Kể chuyện một gia đình có công

Đặng Sĩ Ngọc

15/09/2022 09:38

Theo dõi trên

Đến thành phố Vinh, Nghệ An khi qua làng Yên Dũng Thượng ngày xưa (nay là khối Văn Trung của phường Hưng Dũng). Ai là người quan tâm đến lịch sử đều biết một gia đình có truyền thống yêu nước lâu đời.

 

Đầu tiên là cố Lê Bá Song, vợ cố Song là cố Cơ: một nữ Đảng viên Cộng sản sớm nhất của Chi bộ xứ ủy trung kỳ. Người mẹ này vào Đảng giữa năm 1930 của thế kỷ trước. Hai cố sinh được 9 người con: một người chết lúc còn nhỏ, tám người còn lại thì có 7 người là Đảng viên. (Trong bảy Đảng viên cán bộ nhà nước có bốn người đi bộ đội chống Pháp thì một người hi sinh vì Tổ quốc). Tất cả đều hoạt động lâu dài cho đến ngày về hưu.

Đáng chú ý người con đầu của hai cố là ông Lê Bá Kinh. Người anh cả này từng đọc lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Làng Đỏ. Sau đó được phân công làm thường vụ huyện ủy huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Rồi phụ trách mặt trận Việt Minh và đảm nhiệm cấp Phó thanh niên Nghệ An cùng ông Nguyễn Sỹ Quế (ông Quế người cùng làng, sau này là bí thư Đảng ủy tỉnh Nghệ An)

Vợ chồng ông Kinh sinh được 6 người con. Trong đó có hai con trai là Lê Bá Võ và em Lê Bá Giáp. Anh em Võ - Giáp lớn lên trong thời kỳ ông cha vừa đánh thắng giặc Pháp. Ở miền Bắc Việt Nam có mấy năm hòa bình.

Năm 1963 ông Kinh qua đời vì già yếu và bệnh tật. Tháng 2/1965 Anh Lê Bá Võ khám trúng nghĩa vụ quân sự. Lê Bá Võ vào đơn vị công binh của sư đoàn 324, hoạt động ở Bắc tỉnh Quảng Trị. Vào lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cả nước bùng nổ ngày càng ác liệt. Máy bay Mỹ đánh vào đơn vị hai lần. Võ bị bom vùi mà không bị mảnh bom nào vào cơ thể, nhưng anh bị rối loạn chức năng thần kinh, tâm thần. Anh được đưa về đơn vị an dưỡng một thời gian. Đến năm 1971, họ cho anh phục viên về quê sống với gia đình, hưởng chế độ bệnh binh mất sức 81%, tiêu chuẩn có người phục vụ. Anh không vợ , không có hạnh phúc nối dòng. Ra khỏi nhà là anh bị mất phương hướng. Hiền lành, không biết nóng lạnh, chỉ quanh quẩn trong nhà, bên giường. Trăm sự nhờ người thân chăm sóc.

Năm 1967 Anh Lê Bá Giáp đến tuổi trưởng thành. Bà Kinh đã động viên con trai thứ hai tòng quân chống Mỹ. Đủ tiêu chuẩn sức khỏe, Giáp nước bổ sung cho Trung đoàn 66, sư đoàn 304. Tham gia trận đánh ở thành cổ Quảng Trị 1972 anh bị thương, mất sức 26%.

dvh1aq1-1663209413.jpg
Tác giả bài viết

 

Sau ngày thống nhất tổ quốc năm 1975 anh Giáp được đơn vị cho đi học Văn hóa. Anh đã cố gắng học rồi thi đậu vào trường Đại học Thủy sản ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Học xong chương trình anh trở thành kỹ sư thủy sản. Anh cưới vợ, vợ anh là cô Hiếu người tỉnh Long An. Cô Hiếu sinh cho anh đứa con trai đặt tên là Lê Bá Hoàng. Đến năm 1988, vợ chồng Giáp - Hiếu sống với nhau không hợp tính được tòa án giải quyết ly dị. Chị đi đàng chị. Ở cơ quan không có việc làm, anh đưa con về quê hương chăm sóc, cho ăn học và tìm kiếm việc làm. Anh vừa chăm mẹ già, con thơ cùng anh trai tâm thần. Tất cả thành một gánh nặng thời bao cấp. Cuối năm 1989, anh Giáp quyết định xây dựng gia đình lần thứ hai. Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến vừa tốt nghiệp trường y, cô được phân công về làm trạm trưởng y tế phường Trường Thi của thành phố. Anh chị yêu nhau, thông cảm cho nhau rồi cưới. Cuộc sống trở nên yên ấm. Năm 1991 anh chị sinh cháu gái Lê Vân Anh sắc sảo, xinh đẹp. Đến nay đã tốt nghiệp Đại học Vinh ra trường có việc làm ngay vì Vân Anh học giỏi. Vân Anh được kết nạp vào Đảng nay đã bảy năm, cùng sinh hoạt chi bộ Đảng với mẹ ở địa phương.

Nhưng đến năm 2011 anh Giáp bị tai biến mạch máu não. Một căn bệnh nan y mà vợ là Bác sĩ cũng phải bó tay. Anh Giáp nằm bất động tại giường. Chị nghỉ hưu non để chăm sóc chồng, mẹ chồng, anh trai chồng và hai con ăn học.

Sau khi mẹ già yếu về với tổ tiên. Chồng chị cũng theo mẹ ra đi năm 2012. Tới năm 2017 anh trai tâm thần cũng chết. Chị Yến xơ xác, héo mòn. Mọi người xung quanh ai thấy cũng thương. Báo Công An Nhân Dân số ra ngày 26 tháng 7 năm 2012 có bài: “ Nỗi khổ của một phụ nữ nuôi mẹ già và hai cựu chiến binh bại liệt” của tác giả Phạm Quốc Bình. Chị Yến đã nhận được nhiều thư từ của các bạn đọc gửi đến chia sẻ. Bà con cô bác, láng giềng, khối phố cũng đến động viên an ủi chị. Chính quyền địa phương cũng lắng nghe quan tâm. Một đơn vị công an ở Hà Nội đã gửi trợ giúp động viên chị 4.500.000₫ (Bốn triệu năm trăm nghìn đồng)

Chị Yến nuôi con trai cho ăn học, có việc làm và đã tổ chức cưới vợ cho Hoàng. Khi tổ ấm của con Hoàng yên ổn thì quê ngoại có chị gái là cô Huy. Chị Huy sinh năm 1945, đi thanh niên xung phong năm 1965 chống Mỹ. Chị Huy bị thương 21%, quá lứa, không chồng con, không còn ai nương tựa nay lại bị bệnh tim nằm bất động tại giường. Chị Yến đã cùng con gái về quê ngoại ở và chăm sóc ngày đêm.

Tôi là thương binh, Hội viên Hội cựu Chiến binh đến thăm gia đình chị Yến thấy chị vất vả quá. Đất nước đã bình yên nhiều năm nhưng những người vợ của những gia đình chính sách như chị Yến còn phải gánh vác âm thầm cho đất nước những công việc bình thường mà trăm đắng nghìn cay, hi sinh hết cả cuộc đời

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Kể chuyện một gia đình có công" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn