Con đường đến ước mơ

Lệ Thuỷ

14/03/2022 07:22

Theo dõi trên

Chiều nay, Hiền chở mớ rau từ nhà ra chợ bán. Chợ cách nhà gần 10km, trung tâm hành chính của xã cũng ở kề đó.

Mọi lần đi chợ bán ít nông sản để mua vật dụng hay thực phẩm cho gia đình, Hiền thấy bình thường vì đó là công việc. Nhưng hôm nay Hiền háo hức lắm. Ngồi bán những bó rau cải trổ bông vàng mà mặt em cứ ngong ngóng lên đường, như có việc gì hệ trọng. Cuối cùng thì mớ rau cũng bán hết. Chạy vội mua ít đồ dùng mẹ dặn, Hiền tất tả lên xe đạp chạy thật nhanh vào bưu điện. Dừng xe bên ngoài Hiền

bước vào quầy:

- chú ơi, mấy nay có giấy báo nào không chú?

co-giao-1647217253.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bưu điện xã vùng quê nên chỉ có chú Thân là người thường xuyên trực ở quầy. Chú biết hết những ai ở thôn nào đến nhận thư tín.

- có một giấy báo trúng tuyển vào trường cao đẳng sư phạm. Cháu là Hiền hả. Đây này. Cháu giỏi quá. Năm nay cả xã chú thấy có một mình cháu có giấy báo đậu đó cháu.

- Dạ, cháu cảm ơn chú. Cháu mừng quá!

Hiền run run đưa hai tay nhận lấy phong bì đựng giấy báo. Chú Thân nói vậy, bởi vì chỉ có thí sinh nào trúng tuyển thì mới có giấy báo từ các trường. Hiền chưa vào bưu điện bao giờ nhưng vẫn biết chú. Chú là người cùng xã, khác thôn thôi. Thường thì thư tín các thôn đều được cán bộ xã từ các thôn nhận về. Người ở thôn nào thì nhận cho thôn ấy. Sau buổi làm việc cuối ngày đem về thôn phát lại giúp cho bưu điện. Mấy nay Hiền thấp thỏm chờ giấy báo nên chiều nay nhân tiện đi chợ ghé vào. May quá giấy báo đã về và điều vô cùng hạnh phúc là Hiền đã đậu. Ước mơ làm cô giáo của Hiền được bắt đầu rồi.

Mở vội phong bì, Hiền đọc nhanh nội dung giấy báo. Điểm số không ngoài dự đoán. Ngày giờ nhập học được thông báo cụ thể. Hiền vui quá, ngỡ như mơ.

- chú ơi! Cháu về cho ba, má cháu mừng. Cháu cảm ơn chú.

- Ừ cháu về báo cho gia đình đi. Thương quá, con nhà nghèo mà hiếu học. Chúc mừng cháu nha.

- Dạ

Hiền khấp khởi đạp xe về nhà, nửa mừng nửa lo.

... Còn nhớ ngày làm hồ sơ nộp thi vào các trường đại học, Hiền đắn đo suy nghĩ, cân nhắc. Cuối cùng Hiền là người hoàn thiện hồ sơ sau cùng và trường Hiền chọn là cao đẳng sư phạm. Sáng ngày nộp hồ sơ hạn chót, thầy giáo dạy văn và thầy dạy sử chạy vội đến lớp tìm Hiền:

- Hiền, sao em không nộp hồ sơ vào đại học mà nộp vào cao đẳng.

Cả hai thầy đều rất thương và quí Hiền. Những bài văn của Hiền thường được thầy đọc trước lớp mỗi khi phát bài kiểm tra. Những tiết dạy lịch sử sôi nổi nhiệt huyết của thầy đều có sự phát biểu sâu sắc của cô học trò bé nhỏ, hay cười, ít nói.

Hiền biết hai thầy thương mình lắm. Ngập ngừng Hiền ngước mắt nhìn hai người thầy đang nôn nóng câu trả lời:

- Dạ... Em không muốn đi thi đại học ạ!

- Tại sao? Ngập ngừng, Hiền lí nhí:

- Dạ... Em muốn học cao đẳng để giảm bớt thời gian một năm cho ba má em đỡ khổ.

Hiền cuối xuống, hai giọt nước mắt rơi theo lúc nào.

Hai người thầy nhìn nhau im lặng. Giây phút ấy thời gian như ngưng lại, ngỡ như cảm nhận được cái cảm xúc rưng rưng của cả thầy và trò.

Nhìn hai thầy của mình bối rối, Hiền cười:

- Dạ em không sao đâu thầy ạ. Em thi cao đẳng cũng tốt mà. Em biết hai thầy thương em nhiều lắm. Em cảm ơn hai thầy ạ. Hiền lại cúi đầu lí nhí.

Vùa xoa đầu thầy bảo:

- thầy hiểu nguyện vọng và tâm tư của em. Hai thầy chúc em đạt điểm cao nhé.

- Dạ. Em cảm ơn thầy.

Khác với tâm thế trước khi gặp Hiền, hai thầy quay lại phòng hội đồng với những bước chân chậm hơn. Vừa đi hai thầy vừa trao đổi với nhau. Hiền biết lòng người thầy đang nặng trĩu.

.............

Về đến nhà, nhìn vào đã thấy ba, má làm đồng về. Mừng quá, Hiền gọi:

- Ba, má ơi con có giấy báo đậu rồi. Con sắp vào nhập học rồi.

- Đâu giấy báo đâu con? Ba Hiền vui mừng hỏi.

- Dạ đây ạ.

Ba đọc đi đọc lại giấy báo mấy lần. Cả nhà ăn cơm sớm hơn thường lệ, mừng vui vì nhà mình có con đậu vào trường chuyên nghiệp( lúc ấy rất hiếm hoi không như bây giờ). Niềm vui xen lẫn nỗi lo:

- Mai bà bắt mấy con gà đem bán đi, sắm ít đồ cần thiết cho con nó đi học.

Quay sang Hiền ba nói:

- Mai ba đóng cho con chiếc rương gỗ để đựng đồ và làm bàn học luôn. Ba bàn với mấy mẹ con trong niềm xúc động.

Hôm sau, má chợ về. Trong quang gánh của má chỉ có một thứ duy nhất đó là chiếc quần vải xoa đen và chiếc áo sơ mi trắng dành cho Hiền. Má mua từ hàng đồ cũ nhưng với Hiền nó đẹp vô cùng.

Ba cũng hoàn thành chiếc rương nhỏ từ những mẩu ván ba xin được của nhiều người hai hôm sau đó. Công việc chuẩn bị cũng xong nhanh và ngày nhâph học đã đến gần. Đó là một ngày tháng chín mùa thu năm 1989.

Cô học trò nhỏ bước vào tuổi sinh viên với hành trang đơn sơ mà đầy ắp những kì vọng

gửi gắm. Hiền được học bổng cả ba năm học.

Với những sinh viên có điều kiện hơn, thì học bổng cũng chỉ đủ một suất cơm tháng nội trú, Nhưng nó là cả một gia sản lớn của cô sinh viên còn nhiều khó khăn. Những bữa cơm tập thể Hiền cùng các bạn góp nhau ăn nửa suất. Nửa suất còn lại lấy tiền trang trải những chi phí khác trong cuộc sống của nữ sinh viên, hay những lúc ốm đau, trái gió trở trời.

Có lần nhớ con, tranh thủ thu xếp việc đồng ánh nhà nông, ba Hiền tay xách, nách mang những món quà đầy thương nhớ của Hiền.

Là củ mì nấu với cơm dừa ba đã chuẩn bị sẵn. Hay ít mắm ruốc tươi má tự muối thơm lừng.

Những hôm có quà của ba, má là những hôm xem như được cải thiện bữa ăn với Hiền và niềm vui chunng với các bạn cùng phòng. Mỗi lần ba thăm rồi ra về, Hiền nhìn theo dáng ba rồi rưng rứt khóc. Những yêu thương luôn dồng hành trong từng trang sách vở của em.

Gian khó đã rèn luyện ý chí con người. Chỉ cần cố gắng không chùng bước và chọn lựa cho mình một con đường phù hợp, đó là điều mà cuộc sống đã dạy cho Hiền.

Chuyện của một thời đã qua. Cô giáo Hiền đã là bà giáo. Người xưa, thầy xưa người mất, người còn. Nhưng ân tình thì mãi mãi vẫn nơi đây.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Con đường đến ước mơ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn