổi tre quét la liệt từ trong nhà, ngoài sân, có khi quét ra tận đoạn đường làng. Nhiều người mẹ, người chị giật lấy chổi vì thương Kình vất vả. Cậu ta cười tếu táo "Để em tập thể dục".

chdvh1b-1659238901.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chiều đến, sau mỗi buổi tập, Kình dẫn bọn thanh niên choai choai ra mấy thửa ruộng đầu làng đá bóng. Khi mồ hôi tóa ra, cậu ta lại hùa bọn thanh niên nhảy thùm thùm xuống cái hồ nước nông choèn, bơi lội như vịt, la hét ầm ĩ.

Mới về đóng quân ở làng Cờ có hơn một tuần mà đây đó tôi đã nghe thấy những lời các mẹ, các chị nắc nỏm khen cậu ta: "Cái chú Kình ấy vui tính, trai chưa vợ mà chịu khó ra phết"; Đám thanh niên, nhất là mấy cô thôn nữ thì luôn mồm "Anh Kình, tối thứ bảy chép cho em "Bài ca hy vọng" nhé; Anh Kình ơi, dạy bọn em bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đi?! Tụi con nít truyền nhau "Chú Kình giỏi võ lắm tụi bây ơi!"…

Nhưng rồi xảy ra một chuyện dở cười dở khóc. Một buổi tối sau khi đi sinh hoạt đơn vị về, Kình ra bãi tranh thủ dạy võ cho tụi trẻ con gần cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà cậu ta vội vơ chiếc quần cộc chạy ra giếng tắm. Giữa lúc toàn thân đang nóng ran vì ngứa ngáy thì cậu ta lại phát hiện ở trong buồng tắm có người đang té nước bì bõm. Đoán là có anh nào rành nhà tắm trước mình. Chẳng cần suy nghĩ gì thêm, cậu ta vạch đám lá mía thưng buồng tắm rồi xả "vòi rồng" vào. Bỗng nghe tiếng cô Toàn, con gái chủ nhà kêu toáng lên: "Trời ơi! ai đổ nước nóng vào lưng em". Kình hoảng hồn biết mình đùa nhầm chỗ. Sự việc loang ra. Kình vò đầu bứt tai hết lời phân bua

-Tôi tưởng đồng chí nào trong tiểu đội về tắm trước nên mới làm vậy…

Cả tiểu đội và gia đình chủ nhà đều biết tính Kình, nhất là cô Toàn. Cô và mọi người đều hiểu nên thương và cảm thông với nỗi oan "Thị Kính" của cậu ta, nhờ đó Kình chỉ bị khiển trách trước đơn vị..

Rồi đơn vị hành quân sang Lào chiến đấu. Kình là gã trai to cao và khỏe như vâm. Ngoài nòng pháo cối 82 ly nặng 18 kg và cái máy ngắm nặng 2 kg, cậu ta còn đeo ba lô con cóc to bè với hàng chục loại tư trang và thắt quanh người một dây da lỉnh kỉnh những lựu đạn, túi thuốc, túi cơm vắt, dao găm, bình tông nước và một bao "ruột tượng" gạo vắt qua nắp ba lô. Nhiều khi phải hành quân qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, đi nửa ngày mới lên tới đỉnh núi nhưng cứ mỗi lần đến chỗ giải lao, cậu ta lại để nòng pháo và tư trang sang bên đường rồi quay xuống đón số anh em "tụt hậu".

Một buổi sáng, chúng tôi hành quân tới dốc O Hòa. Gọi là dốc O Hòa vì mùa khô năm ngoái có một đoàn thanh niên xung phong tải gạo qua dốc này, trời thì nắng dốc lại vừa dài vừa cao, O Hòa gùi tới hơn nửa tạ gạo leo dốc, tới đỉnh dốc vì mệt và kiệt sức nên O đã hy sinh và đựợc đồng đội chôn O ở đây. Và đã thành lệ, sau này các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công nào qua đây cũng nghỉ lại ít phút, kiếm những bông hoa rừng đẹp nhất cắm lên mộ O Hòa.

Chúng tôi vừa lên tới đỉnh dốc, đặt ba lô xuống nghỉ thì đoàn dân công hỏa tuyến của Nghệ An cũng vừa đến. Đoàn chỉ có mấy bác trung niên, còn lại toàn là những cô gái mười tám, đôi mươi. Vì leo dốc, trời nắng nên mặt cô nào cũng ửng như trái hồng chín, đôi mắt long lanh. Bộ đội, dân công gặp nhau, người nào cũng cảm thấy khoan khoái, phấn chấn. Đang vui thì Kình hộ pháp, đeo hộp đựng ống kính máy ngắm đến vỗ vai mấy bác trung niên, trịnh trọng:

- Thưa các bác, đoàn chúng tôi là đoàn Nhà báo và quay phim chiến trường. Đề nghị bác cho các cô gái gùi gạo leo lại dốc để chúng tôi quay phim.

Được đề nghị dựng cảnh để quay phim, mấy ông già khoái chí liền giục các cô gái: Nào mấy o, mau lên! Mau lên để các anh ấy còn ghi hình. Mấy khi có dịp được đưa hình ảnh mình vào phim đem về chiếu cho cả nước xem chứ.

Các cô gái cũng tưởng thật, mau lẹ gùi lại hàng lên vai, đi xuống dốc một đoạn rồi lại leo lên để anh chàng Kình "quay phim". Các cô vì thẹn thùng nên cứ cúi gục xuống. Anh chàng Kình vừa làm bộ ngắm ống kính, bấm bấm như chụp ảnh vừa la:

- Các cô ngẩng mặt lên, đi lẹ lên, được, được rồi...

Chúng tôi đang mệt nhưng chứng kiến cảnh đó cứ bò lăn ra cười đến đau cả bụng. Hết trò "quay phim", nhưng Kình nào đã buông tha các cô gái. Nhân có đàn bò của đồng bào dân tộc ăn cỏ ở gần đó, cậu ta đưa ống kính máy ngắm chĩa vào đàn bò rồi la lên:

- Trời ơi! Bò ăn gì mà bụng nhiều sán quá - rồi cậu ta vẫy tay gọi chúng tôi - Các cậu ơi! Ra đây mà xem, dạ dày con bò này có cả giun đũa nữa. Nhìn hết đàn bò cậu ta lại quay máy ngắm sang nhìn các cô gái đang tỏ vẻ ngạc nhiên và thầm phục anh bộ đội có cái máy "quay phim" nhìn thấu qua bụng bò. Khi thấy cậu ta quay máy ngắm vào mình, các cô gái vội ngồi xụp xuống, lấy nón che và kêu toáng lên. Chúng tôi lại được mẻ cười đến đứt ruột.

Sau buổi "quay phim" trên đỉnh dốc o Hòa, Kình lại nhận được "bản án" thứ hai "khiển trách" vì có hành động ác và không đứng đắn với phụ nữ.

Chúng tôi hành quân tiếp hơn một tháng nữa thì đến dịp Tết Nguyên Đán năm 1969. Bọn địch đã "đánh hơi” được Sư đoàn chúng tôi đang hành quân vào chiến trường để mở chiến dịch mùa khô. Chúng thả rất nhiều các loại bom đào, bom phạt, bom bi, bom xăng nhằm "triệt tiêu Việt Cộng" và phạt quang rừng già. Chỉ còn sáu ngày nữa là tới Tết mà Đại đội tôi bị bom hy sinh mất bốn đồng chí. Đơn vị chưa trực tiếp chiến đấu mà đã có người hy sinh, hỏi còn gì buồn hơn. Mặc dù vậy nhưng cấp trên vẫn chỉ thị cho chúng tôi phải chuẩn bị ăn một cái Tết ở cửa ngõ chiến trường sao cho vui vẻ và luôn giữ được tinh thần lạc quan cách mạng.

Được nghỉ hai ngày trước Tết, chúng tôi chặt cây làm bàn thờ, kiếm trái cây và các loại hoa rừng về bày. Có anh em còn xé giấy ở sổ tay để viết thơ, làm câu đối dán lên những cây nêu tự chế. Nhiều anh em sục cả vào các bản người dân tộc xin hoa đào, hoa mận, hoa chăm-pa, chuối, cam, đu đủ.

Riêng Kình lại trang trí kiểu khác. Ngoài bàn thờ của Tiểu đội, cậu ta còn lập một bàn thờ riêng ở gần giá ba lô. Cậu ta xin đâu được ít cám cho vào cái ống bơ thịt hộp rồi cắm lên mấy cành hoa Chăm-pa và mấy cành lá rừng. Bên cạnh đó cậu ta bày một "mâm quả" toàn là khế rừng và quả vả chát sít. Cậu ta lý giải với mọi người rằng:

- Tiểu đội mới có người hy sinh thì phải "chua chát" và “cám cảnh” chứ ngọt thơm sao được.

Chỉ có vậy thôi mà Tiểu đội tôi phải họp đi họp lại kiểm điểm Kình. Kình bị quy tội "Có tư tưởng bi quan, sa sút ý chí chiến đấu". Kình cãi, còn chúng tôi thì lấy thế đa số chụp mũ cho cậu ta. Cuối cùng Kình thản nhiên: Được rồi! Cứ vào chiến trường thì rõ "mèo nào thắng mỉu nào".

Vào chiến trường chúng tôi, những anh lính mười chín đôi mươi phải đương đầu với bao gian khổ, ác liệt lại đói đến hoa cả mắt, run rẩy chân tay không còn muốn bước đi nữa. Đã thế, tỷ lệ sốt rét ngày một cao, ngày nào cũng có người lên cơn sốt. Thỉnh thoảng lại có anh chết vì sốt rét ác tính. Càng những anh khỏe mạnh, to con lại sốt trước, sốt nặng, sốt dai. Người đang to béo, khỏe như trâu rừng, một vài cơn sốt nó hành, bỗng mặt mũi, chân tay tóp lại, nước da xám xịt, mắt đờ đẫn, dáng đi liêu xiêu. Kình là một trong những tay bị sốt rét nhiều nhất. Những lúc tỉnh, cậu ta luôn mồm kêu đói và thèm của chua. Sốt rét gần chết, nhưng khi cắt cơn sốt cậu ta lại giở tấm ảnh của một cô gái chừng mười chín, hai mươi tuổi, có đôi mắt như làn nước biển, khoe với mọi người: "Các cậu coi có được không ?". Chúng tôi xúm lại khen, hỏi tên nhưng Kình bảo bí mật. Sau này hòa bình về sẽ làm đám cưới, sẽ mời cả tiểu đội về cùng dự, lúc đó anh em sẽ biết tên cô dâu. Chúng tôi hiểu Kình muốn giữ điều bí mật ấy cho riêng mình.

"Đói bụng thì đầu gối phải bò". Tôi và Kình bỏ tư trang ra, đeo chiếc ba lô không, lần vào một bản bị bom đánh tàn phá, dân bản đã bỏ đi hết từ bao giờ. Tìm mãi chẳng có thứ gì ăn được, chúng tôi đành ra vườn, trèo lên cây đu đủ vặt được mấy quả non, to bàng nắm tay. Chao ôi! Đói mà ăn đu đủ xanh thì không khác nào tự sát. Ruột gan cồn lên đau đến tưởng chết tại gốc cây không còn bò được về đơn vị nữa. May sao chúng tôi lần ra được vườn mía đã bị chặt hết những cây to, chỉ còn lại những cây non mới có vài gióng. Vậy là cũng sáng mắt lại rồi. Vừa ăn mía tôi vừa quan sát thấy một đám đất mới được đùn lên.

- A, tổ chuột Kình ơi!

- Để yên đấy, vào nhà dân tìm cái cuốc mau!

Khi tìm được cuốc ra rồi, nhìn đám đất chuột đùn to tướng ở gần bụi cây, tôi ái ngại:

- Nó đùn ra nhiều đất thế này chắc là hang sâu lắm, đào làm sao được. Hơn nữa liệu nó còn ở trong hang không? Hoặc có chuột mà đào, thấy động nó cũng chạy mất.

- Cậu chưa đào đã nản chí, cậu ra canh để tớ đào.

Kinh cầm cuốc đào hùng hục một thôi dài, phá tan cả bụi cây gai rậm rạp. Tôi thay Kình đào được mươi phút đã mệt nhoài. Kình động viên:

- Bây giờ gần tới nơi rồi, cậu chịu khó đào thêm để nó chạy ra thì tớ vồ.

Tôi mệt quá đành nói bừa:

- Cậu đào đi, nếu nó có chạy ra tớ nhất định sẽ chộp được.

Kình vừa cầm cuốc, cuốc được mấy nhát thì con chuột to bằng cổ chân chui ra khỏi hang, nhảy chồm chồm qua mặt tôi, rúc vào bụi cây rậm rạp. Kình quẳng vội cây cuốc, chạy đuổi theo con chuột không được liền dồn hết bực tức vào tôi:

- Tao đã bảo phải cẩn thận mà mày chậm chạp quá!

Như người kiệt sức, Kình ngã ngồi xuống, thở dốc. Tôi vừa đau, vừa nuối tiếc, vừa ân hận…

Trong một trận tấn công vào đồn Bàn Na, khẩu đội pháo cối của chúng tôi được lệnh nã cấp tập vào đồn địch để yểm trợ cho bộ binh xung phong. Nhưng vừa phát hỏa được năm phút thì các trận địa pháo của địch ở phía trước liền nhả đạn vào chúng tôi như mưa. Trước trận bão đạn của địch, chúng tôi được lệnh tạm rút vào hầm trú ẩn. Bộ binh ta đang xung phong, rút là thế nào ?! Kình quát lên rồi bất chấp nguy hiểm, một mình vừa ngắm qua ống kính, vừa thao tác pháo, vừa bỏ đạn vào nòng. Chỉ với một khẩu pháo nhưng Kình đã kịp vùi đầu bọn địch ở đồn Bản Na, tạo thuận lợi cho bộ binh xung phong. Bất ngờ, sau một tiếng nổ chát chúa của đạn pháo địch, Kình ngã đánh huỵch xuống chân khẩu pháo. Tôi và mấy người bạn vội kéo Kình vào hầm. Máu từ đầu Kình tuôn ra ướt đẫm áo quần tôi. Chúng tôi vội quấn băng cho Kình nhưng không kịp. Khi vòng băng cuối cùng nhuộm đỏ máu như màu cờ cũng là lúc Kình trút hơi thở cuối cùng.

Tôi rút từ trong túi áo ngực của Kình ra một phong thư đã nhàu nát và một tấm ảnh bé xíu. Sau tấm ảnh có đề mấy chữ: "Nhớ đừng quên em" - Trần Thị Thu Hằng - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ba mươi tư năm đã trôi qua, hình ảnh Kình đẫm máu nằm trên cánh tay tôi và tấm ảnh người con gái bạn Kình có đôi mắt long lanh vẫn không phai mờ trong ký ức của tôi. Kình hy sinh, cả đơn vị tôi lặng trong nỗi đau cùng nỗi ân hận. Những kỷ niệm cũ sống lại. Chúng tôi nhớ về những trò nghịch ngợm của Kình và cả về những lần đơn vị ngồi họp kiểm điểm Kình. Vào chiến trừơng sẽ rõ mèo nào thắng mẻo nào. Kình đã nói vậy và đã chứng tỏ được mình. Trong khi nhiều người trong chúng tôi rút vào hầm thì mình anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong. Anh đã sống đúng với tư cách cần thiết nhất của người lính: Không bỏ nhiệm vụ, bám trận địa đến cùng, sẵn sàng hy sinh cho chiến thắng chung. Tôi cảm thấy day dứt ân hận vì nhiều khi đã không hiểu hết Kình.

Chuyện của tôi và Kình là như vậy. Giá bây giờ Kình còn, có khi đã có cháu gọi bằng ông. Người nằm xuống dẫu sao cũng đã yên phận, nhưng với bà cụ thân sinh ra anh, chúng tôi phải cho chu đáo, đầy đủ và có trách nhiệm làm sao để người chết thỏa vong linh, xã hội và các thế hệ sau không bao giờ được quên những người đã vì Tổ quốc mà hy sinh trọn vẹn.

Còn Trần Thị Thu Hằng bây giờ ở đâu, sống thế nào? Cô ấy có hạnh phúc không? Mối tình đầu với Kình còn đọng lại được những gì?...

Không hiểu tại sao, dẫu biết đáy bể mò kim tôi cứ cầu mong sẽ có một ngày nào đó tình cờ gặp được Thu Hằng. Tôi quyết định ngồi tàu hỏa vài ba ngày cũng là hy vọng thế… Biết đâu trong muôn vàn gương mặt khả ái và nhân hậu của các bà, các chị mà tôi gặp trên tàu, dưới sân ga… lại chả có Thu Hằng? Và khi ấy, tôi sẽ kể cho cô nghe về Kình, về người yêu cô, người đồng đội của tôi mà tin rằng mãi mãi về sau tôi không bao giờ quên.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Kình ơi" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Đặng Viết Tiến

Đặng Viết Tiến

09:58 05/08/2022

Xúc động quá.