Hai người con Nam Bộ Anh hùng trong trái tim tôi !

Nhà văn Chanh Nguyen

28/12/2022 06:45

Theo dõi trên

Tôi gặp vợ chồng anh tiến sĩ Phan Cao Minh từ Hà Nội vào thành phố để dự bữa tiệc sinh nhật rất ấm cúng và nghĩa tình , tiệc tri ân người anh hùng tình báo của lãnh đạo Ks.Continental dành cho chú Tư Cang và gia đình hôm 30/10/2022 vừa qua.

Anh thật khỏe mạnh và trẻ hơn cái tuổi 78 của anh. Tôi được chú Tư kể về gia đình anh ở Hà Nội rất nhiều, về ông bà và những người con của họ . Nếu ai đã từng xem những tập phim tài liệu nhiều kỳ về chú Tư Cang " Đi giữa kẻ thù " thì ngay trong tập đầu tiên có nhắc tới chuyện chú Tư ra Hà Nội và có ghé lại thăm gia đình bố mẹ nuôi của chú . Đây là gia đình quân nhân, mấy người con cũng phục vụ trong quân đội.

d1g1q1-1672155620.jpg

 

Nhớ lại , anh Cao Minh kể : trong tập 1 phim tài liệu "Đi giữa kẻ thù" về anh Tư Cang của đạo diễn Phong Lan có cảnh quay ở nhà tôi với gia đình vào khoảng năm 2008. Khi ấy mẹ tôi còn khoẻ lắm , bà vui đón anh Tư như người con đi xa về và rồi những đóng góp cho ngành tình báo quốc phòng Việt Nam của anh Tư và Cụm tình báo chiến lược H.63 mới được nhiều người biết đến. Anh Tư có kể, nhưng người làm tình báo họ rất kiệm lời và không muốn nói về cá nhân mình, họ dành những lời ca ngợi cho sự hy sinh dũng cảm của đồng đội . Thú thật, mãi sau này sau khi được đọc hết những cuốn sách của anh Tư, qua những tập phim tài liệu về ông Phạm Xuân Ẩn (X6) và anh Tư thì tôi mới hiểu hết được những chiến công và đóng góp to lớn của Cụm H.63 của anh Tư trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngả mũ kính phục người điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn và những đồng đội của ông trong cụm, đặc biệt là anh Tư- người cụm trưởng gắn bó với đồng đội hơn mười năm bám trụ ở địa đạo Củ Chi để lưu chuyển những thông tin tình báo tối mật về tổng hành dinh giúp xoay chuyển cuộc chiến trong từng thời kỳ chiến tranh ác liệt để đi tới thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975. Không phải ngẫu nhiên mà Cụm tình báo của anh Tư được tuyên dương AHLLVTND vào năm 1971 trong khi cuộc chiến đấu còn vô cùng ác liệt. Hôm nay ở đây, anh Cao Minh nói tiếp, tại ks.Continental này giữa trung tâm Sài Gòn đang lưu giữ những ký ức rất đẹp của Cụm H.63 anh hùng gắn liền với những chiến công của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Tôi được anh Tư là nhân chứng của lịch sử kể lại những hồi ức thật hay trong những ngày khói lửa của trận tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 năm nào. Trên tầng 3 của khách sạn Continental, phòng số 307 nơi ông Ẩn lưu trú và làm việc ngày nào thì nay trở thành căn phòng lịch sử của tình báo quốc phòng Việt Nam. Du khách không được lưu trú trong căn phòng này. Bên ngoài cửa phòng, khách sạn đã gắn biển di tích lịch sử, bên cạnh đó là tượng đồng ông Phạm Xuân Ẩn tay dắt con chó do nhà sử học Mỹ Larry Berman đặt làm ( người viết cuốn sách X6- điệp viên hoàn hảo ). Anh Tư kể, cũng chính từ căn phòng nhỏ này, ông Ẩn đã thu được thông tin tình báo tối mật từ phía Mỹ sau sự kiện thằng trung tá Tám Hà phản bội đầu hàng giặc để rồi người chỉ huy của mình là anh Tư làm báo cáo gửi khẩn về Phòng tình báo Miền, từ đó tổng hành dinh đã ra quyết định lịch sử để đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, buộc người Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán để rút quân trong danh dự bằng hiệp định hoà bình Paris năm 1973. Đúng là mốc son lịch sử, bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ của dân tộc ta.

d2gq2-1672155826.jpg

 

Hôm nay, lãnh đạo khách sạn Continental đã làm bữa tiệc để chúc thọ 95 tuổi của chú Tư Cang với niềm tự hào về một thế hệ anh hùng trong việc bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược và bè lũ tay sai để thống nhất đất nước. Các bạn trẻ đã được nghe những câu chuyện tình báo thật hay diễn ra trong khách sạn Continental này và cái quán cafe Givral ở bên kia đường Đồng Khởi do người trong cuộc kể. Biết bao máu xương của đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh để có ngày hoà bình hôm nay.

Tôi có hỏi anh Cao Minh , duyên cớ nào mà chú Tư Cang lại quen thân được với gia đình anh để rồi chú như là người anh cả trong gia đình nuôi này ở Hà nội ? Gương mặt anh thật hiền , rất sôi nổi anh kể : hồi đó là khoảng cuối năm 1973 , tôi khi ấy đã tốt nghiệp trường đại học bách khoa Hà nội, là kỹ sư vô tuyến điện, công tác tại Viện khoa học - kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện . Tôi có người em ruột đi bộ đội, đang chiến đấu ở chiến trường B2, chỗ bộ tham mưu Miền quân giải phóng miền Nam, cậu ấy tên Quốc Minh, làm về thông tin. Ngày anh Tư ra Hà Nội học tại Học viện chính trị quân sự cuối năm 1973, ảnh có đem theo rất nhiều thư từ của mọi người từ chiến trường ra, trong đó có thư của cậu em tôi. Bố tôi có người bạn đang ở trong ban liên lạc quân sự 4 bên tại Sài Gòn. Anh ấy có viết thư cho bố tôi giới thiệu về anh Tư và có nhờ gia đình hỗ trợ cho anh Tư trong những ngày ra học và nói , anh ấy là người rất "đặc biệt" .

d3gq3-1672155892.jpg
Ba ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

Bố mẹ tôi đạp xe đạp tới thăm anh Tư, tôi nhớ hình như lúc đó ở khu bộ đội chỗ phố Lý Nam Đế thì phải. Anh Tư được bố tôi , khi thì tôi chở xe đạp về nhà chơi và ăn cơm mỗi tuần , thân tình lắm . Anh Tư coi gia đình tôi như chính gia đình của mình, chúng tôi gọi anh là anh cả ( anh Tư lớn hơn tôi 16 tuổi ) , bố mẹ tôi trở thành bố mẹ nuôi của anh. Anh kể nhiều chuyện ở chiến trường, "chút chút" chuyện tình báo thôi, nhưng nhiều nhất vẫn là về lực lượng đặc công biệt động. Họ dũng cảm, đánh trận lấy ít địch nhiều , chịu nhiều hy sinh và tổn thất. Nhiều bom, mìn, thuốc nổ, vũ khí tự tạo để đánh giặc của đặc công biệt động mình không có thiết bị điện tử điều khiển thu phát vô tuyến điện để phát nổ nên hiệu suất không cao, các chiến sĩ bị hy sinh rất nhiều , không thoát ra kịp khi thiết bị phát nổ. Cần phải nghiên cứu và chế tạo thiết bị điện tử để điều khiển thu phát vô tuyến ( giống như của tụi Mỹ ), một đầu gắn vào bom, mìn, thuốc nổ ; đầu kia phải gọn nhẹ để các chiến sĩ đặc công biệt động đeo bên mình sau khi thoát ra an toàn rồi bấm nút kích nổ. Trong khoa nghiên cứu của tôi ở Viện có anh Ba Thân trưởng khoa , tên đầy đủ của anh ấy là Đặng Văn Thân, anh là người Nam bộ, dân tập kết từ miền Nam ra năm 1954 theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Anh Ba quê ở Bến Tre, quê hương đồng khởi. Tôi đem chuyện này báo cáo với anh Ba Thân để tìm lời giải cho bài toán của anh Tư đề xuất. Anh Ba mừng lắm, đề nghị xin được gặp anh Tư ngay để nghe . Tôi vẫn nhớ, hai anh gặp nhau ôm hôn như người ruột thịt , hai người con của Nam Bộ thành đồng, một người vừa chiến đấu ở chiến trường trở ra miền Bắc, một người thì ở lại miền Bắc và theo đuổi con đường đèn sách, được cử sang Liên xô du học, tốt nghiệp kỹ sư thông tin vô tuyến điện năm 1966. Với sự góp ý và định hướng của anh Tư, anh Ba đã đăng ký đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị này cho bộ đội đặc công biệt động với Viện và anh Ba là chủ nhiệm đề tài. Tôi trong nhóm nghiên cứu của anh Ba. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã hoàn thành đề tài này. Vẫn nhớ, thiết bị được đặt gọn trong thùng đạn đại liên của Mỹ ( thứ này rất nhiều trên chiến trường ) để các chiến sĩ của chúng ta mang đi, khi có sự cố, họ có thể tạm thời vùi xuống đất để giấu. Thế là chúng tôi đã sản xuất được rất nhiều thiết bị này gửi vào chiến trường phục vụ chiến đấu. Nhắc lại chi tiết này với tôi, anh Cao Minh nói tiếp : anh Ba là người rất giỏi về chuyên môn, sản phẩm được gửi vào chiến trường như là cách người con của miền Nam trên đất Bắc chia lửa với đồng bào của mình trên chiến trường, hạn chế được biết bao máu xương hy sinh của bộ đội.

Câu chuyện của anh Cao Minh thật hay. Sau khi chiến tranh chấm dứt, năm 1976 anh Cao Minh được Nhà nước cử sang Bungary làm luận án tiến sĩ về chuyên ngành của mình và sau khi trở về nước, anh làm công tác nghiên cứu khoa học ở Cty bưu chính viễn thông cho đến ngày nghỉ hưu, hoàn thành trách nhiệm của một người trí thức trước đất nước.

Câu chuyện của chúng tôi có lẽ cũng đã đến hồi kết. Tôi hỏi anh, khi nào thì vợ chồng anh trở về Hà nội ? Anh nói, vợ chồng tôi có lẽ sau 3-4 hôm nữa. Ngày mai chúng tôi tới thăm và chúc sinh nhật anh Ba Thân 90 tuổi. Anh Ba Thân sinh ngày 6/11/1932. Anh Ba bị tai biến mấy lần, giờ nằm một chỗ, sức khỏe yếu lắm, lúc nhớ, lúc quên. Vợ anh, chị Hà cũng mất rồi, giờ con anh đang chăm sóc ba. Nói thật với Chánh, anh nhìn vào mắt tôi và giọng thật buồn, trong cuộc đời của anh, anh yêu quý hai người anh Nam bộ mẫu mực và họ là tấm gương cho anh . Đó chính là anh Tư Cang và anh Ba Thân . Nay anh Tư vẫn khỏe mạnh, nhưng anh Ba thì yếu lắm , giá như hôm nay anh Ba còn khỏe thì sẽ tham dự buổi tiệc sinh nhật 95 của anh Tư vì hai người thân thiết với nhau lắm. Anh Tư Cang thì em biết rồi, nhưng anh Ba Thân thì em có lẽ chưa biết đâu. Họ là hai người anh hùng trong trái tim anh, đức độ, tài giỏi và cống hiến trọn đời cho đất nước đấy. Năm 2000, anh Ba Thân được nhà nước tuyên dương danh hiệu ANH HÙNG LAO ĐỘNG thời kỳ đổi mới đó, người thủ trưởng của anh vô cùng đáng kính. Tôi như ngớ người, la lên : trời, anh Ba Thân cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động ! Ừ, đúng rồi, những đóng góp của anh Ba Thân với ngành viễn thông Việt Nam to lớn lắm, nếu được phong tặng 2 lần anh hùng cũng xứng đáng đó em ! Giờ để anh kể cho em nghe về anh Ba Thân nhé. Xoa hai tay vào nhau, trầm ngâm một chút như để lục lại trong trí nhớ của mình, anh nói : anh Ba Thân sinh ngày 6/11/1932 trong một gia đình nông dân ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1950, anh gia nhập bộ đội địa phương chống Pháp, làm chiến sĩ báo vụ . Năm 1954, anh tập kết ra miền Bắc, xin chuyển ngành về bưu điện và công tác tại trạm bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau vài năm, anh được về Hà Nội học văn hoá, bổ túc kiến thức rồi năm 1960 được cử đi học đại học tại Liên xô. Năm 1966 trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư thông tin điện tử vô tuyến, công tác ở Viện khoa học-kỹ thuật bưu điện. Sau ngày 30/4/1975, anh trở về miền Nam làm giám đốc Trung tâm Viễn thông 2. Năm 1984, sau những thành tích đạt được trong công tác nghiên cứu và đổi mới trong quản lý, anh được điều động ra Hà Nội làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện . Năm 1986, anh là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Tất cả mọi người đều đã thừa nhận những đóng góp to lớn của anh cho ngành Bưu điện Việt nam, anh là người anh cả của sự nghiệp đổi mới ngành Bưu chính và viễn thông trong hoàn cảnh đất nước bị cấm vận, nghèo nàn về cơ sở vật chất và lại ở trình độ kỹ thuật rất thấp. Bản lĩnh của người lãnh đạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt lên mọi khó khăn, lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá khẩu để thu hút vốn , công nghệ nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước, đi thẳng vào công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhất trong khi trên thế giới vẫn đang phổ biến công nghệ analog . Không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, xin phép Nhà nước cho hoạt động theo cơ chế tự vay, tự trả với sự bảo trợ của Nhà nước nhờ đó có nguồn lực để nhập khẩu những trang thiết bị hiện đại nhất cho sự phát triển vượt bực của ngành Bưu chính viễn thông Việt Nam. Chắt chiu từng đồng vốn, xây dựng hạ tầng viễn thông hoàn chỉnh, hiện đại, đóng góp rất lớn cho ngân sách và làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Những quả ngọt ngày hôm nay chúng ta đang hái trong ngành Bưu chính viễn thông đến từ những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi , làm việc hết mình của anh và toàn bộ CBCNV trong ngành trong những năm tháng đổi mới của đất nước. Đảng và Nhà nước đã đánh giá Bưu điện là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, vị thế của Bưu chính viễn thông Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn lúc nào hết.

Như con tằm đã nhả tơ, năm 1997, anh về nghỉ hưu ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh nhận được rất nhiều huân huy chương của Nhà nước, được trao tặng huân chương lao động hạng nhất, huân chương Độc lập hạng nhất và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động . Tổng kết 30 năm đổi mới của đất nước, anh được vinh danh là gương mặt ấn tượng nhất!

Anh về nghỉ hưu, sống thanh bạch, nhân ái với mọi người và luôn tự hào với những gì đã cống hiến cho đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay 6/11/2022 là ngày sinh nhật của ông Ba Thân 90 tuổi, xin được gửi tới ông, Anh hùng lao động Đặng Văn Thân lời chúc trường thọ, xin được cám ơn những đóng góp phi thường của ông đối với đất nước.

Chia tay vợ chồng anh Cao Minh, giờ thì tôi đã hiểu vì sao hai người anh hùng ấy lại ngự trị trong trái tim của anh , họ rất xứng đáng là những người anh hùng của nhân dân, một người đi ra từ chiến tranh ác liệt lập nên những chiến công tình báo có một không hai, còn một người thì đi ra từ thương trường đổi mới của đất nước , né tránh an toàn những viên đạn bọc đường của cơ chế thị trường vô cùng nghiệt ngã để bảo vệ và xây dựng đất nước. Họ đã làm được chuyện đó là vì ở họ là nhân cách lớn, có lòng yêu nước thương dân, không tơ hào tiền bạc của nhân dân, dám hy sinh cuộc sống của mình cho nhân dân , cho đất nước. Họ mãi mãi được nhân dân yêu mến, ghi nhớ và nhắc đến trên đất nước này.

Khi tôi vừa dừng tay trên bàn phím để kết thúc bài viết này thì nhận được tin nhắn trên điện thoại từ người bạn :" chúc mừng anh nhân ngày kỷ niệm 105 năm cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại 7/11/1917-7/11/2022 !".

Thật hạnh phúc.

Ngày 6/11/2022.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Hai người con Nam Bộ Anh hùng trong trái tim tôi !" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn