Dòng nhạc đỏ được nghe nhiều và ổn định

Tiểu Vũ

20/09/2022 14:30

Theo dõi trên

Mặc dù dòng nhạc thị trường hiện nay có vẻ sôi động và lấn át; tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, dòng nhạc đỏ mới được nghe nhiều và ổn định. Bằng chứng là việc thông qua thành quả thu được từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)cho các nhạc sĩ viết về dòng nhạc này.

trung-tam-ban-quyen-am-nhac-1663654218.jpg
Toàn cảnh cuộc gặp gỡ báo chí “VCPMC20 mùa xuân rực rỡ”. 

Sáng 20/9/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp gỡ báo chí “VCPMC20 mùa xuân rực rỡ”. Tham dự có PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNTVN, Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, NSND Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Hùng, Nhạc sĩ – Nhà văn Phạm Việt Long, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Nhạc sĩ Văn Thao, Nhạc sĩ Giáng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Nhà văn Trần Thị Trường - Nguyên cán bộ VCPMC… và các cơ quan báo đài, văn nghệ sĩ.

Tại đây, PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNTVN cho biết, ông thực sự xúc động, VCPMC đã trải qua nhiều chặng đường trong 20 năm qu. Từ những ngày đầu, văn phòng với không gian nhỏ, mọi thao tác đơn giản, mọi văn bản đều chép bằng tay, nhưng giờ mọi thứ đã khác, có những phát triển không ngờ. VCPMC như là nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng. Việc có VCPMC là bước đi văn minh. Những người đã khởi dựng VCPMC là những con người dũng cảm, là những con người trong thời kỳ đổi mới.

Nhạc sĩ Đức Trịnh cho rằng, VCPMC đã giúp cho các nhạc sĩ bảo vệ về mặt pháp lý. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ("Cha đẻ" của Vầng trăng khóc, Nhật ký của mẹ...) cũng đã có những chia sẻ và gửi lời cảm ơn đến VCPMC. VCPMC đã giúp các nhạc sĩ bảo vệ được đứa con tinh thần của mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nói rằng, chính VCPMC đã bảo vệ tác phẩm Vầng trăng khóc khi có thông tin cho rằng ông đạo nhạc.

Nhạc sĩ Văn Thao cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu có VCPMC, gia đình ông là một trong những người đầu tiên tham gia, bảo vệ tác quyền cho bố ông là nhạc sĩ Văn Cao.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn  - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nhận định, việc bảo vệ tác quyền là một lĩnh vực vô cùng quan trọng. Ông Sơn cũng chia sẻ, năm 2015, ông sang Anh khảo sát về việc bảo quyền tác quyền âm nhạc, đúng dịp nước này kỷ niệm 100 năm cho việc bảo vệ tác quyền âm nhạc ra đời. Qua các văn bản phân tích của họ, ông Sơn mới thấy được vì sao âm nhạc thế giới phát triển như vậy. Họ không chỉ có một trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc, mà có nhiều trung tâm.

Cũng tại buổi chia sẻ, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng giám đốc VCPMC, cho biết, có những nhạc sĩ nhận được tiền tác quyền trên một tỷ. Dòng nhạc đỏ là dòng nhạc trường tồn, gần như sử dụng nhiều. Đó là dòng nhạc truyền thống cách mạng, được nghe đều, ổn định. Dòng thị trường hay ta gọi là dòng nhạc trẻ thì nổi lên rồi biến mất. Bài sau lên sẽ đẩy bài trước xuống, rồi im ắng. Dòng nhạc không lời, giao hưởng là dòng nhạc nhận được tiền tác quyền ít nhất. VCPMC sẽ cố gắng đưa dòng nhạc không lời, giao hưởng đến công chúng.

Nhà văn Trần Thị Trường - Nguyên cán bộ VCPMC, tâm sự, những ngày đầu làm tại VCPMC là những ngày sóng gió, gian khổ. Giờ đây, khi VCPMC được thành quả, nhìn lại trước đây, thấy quá khó khăn, quá thử thách. Nhà văn tiếc khi rời VCPMC. Nhưng bà cũng rất vui khi biết nơi mình từng làm đã đem lại thành quả cho các nhạc sĩ, cho người sáng tạo.

Được biết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được thành lập ngày 19/4/2002 theo Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ VN.

Tròn 20 năm, đến nay VCPMC từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế, là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

Những năm qua, hoạt động của VCPMC đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhờ có sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Cơ quan chủ quản là Hội nhạc sĩ Việt Nam, sự giúp đỡ, gắn kết của các tổ chức quốc tế, sự tin tưởng và đồng hành của các tác giả thành viên trong cả nước.

Là tổ chức phi lợi nhuận, trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ được Hội nhạc sĩ Việt Nam. 20 năm qua, VCPMC đã làm tốt vai trò sứ mệnh của mình trongviệc quản lý, khai thác quyền tác giả được thành viên ủy quyền; cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao;Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nhạc sĩ là thành viên theo quy định của pháp luật; Khuyến khích sáng tạo, góp phần phát triển văn hóa âm nhạc thông qua hoạt động xã hội nghề nghiệp; Giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Phối hợp phổ biến, tuyên truyền pháp luật; tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan; Tham gia các hoạt động đối ngoại, tương trợ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan;

Hiện nay, VCPMC có phạm vi hoạt động trên cả nước, trụ sở chính tại Hà Nội, Chi nhánh phía Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Đồng hành, gắn bó, chia sẻ trên mỗi chặng đường hình thành và phát triển, ở mọi giai đoạn dù có khó khăn đến đâu, chính là các thành viên VCPMC - những nhạc sĩ, tác giả thuộc nhiều thế hệ đã tin tưởng ủy thác cho VCPMC suốt 20 năm qua.

Tính đến tháng 9/2022, VCPMC đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, VCPMC hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp giữa VCPMC và các tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

VCPMC 20 tuổi

 

Bạn đang đọc bài viết "Dòng nhạc đỏ được nghe nhiều và ổn định" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn