Dịch giả Nguyễn Nam Trân với văn học Nhật Bản

Tiểu Thuý

12/08/2022 15:24

Theo dõi trên

Nguyễn Nam Trân thành công trong việc cho ra mắt hai cuốn sách dịch thuật và phê bình thơ ca Nhật Bản là Bách nhân nhất thủ và Vạn Diệp tập. Hai cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ và dày công, được biên soạn từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

van-diep-tap-nguyen-nam-tran-1660287285.jpg
Vạn diệp tập

Nguyễn Nam Trân là một tên tuổi vô cùng quen thuộc với bạn đọc văn học Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Todai, Đại học Paris và là Tiến sĩ khoa học truyền thông. Ông đã giảng dạy nhiều năm trong các trường Đại học ở Pháp và Nhật, và dù chỉ tình cờ bước vào lĩnh vực dịch thuật, nhưng với sự am hiểu văn hóa Nhật Bản và niềm say mê văn học, ông đã góp phần đưa những tác phẩm kinh điển Nhật Bản đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

Khả năng cảm thụ thơ và nhạy bén với cái đẹp trong từng câu chữ cổ là hai yếu tố quan trọng giúp thầy giáo Nguyễn Nam Trân thành công trong việc cho ra mắt hai cuốn sách dịch thuật và phê bình thơ ca Nhật Bản là Bách nhân nhất thủVạn Diệp tập. Hai cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ và dày công, được biên soạn từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Không chỉ đóng vai trò giải thích nghĩa mà Vạn Diệp tập còn chú giải về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác và đánh giá nội dung cũng như hình thức của từng bài thơ với mong muốn giúp cho người yêu thơ có cơ hội tiếp cận được tường tận một mảng văn hóa thế giới quý báu.

nguyen-nam-tran-1660287374.jpg
Dịch giả Nguyễn Nam Trân (giữa) giao lưu cùng độc giả ngày 10/8/2022 tại Hà Nội, do Tao Đàn tổ chức. 

Một tác phẩm viết cách đây hơn mười hai thế kỷ, với ngôn ngữ và tiếng Nhật cổ rất xa lạ với ngay cả người Nhật hiện đại, thế nhưng thi phẩm ấy lại được đánh giá là một trong hai đại thụ trấn sơn môn của văn học Nhật Bản, là một công trình văn học độc nhất vô nhị mà đến nay vẫn chưa có bất cứ công trình nào xếp ở vị trí tương đương. Tác phẩm ấy là Vạn Diệp tập, là ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản, và cũng chính là cội nguồn ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Nhật Bản thời đại sau này.

Sức ảnh hưởng của Vạn Diệp tập đối với tiến trình văn học Nhật Bản không chỉ hạn định trong thể loại thơ, mà thi phẩm ấy còn ảnh hưởng đến tân nhạc, tiểu thuyết, kịch... Và chính bản thân chúng ta, bất cứ ai say mê văn học Nhật Bản, yêu thích những áng văn từ trung đại đến hiện đại, cũng dễ dàng cảm nhận được trong văn chương thời kỳ sau này cũng chứa đựng những nội dung và tinh thần như Vạn Diệp tập.

nguyen-nam-tran-van-hoc-nhat-1660287665.jpg
Rất đông độc giả đến dự buổi nói chuyện của dịch giả Nguyễn Nam Trân. 

Thời kỳ trung đại, văn nhân Ueda Akinari đã để lại tác phẩm Truyện tối trăng mưa- một tập truyện có vị trí quan trọng trong nền văn học thế kỷ XVIII. Tập truyện tiếp thu và học hỏi Vạn Diệp tập trên nhiều phương diện: kết hợp bút pháp tả thực và lãng mạn; huy động cả văn hóa truyền thống của xứ sở mặt trời mọc; vận dụng nhuần nhị các thành ngữ tục ngữ, điển tích điển cố dân gian để vẽ nên một không gian mờ mờ ảo ảo, u linh đặc sắc. Không chỉ có vậy, khi đọc văn chương của Tanizaki Junichiro hay Yukio Mishima, người ta sẽ thấy ngờ ngợ trong đó là truyền thống cổ văn học Nhật Bản - một phần bị ảnh hưởng bởi Vạn Diệp tập. Đó là tinh thần mỹ cảm và tư duy mỹ cảm, một trong những điểm nổi bật giao thoa giữa văn học truyền thống và những nét hiện đại hiện lên trong những áng văn, cái đẹp thường được gắn với sự hủy diệt, cái đẹp lại chìm trong bóng tối. Nó đúng như tinh thần của Vạn Diệp tập, bởi vì thơ thời Vạn Diệp chính là tấm gương phản chiếu cuộc đời, về cả sự sống và cái chết, về cả cái đẹp và những cái bị hững hờ. Các văn nhân hiện đại đã tóm lấy tinh thần nâng niu cái đẹp như chính những người Nhật xưa, dù theo một cách riêng của mỗi người. Những triết lý sâu xa về cuộc sống dưới ngòi bút thanh nhã của Mori Ogai cũng có phần được tiếp thu từ các thi nhân thời Vạn Diệp. Tuyển tập Mori Ogailà một tập truyện kết hợp một cách hài hòa lối hành văn mới mẻ với văn hóa truyền thống lâu đời Nhật Bản; vốn kiến thức cực kỳ phong phú, khả năng sử dụng Hán văn điêu luyện - chính là một minh chứng cho sự tiếp thu và học hỏi giá trị đặc sắc từ thi tập cổ điển. Một tác giả khác trong tam đại trụ của văn học hiện đại Nhật Bản - Akutagawa Ryunosuke cũng không ngoại lệ. Với sự quan sát tinh tế cùng sức sáng tạo trong việc sử dụng những chất liệu cũ, Akutagawa đã dùng lại khá nhiều những điển tích, điển cố, truyện cổ, sự tích… mang nét đặc trưng truyền thống Nhật Bản trong các tác phẩm của mình. Ngoài ra, Akutagawa còn được biết đến với sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ và điều này được thể hiện rõ nhất trong việc vận dụng “linh hồn chữ nghĩa” một cách đẹp đẽ, tao nhã trong các truyện ngắn của ông.

Chia sẻ sau khi hoàn thành tập thơ, dịch giả Nguyễn Nam Trân đã viết: “Khi dịch Vạn Diệp tập, người dịch không có tham vọng làm một việc quá sức mình là dịch cho được toàn thể thi tập mà chỉ chọn lọc một số bài tiêu biểu để có thể hiểu chúng cặn kẽ hơn. Thi ca thường có nhiều ẩn ý và dư vị là những cái nấp đằng sau văn tự. Bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán thời đại, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh và tâm tình khi sáng tác, quy ước về thể loại và từ hoa… đều là những yếu tố bổ sung trong việc thưởng thức một áng thơ.”

Để hiểu sâu sắc văn hóa một nước, ta thường phải đọc những tác phẩm kinh điển của họ. Ví dụ thông qua kịch Shakespeare, ta sẽ tiếp cận được người Anh; đọc Faustcủa Goethe, có thể hiểu được người Đức. Nếu đã yêu chuộng trà đạo, cắm hoa, thì cũng nên có kiến thức về văn học cổ điển như Vạn Diệp tậpđể đào sâu về văn hóa Nhật Bản vốn đa dạng và không phải hình thành chỉ trong một sớm một chiều.

Nguyễn Nam Trân tên thật là Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt, nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Ông theo học trường Chu Văn An (1960-1963) và Đại học Sư phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965 và Pháp 1970. Ônh tốt nghiệp Đại học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại học Paris (Pantheon-Sorbonne), là Tiến sĩ khoa học thông tin truyền thông (Pháp), chuyên viên Kế toán xí nghiệp và Quản trị ngân hàng (Pháp). Từ năm 1996, ông là Giáo sư Viện Đại học Quốc tế Josai (JIU, Tokyo, Nhật Bản). Ông đã giảng dạy nhiều năm tại các trường Đại học ở Pháp và Nhật Bản. Tình cờ bước vào lĩnh vực dịch thuật, ông đã có một số tác phẩm ra mắt bạn đọc như: Vạn Diệp tập, Bách nhân nhất thủ, Truyện tối trăng mưa, Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki, Tuyến tập Mori Ogai, Chết giữa mùa hè, v.v...     

Bạn đang đọc bài viết "Dịch giả Nguyễn Nam Trân với văn học Nhật Bản" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn