Hồi ký chiến tranh: Ký ức sông Ngàn Sâu

Lương Hòa

12/07/2022 10:02

Theo dõi trên

Đúng 4 giờ sáng ngày mồng 1 tết năm 1972 Trung Đoàn 102, Sư đoàn 308 đã hành quân tới Hương Khê, Hà Tĩnh. Đại đội 14 của tôi đóng quân tại xóm nhỏ Hương Mai bên kia bờ sông Ngàn Sâu.

ngan-sau-1657594899.jpg
Ảnh tác giả lựa chọn

Đời lính chiến cứ như con chim én di cư. Mới hôm 27 tết chúng tôi còn đang ở Kỳ Lâm, Kỳ Anh thì nghe tin BBC " Sư đoàn 308 Bắc Việt đã hành quân tới Kỳ Anh, Hà Tĩnh ". Thế là sư đoàn tôi vội vàng báo động hành quân thần tốc ngược đường rừng về Hương Khê.

Lẽ ra phải vượt Đèo Ngang vào Quảng Bình mới đúng, vì đằng nào cũng phải đi qua Quảng Bình mới tới chiến trường Quảng Trị. Chắc vì chiến thuận nghi bình mà sư đoàn phải đánh lừa tình báo Mỹ.

Thế đấy, khác nào chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 kéo pháo vào rồi lại phải kéo pháo ra. Biết bao mồ hôi sức lực của bộ đội cũng đành phải chịu vậy thôi.

Tôi, anh Thịch, anh Sáng, anh Bổn ở nhà mẹ Cầu. Mẹ Cầu năm ấy 70 tuổi, Mẹ hiền lành, phước hậu. Mẹ quý thương chúng tôi như con đẻ. Cô con dâu tên Mão. Vợ chồng O Mão mới cưới nhau được ba ngày, men tình đang lúc ngấm thì anh Năm chồng O phải trả phép đi chiến trường, mà biền biệt ba năm không hề tin tức. Nhiều đêm tôi thức giấc vẫn nghe thấy tiếng khóc thút thít nhớ chồng không ngủ của O nghĩ mà thấy thương Mão quá!

O Mão có dáng người cao cao, vòng eo lý tưởng. Có nước da trắng ngần, có khuôn mặt dễ thương đặt chuẩn gái xinh : Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt. Tôi và O Mão rất hợp tính nhau, có lẽ chúng tôi cùng là con mèo sinh năm Tân Mão 1951, nên chúng tôi rất biết cảm thông và chia sẻ cho nhau những lúc vui, lúc buồn. Biết tôi nghiền thuốc lá, Mão sang mãi làng bên xin tầu thuốc lá về cho tôi thái nhỏ phơi khô làm thuốc rê. Biết tôi thích uống chè tươi đậm đặc, trong bếp lúc nào cũng sẵn có ấm đất nước chè tươi nóng hổi. Tôi và O Mão hay ngồi bên bếp lửa hơ tay sưởi ấm, nói chuyện tào lao thiên địa đủ thứ trên đời không biết chán.

Sư đoàn tôi ở đây hơn một tháng trời thì hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Sau mấy chục năm rồi mà tôi vẫn luôn còn nhớ nơi này... Con sông Ngàn Sâu đong đầy bao kỷ niệm thật không thể nào quên... Cứ sau bữa cơm chiều bốn anh em tôi ra sau nhà hò đối đáp mấy O bên kia sông.

Tôi nhớ mãi tối hôm đầu tiên tôi dạo câu hò :

" Ơ...hò. Hò lên một tiếng mà cho vui,

Cho Loan nhớ Phượng, mà cho Mình Ta nhớ Ta ".

Chỉ có thế thôi, là không biết bao nhiêu tốp A, tốp B, tốp C bên kia hò đối lại, mà bốn anh em tôi không tài nào hò đáp nổi.

Lại một câu hò khiêu khích nữa tiếp theo :

" Ơ...hò. khu ba đất rộng, mà người đông

Nhiều chàng trai đẹp mà không chứ biết hò ".

Thấy dị quá, không lẽ đánh giặc chẳng chịu thua, mà lại thua mấy em? Biết tôi thân thiết O Mão, anh Bổn liền xui tôi :

" Cậu về nhà gọi O Mão ra ngay ".

Tôi vào tận buồng thấy O đang nằm nghỉ, ngại ghê nhưng kệ :

" Dậy, dậy Mão ơi! Giúp bọn anh với! ".

Mão bị tôi lôi tay xềnh xệch ra bờ sông, gặp anh Bổn, anh Bổn nói ngay :

- Mão soạn mấy câu hò đối đáp giúp bọn anh với.

Mão tươi cười duyên dáng :

- Bữa sau các anh nhớ gọi em đi cùng hè.

Thế là chúng tôi vào cuộc :

" Ơ...hò. Tiếng ai như tiếng mà chuông vàng

Tiếng ai như tiếng mà cô nàng anh yêu! Ơ... hò ".

Anh Bổn vừa rứt câu hò, bên kia chưa kịp hò đáp lại, tôi bồi luôn một câu tiếp theo :

" Ơ...hò. Em về hỏi mẹ mà cùng cha

Có cho em lấy mà chồng xa chứ không nào ".

Thế rồi bên kia nói vọng sang bên này ngọt như mía lùi :

- Anh bộ đội ơi! Nghe em nói hè :

Ơ...hò. Yêu nhau mấy núi mà cũng trèo

Trăm sông em cũng vượt, ngàn trùng em cũng qua ơ hò.

Có cố vấn O Mão chúng tôi chẳng bao giờ chịu thua, thậm trí thành nghiện luôn. Chỉ khi nào có tiếng còi toe...toe của đơn vị là bốn anh em tôi mới chịu bỏ cuộc về sinh hoạt, còn O Mão về buồng ngủ tiếp.

Cuộc vui nào rồi cũng phải chia tay.

Vào giữa đêm cuối tuần tháng 2, tiết trời " Rét nàng Bân " vẫn còn đang như cắt da, cắt thịt, thì đơn vị báo động hành quân di chuyển. Mẹ Cầu và O Mão khóc như ri. O Mão chẳng cần biết xấu hổ gì hết cứ ôm chặt lấy tôi mà khóc, đến khi anh Bổn phải hối thúc : " Thôi nhanh lên muộn rồi, nhanh lên ". Xúc động quá! Nhưng biết làm sao đươc?

Chúng tôi gói vội ba lô làm phao và bơi qua sông Ngàn Sâu làm một mạch vô chiến trường Quảng Trị.

Ngày 28/3 trung đoàn 102 của chúng tôi đã tới nông trường cao su Quyết Thắng, Vĩnh Linh.

Chúng tôi được nghỉ hai ngày lấy sức vượt sông Bến Hải.

Không khảo cũng khai.

Bao nhiêu chuyện bí mật đều được tuôn ra hết... Không ngờ thằng Sáng hiền lành như cục đất, vậy mà tẩm ngẩm tầm ngầm nó đánh chết voi. Nó đã yêu O Lan nhà bên kia sông lúc nào mà không ai biết, Lan gọi mẹ Cầu bằng Ngoại.

Thằng Kênh lính sinh viên xây dựng, mới bổ xung vào đại đội có mấy ngày, mà cũng đã yêu O Vui, nhà O Vui cuối xóm. O Vui xinh gái nhất làng, có đôi mắt đò đưa gợi cảm vô cùng.

Thằng Việt đen như cột kèo nhà bếp, nhưng được cái miệng nó có duyên, nó yêu O Nhài nhà chủ. Mà nó liều lĩnh quá dám đưa O Nhài ra bãi ngô sau nhà tâm sự... Bao lần mà không hề ai biết.

Anh Bổn bất ngờ hỏi tôi :

- Thế cậu đã làm gì O Mão chưa?

Tôi cười đỏ mặt tía tai :

- Làm gì thì anh biết rồi đấy.

Anh Bổn lại cười hề...hề :

- Tớ hỏi cho vui vậy thôi, chứ cậu nhát nhất tiểu đội.

Tôi nói nghiêm túc :

- Em đi một bước, anh theo em chục bước, thì em có làm gì cũng chẳng qua được mắt anh.

Anh Bổn hiểu ý cười hề... hề :

- Đừng trách tớ, cậu thông cảm, tớ mà không quản lý chặt thì cậu bị kỷ luật lâu rồi.

Phải công nhận rằng con gái ở đây nhiều O xinh đẹp. Đã thế các O lại rất mạnh dạn và lại thích bộ đội nữa chứ. Ngày ấy đơn vị quản lý rất chặt, họp hành hơi tý lại cho là " quan hệ bất chính " vậy mà nhiều anh vẫn lén lút vượt rào yêu đương mà cán bộ không hề hay biết.

Ngày 30/3 cả trung đoàn 102 của chúng tôi vượt sông Bến Hải.

Ngày 17/4 trong trận giao tranh quyết tử tại cầu Lai Phước anh tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Bổn đã anh dũng hy sinh, khi mà hàng tiểu đoàn quân VNCH tràn qua bộ binh tiểu đoàn 9. Đại đội 14 cối 82 ly của tôi không còn một viên đạn nào nữa mà Trung đoàn vẫn không cho rút lui. Địch đã tiến sát trận địa khoảng 30 mét, anh Bổn mới vội vàng hạ lệnh : " Để lại lựu đạn cho tôi, tháo pháo rút chạy, sai trái tôi chịu kỷ luật ". Trong trận ấy còn có thằng Hoan lính 71, Yên Định, Thanh Hóa. Thằng Hiền Kim Động đồng hương, đồng ngũ với tôi cũng hy sinh.

Đêm mồng 02/7 hầm thằng Sáng trúng bom B52. Đêm ấy hầm anh Phùng Quang Lâm lính 1966 người Vân Du, Vĩnh Phú và anh Phạm Văn Tâm lính 1968 người Tứ Kỳ, Hải Dương cũng trúng bom.

Đêm 15/7 B 52 dội bom trúng hậu cứ đơn vị, làm  anh Thịch hy sinh cùng với Đại Trưởng Tường lính 1964 người Vĩnh Phú và thằng Hòa lính tân binh Nam Sách Hải Dương.

Đúng 4 giờ sáng 1/9 tôi bị thương tại bốt Gia Long, khi mà tôi đang chỉ huy khẩu đội bắn vào căn cứ địch quân ở nhà Mái Bằng.

Khoảng cuối tháng 9/72 tôi đã được chuyển thương ra tới Hương Mai, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tôi lội qua con sông Ngàn Sâu như nhói nhói con tim. Hình ảnh dòng sông trong vắt thơ mộng ngày nào, hôm nay sao nặng nề đục ngầu đến thế.

Khó nhọc lắm tôi mới nhấc nổi đôi chân lội được sang bên kia bờ thăm nhà mẹ Cầu O Mão.

Vừa thấy bóng tôi ngoài ngõ, mẹ Cậu và O Mão đã rối rít hỏi thăm : " Rứa anh Bổn, anh Thịch, anh Sáng mô? ".

Ngôi nhà lá xưa còn đây...! Chiếc phản gỗ xưa còn đây...! (Chiếc phản kê giữa nhà là nơi bốn anh em chúng tôi hằng đêm ôm nhau ngủ) Lòng tôi buồn rười rượi...! Miệng tôi không sao nói lên lời...!

Mẹ Cầu và O Mão như biết có điều chẳng lành rưng rưng sụt sùi nước mắt! Mẹ vào trong nhà lấy ba nén nhang vái vọng phương trời Nam xa xăm không bờ, không bến.

Tôi ra sau nhà nhìn lại nơi bờ sông hằng đêm bốn anh em tôi cùng O Mão hay đứng hò đối đáp. Tôi thầm gọi các anh!

Anh Bổn, anh Thịch, thằng Sáng ơi! Các anh giờ ở nơi đâu?!

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Hồi ký chiến tranh: Ký ức sông Ngàn Sâu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn