Mấy hôm nay trên các diễn đàn, nhóm cha mẹ học sinh có nhiều ý kiến, đề xuất về việc bỏ hay giữ môn thứ 4 là môn Sử khi thi vào 10 ở Hà Nội. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đợt dịch này diễn biến phức tạp, các con năm nay thi lại chịu nhiều thiệt thòi hơn hẳn so với các năm trước. Nếu so sánh với năm ngoái chỉ phải chịu 3-4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5) học trực tuyến do dịch, thì năm nay các con học hành lúc “on” lúc “off” từ khi có dịch đến bây giờ là gần một năm rưỡi, không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà cả kiến thức thu nạp được.
Là cha mẹ, ai cũng quan tâm, lo lắng và dành những gì tốt đẹp nhất cho con em của mình. Đó là nguyện vọng bình thường và chính đáng. Nhưng, hiện nay sự quan tâm thái quá của nhiều bậc phụ huynh đang khiến cho nhiều đứa trẻ trở thành những con “rô bốt” thực sự.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp, đặc biệt là thi vào trường chuyên lớp chọn, trẻ được bố mẹ cho đi ôn ở các lò luyện từ trước đó mấy năm, thậm chí có trẻ bước vào năm đầu tiên của cấp học đã bắt đầu ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Rồi thương con quá vất vả học hành, bố mẹ chiều chuộng, ưu tiên không bắt con phải làm gì, thậm chí ăn còn phải bê đến tận miệng.

Càng đến gần lúc thi, việc học của nhiều em càng trở nên căng thẳng, có em có ngày học đến 4-5 ca. Sáng và chiều học chính khóa và học thêm ở các trung tâm do nhà trường phối hợp, liên kết, chiều tối lại chạy qua các lớp học tiếng Anh, học ôn thi vào chuyên, ôn thi cấp 3… đến cả thời gian ăn và tắm giặt cũng không có, nhiều em phải ăn vội trên đường di chuyển đến lớp học thêm. Và thực tế, áp lực học hành như hiện nay đã khiến cho nhiều học sinh trở nên mệt mỏi, uể oải và thiếu kỹ năng sống. Khi áp lực học hành ngày càng lớn mà không biết cách giải tỏa, đã có không ít trường hợp bị trầm cảm, thậm chí tự vẫn.
Với một nền giáo dục bình thường và toàn diện, việc kiểm tra những kiến thức được học là điều hết sức bình thường. Nếu ở điều kiện bình thường, việc học sinh thi vào 10 là 4 môn, thậm chí nhiều hơn cũng rất bình thường. Và ở thời điểm hiện tại, học sinh cuối cấp THCS đã có gần 3 tháng để ôn luyện môn thi thứ 4 sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố. Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn đúng 1 tháng nữa các em bước vào kỳ thi vượt cấp.
Với đa số các trường và học sinh, đến thời điểm này, việc ôn luyện đã được thực hiện cơ bản. Với các em không có nhiều lợi thế trong các môn thi khác thì môn Sử có thể là cứu cánh để có cơ hội vào được trường mong muốn. Trong thi cử, chỉ cần hơn kém nhau 0,25 điểm là thí sinh có thể đứng ở ranh giới đỗ và trượt. Và thực tế, trong kì thi vào 10 năm học 2019-2020, môn Sử lại là môn lợi thế, gỡ điểm cho rất nhiều em.
Theo các chuyên gia giáo dục và kết quả thi vào 10 năm 2019, đối với môn thi Lịch Sử, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là đã có thể đạt 7-8 điểm. Như vậy, trên thực tế môn Sử đang là cơ hội cho đa số thí sinh.
Trở lại vấn đề có nên thi môn thứ 4 đang xôn xao trên nhiều diễn đàn có hàng chục ngàn người theo dõi trong những ngày gần đây, thử hỏi, việc đề xuất thi hay bỏ thi môn Sử có phải là tâm tư, đề xuất của các em hay chỉ là mong muốn của các bậc phụ huynh?.
Với một học sinh chuẩn bị thi vào 10, đồng nghĩa với việc các em cũng đã bước sang tuổi 16, cha mẹ nên để con tự quyết định những vấn đề của mình, nhất là trong học tập. Phải chăng sự giúp đỡ, quan tâm của cha mẹ chỉ dừng ở việc tư vấn để con có sự lựa chọn phù hợp với khả năng và nguyện vọng của bản thân.
Đến thời điểm này, các em đã ôn tập môn Lịch Sử được gần 3 tháng và theo kế hoạch các em chỉ còn đúng 1 tháng nữa là bước vào kỳ thi vào 10, nên ít có em nào có thời gian để phân tâm vào việc giữ hay bỏ thi môn Sử mà hầu hết đang nỗ lực, tập trung để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.
Còn việc thi hay bỏ môn thi thứ 4, chắc chắn Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ phải cân nhắc để có quyết định phù hợp, có lợi cho đại đa số thí sinh căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch.
Vậy thì, những xôn xao, bàn tán về việc bỏ hay giữ môn thi thứ 4 vào 10 lúc này là không cần thiết, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Việc thiết thực nhất đối với các em lúc này là sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ để có được tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt cho việc ôn luyện.
Và chỉ có sự quan tâm đúng cách của cha mẹ mà không phải là việc làm thay, nghĩ hộ mới khiến con em mình nhanh lớn và trưởng thành./.