Đài quan sát “mắt thần” (Kỳ 2): Trận đánh điển hình và kết quả

Bài và ảnh Bùi Văn Phong

27/04/2022 12:47

Theo dõi trên

Ngày 6 tháng 9 năm 1969 Phân đội trinh sát chúng tôi do anh Nguyễn Văn Ngân làm phân đội trưởng nhận nhiệm vụ vào đặt đài quan sát ở dãy núi La Rường thuộc huyện Hướng Hóa- Quảng Trị.

Đỉnh La Rường có độ cao 1288 mét so với mặt nước biển, nằm sâu trong vòng kiểm soát của địch. Chúng tôi chọn vị trí hiểm trở gần đỉnh để đặt đài, nơi ấy có thể quan sát phạm vi rất rộng, bao quát gần hết địa bàn thuộc huyện Hướng Hóa. Tin tức nắm được hàng ngày đều phải báo cáo về Phòng 2 Mặt trận.

dai-quan-sat-1651038376.jpg
Anh Đào Quang Nhân đứng thứ 2 từ trái sang. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Vì nằm sâu trong lòng địch nên chỉ có trinh sát chúng tôi và tiểu đoàn 33 Đặc công hoạt động. Sau trận đơn vị đặc công trong đó có anh Nguyễn Văn Học quê xã Thanh Mỹ huyện Tùng Thiện Hà Tây cũ (đồng hương với tôi) tham gia tiêu diệt một đại đội lính Mỹ ở đồi Động Tiên. Đánh xong căn cứ địch các anh rút về hậu cứ còn chúng tôi vẫn ở lại bám đài. Do vậy địch thường xuyên tăng cường lực lượng thám báo lùng sục, đồng thời các các trận địa pháo của địch ở 241 và cứ điểm Động Toàn thường xuyên bắn phá, lúc cấp tập, lúc cầm canh vào khu vực quanh đài quan sát của chúng tôi.

Sau trận đánh của đơn vị đặc công ít ngày chúng tôi phát hiện nhiều tốp máy bay ném bom bắn phá khu vực núi Tia Pông có độ cao 822 mét nằm ở phía Đông Bắc dãy La Rường nơi có đài quan sát của chúng tôi. Hết những loạt bom, địch lại bắn phá ác liệt bằng đạn pháo tầm xa, cuối cùng là nhiều chiếc trực thăng vũ trang nhả đạn xối xả xuống điểm cao đó. Khi ngớt những loạt bom pháo và đạn đại liên từ trực thăng vũ trang bắn xuống, rồi máy bay HU1B đổ quân xuống ví trí mà chúng vừa “dọn bãi”.

Đến giờ báo cáo tin tức hàng ngày về Phòng, hôm nay tôi thấy đồng chí báo vụ gõ Ma níp dài hơn thường lệ. Ngay trong ca liên lạc đó chúng tôi được lệnh phải bám sát mọi hoạt động của địch ở cứ điểm mà chúng vừa đổ quân! Ngày hôm sau có hàng chục lượt máy bay trực thăng tiếp tế cho địch, chuyến thì chở hàng, chuyến thì chở bao cát cho địch làm công sự, chuyến thì chở nước v.v. Chiều muộn chúng tôi thấy một chiếc trực thăng chở téc nước lên dừng ở độ cao khoảng năm mét rồi chúng mở vòi tạo mưa cho bọn lính “tắm tiên”. Những tên lính cởi trần da đỏ hỏn vừa tắm vừa cười đùa sảng khoái. Buổi tối chúng tôi nhận được bức điện của Phòng thông báo: “Đơn vị có một tổ hoạt động ở khu vực đó, chú ý giữ mật khẩu liên lạc nếu không lại bắn nhầm, nếu cần yêu cầu chúng tôi hộ trợ”

Nửa đêm hôm ấy chúng tôi thấy những tiếng nổ giòn giã và chớp lửa sáng lóa. Khoảng sau một giờ đồng hồ thì hàng loạt đạn pháo cấp tập vào quanh trân địa. Đụng độ rồi! Chúng tôi hồi hộp theo dõi và máy thông tin sẵn sàng nhận tín hiệu. Gần sáng khi không còn tiếng pháo cấp tập, thỉnh thoảng có những tiếng nổ cầm canh.

Sáng ra có nhiều tốp máy bay trực thăng vũ trang bắn như mưa xuống điểm cao đó. Sau trận oanh tạc của trực thăng vũ trang thì mấy chiếc HU1B hạ cánh xuống bốc những túi ninon lên máy bay rồi bay về phía xuôi. Đến giờ liên lạc với Phòng chúng tôi nhận được thông báo: “Một phân đội của đơn vị đã tập kích vào cứ điểm của địch. Theo phương án tác chiến là làm tan rã đội hình và bắt sống tù binh. Song nhiệm vụ chính không hoàn thành bởi tất cả mười tám tên thám báo Mỹ đã bị tiêu diệt.

Mấy ngày sau đó tôi cùng mấy đồng chí về hậu cứ của đơn vị lấy gạo và thực phẩm, thì được anh Đào Quang Nhân kể: “Sau khi nhận tin từ đài quan sát của chúng tôi, trên Phòng triển khai ngay phương án làm cho địch bất ngờ. Thủ trưởng Nguyễn Đức Cam đang làm đại đội trưởng được cử lên làm tham mưu cho Thủ trưởng Phòng 2, xuống giao nhiệm vụ cho đại đội. Đại đội phân công một Phân đội cơ động do anh Nguyễn Văn Ngoạn làm phân đội trưởng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của thủ trưởng Cam vào đánh bắt tù binh. Thường phân đội được huấn luyện “phục kích” bắt tù binh nhưng lần này được quán triệt là chớp thời cơ đánh “tập kích” bắt tù binh.

Buổi chiều các anh đã áp sát mục tiêu, lợi dụng những điểm cao quan sát thấy bọn địch vẫn đang củng cố công sự. Lần lượt những chiếc trực thăng chở hàng tiếp tế lên cao điểm, rồi một chiếc chở téc nước lên bay đứng tại chỗ cách mặt đất khoảng năm mét mở vòi phun cho bọn địch “tắm tiên”. Các anh nhìn rõ những tên Mỹ cởi trần da đỏ hỏn, vừa tắm vừa cười đùa khoái chí. Thủ trưởng Cam bố trí thành ba mũi, anh Cam và anh Nhân mang khẩu B40 ở mũi trung tâm, số còn lại chia đều làm hai mũi khác. Khoảng hai giờ sáng (đến giờ G) thủ trưởng Cam lệnh cho anh Nhân bắn quả B40 phát hỏa, tia chớp lóe sáng rồi tiếng nổ tức thì, bọn địch bị đánh bất ngờ kêu rống lên rồi láo nháo cầm súng định chống trả. Bỗng ầm ầm những tiếng thủ pháo từ hai mũi nổ giòn giã, qua ánh chớp lửa thấy những nhà bạt không còn động tĩnh, tất cả ba mũi xông lên để bắt tù binh thì không còn tên địch nào sống sót.

Thủ trưởng Cam lệnh cho phân đội rút khỏi trận địa hướng về phía Nam cứ điểm. Không lâu sau hàng loạt đạn pháo cấp tập bắn chặn về phía Bắc trận địa. Các anh phán đoán thể nào địch cũng bắn về phía Bắc nên đã rút về hướng Nam an toàn, chỉ anh Ngoạn bị mảnh đá văng vào tay gây chấn thương nhẹ ở phần mềm”

Trận đánh điển hình, lập công xuất sắc song nhiệm vụ chính là bắt sống tù binh không thành!

(còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Đài quan sát “mắt thần” (Kỳ 2): Trận đánh điển hình và kết quả" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn