Con đường đến trường

Nguyễn Văn Long

09/11/2022 15:26

Theo dõi trên

Viết tặng cho những người bạn đồng khoá Lớp 10A, niên khoá 1973 -1976 của tôi, nhân dịp tổ chức Lễ gặp mặt sau 46 năm ngày ra trường 1976 -2022.

Tôi sinh ra từ một làng quê nghèo bên dòng sông Bạch Đằng, một dòng sông rất đỗi tự hào với những trận thủy chiến oai hùng của ông cha, đã được lưu truyền, rạng danh muôn đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

bai-van-ta-con-duong-den-truong-hay-nhat-208080-1667982338.jpg
Ảnh minh họa

Làng Gia Đức quê tôi giống như một cù lao nhỏ, xung quanh bao bọc bởi sông nước, triền đê, với nhiều sú vẹt. Đi lại cách trở, từ nhà muốn đi đến trường cấp hai phải đi qua con đò ngang xóm Đồng Giá, đi bộ qua mỏ đá Tràng Kênh với lối đi ngoằn ngèo trong núi, lại qua bến đò ông Hận, rồi đi tiếp qua một dãy đồi dài, chập chùng xen lẫn đồi thấp với đồi cao… Chỉ có đường đất, nếu không phải là những viên đá sắc cạnh ghép lại lởm chởm, thì sẽ là những vũng nước sâu lầy lội do ô tô chở đá thường xuyên chạy qua. Có nhiều đoạn nước ngập không qua được phải đi vòng vèo quanh chân núi. Mùa nắng thì nắng rát mặt, nóng vã mồ hôi, người đầy bụi bặm. Mùa mưa thì mưa to, gió lớn, nước rúc vào trong áo, ướt đẫm, lạnh đến run người.

Mỗi khi từ nhà ra bến đò đầu tiên là bến đò xóm Giá, tôi phải đi một mình trên con đường vắng dài băng qua khu đầm Mới, nơi không có dân cư. Đi qua chân núi Cống Ỏn lúc mới tờ mờ sáng vắng đến kinh người, đi tắt qua một bãi tha ma chập chờn ánh sáng lân tinh vật vờ bay lên từ những ngôi mộ mới bốc hốt, sang cát! Núi Cống Ỏn có ông Viện bị ngã núi chết. Còn miếu thờ xung quanh cây cối rậm rạp, nằm trên mặt bờ đê ven sông trên đường ra bến đò xóm Giá là nơi ông Rạ tự tử thắt cổ chết. Người ta quen gọi là Miếu ông Rạ!

Năm sáu chín, tôi - một đứa trẻ khi ấy mới mười tuổi, phải tự dậy sớm từ mờ sáng để theo chân những anh chị lớp trước hơn năm, bảy tuổi, vượt qua con đường gian truân chừng đó đến trường, miệt mài đi tìm con chữ suốt ba năm trời từ lớp năm đến lớp bảy tại trường cấp hai Minh Đức. Dù mùa đông rét mướt hay mùa mưa dầm rả rích, tôi vẫn cứ đi, không nghỉ một ngày nào. Khi mọi người còn đang ngủ ngon trong chăn ấm, hơn bốn giờ sáng, tôi đã phải thức dậy, bước ra đường để đi bộ đến trường. Tôi luôn tự động viên mình, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn gian khổ và cả nỗi sợ ma để đi nhanh về phía bến đò. Nơi ấy có tiếng người của những bà, những chị đi chợ sớm. Khi đến đấy sẽ thấy bớt sợ hơn và sẽ có thêm nhiều người đồng hành.

Gian khổ và khó khăn quá, các anh chị trong thôn bỏ học dần. Số các anh lớn tuổi xung phong lên đường tòng quân, sau Lệnh tổng động viên năm bảy mốt, trong thôn chỉ còn mỗi mình tôi đi học. Nỗi cô đơn trên đường đi học thật đáng sợ. Có khi nước mắt trộn lẫn với nước mưa, gió lạnh táp vào mặt, có con gió lớn xô người trượt ngã lăn dài trên triền đê. Vừa sợ, vừa khóc nhưng tôi vẫn cố lồm cồm bò dậy, gắng gượng vượt qua mưa gió, băng mình về phía trước, vượt qua tất cả để gắng tới lớp cho đúng giờ. Có lúc đi học về bụng đói, đường xa, người muốn lả đi nhưng không thể dừng lại vì xung quanh khá hoang vắng. Tôi nhớ có một lần đói quá, bị hạ đường huyết không đi được nữa lết vào nhà dân ven đường xin cục cơm nguội ăn vội cho đỡ đói, uống một ca nước mưa rồi đi về nhà!

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như chuyện của ngày hôm qua!

Quê tôi có thói quen ăn hai bữa, ăn sáng rồi đi làm và ăn tối lúc xế chiều. Có lần đi học về tới nhà không còn cơm nữa, vì các em tôi đói quá đã lấy phần cơm của tôi ra ăn trước. Ba mẹ cũng nghĩ rằng tôi về đến nhà muộn hơn thì ăn luôn bữa cơm buổi chiều. Tôi đói quá phải ăn tạm chiếc bánh tráng gạo chờ cơm, có khi múc luôn nước cơm của nồi cơm đang sôi trên bếp lửa, uống tạm cho qua đi cơn đói. Đói khát, đi bộ nhiều nên tôi không lớn nổi, người rạc đi, suy dinh dưỡng đến còi cọc. Nhìn bạn bè cùng trang lứa khỏe mạnh, phổng phao luôn làm tôi buồn lòng. Bạn bè đặt cho tôi đủ thứ biệt hiệu như Long đen, Long rin, Long còi... Xếp hàng thì luôn được bạn bè cho đứng hàng đầu vì người nhỏ thó, lại gầy còm. Bù lại tôi học rất sáng dạ. Bài vở tôi thuộc nhanh, toán giỏi, văn khá, vở sạch chữ đẹp; bạn bè thương, họ động viên, đùm bọc tôi suốt ba năm học đó!

Năm bảy mốt, việc học của tôi có một biến cố nhỏ. Do tôi đi học trước tuổi, ba tuổi đã biết đọc, biết viết, bốn tuổi biết làm toán nên khi vào lớp một nhà trường cho nhảy lớp. Nay tuổi nhỏ, sức khỏe yếu nên nhà trường sợ tôi học quá hoá điên, yêu cầu cha mẹ cho tôi nghỉ học để chờ một vài năm. Nếu không vậy, dù tôi có học tiếp thì năm sau cũng chẳng đủ tuổi để vào học lớp tám, lớp đầu cấp ba của bậc học phổ thông mười năm hồi bấy giờ. Tôi nghỉ học về quê năm đó, đến năm bảy ba mới đi học lại, vào lớp tám. Đây cũng là cơ duyên mà tôi có may mắn được học cấp ba với các bạn của tôi bây giờ.

Đó cũng là cơ duyên khi tôi được làm học trò của Cô, vừa chủ nhiệm lớp, vừa là giáo viên dạy toán, người mà tôi hằng kính trọng và ngưỡng mộ. Cô đã truyền cho tôi niềm đam mê học toán, giúp tôi thêm nghị lực để vượt qua bao khó khăn, hướng nghiệp cho tôi nên chọn nghề giáo viên và sau này tôi đã gắn bó rất lâu với nghề dạy học. Cơ duyên khi tôi được gặp các bạn cùng lớp, cùng khoá để đồng hành với nhau qua ba năm học. Ba năm học ở trường THPT Phạm Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng không dài so với một đời người nhưng là ba năm quan trọng bồi đắp lên nhân cách và tri thức cho mỗi người, để chúng tôi chuẩn bị hành trang cho mình bước ra cuộc đời mênh mông, đầy sóng gió! Để đến hôm nay, chuẩn bị cho ngày gặp lại nhân bốn mươi sáu năm ngày ra trường, ngồi hồi tưởng lại những gì mình trải qua, rất thấm thía, càng biết ơn về sự ân cần dạy dỗ của các thầy cô giáo, sự thương yêu bao bọc của bạn bè, đã đồng hành, tiếp sức cho tôi trưởng thành!

Từ quãng đường đê quạnh vắng đến lạnh người của làng quê Gia Đức ngày ấy, tôi đã vượt qua biết bao quãng đường đời đầy chông gai, thử thách nhưng trong lòng tôi luôn nuôi giữ được ngọn lửa ấm áp và niềm tin vào tình yêu với mỗi con người, với cuộc đời rộng mở.

Chuyện Làng Quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Con đường đến trường" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn