Hà Nội hợp tác du lịch với Lào và Campuchia - Kết nối khai thác tiềm năng

Xuân Cường

03/10/2021 21:45

Theo dõi trên

Với sự thuận tiện về hạ tầng, kết nối du lịch từ Hà Nội đến Lào, Campuchia mang đến tuyến điểm trải nghiệm về văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, kéo dài thời gian lưu trú.

 

Chú thích ảnh Đoàn Caravan hành trình qua các kinh đô Việt - Lào quảng bá cho dịp VITM Hà Nội 2018.

 

Liên tuyến đường bộ

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Từ năm 2018, đơn vị đã tổ chức đoàn khảo sát mở tuyến liên kết du lịch Hà Nội – Lào bằng xe tự lái mang tên "Hành trình qua các kinh đô Việt – Lào".

Theo đó, hành trình bắt đầu từ Hoàng Thành Thăng Long, kinh đô qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam; sau đó, đoàn đi đến Mộc Châu qua cửa khẩu Loóng Sập rồi đi Sầm Nưa, Luông Pha Băng – Viêng Chăn – Xiêng Khoảng (Lào). Tiếp đó, đoàn qua cửa khẩu Nậm Cắn về Nghệ An, qua Ninh Bình về lại Hà Nội. Hành trình này kéo dài 7 ngày 6 đêm, với các xe tự lái.

“Tour này được giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018, nhận được sự quan tâm của nhiều người và sau đó đơn vị tổ chức được tiếp 5 đoàn. Cung đường này về sau được một số đơn vị du lịch tại Hà Nội tiếp tục khai thác”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Đánh giá về cung đường này, ông Phùng Quang Thắng cho biết, việc liên kết du lịch từ Hà Nội đi Lào khá thuận lợi bởi cung đường thuận lợi, phương tiện di chuyển là xe tự lái khá phổ biến. Nhiều người muốn được trải nghiệm trên cùng đường của cả hai quốc gia, kết hợp tìm hiểu lịch sử qua các địa điểm từng là kinh đô trong quá khứ”.

Chú thích ảnh Đoàn caravan chụp ảnh lưu niệm tại Sầm Nưa (Lào). Ảnh: CTV

 

Còn ông Nguyễn Văn Hân, hướng dẫn viên kỳ cựu, đại điện Công ty Vantage Travel cho biết: Trước khi có dịch COVID-19, đơn vị đón khách quốc tế từ thị trường Mỹ và Australia. Về cung đường, đơn vị triển khai đưa khách thăm Hà Nội rồi đi Hạ Long, sau đó bay qua Siêm Riệp rồi đi xuôi theo sông Mê kông xuống Tân Châu (An Giang, Việt Nam) và tham quan đồng bằng sông Cửu Long, rồi kết thúc hành trình ở TP Hồ Chí Minh với thời gian tour là 20 ngày. Khi đến Hà Nội thì khách chủ yếu đi thăm các điểm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Lăng Bác và làng gốm sứ Bát Tràng.

“Thỉnh thoảng cũng có đoàn khách quốc tế đi theo cung đường Hà Nội đi Tây Bắc Việt Nam rồi qua Lào, nhưng chủ yếu là đến Luông Pha Băng (Lào). Nhìn chung, với khách phương Tây từ xa đến, họ đều muốn đi du lịch 3 nước Đông Dương vì thuận tiện về cung đường. Khi hết dịch, tùy vào chính sách mở cửa của 3 nước, tuyến điểm này vẫn được các du khách phương Tây quan tâm”, ông Hân chia sẻ.

Tuyên tuyền quảng bá du lịch Hà Nội kết nối

Với việc liên kết du lịch 3 nước Đông Dương, Sở Du lịch Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ của Sở về Đề án tăng cường công tác thông tin đối ngoại với Lào và Campuchia.

Chú thích ảnh Du lịch bằng xe tự lái qua 3 nước Đông Dương khá phổ biến do đường xá thuận lợi. Ảnh: CTV

Trong thời gian qua, nhờ xúc tiến quảng bá nên lượng lượng khách du lịch Lào và Campuchia đến Hà Nội đã có sự tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch và còn thấp so với lượng khách các nước trong khối ASEAN đến Hà Nội. Theo thống kê, năm 2017, Hà Nội đón 12.517 lượt khách du lịch đến từ Lào (chiếm 12% tổng số lượng khách Lào đến Việt Nam); năm 2018, đón 13.927 lượt khách du lịch đến từ Lào, tăng 11% so với 2017 (chiếm 12% tổng số lượng khách Lào đến Việt Nam); năm 2019 đón 12.562 lượt khách du lịch đến từ Lào, giảm nhẹ so với năm 2018 (chiếm 12,4% tổng số lượng khách Lào đến Việt Nam).

Với khách đến từ Campuchia, năm 2017, Hà Nội đón 6.996 lượt khách (chiếm 3% tổng số lượng khách Campuchia đến Việt Nam); năm 2018, đón 12.157 lượt khách du lịch đến từ Campuchia, tăng 73% so với 2017, (chiếm 6% tổng số lượng khách Campuchia đến Việt Nam). Năm 2019, Hà Nội đón 12.884 lượt khách du lịch đến từ Campuchia, tăng 6% so với năm 2018 (chiếm 6% tổng số lượng khách Campuchia đến Việt Nam).

Từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát và tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội cơ bản là khách công vụ, ngoại giao, người lao động nước ngoài.

 
 

Đánh giá chung về tình hình hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Lào và Campuchia, Sở Du lịch Hà Nội cho rằng: Việt Nam, Lào và Campuchia là các quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Về du lịch, hợp tác giữa các bên đạt kết quả tốt đẹp thông qua cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Các nước đã miễn visa cho khách du lịch là công dân 2 nước đi du lịch lẫn nhau. Hiện nay, đường hàng không, đường bộ kết nối giữa các thành phố lớn của hai nước thuận tiện cho liên kết du lịch.

Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội tham dự Diễn đàn kết nối không gian du lịch “Bốn quốc gia - Một điểm đến” và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam tại Myanmar. Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội hợp tác phát triển du lịch giữa bốn quốc gia; hợp tác xây dựng sản phẩm chung và chiến lược quảng bá du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các ngành: Du lịch, ngân hàng, tài chính,…

Bên cạnh đó, các nước tích cực tham gia và thúc đẩy hợp tác du lịch đa phương, chủ yếu qua các khuôn khổ: “Ba quốc gia một điểm đến”, “Tam giác phát triển” (Việt Nam - Lào - Campuchia), “Hành lang Đông Tây”, “Tiểu vùng Mê Kông mở rộng” (GMS), “Mê Kông - Lan Thương”...

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết; Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu du lịch; tăng cường thực hiện công tác ngoại giao văn hóa, phát triển hợp tác quốc tế, giao lưu nhân dân, giao lưu hữu nghị quốc tế gắn kết hiệu quả với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đồng thời, Sở Du lịch hợp tác quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Hà Nội tại Lào và Campuchia cũng như quảng bá về du lịch nước bạn tại Hà Nội nhằm kích cầu du lịch song phương; Kết nối các hoạt động doanh nghiệp du lịch và báo chí du lịch khảo sát điểm đến du lịch song phương để hợp tác du lịch đến hai nước.

Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, khi dịch bệnh được khống chế, liên tuyến kết nối từ Hà Nội đến Lào – Campuchia sẽ là cung đường thu hút khách, nhất là loại hình du lịch theo nhóm nhỏ, đi theo loại hình caravan. Hà Nội có lợi thế về sân bay quốc tế Nội Bài là trung tâm phân phối khách cả khu vực miền Bắc và thuận lợi kết nối tới Lào. Kỳ vọng sau dịch, các chương trình sản phẩm đã thực hiện trước đây sẽ được khởi động lại.

Theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cách đây hơn 10 năm, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát tự lái dành cho giám đốc các công ty du lịch hành trình qua các nước Đông Dương. Sau đó đã các đoàn xe tự lái theo từng nhóm tiến hành du lịch trên các cung đường kết nối các nước Lào- Campuchia – Việt Nam – Mianma. Nhu cầu lái xe tự lái đi du lịch giữa các nước trên khá lớn trong thời gian gần đây, nhất là tại Hà Nội.

 

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội hợp tác du lịch với Lào và Campuchia - Kết nối khai thác tiềm năng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn