Chuyện về hai anh em tiến sĩ người Dao

Mai Phương

14/08/2022 16:54

Theo dõi trên

Trong lịch sử người Dao ở Việt Nam, lần đầu tiên có hai anh em ruột nhận Bằng Tiến sĩ trong cùng một ngày (20-11-2017); Quỳnh Giao cũng là nữ Tiến sĩ người Dao đầu tiên.

hai-anh-em-tien-si1-1660405627.jpg

TS. Quỳnh Giao (thứ ba từ trái sang) tham dự lễ cưới của người Dao Tuyển ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

Trong số 6 tiến sĩ người dân tộc Dao của Việt Nam thì có 3 người trong cùng một gia đình, đó là: Tiến sĩ Bàn Tiến Tân (1945-1994), nguyên là Tổ trưởng bộ môn Văn học Dân gian Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, là người Dao duy nhất của Việt Nam học tại Đại học tổng hợp Lomonoxop (Liên xô cũ). Hai con lớn của thầy là T.S Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Bàn Thị Quỳnh Giao (Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đi theo con đường của người cha

Tôi may mắn được cùng học với Bàn Tuấn Năng ở Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc khóa học 1989-1993 (nay là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) và cũng được thầy Bàn Tiến Tân lên lớp bộ môn Văn học Dân gian. Thầy Tân tính tình đôn hậu, mộc mạc và sống giản dị. Trên lớp thầy toàn tâm, toàn ý truyền lửa về văn học dân gian cho học trò. Các bạn cùng lớp với tôi thời đó bảo: Mỗi khi thầy về trên quê, có củ khoai, củ sắn đều dành phần cho các con (bạn của Năng) ở Ký túc xá. Ấn tượng của tôi về Năng khi đó là người nhỏ thó, đeo cặp kính cận dày 10 đi ốp. Cận lòi nhưng lại mê đọc sách. Học hành cũng chả chăm chỉ gì vì cả “làng” đều lười học nhưng không hiểu sao mỗi khi Khoa báo điểm thì điểm bài thi của Năng bao giờ cũng rất cao. Sau này truy vấn thì mới biết, mỗi lần chuẩn bị kiểm tra hay thì là Năng cận lại “mò” xuống ký túc xá, nghe lỏm “chúng nó” ôn bài, truy bài nhau. Học lỏm xong lại quay ra giảng cho “chúng nó”, lấy kiến thức nền của “chúng nó” để thuộc bài và giảng lại. Lắm hôm các bạn lớp Văn A, B K24 ở ký túc xá tranh nhau gọi để nghe cậu bạn giảng bài. Khi học đại học, Bàn Tuấn Năng rất thích Văn học Trung Quốc và Ấn Độ. Vì lẽ đó nên cậu rất thích đọc sử, thuộc nhiều sử. Vì sử gần với văn hóa nên sau này chuyển “phông” từ văn sang văn hóa dễ dàng hơn.

Năng kể: Ngày đó nghèo, sách là thứ vô cùng quý và mình đã đọc trộm trong kho sách của bố những bộ sử thi như: Đam San, Xinh Nhã, Y Ban của Tây Nguyên; Mahabharata, Raymayana của Ấn Độ; Iliat, Odixe của Home (Hy Lạp). Sử thi của Ấn Độ đến giờ vẫn rất nhớ dù gần như không dùng đến. Bố tự khơi dậy đam mê miền núi cho mình, từ việc “thả” cho đọc trường ca, vì bố biết đó là thứ đọc được, đến việc sau này xui đọc “cái này, cái kia”. Vì thế cậu thấy đấy, mình lười học nhưng biết nhiều thứ linh tinh bên cạnh bài học.

Ra trường, Bàn Tuấn Năng xin về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Làm giảng viên được gần 4 năm thì chuyển về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Kạn. Tháng 2-2010 thì về Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Em gái của TS. Bàn Tuấn Năng là TS. Bàn Thị Quỳnh Giao (sinh năm 1977) hiện đang công tác tại Viện Văn học. Năm 1998, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Quỳnh Giao về công tác tại Trường TSCS Giang Tiên (Phú Lương). Gần 10 năm làm công tác giảng dạy, cô rất yêu nghề và gắn bó với học trò miền núi. Những sau lần gặp biến cố trong đời sống tình cảm, Quỳnh Giao đã nghĩ, chỉ có học mới hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi. Nghĩ thế nên năm 2008, Giao trốn Nhà trường đi thi Cao học. Vì học “chui” nên chỉ đến khi bảo vệ luận văn, nhà trường mới biết cô đi học. Nhà ở Hà Nội, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, cô vẫn về Thái Nguyên dạy. Thấy vợ vất vả vì đi đi lại lại giữa Thái Nguyên và Hà Nội, nhiều lần chồng cô khuyên cô nghỉ dạy. Quỳnh Giao đã ôm hồ sơ xin vào các trường ở Hà Nội nhưng chẳng có trường nào nhận. Cuối cùng, cô được anh trai xin vào công tác ở Viện Văn học....

hai-anh-em-tien-si2-1660405609.jpg

Th.s Bàn Tuấn Năng trong ngày bảo vệ Luận án Tiến sĩ

Trong lịch sử người Dao ở Việt Nam, lần đầu tiên có hai anh em ruột nhận Bằng Tiến sĩ trong cùng một ngày (20-11-2017); Quỳnh Giao cũng là nữ Tiến sĩ người Dao đầu tiên. Và con trai của TS Bàn Tuấn Năng là Bàn Văn Minh Anh (sinh năm 1999) cũng vừa đỗ học bổng toàn phần tại Trường Đại học kinh tế cao cấp chuyên ngành Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế ở Matxcova (Liên bang Nga), nằm thứ 51 trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới và là trường số 1 trong đào tạo kinh tế của Nga.

Sống với những đam mê

Quê nội ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Từ nhỏ, mấy anh em Năng rất thích về quê nội và về nhiều lần, thích con người miền núi chất phác, thật thà nơi đây. Yêu quê, yêu bố và yêu nghiệp dân gian - tộc người từ ngày đó. Và giờ có chung niềm đam mê: nghiên cứu văn học, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi hỏi về người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bản thân, TS Bàn Tuấn Năng bảo: Đó là Giáo sư, TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á – ông có nhiều đóng góp trong quá trình vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu thành di sản văn hóa quốc gia đến quốc tế. Những cống hiến ông đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang văn hóa Việt Nam nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Mình là học trò của thầy Thịnh khi học Cao học năm 2005. Với mình, đó là một nhân vật vĩ đại bởi “cái gì” của văn hóa cũng biết, là người làm việc rất nghiêm túc. Hầu hết học viên đều nể trọng vì những gì thầy truyền đạt, nó dễ “khuất phục” người khác, kể cả là kẻ “gai góc” như mình.

- Gai góc thế nào? - Tôi hỏi.

Bàn Tuấn Năng nói: - Mình đã làm cái gì là làm đến cùng, càng khó càng say mê. Lễ hội Ná Nhèm là môt ví dụ. Sau 5 năm dày công nghiên cứu và thuyết phục người dân làng Mỏ, xã Trấn Yên, thị trấn Bắc Sơn phục dựng lại lễ hội độc đáo đã bị thất truyền từ năm 1963. Năm 2016 cũng là năm Lễ hội Ná Nhèm đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cũng là năm báo chí lao vào đánh “um tùm”. Nhưng đến năm 2017 thì “im thít”, vì mình tổ chức hội thảo đưa ra những chúng lý thuyết phục: Đây là lễ hội của dân, Tàng thinh - Mặt nguyệt (sinh thực khí nam – nữ) của dòng họ đem dâng cúng Đức vua sao lại nghĩ “bậy bạ”; cùng là linh vật, sao bánh chưng ở Đền Hùng làm to được, mà linh vật ở đây lại không làm to được. Lễ hội có bị tục hóa đâu, có khuyến khích “lếu láo” đâu. Cũng từ Lễ hội Ná Nhèm; anh em họ Mạc, gốc họ Mạc từ kết quả nghiên cứu của mình giờ giao du với nhau trong cả nước. Họ đi đến đâu cũng có anh em tiếp đón. Họ hạnh phúc vì tìm ra tổ tiên, họ hạnh phúc vì có thêm bè bạn. Và họ cũng làm cả nước cũng hạnh phúc vì sau bao bấn loạn lịch sử, giờ còn nguyên một lễ hội vẫn tung hô Vạn tuế, một ứng xử duy nhất dành cho đức vua, dù diễn ra ở dưới sân ruộng. Giá trị lịch sử văn hóa đấy, và người họ Mạc cũng tôn vinh và quý mến mình.

Hay như làm đề tài về dân tộc Lô Lô ở tận Bảo Lạc, Cao Bằng, là một dân tộc rất khó tiếp xúc, rất khó khai thác tư liệu. Mình phải vận dụng vốn sống thực tế, chan hòa thật sự với họ chứ không phải giả tạo. Ví dụ đám tang của người Lô Lô mình chụp ảnh, về Hà Nội rửa ảnh rồi gửi lên cho họ loạt ảnh để họ chia nhau treo. Họ không cảm ơn mà chê: sao bé thế (cười) nhưng lần sau quay lại thì sự thân tình đã hơn xưa.

Đam mê công tác nghiên cứu sưu tầm nhân học, dân tộc học và bảo tồn di sản văn hóa, nên nhiều người khi nhìn lý lịch khoa học của TS Bàn Tuấn Năng cũng phải ngỡ ngàng: sách nghiên cứu về văn hóa in chung, riêng 10 cuốn, trong đó có những cuốn rất khó như Lễ hội Ná Nhèm (2017); Lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam (2018); 24 dự án bảo tồn di sản văn hóa của một số dân tộc được áp dụng trong thực tiễn; đồng thời chủ trì và tham gia rất nhiều đề tài, dự án khác. Ở một số tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn và bây giờ là Quảng Ninh, người ta biết đến TS Bàn Tuấn Năng như một chuyên gia thực sự.

Nói về những đề tài nghiên cứu về văn hóa của đồng bào Dao và các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Lô Lô, T.S Bàn Tuấn Năng chia sẻ: Đó cũng là một nhiệm vụ, với tổ tiên, với chính mình và với đam mê của mình. Trong văn hóa tộc người, mọi thứ không bao giờ là đủ, vì văn hóa vận động chứ nó không đứng im. Cái của ngày hôm qua và cái của ngày mai có thể có những sự khác nhau, mình vẫn gắng sức nghiên cứu và tiếp cận cái cũ, cái mới nếu có cơ hội. Văn hóa mình làm thường kết hợp cả thực chứng, nghĩa là vừa có tính chất cụ thể, vừa có tính chất hàn lâm nên nhiều sản phẩm của mình được ứng dụng tốt tại địa phương.

Quỳnh Giao cũng không chịu kém người anh của mình. Được nghiên cứu và cống hiến cho văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số, với cô cũng là niềm đam mê trong sự nghiệp của mình.

Quỳnh Giao chia sẻ: Về công tác ở Viện Văn học Việt Nam - viện nghiên cứu đầu ngành của ngành Văn học. Giờ nghĩ lại những năm đầu ở Viện em vẫn thấy run vì mình giáo viên "làng" về, ngồi chung toàn với các cây đại thụ. Khi đó, sếp em là PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam bảo: Tôi cho cô 5 năm, nếu cô không làm được gì thì tự chuyển việc. Em loay hoay mất một năm không biết bắt đầu từ đâu và làm gì. Cuối cùng em nghĩ, cả Viện em mỗi mình em người dân tộc, nếu như đi theo lối nghiên cứu của mọi người mình sẽ thất bại. Vì mình đi sau mọi người nhiều và bao năm làm giáo viên có nghiên cứu gì đâu. Thế là em bắt đầu “khoe” văn hóa dân tộc em. Đầu tiên là đám cưới. Sau đến tang ma. Tang ma là mảng khó nhất vì không phải là người Dao thì sẽ rất khó thâm nhập bởi có nhiều kiêng kỵ. Cuối cùng em bảo vệ thành công và đúng hạn đề tài luận án Tiến sĩ Dân ca nghi lễ trong đời sống văn hóa của người Dao Tuyển. Trong đó có đề cập và tái hiện được không gian của 3 nghi lễ lớn vòng đời của người Dao Tuyển đó là đám cưới, lễ cấp sắc và tang ma. Nhưng làm được việc đó cũng không dễ vì con nhỏ (1 tuổi) em phải để ở nhà với bố, xách ba lô lên vùng người Dao Tuyển sống tham dự trực tiếp vào nghi lễ của họ. Nghi lễ cấp sắc, nghi lễ tang ma họ làm 5 ngày 5 đêm liên tiếp. Em ko dám ngủ vì ngủ một chút là bỏ mất một nghi thức. Đi 5 hôm về con quên cả mẹ. Rồi có những lần chồng em đèo vợ bằng xe máy đi đêm hôm tới 400km lên Mường Khương (Lào Cai) để tham dự nghi lễ tang ma. Đám cưới, Lễ cấp sắc mình còn biết ngày trước để còn đi được nhưng đám ma là khổ nhất bởi họ chết bất thình lình. Nhưng được cái em là người Dao nên được dân bản và các thầy cúng giúp nhiều. Nếu người Kinh thì không làm được, vì việc tham dự nghi lễ nhất là tang ma có nhiều điều kỵ…

hai-anh-em-tien-si3-1660405609.jpg

TS Bàn Thị Quỳnh Giao tham dự Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển ở Mường Khương, Lào Cai

- Khi nghiên cứu văn hoá của dân tộc mình có khi nào em thấy nản?

- Không chị à, trái lại là em cảm thấy tiếc thời gian trước mình đã không chịu tìm hiểu văn hóa dân tộc mình. Để văn hóa ấy ngày một mai một đi...

Với niềm đam mê nghiên cứu, từ năm 2012 đến nay, TS Quỳnh Giao đã tham gia 6 đề tài nghiên cứu cấp bộ và cơ sở; 18 công trình nghiên cứu khoa học đã công bố trong đó có các cuốn sách: Thơ Bàn Tài Đoàn – Tiếng nói tâm hồn đích thực người Dao (2012); Dấu ấn văn hóa Tày trong tiểu thuyết Vi Hồng, in trong sách Vi Hồng tác phẩm và dư luận (2016); Dân ca nghi lễ của người Dao Tuyển (2017); Tín ngưỡng của người Dao Tuyển trong dân ca nghi lễ vòng đời, in trong sách Văn học và văn hóa tâm linh (2018).

Dự định những năm tới, TS Quỳnh Giao sẽ tiếp tục đem văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Cô bảo: “Khoe” được càng nhiều càng tốt. Đặc biệt em đang muốn dịch tất cả các bài hát trong nghi lễ vòng đời của người Dao Tiền sang tiếng Việt. Còn TS. Bàn Tuấn Năng mong muốn sẽ trở thành chuyên gia đầu ngành trong nghiên cứu văn hóa người Dao, văn hóa tộc người ở Việt Nam.

TS. Bàn Tiến Tân đã mất được 24 năm. Đó không chỉ là nỗi buồn của người thân trong gia đình mà còn là nỗi buồn của dòng tộc. Nhưng hôm nay, với những đóng góp đầy nhiệt huyết của hai TS người Dao kế tiếp trên các lĩnh vực như: - Nhân học - Văn hóa - Văn học... hẳn sẽ luôn là những minh chứng hết sức có giá trị trong sự nghiệp trồng người. Kiến thức của gia đình luôn là yếu tố quan trọng song hành với kiến thức xã hội trong đào tạo từng cá nhân cụ thể. Chỉ khi hai yếu tố này được kết hợp hài hòa, các cây trái tài năng mới có đủ độ chín.

Theo  https://baothainguyen.vn 

 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về hai anh em tiến sĩ người Dao" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn