Em gái Nga

Kim Oanh Đào

27/07/2022 10:17

Theo dõi trên

Nàng xong trách nhiệm chăm mẹ chồng được vài năm giờ đến chăm mẹ đẻ.

em-gai-nga-1658891728.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Ôm bọc quần áo chăn ga gối vừa mượn dắt bà cụ theo cô y tá vào phòng 314 nhận giường. Lần đầu tiên nàng đưa mẹ vào viện này nên có phần bỡ ngỡ. Mẹ bệnh tim, bác sĩ kê đơn sau lần nằm viện Bưu điện gồm mấy loại, trong đó có thuốc chống nhồi máu cơ tim tác dụng phụ gây tụt tiểu cầu, máu loãng nên gần đây bà cụ liên tục bị chảy máu xuất huyết dưới da. Họ làm giấy chuyển viện cho cụ lên viện huyết học tận trên phố Phạm Văn Bạch. Bệnh nhân họ gọi đùa là phố Chuột Bạch.

Nàng đánh vần lẩm nhẩm đọc bảng tên khoa nghe là lạ, tên tiếng anh hay tên quốc tế gì mà dài mà khó nhớ thế !

- Hemophilia - Thalassemia.

Tên các căn bệnh về máu. Mấy đứa cùng phòng nó bảo chị cứ gọi là Hê Mô với Tha Lát cho nhanh.

Hemophilia là tên bệnh rối loạn chảy máu di truyền gây ra do thiếu hụt yếu tố đông máu số 8 và số 9. Hay còn gọi là bệnh máu không đông.

Thalasssemia là bệnh di truyền tan máu bẩm sinh. Căn bệnh thiếu máu mà tháng nào cũng phải truyền như xe động cơ phải đổ xăng. Còn xăng còn chạy, hết xăng tắt máy,nghỉ chạy.

Bệnh nhân hai khoa này nằm chung tầng số 3, họ gọi với nhau là khoa chung thân. Tầng 6,7,8 là khoa tử hình. Càng lên cao án tử hình càng nặng.

Phòng mẹ nàng toàn trẻ con, mỗi đứa được một mẹ hoặc một bố đi theo. Đứa nào mặt cũng khôi ngô tuấn tú đẹp trai, hiếu động. Tuổi thần tiên, vô tư, nên mặc dù mang căn bệnh ở viện nhiều hơn ở nhà nhưng các cháu vẫn rất thoải mái, sống chung với số phận.

Chỉ có phụ huynh nét mặt ai cũng hiện rõ vẻ mệt mỏi, già dặn trước tuổi. Họ nhẵn mặt nhau, vì ra vào viện như cơm bữa.Thậm chí họ còn chọn phòng để được ở cùng cho vui. Họ coi nhau như người một nhà, cởi mở, chân tình, thương yêu nhau. Một thành viên vào nhận phòng họ rú ầm lên ôm nhau thắm thiết như lâu không gặp. Bệnh nhân trong viện này đa phần được bảo hiểm 100%, họ chỉ mất tiền xe cộ, tiền ăn ngày ba bữa, nhưng có bé cứ nhẹ thì tháng hai lần.

Nặng thì tuần một lần, có bé Đức nhà tận Hà Giang, nằm một tuần đỡ đỡ mẹ cháu xin ra viện về đi làm.Thủ tục ra viện chờ đợi mất nửa ngày, cộng sáu tiếng đi xe giường nằm, vừa về đến nhà chưa kịp hạ ba lô hành lý. Con kêu đau lại gọi xe quay vào viện nằm thêm tuần nữa. Sáu cháu trong phòng thì năm cháu bố mẹ bỏ nhau. Bố hoặc mẹ các bé ko chịu nổi cả đời phải sống chung cùng con vì hoàn cảnh quá khó khăn, quá bất hạnh, quá áp lực.

Họ tự bỏ đi để con cho người ở lại gánh. Có bé bố mẹ bỏ đi làm ăn xa mỗi người một nơi thì ông bà đưa đi. Đến tuổi trưởng thành ông bà già yếu thì tự đi như cháu Hà Anh ở Nam Định. Cháu tự lên Hà Nội thuê nhà trọ, tự xin việc làm, đau thì tự vào viện một mình.

May viện này được từ thiện rất nhiều, ngày nào cũng có cháo, có cơm, có sữa của các đoàn thiện nguyện nên những ai hoàn cảnh khó khăn quá cũng đỡ được một phần nhỏ chi phí.

Sáng nay căn phòng mẹ nàng nằm đón thêm một em gái tây, mắt xanh, mũi lõ nhưng dáng người thì Việt Nam.

⁃ Ơ Nga ngố ! Lại vào à hớ hớ !

Mặt em gái đang ỉu xìu như bánh đa ngâm nước tươi lên ngay khi gặp toàn người quen.

Em rất xinh, tính tình vui vẻ, hoạt bát, phóng khoáng. Em lai bố Nga mẹ Việt. Thạo ba thứ tiếng Nga, Việt, Anh. Em thân thiện chào hỏi khắp phòng, tiếng Việt phổ thông chuẩn sõi như người Việt không ngọng, không lơ lớ.

Có em vào, phòng lúc nào cũng vui, sôi nổi bởi năng lượng em mang đến. Gặp em ngoài đường chắc chắn không ai biết em mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, án chung thân không hồi kết.

Thời Xô Viết nàng học tiếng Nga, trong đầu nàng luôn tưởng tượng một nước Nga vĩ đại, đất đai rộng lớn và giàu có với những cánh đồng hoa cải vàng bạt ngàn, những đồng rup quyền lực, những nồi áp suất, bàn là, lật đật, búp bê gỗ Matrioshka, tủ lạnh Xaratop, vũ khí tên lửa tàu bay hiện đại nhất quả đất. Trai Nga to cao, đẹp trai, thông minh, gái Nga xinh đẹp dịu dàng. Nàng ước ao được đặt chân tới sứ sở bạch dương dù chỉ một lần duy nhất.

Nếu không vướng vào dịch Covid toàn cầu nàng đã lên đường thực hiện mơ ước theo giấy mời của đứa bạn thân thời cùng nhau quẹt mũi thò lò. Nó ở bển mấy chục năm và giờ thành công dân Nga.

Nhưng một tuần chăm mẹ trong viện tiếp xúc trò chuyện thân mật với em gái Nga, nàng thất vọng toàn tập, dập tắt trong đầu nàng những ảo tưởng, những cơn sóng thèm muốn dữ dội được đi tây. Được xờ thấy tuyết, được vi vu ngắm những hàng bạch dương, được uống rượu Vodka Nga.

Giờ có đi chỉ để ngắm những công trình vĩ đại như điện Kremli, cung điện mùa hè Peterhof, cung điện mùa đông,nhà thờ thánh Basil, nhà thờ chúa cứu thế Maxcova làm vài kiểu ảnh tạo dáng giơ tay giơ chân rồi khoe lên phây búc chứ chẳng hứng thú tìm hiểu giai tây, gái tây làm gì, tạch ! Mất hứng trầm trọng như kiểu miễn dịch.

Em gái Nga sinh ra tại Maxcova tên là An Na mang họ bố là Chai Cốp Xki (Tchaikovsky)

Mẹ em là nghiên cứu sinh người Việt. Chảy trong em là hai dòng máu Việt Nga nghiệt ngã. Kết quả của một cuộc tình chóng vánh đầy mâu thuẫn mà em là người chịu hậu quả đau lòng nhất.

Cuộc đời em chưa một ngày tươi sáng, nhưng không một thế lực hay một quyền năng nào khiến em gục ngã.

 -Chúa sinh ra em Chúa phải cứu vớt em, còn Chúa thích cho em lên thiên đàng hay dìm em xuống địa ngục là việc của Chúa không phải việc của em. Em cứ hồn nhiên như cô tiên.

Vừa sinh em ra, bố mẹ em li dị. Mẹ bỏ về Việt Nam, bố gửi em vào trại trẻ mồ côi vì bận đi làm, bận chinh phục ve vuốt chiều chuộng những cuộc tình mới không nuôi và chăm em được. Em bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ.

 Em sống trong trại trẻ mồ côi của một tổ chức phi chính phủ được sáu năm thì bố đón em về đi học.Kết thúc những năm tháng học hành em có bằng đỏ đỗ loại ưu tại trường Đại học tổng hợp Lomonoxop.

Bố em một người cảnh sát Nga (intepol) khổ vì đẹp trai. Mà dân Nga rất thoáng, muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được miễn sao li dị xong mới được lấy người khác kể cả là Police (cảnh sát). Họ không quan trọng, không xì xào bàn tán, miễn sao sống thấy thoải mái là được.

Giai tây họ thường không ngoại tình khi đang có vợ, cấm kị. Trái hẳn với  giai ta, vợ chỉ muốn lấy một nhưng ngoại tình thì vô tội vạ, nói đến li dị thì không, lảng tránh sợ nọ sợ kia. Ông nào cũng chỉ muốn xây thêm không muốn đập vỡ, thế mới lạ. Em so sánh như một người từng trải.

Em rất giỏi tiếng Việt, các từ tiếng lóng, chửi bậy em dùng ngon như thể em sinh ra trên đất Việt, chứ không ai nghĩ em mới về Việt Nam được bảy năm.

Bố em thay vợ như thay áo, nhoắt cái  li dị bà này kết hôn bà kia. Có bà ở được một năm, bà nửa năm, lâu nhất được hai năm. Với lý do không hợp. Em giơ hai tay xoay cổ tay,ngửa mặt cười kiểu biểu cảm của sự khó hiểu, kiểu bó tay với ông bố. Đúng chất tây!

Mỗi lần nhấc máy gọi điện hỏi thăm là ông ý lại bảo.

 - Bố đang bận li dị bà A, B, C.

Lý do rất vớ vẩn.

Em thèm tình cảm thèm gặp mẹ, ôm mẹ, thèm sống trong sự đùm bọc gia đình nên em quyết tâm về với mẹ.

Em phát hiện ra bản thân mắc mình mắc bệnh Hê mô lúc bắt đầu thay răng sữa. Một lần răng rụng máu chảy lênh láng ướt hết gối em được đưa vào viện cấp cứu.

Sau khi xét nghiệm bác sĩ kết luận em bị bệnh Hemophilia.

Lúc ý em còn rất nhỏ nên ko biết mình mắc bệnh gì, sau này lớn em tìm hiểu nhưng rất ngạc nhiên.

Em không biết mình tại sao lại mắc bệnh này mà cả bố và mẹ em không ai bị. Hoá ra gen từ đời ông bà nhà bố em  di truyền sang em.

Đang làm phiên dịch cho đại sứ quán bên Nga, một lần mẹ liên lạc hỏi thăm bố về em. Máu Việt sôi lên em nằng nặc đòi về với mẹ, trước khi về em có học một khoá tiếng mẹ đẻ. Em về Việt Nam với cái bằng đỏ trong tay em làm phiên dịch, làm thông thương cho đại sứ quán, làm trợ giảng cho mấy trường sĩ quan quân đội, em làm đủ nghề nhưng vì bệnh mỗi ngày một nặng em vào viện liên tục nên đành bỏ làm. Giờ em sống bằng nghề tay trái, nghề hoạ sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng. Một đam mê từ bé khi còn trong trại  em được một hoạ sĩ người Pháp dạy miễn phí khi ông phát hiện em có năng khiếu bẩm sinh. Khi còn học bên Nga em đã tranh thủ tham gia một khoá hội hoạ nhưng không nghĩ một ngày nào đó sẽ kiếm sống bằng nghề hoạ sĩ.

Có lẽ Chúa đã sắp xếp cho em quay về với đam mê, cho em duyên với nghề, cho em kiếm được tiền để cả đời em gắn liền với chiếc giường bệnh viện.

Trời Hà nội chiều nay mưa tầm tã, bầu trời u ám, nàng ngồi nghe em kể chuyện đời em mà xót xa, buồn tủi, thương em quá. Câu chuyện của em còn dài mà tiếng cười của mấy bé cùng phòng tụ tập chơi trò chơi xúc xắc cá ngựa cứ đá đít nhau  …choét ….choét…. làm em đứng dậy  cắt ngang câu chuyện đang hấp dẫn.

Chủ nhật.

Tính đến hôm nay em vào viện được một tuần rồi.

Em ngồi thở dài, đôi mắt xanh lét với hàng mi cong vút nhìn xa xa ra cửa sổ. Ngoài đường xe cộ đi lại tấp nập, nhịp sống hối hả.Không biết thân phận chuột bạch của em bao giờ mới chấm dứt . Cảnh một tháng đôi lần vào viện, mỗi lần nhanh cũng phải một tuần,có khi hơn chục ngày.

Bức tranh vẽ dở đang hoàn thiện. Khách thì giục mà liệu trình tiêm truyền mãi chưa xong. Hôm qua truyền hai chai nước cất, một chai kháng sinh, một bịch tiểu cầu. Còn hôm nay chưa biết tiêm gì truyền gì.

- Em mong về nhà quá chị ạ.

Một thằng bạn người Việt Nam, người nhỏ thó,đeo cặp kính cận trông rất trí thức ngày nào cũng vào chăm em. Mua đồ ăn, đưa em đi vệ sinh, tắm giặt, có hôm ngủ lại hai đứa gác chân lên nhau ngủ.

- Chồng à ?

- Không chị. Bạn thôi.

- Hay người yêu ?

- Không chị, yêu gì bọn hoạ sĩ. Nó vẽ tranh cùng em, đồng nghiệp đấy.

- Đồng nghiệp gì mà thế.

 - Ừ thì cứ chơi với nhau giúp đỡ nhau, nó cần em, em cần  nó. Có đi có lại mới toại lòng nhau, cười sằng sặc. Đúng chất tây.

- Khiếp hôm nay Nga ngố tươi tỉnh thế, chả bù hôm mới vào héo như tàu lá chuối,xanh lớt như rau cải bẹ.

 Mấy đứa trạc tuổi em đưa con đi viện thân với em lắm. Đứa nào cũng một nách hai ba con. Đứa thì chồng bỏ đứa thì vợ bỏ, toàn gia cảnh chán đời gặp nhau.

Nhà nào có gì góp ra cái bàn nhựa giữa phòng ào ra ăn chung. Mấy quả cóc, quả xoài non mang ở quê ra, chấm muối ớt, nhăn mặt xít xoa. Chua thế mà tây nhai rau ráu.

Vừa ăn vừa buôn xuyên lục địa, cười giòn tan với câu chuyện tán gẫu không đầu không cuối.

 Mấy đứa toàn gọi em là Nga ngố. Tại tên Việt Nam của em là Hà Việt Nga.

- Em tự đặt cho mình đấy hay không ?

-  Hà là họ mẹ em.

- Chồng chả phải, người yêu chả phải, mà bạn thì thấy cứ sai sai vì lần nào Nga ngố vào cũng thấy cậu này xuất hiện tận tình chăm sóc.

 - Giở hơi à mà lấy chồng  giống chúng mày để đẻ thêm một đứa Hê mô cho đời gặp hạn. Để cả đời phải vào viện như này á, thèm vào.

- Làm thế nào được, ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, phụ nữ ai cũng muốn được làm mẹ, muốn được làm vợ. Mày không muốn chắc, hả con Nga Ngố kia.

 - Tao cũng thích nhưng biết mình bị bệnh thì không nên gieo rắc bệnh cho người khác, nên trước khi kết hôn phải làm xét nghiệm máu, giải phẫu gen xem có mắc bệnh di truyền gì không tránh bất hạnh. Đồ ngu 😀

 - Hồi tao đi học nói chuyện chồng con là bị bọn gái Nga bạn tao nó bảo, lũ điên.

 Rồi em quay sang kể:

- Vì bệnh này mà em uống thuốc tránh thai triền miên để ngăn rụng trứng tránh chảy máu  nên giờ thêm bệnh đau dạ dày.

- Sao không ở lại Nga mà chữa bệnh dù sao y tế  bên ý phát triển hơn bên mình ?

- Em không hợp, gái Nga họ sống buông thả lắm. Mùa tuyết tan Maxcova sợ nhất, xác gái Nga chết vì say rượu chất đống mùi hôi thối kinh khủng. Mùa hè này cũng thế trên phố nếu đi bộ cứ chốc lại gặp một cô gái Nga xinh đẹp vừa đi vừa cầm chai bia ngửa cổ tu ừng ực, có cô không mảnh vải che thân. Có cô gục ngay cửa hàng cửa hiệu trên phố nằm sóng xoài trần truồng như nhộng. Trước em học đại học, em quen mấy cậu bạn người Nga cũng vậy, em không hợp, không yêu được. Trai Nga không chung tình, lăng nhăng lắm chị. Họ coi phụ nữ như công cụ sex.

 - Việt Nam mình tuy thế em thấy còn dễ chịu hơn, tự do hơn, đạo đức hơn,mặc dù em về gia đình mẹ em cũng chán đời lắm.

 - Sao mà chán đời ?

- Mẹ em số khổ, lấy mấy đời chồng không xong. Ông đầu bệnh tật lăn ra chết, ông sau thì nát rượu đánh đập suốt. Mẹ em chán sinh nghiện rượu. Đã thế còn thằng cậu nghiện ma tuý quấy quả vòi vĩnh, ăn cắp vặt từ đôi giầy mang đi bán, chán không buồn chết.

- Ôi sao lại hoàn cảnh thế, vậy mà vẫn thích về Việt Nam.

- Không có lựa chọn nào đành sống chung chị ạ.

- Nhưng cũng may em về mẹ em vui, có mẹ có con, em cũng đỡ được mẹ một phần gánh nặng .

-Nga ngố tội lắm đã bệnh tật còn nuôi cả nhà. Nuôi mẹ, nuôi cậu, nuôi em trai cùng mẹ khác cha.

Thuốc bố em gửi về, tiền thỉnh thoảng ông cũng cho,còn em vẫn nỗ lực kiếm để trang trải cuộc sống.  Năm nay em lại có thêm hiện tượng của bệnh Tha lát, bệnh tan máu nữa. Vừa tiếp hai bịch máu khoẻ mạnh vài hôm,tuần sau đau vào viện bác sĩ bảo em ăn gỏi máu à mà đi đâu hết sạch.

- Ung thư là án tử hình còn biết trước, án chung thân như em cứ dai dẳng hôm tươi hôm héo. Vừa béo tốt hồng hào khoẻ mạnh mai lại nằm phòng cấp cứu. Rồi cũng quen chị ạ.

Cánh tay em chi chít những vết tiêm vết tím vì vỡ mạch.

 Từ đầu đến cuối câu chuyện em không một lời than thân trách phận, không đổ lỗi cho bố mẹ,không hận đời chán sống.

Em vẫn cười rất tươi.

 Mỗi lần mẹ vào thăm, hai mẹ con tíu tít chuyện hài, như cái hoàn cảnh oái oăm kia không dính dáng gì đến em và mẹ.

 ⁃ Em chỉ mơ ước thế giới tìm ra thuốc chữa khỏi hẳn căn bệnh này để em không phải ra viện vào viện mất thời gian quá.

 Quay sang thằng bạn trai nháy mắt hất hàm

 ⁃ Ê mấy hôm nữa khoẻ tao với mày lại chơi trò con voi nhé.

 Cả phòng ngơ ngác chả ai hiểu gì mỗi em lăn ra cười.

 Khâm phục em bởi nghị lực phi thường chiến đấu bệnh tật. Cảm phục em sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng vươn lên.

Cuộc đời mấy ai không hoạn nạn ,va vấp lên voi xuống chó, lúc khổ lúc sướng nhưng cứ khoẻ mạnh đừng mắc những bệnh di truyền như em là hạnh phúc và may mắn lắm rồi. Gặp em và được trò chuyện với em thân mật cũng là một cái duyên. Chia tay em biết bao giờ gặp lại.

Thương em quá ! Giá như...

Chuyện Làng Quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Em gái Nga" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn