Ghi lại cuộc đối thoại của hai ông Tiến sĩ họ Đàm

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

11/11/2021 10:26

Theo dõi trên

Ngày xuân, năm nào tôi cũng đi xem lễ ở một số ngôi chùa quanh hồ Tây. “Thiên Niên tự” (chùa Thiên Niên) bên hồ Tây là ngôi chùa rất linh thiêng, trong số vài chục ngôi chùa cổ linh thiêng xung quanh khu vực hồ Lãng Bạc nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa.

chuy-vbl1-1636600947.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục bên Hồ Tây (Hà Nội).

 

Chùa thì thờ Phật. Nhưng khuôn viên chùa, ở đâu cũng có cả đình, đền, để thờ các vị Thánh. Có cả các vị nhân thần. Đủ các thành phần dân cư cao thấp, trẻ già, nô nức tới đây thắp hương khấn vái xin xỏ cầu duyên cầu lợi. Đông nhất vẫn là trai thanh gái lịch đất kinh kỳ. Đông đúc, nhưng không hề thấy có sự nhốn nháo. Hình như ai cũng thành tâm, hướng thiện, mong được rửa sạch cái bụng thường ngày vướng bận Tham, Sân, Si cho thanh tịnh. Đó cũng là một nét văn hóa truyền thống của đất Tràng An văn vật. Tôi chỉ cầu xin Thần, Phật ban cho hai chữ bình an. Xin thêm tý sức khỏe nữa để được trường sinh bất lão, để được chứng kiến thời thế xem nó chuyển xoay thế nào. Để còn chép lại những câu chuyện vui buồn cho đời sau ngẫm nghĩ. Thế thôi!...

Xong việc, tôi ra cửa trước, ngồi ngắm hồ Tây. Gió xuân nhẹ nhàng vun vén những làn sóng lăn tăn trên mặt hồ, lả lướt. Bỗng nhiên, trong tiếng gió lao xao, dường thấy trầm bổng tiếng người cãi nhau. Thoáng như thấy hiện lên hai vị quan chức mũ cao áo dài. Mà áo đỏ đai vàng hẳn hoi. Bất chợt nhớ ra hai vị Thượng thư họ Đàm ở triều Hậu Lê. Đúng kia rồi. Một cụ là Đàm Văn Lễ (1452-1504). Cụ kia là Đàm Thận Huy (1463-1526). Cả hai cụ này, tôi nhớ rõ là cùng quê Bắc Ninh. Lại cùng họ nữa chứ. Họ đang chất vấn nhau. Cả hai cụ này đều có thơ trong tập GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG của tôi, sắp xuất bản.

Đàm Văn Lễ được xem là thần đồng. Đỗ Tiến sĩ ở đời vua Lê Thánh Tông, khi mới 18 tuổi. Làm quan tới chức Thượng thư. Đàm Văn Lễ cùng Thân Nhân Trung soạn bộ sách THIÊN NAM DƯ HẠ TẬP.

- Ông cũng về thăm lại cảnh cũ người xưa hay sao? Nghe rất rõ tiếng ông Đàm Văn Lễ hỏi ông Đàm Thận Huy như vậy.

- Ông về được, thì tôi cũng về được, sao không? Tôi được chết ở đây. Hồn tôi lẩn quất ở đây. Còn linh hồn ông thì chới với chơi vơi mãi trong xứ Nghệ. Tôi hơn ông một tẹo là cái chắc!

Ông Đàm Văn Lễ hình như đôi mắt chợt đỏ lên, liền cãi:

- Hơn thua biết thế nào mà nói! Tôi chết oan. Nhưng tôi là bậc trung thần. Tôi và ông Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, cùng quê Bắc Ninh đấy. Cùng chết một lúc một ngày với nhau ở bến đò sông Chân Phúc, huyện Thanh Chương, xứ Nghệ đấy. Là vì chúng tôi chỉ biết tuân theo di chiếu của vua Lê Thánh Tông, phải đưa Thái tử Lê Thuần (Túc Tông) lên ngôi Hoàng đế kế vị. Vậy mà thằng cha Lê Tuấn (Lê Uy Mục) nó ác quá. Nó tham quyền quá. Nó bảo mẹ nó dâng vàng bạc châu báu đút lót tôi và ông Bật. Chúng tôi kiên quyết từ chối. Nó ôm hận kiếm cớ trả thù chúng tôi. Còn như sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN, chả biết mấy cha biên soạn ngủ gật thế nào ấy, lại chép tôi và ông Bật ngày chết khác nhau. Bọn ý làm sách ẩu lắm.

Ông Huy nghe vậy, liền nói: “Các ông cũng quá ngây thơ. Sao không nhận mấy mâm vàng đem về quê mà hưởng cái sự sung sướng. Làm quan đến chức Thượng thư, mà bổng lộc vua ban chỉ đủ sống, chứ giàu có chi đâu. Ai làm vua thì cũng chả liên quan đến mình. Chức tước gì thì cũng chỉ là kẻ hầu hạ người ta, cúi ngửa hèn lắm”!

Nghe tiếng ông Đàm Văn Lễ lẩm bẩm:

- “Ông thì khác đếch gì tôi. Chúng ta, chung quy cũng chỉ là những kẻ tôi tớ hèn mọn. Đấy! Bọn tôi trung thành với vua Thánh Tông mà đưa Túc Tông lên ngôi. Nhưng chả hiểu sao, ngồi lên ngai vàng mới được nửa năm, mà ngài Túc Tông bỗng dưng lăn đùng ra chết. Bất đắc kỳ tử. Lê Tuấn (Uy Mục) lên ngôi. Ngay sau đó hắn giết luôn bà nội của hắn. Là vì bà Hoàng Thái hậu này biết rõ tính tham lam đê tiện của thằng cháu, cho nên bà không ủng hộ hắn lên ngôi. Thế thì còn có đạo lý gì nữa đâu. Tiếp theo, hắn bắt đầu trả thù tôi và ông Nguyên Quang Bật. Hắn giáng chức, bắt chúng tôi phải vào làm quan thứ ở Quảng Nam. Mới đến bến đò sông Chân Định ở Thanh Chương, thì quân lính triều đình do hắn sai khiến, đã đuổi theo chúng tôi, bắt chúng tôi phải chết. Thế có đểu không chứ! Nó không giết chúng tôi ở Thăng Long, sợ lòi cái đuôi ác quỷ của hắn ra trước bàn dân kinh thành. Ông Bật giận quá, mới ôm hòn đá, rồi thốt lên câu thề: “Con cháu ta đời sau, đứa nào làm quan cho nhà Lê, thì cũng như hòn đá này”! Nói rồi ông Bật ôm hòn đá nhảy xuống sông tự tử. Con cháu ông Bật phải chạy trốn khắp nơi. Có người chạy sang mạn Thuận Thành, đổi sang họ Đỗ. Con cháu nhà tôi cũng hoảng sợ, thay tên đổi họ phiêu tán khắp nơi. Thơ văn của chúng tôi cũng tan nát chả còn được mấy bài.

Nghe vậy, ông Đàm Thận Huy ngoảnh sang bảo ông Lễ: “Các ông quá ngờ nghệch đấy. Lê Tuấn nó quyết làm vua, việc gì mà hắn không dám làm. Hắn đút vàng bạc cho các ông không được, thì nó đem đút lót cho đám quan hầu hạ bên vua mới. Lại còn hứa hẹn kèm theo đe dọa. Đứa nào mà chả tham sống sợ chết. Vua Túc Tông bị Lê Tuấn đầu độc là cái rất có thể đấy”! Ông Đàm Văn Lễ nghe vậy, lại cúi đầu lẩm bẩm: “Cũng có thể như thế lắm”!. Thảo nào mà Túc Tông mới làm vua được mấy tháng, đang khỏe mạnh mà bỗng lăn ra chết. Thực lòng, tôi và ông Bật cũng nghi lắm. Buồn chán, chỉ muốn bỏ chức quan về luôn. Nhưng chưa tìm được lý do thì phải chết uất ức, không sao nhắm mắt được ông ạ! Giỗ tôi, cũng tức là ngày giỗ ông Quang Bật đó!…Nhưng mà ông thì hơn gì chúng tôi nào”?

Ông Đàm Thận Huy phân trần:

- Là tôi hơn các ông ở chỗ được chết ở đây. Ở ngay đất Thăng Long này! Ông làm quan cũng đến Thượng thư, nhưng chỉ phục vụ ở triều Thánh Tông, đến Hiến Tông thôi. Còn tôi đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490). Tôi phục vụ tới mấy triều vua, trải các đời Lê Thánh Tông (8 năm), Lê Hiến Tông (6 năm), Lê Túc Tông + Lê Uy Mục (5 năm), Lê Tương Dực (7 năm), Lê Chiêu Tông (5 năm). Đấy! Làm quan cao dài dài và dai vô kể. Từng là Thượng thư bộ Lễ, Tri Chiêu Văn quán, Chưởng Hàn lâm viện sự, Thiếu bảo, Nhập thị Kinh diên. Lại cũng đã từng đi sứ sang Tàu. Hơn các ông là cái chắc!

Nghe ông Đàm Thận Huy kể lể dài dòng văn tự, ông Đàm Văn Lễ lại đỏ mặt, lẩm bẩm: “Ông kể mãi cũng thế thôi. Tôi đỗ Tiến sĩ năm 18 tuổi cơ. Làm quan chỉ hai triều vua, nhưng mà là hai ông vua sáng. Ngài Thánh Tông tuy còn nhiều điểm kém, nhưng vẫn là vua anh hùng tài lược, đáng thờ. Lê Tranh (Hiến Tông) cũng nối tiếp được vua cha, cẩn thận, chu đáo, khiêm nhường, trí tuệ và chín chắn, cũng đáng thờ. Còn như ông, phục vụ Thánh Tông và Hiến Tông là chỗ đáng tự hào. Chứ như cái đám từ Lê Tuấn (Lê Uy Mục) trở đi thì chỉ đáng vứt bỏ, chứ vẻ vang cái nỗi gì mà kể! Bọn chúng toàn là Vua Quỷ, Vua Lợn, ăn tàn phá hại, giết nhau như ngóe cả. Ông cứ ngồi dai mà hưởng chút lợi nhỏ, sao đáng mặt trượng phu kia chứ! Lại đến khi Mạc Đăng Dung giành được chính quyền, ông chẳng theo cái mới, cái chính đáng, mà lại uống thuốc độc chết, vợ con cũng chết theo. Chẳng phải là uổng phí lắm hay sao”?...

Ông Huy cãi:

- Tôi “trung thần Quyết không thờ hai vua. Thế chẳng được khen hay sao?

- Khen gì mà khen! Ông ngu trung bỏ mẹ! Một triều đại đã mục nát lắm rồi, không còn lý do để tồn tại, “trung” với nó để làm gì? Mạc Đăng Dung thay thế, chẳng phải là quy luật tất yếu hay sao? Ông chết theo một cái thây ma, phỏng có hay ho gì mà tự hào là bậc trượng phu thức thời. Nho giáo quan niệm “xuất xử” rõ ràng. “Sông Thương Lang trong thì ta giặt dải mũ. Sông Thương Lang đục thì ta rửa chân”. Kẻ sĩ từ xưa hành xử như thế mới là phải đạo. Còn ông thì ngược lại. Chả đáng phê phán lắm ru”!

Nghe ông Đàm Văn Lễ mắng mình như muốn thổ ra cả gan lẫn ruột, ông Huy cúi đầu, ngậm ngùi. Có nhẽ lão Văn Lễ này nói cũng phải. Lát sau, ông Thận Huy xuống giọng: “Kể ra Mạc Đăng Dung cũng là kẻ biết trọng tiết nghĩa. Tôi chiêu mộ nghĩa quân chống lại Mạc Đăng Dung. Không thành. Ông ấy không ghét tôi, chê tôi, mà còn cho người chuyển thi hài tôi về làng Me, tức làng Ông Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tổ chức tang lễ long trọng cho cả vợ chồng con cái tôi đàng hoàng. Lại còn cho xây mộ phần tử tế. Thế cũng là bậc quân tử. Gia đình tôi cũng phải biết ơn ông ấy”! Nghe tiếng ông Đàm Văn Lễ nhẹ nhàng, vẻ thông cảm:

- Họ Đàm nhà ta không ít người tài. Danh gia vọng tộc cả đấy! Nhưng mà khi gặp thời, cũng là lúc báo hiệu sự thất thế. Lên voi xuống chó là theo thế thời, theo vận nước hưng suy. Chỉ mình không có mắt xanh mà nhận ra đó thôi! Nói rồi ông Đàm Văn Lễ buông ra một tiếng thở dài, ngao ngán. Thấy vậy, Ông Thận Huy lại vui vẻ kể tiếp:

- Ấy thế mà người đời vẫn khen tôi tiết nghĩa đấy ông ạ. Cái cậu Lê Quý Đôn đời sau có lúc làm quan Đốc đồng Kinh Bắc. Hắn cũng thần đồng. Bảng Nhãn, nhưng cũng xem như hắn Trạng nguyên. Là vì không ai trên hắn. Tay ấy làm quan đến ngang Tể tướng ở đời chúa Trịnh Sâm. Cha hắn, ông Lê Trọng Thứ, cũng Thượng thư, cũng từng làm Đốc đồng Kinh Bắc, nên cậu ấy rất rành rẽ vùng đất này. Đâu cũng thấy có thơ của hắn. Này! Ông nghe tôi đọc bài thơ Lê Quý Đôn viết về tôi, khi đi qua miếu thờ tôi. Đọc ông gắng nghe thử xem nhá: “Đền miếu khói hương nghi ngút / Sách chữ vàng lại khắc bằng ngọc / Cương thường là việc từ cổ vẫn coi trọng / Danh tiết (của ông) đến nay vẫn còn truyền / Anh linh đã phiêu du ngoài mây lạnh / Khói hương vẫn vương vấn bên hàng cổ thụ / Trung thần đúng thực là có hậu / Đời đời xuất hiện người anh tú giỏi giang”. Đấy là bài thơ nhan đề QUA LÀNG ÔNG MẶC, QUÊ CŨ CỦA THƯỢNG THƯ LÂM XUYÊN BÁ, QUỐC LÃO NGHĨA QUẬN CÔNG. Là tôi đấy!

Đàm Văn Lễ lắng nghe. Một lúc sau gật gù, rồi buông một câu trắng nhởn: “Nhưng cái danh thơm tiết nghĩa của ông để làm gì, khi mà ông tiết nghĩa với cái thây ma mục ruỗng? Ông chống lại Mạc Đăng Dung. Không ăn thua thì ông uống thuốc độc chết. Vợ và hai con gái ông cũng chết theo. Chả được việc gì mà lụy đến cả vợ con. Tuy vậy, Mạc Đăng Dung vẫn không hề căm ghét ông, mà còn làm hậu sự cho ông tử tế, còn ca ngợi ông là người tiết nghĩa. Chả hóa ra ông phục vụ người ta, chết vì người ta, trong khi người ta coi ông chỉ là anh nhà Nho ngu trung, trong đầu chỉ rặt sách với vở lý thuyết suông nó lừa ông. Tôi thì chỉ hơn ông là được chết sớm hơn ông đấy thôi! Còn như cái cậu Lê Quý Đôn í, mấy đời ăn lộc nhà Lê. Hắn ca ngợi ông thì cũng chả có gì khó hiểu cả”! Nói xong câu này, hai ông Tiến sĩ họ Đàm quay nhìn mặt nhau, vui vẻ cả cười…

Bỗng có tiếng xe máy ầm ầm lao nhanh trên con đường ven hồ trước mặt, khiến tôi giật mình bừng tỉnh. A! Đúng rồi! Có anh bạn đồng môn, đồng khoa ĐHSP tên Đàm Văn Thi hiện đang ở thành phố Bắc Ninh. Tôi rút điện thoại A lô, hỏi hắn xem có phải là hậu duệ của hai cụ Đàm Văn Lễ hay Đàm Thận Huy hay không. Một lát, thấy bên kia có tiếng trả lời như quát: “A! Tôi Đàm Văn Thi đấy! Phóng xe xuống tôi uống rượu ngay nhá. Nhà tôi có giỗ cụ Đàm Văn Lễ tiên sinh đấy”!...

Bạn đang đọc bài viết "Ghi lại cuộc đối thoại của hai ông Tiến sĩ họ Đàm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn