Cổ thụ

Ngô Văn Cư

24/09/2021 10:18

Theo dõi trên

Mỗi khi đi xa, nhớ quê nhà Ân Tín, tôi thường nhớ đến những nơi gắn liền với tên người: cầu Bà Cương, cầu Ông Lộc, bến Ba Cô, dốc Bà Quýt, vườn dừa Bà Khôi, ruộng Bà Cả… Đôi khi lại nhớ đến những nơi không hề liên quan đến con người nhưng là chứng nhân của quê hương: Cổ thụ!

242399253-4657406334293827-1767287672136759401-n-1632453336.jpg

Hôm nay, với tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh đến chóng mặt cùng với nó là sự mở đường rộng thoáng khiến những cây cổ thụ đứng ven đường bị chặt phá không thương tiếc. Tất cả chỉ còn lại cái tên. Cầu Bến Muồng nhưng cây Muồng không còn nữa. Truông Cây Cầy mà cây Cầy đã vắng bóng. Dốc Me không còn cây Me da xù xì như người già… Chỉ còn vài ba cây may mắn sót lại trên mãnh đất nửa phố nửa quê. Tôi nói may mắn là có lý do, và sẽ nói rõ về chúng.

Nhân dân trong vùng không thể nào quên hình ảnh Cây Thị già cỗi ở Vạn Hội 1. Khi tôi biết tụ tập với bạn bè để “phá phách vườn cây ăn quả” của hàng xóm thì cây Thị đã lớn lắm rồi. Gốc to đến hai người vòng tay vẫn chưa khép. Da xù xì, nổi lên những u nần rất kỳ dị; cành lá xum xuê tỏa bóng mát một khoảng đất rộng lớn. Có điều, không hiểu sao cây thị lại đứng giữa đường của một ngã ba, tạo thành một phòng xuyến tự nhiên. Phải chăng người đi đường phải đi vòng quanh tránh gốc thị mà tạo thành một vòng cua rộng lớn? Chúng tôi thường tổ chức chơi trò cút bắt quanh gốc Thị này. Mà không phải chỉ bọn trẻ, những người lớn cũng núp dưới bóng cây Thị để mua bán và dần dần hình thành cái chợ quê nhóm họp vào mỗi chiều. Chợ Chiều trở thành nơi sinh hoạt trao đổi hàng hóa của địa phương; có thể gọi là chợ đầu mối. Bởi hàng nông sản của nông dân trong vùng và đồng bào thiểu số vùng lân cận được đem đến đây mỗi chiều. Tư thương mua gom để sáng hôm sau đem đến chợ Đồng Dài hoặc chuyển đến các chợ lớn khác. Người bán và người mua đều thật thà, hiền lành như hạt gạo, củ khoai… mang tính trao đổi hơn là mua bán kinh doanh. Có lẽ vì thế mà chợ Chiều dưới gốc cây Thị có tên là chợ Cát Lái. Theo mấy cụ cao niên thì chữ “Cát” có nghĩa là hiền lành, tốt lành; “Lái” là người buôn bán. Có thể hiểu theo nghĩa rộng là chợ mà người mua kẻ bán bán đều thật thà, hiền lành, tốt bụng. Cây thị trong chuyện cổ tích Tấm Cám đã hiện hữu nơi quê tôi; đến nỗi, trong một trò chơi của chúng tôi hồi trẻ có một bài đồng dao nhắc đến tên chợ này: “u qua Cát Lái, u về Tam Quan…”.

Trở lại câu chuyện cây Thị cổ thụ của chúng ta. Nó đứng chần ngần giữa ngã ba có lẽ đã hơn thế kỷ mà chẳng một ai có suy nghĩ là phải chặt bỏ nó. Con đường đã nhiều lần mở rộng và vòng xuyến càng lớn hơn, cây Thị đã già lắm nhưng càng hiên ngang giữa bầu trời quê khoáng đãng giữa cái chợ Chiều cũng đã tan lâu rồi, chỉ còn tồn tại vài sạp hàng bán tạp hóa cho dân địa phương. Gốc Thị đã khuyết lõm sâu vào thành một cái hốc nhỏ. Có lẽ do bọn nhỏ nghịch phá mỗi ngày một ít đục vào mà thành như thế chăng? Nhiều năm rồi, cây Thị không ra trái nhiều như trước nữa. Những trái thị chín vàng ươm thơm nức mùi được nhiều lứa học sinh giấu trong cặp sách đã vắng thưa dần. Tôi cứ tin rằng cây này là một trong những cây thị cuối cùng còn sót lại ở quê tôi. Nếu có học sinh nào đến trường lén lút giấu trong cặp một trái thị mà không thể nào giấu được mùi hương, chắc chắn là trái thị hái từ đây. Rồi bỗng một đêm, ngọn lửa ngún cháy từ hốc nhỏ của cây Thị. Cháy âm ỉ suốt đêm, đến sáng mọi người mới biết. Ngọn lửa được dập tắt nhưng hai phần ba gốc Thị đã bị cháy. Cây Thị khô héo, rụng lá. Có thể là bọn trẻ con nghịch đốt; có thể ai đó vô tình vứt tàn thuốc rồi gặp rác vụn trong hốc; có thể…; có thể… tâm trạng chung của người dân là tiếc rẻ, lo lắng cho sự sống của cây. Nhưng sau một mùa mưa cây Thị lại nẩy lộc đâm chồi. Cây đã hồi sinh. Trên thân thể mang vết thương thật lớn, đến nỗi hai đứa trẻ có thể trốn vào trong đó. Dẫu không nguyên vẹn như xưa nhưng cây Thị vẫn còn đó gợi một ký ức về làng quê không dễ phai mờ. Và vết thương nằm trên thân thể cây Thị đã mấy mươi năm kia như một lời nhắn nhủ đến mọi người về thái độ của mình đối với thiên nhiên.

Gần đây, báo chí luôn đăng tải nhiều địa phương trong nước đã chặt rất nhiều cây cổ thụ để đường thông hè thoáng. Nhưng đằng sau những mỹ từ tốt đẹp ấy là những thớt gỗ quý đã tồn tại hàng trăm năm. Một cây gỗ quý đốn ngã là biết bao đồng tiền chảy vào túi của những kẻ cơ hội. Trong khi đó, gỗ thị là loại gỗ rất chuộng. Nhưng may mắn là cây Thị nằm giữa lộ nên không thuộc riêng của ai nên cây vẫn còn đó. Hay là vết thương lớn quá làm hư hết thịt da nên giá trị chẳng là bao mà cây Thị vẫn còn lay lắt sống. Hay là dân làng còn muốn giữ lại một chút giá trị xưa? Có thể tất cả lý do ấy mà cây Thị vẫn tồn tại, trơ gan cùng thời gian, chẳng cần dựa vào đấng thần linh nào. Sống trong lòng dân thì chắc chắn sẽ được dân bao bọc.

Có một cây thị khác ở thôn Vạn Hội 2, cũng đã hàng trăm năm nay trơ gan cùng tuế nguyệt. Nó lặng lẽ đứng bên Miếu Thanh Minh của làng. Có thể vì nó dựa vào đáng thần linh vô hình của làng mà dân chúng không dám chặt phá. Nhưng chính nó đã chứng kiến sự hình thành và lớn mạnh của Sư đoàn 3 – Sư đoàn Sao Vàng – Sư đoàn anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Hoài Ân. Hàng năm, lớp lớp những cựu binh đã về thăm lại chiến khu xưa đều đến với cây thị này. Máu của các chiến sĩ đồng đội đã thấm vào đất cho cành lá thêm xanh che mát mái trường mầm non của thôn. Một tấm bia lưu niệm cũng đã dựng lên để ghi lại nghĩa tình quân dân trong kháng chiến bên tiếng bi bô của mầm tương lai đất nước.

Có một cây cổ thụ nữa vẫn còn tồn tại trên mảnh đất Ân tín quê tôi là cây sộp cổ thụ đang xanh um tán lá giữa cánh đồng Bà Tấn ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (trước đây là thôn Vạn Đức). Cây sộp còn gọi là cây đa sộp, thân gỗ mềm, không có giá trị sử dụng, làm củi đun cũng không bốc lửa… Cây có đường kính hơn 10m, chiều cao hơn 30m, không chỉ là cổ thụ trên 100 năm tuổi mà còn là nhân chứng của sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân vào tháng 7/1931, một trong những Chi bộ tiền thân của Đảng bộ Hoài Ân và tỉnh Bình Định sau này. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử và thiên nhiên, cây sộp vẫn uy nghi và xum xuê cành lá, là tấm bia ghi dấu tích lịch sử. Có lẽ vì thế mà cây sộp được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam (Quyết định số 04/QĐ-HMTg ngày 4/1/2016). Trong khi nguy cơ bị chết đi ít hơn cây Thị ở Vạn Hội 1.

Thật lòng mà nói, nếu không có những lần tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và xây nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức thì cây sộp chỉ tỏa bóng mát cho những người làm đồng trong ngày nắng nóng giữa đồng không mông quạnh. Trong ký ức của người dân trong vùng thiếu hình ảnh cây sộp và chỉ được chú ý và nhắc đến khi Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Ân quyết định xây dựng Khu lưu niệm Chi bộ Vạn Đức bên cạnh cây sộp cổ thụ thành địa chỉ văn hóa – lịch sử tiêu biểu của địa phương. Hôm nay, cây sộp không còn lẻ loi, chênh vênh giữa đồng mà đã được mọi người lui tới núp bóng và nhắc đến trong những sự kiện lịch sử quan trọng ở địa phương. Cây đã qua rồi thời khó khăn sống…

Tôi chợt nhận ra một điều như một phương châm sống là dẫu thân cây cỏ nhưng khi gắn vào số phận con người, vào lịch sử địa phương, vào tâm linh của nhân dân thì sẽ trường tồn cùng nhân dân. Nhưng đôi lúc tôi lại giật thót người khi nghe tin ở đâu đó người ta chặt cây cổ thụ để lấy gỗ nhưng lại nhân danh làm đẹp, làm thoáng cảnh quan. Thì ở quê tôi, với vài ba chục năm trở lại đây cũng có vài ba chục cổ thụ đã hóa kiếp… Và, vài ba cổ thụ dựa vào thần linh mà tồn tại; dựa vào nhân dân mà sống còn; dựa vào lịch sử mà phát triển… biết được bao lâu?

 (Trích trong Mây ở phía quê nhà)

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cổ thụ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn