Hà Giang: Nghi lễ cúng "thần rừng"ở Hoàng Su Phì

Lê Hoàn

20/05/2021 14:10

Theo dõi trên

Lễ cúng thần rừng Mo Đổng Trư được diễn ra tại khu rừng thiêng của các bản người Nùng tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Tại khu rừng này, mọi người dân trong thôn đều ý thức được những điều cấm kỵ, như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, hoặc đại, tiểu tiện...

Tưởng nhớ người anh hùng Hoàng Vần Thùng

Dân tộc Nùng có lịch sử sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin Hoàng Su Phì, hiện dân tộc Nùng chiếm 38,4% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/25 xã, thị trấn.

cung-rung-1621480147.jpg

Lễ cũng tại miếu thờ thần rừng “Mo Đổng Trư” trên đỉnh rừng thiêng tại xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Ảnh: Phi Anh

Người Nùng Hoàng Su Phì có nhiều lễ hội, trong đó có thể kể đến Lễ cúng mừng cơm mới, Tết độc lập, đặc biệt là Lễ cúng thần rừng Mo Đổng Trư. Ông Lù Sính Vần, thôn Cốc Soọc, xã Pố Lồ, năm nay đã gần 80 tuổi kể về gốc tích cúng thần rừng. Ông Vần cho biết :Xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên bình tại các sườn núi. Một hôm, vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm đất đai, của cải. Sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị thua trận nên phải rút vào các khu rừng rậm để bảo toàn mạng sống. Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến nhiều người và gia súc bị chết. Đúng lúc này, thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng, do chiến đấu quả cảm với quân địch đã bị thương và lâm bệnh chết.

mo-trau-1621480347.JPG
Đàn ông dân tộc Nùng mổ trâu để làm lễ cúng. Ảnh: Bình Tài

Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc người thủ lĩnh quả cảm, các trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy tiết thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung (tức vua trời) giúp đỡ. Xúc động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử quân xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình. Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân chống giặc, các tộc họ người Nùng đã dành khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp nhất trong bản để lập miếu thờ và tôn ông là Đổng Trứ (tức thần rừng). Từ đó, cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm; các bản làng của người Nùng trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức Lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ.

Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, lễ cúng thần rừng được xem là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Kháng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc; gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, sung túc và củng cố sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Quan trọng hơn nữa là bảo vệ phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Nùng.

Lễ cúng trong khu rừng thiêng

Lễ cúng thần rừng của người Nùng Hoàng Su Phì diễn ra vào tháng 2 và tháng 7 hàng năm. Cứ 3 năm cộng đồng người Nùng mới làm lễ chính một lần; khi đó, dân bản mới mổ trâu để cúng, các năm còn lại chỉ cúng gà và lợn. Lễ cúng được quy định luân phiên mỗi năm một thôn phải góp 4 con gà trống thiến, rượu và một con lợn đen khoảng 50kg để mổ làm vật cúng; ngoài ra còn có thêm hương, tiền được làm từ giấy dó và các sản vật địa phương tùy tâm do người dân tự làm ra, như: Xôi nếp nương, các loại bánh, hoa quả…Ngoài ra còn có hương, tiền, bạc được làm từ giấy rơm để làm lễ cúng. Tất cả những lễ vật này hoàn toàn được người dân cống lễ tự nguyện.

Lễ cúng được diễn ra tại khu rừng thiêng của các bản người Nùng. Tất cả những người tham gia lễ cúng thần rừng trong khu rừng thiêng đều là đàn ông, không phân biệt tuổi tác. Tham dự lễ cũng mọi người đều tự ý thức nên không ai nói tục, mọi hành vi cử chỉ đều phải chuẩn mực. Người Nùng quan niệm làm vậy để không đụng chạm đến các vị thần linh trong khu rừng.

Khi chọn được giờ đẹp, lễ cúng được diễn ra. Thầy cúng thắp bó nhang và đọc bài cúng: Năm cũ đã qua, năm mới đến; hôm nay, các hộ gia đình trong toàn xã lại nhớ đến ông Hoàng Vần Thùng và đóng góp tiền, hương, lễ vật trâu, gà, lợn để làm lễ cúng. Nay thịt đã chín, cơm đã ngon, các con cháu kính dâng lên ông Hoàng Vần Thùng, các ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều (các vị thần bảo vệ cho con người và vật nuôi theo quan niệm của người Nùng) để các ông hưởng thụ và phù hộ, đem lại may mắn cho dân làng…

an-1621480397.JPG
Sau khi hoàn tất cả thủ tục cúng Thần rừng, toàn bộ số vật phẩm sẽ được chế biến để mọi người thụ lộc 

Sau khi việc tế lễ kết thúc, thầy chủ tế và các bậc cao niên, các trưởng thôn trong xã sẽ hưởng thụ trước các món chín để làm phép, còn toàn bộ số thịt được mang đi chế biến thành các món ăn để mọi người trong bản cùng thụ lộc.

Trong rừng cấm là không khí linh thiêng của núi rừng, thì phía ngoài rừng cấm lại là không khí của một ngày hội thực sự. Các hoạt động văn hóa, thể thao của dân tộc Nùng với sự tham gia của các diễn viên, vận động viên, nghệ nhân xã Pố Lồ và 22 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc Nùng, như thi các tiết mục văn nghệ, dân ca, dân vũ của dân tộc Nùng; trưng bày các sản phẩm, vật phẩm văn hóa truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động, sản xuất; nghề chạm khắc bạc của nghệ nhân người Nùng…

Phát huy văn hóa phi vật thể Quốc gia

Người Nùng quan niệm thần Rừng được coi là một vị thần linh thiêng che chở cho dân làng trong cuộc sống hằng ngày. Những quy ước cúng rừng của cộng đồng người Nùng đã trở thành thiết chế văn hóa trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2016, Lễ cúng thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Hoàng Su Phì luôn giữ trong mình nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu. Là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa ẩm thực của các đồng bào dân tộc anh em Dao, Nùng, Mông, La Chí, Cờ Lao… Bắt nhịp với xu hướng phát triển, huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo tiền đề đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với khôi phục những lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; đồng thời tổ chức các lễ hội thường niên tại cộng đồng dân cư.

Việc bảo tồn, phát huy lễ hội, phong tục truyền thống của dân tộc Nùng tại Hoàng Su Phì đã góp phần cho sự bảo tồn và phát triển bền vững bản sắc văn hóa, cũng như nâng cao ý thức chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, môi trường sinh sống của cộng đồng. Từ khi Lễ cúng thần rừng được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia, huyện xác định sẽ từng bước nâng tầm của lễ cúng thần rừng, dần biến nó trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Nghi lễ cúng "thần rừng"ở Hoàng Su Phì" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn