Kể chuyện…hành

Đặng Sỹ Ngọc

15/03/2022 10:41

Theo dõi trên

Chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc nửa thế kỷ. Lứa tuổi cán bộ chiến sỹ của đơn vị đầu tiên nay đã trên 70-80, đang sống khắp mọi miền Tổ quốc, vì cuộc sống mưu sinh với gia đình và quê hương.

tac-gia-chon-lua-1647315597.jpg
Ảnh tác giả cung cấp.

 

Cứ vài năm, chúng tôi lại tổ chức gặp mặt truyền thống do đồng chí Trung tá Nguyễn Đức Vượng, trưởng ban liên lạc chủ trì. Phần lớn các cuộc gặp đều tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ôn lại quá khứ vinh quang hào hùng của đồng đội. Điểm lại ai còn, ai mất.

 Có đồng chí ngày nay giao lưu rộng, quen biết mới rất đông. Nhưng quen hôm nay, ngày mai có thể đã quên mất rồi. Còn hình ảnh của đồng đội ngày xưa sống chết có nhau thì không bao giờ quên được, tên tuổi, quê quán, thái độ, phong cách, tính tình… Cả những vết sẹo hay cả nụ cười... Anh em chúng tôi không quên cả những khẩu súng, đồ dùng, vật nuôi trong đơn vị. Nay tôi xin kể chuyện Hành.

 Mùa Xuân năm 1966, chiến tranh chống Mỹ đã bước vào thời kỳ quyết liệt, tiểu đoàn 14 phòng không chúng tôi bố trí trận địa trên địa bàn xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đón máy bay Mỹ đến bắn phá, gây tội ác tại Cầu Phà Hoàng Mai giáp giới của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, trên trục đường I và đường sắt Bắc Nam.

 8 giờ ngày 3/2/1966, một máy bay A3J của Hải quân Mỹ (một loại máy bay hiện đại lúc ấy chuyên trinh sát, chụp ảnh rồi chỉ điểm cho các loại máy bay khác đến ném bom bắn phá). Nó bay từ Biển Đông vào, cua một vòng, rồi bắt đầu chụp ảnh Cầu phà Hoàng Mai.

 Với tinh thần sẵn sàng lập công dâng ngày sinh nhật Đảng. Đơn vị được lệnh Bắn! Các nòng pháo nhịp nhàng khạc lửa. Chiếc máy bay trúng đạn tan xác trên bầu trời. Tên phi công kịp nhảy dù xuống vùng biển xã Quỳnh Bảng. Bộ đội và nhân dân náo nức chèo thuyền ra bắt sống giặc lái.

Chiến công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tặng cho tiểu đoàn một con bò để liên hoan tại chỗ, cùng nhiều vật phẩm nông sản như cam, chuối, cà phê… của nhiều hộ dân. Đặc biệt đại đội 10, đơn vị chủ công, được nhận 5 con lợn con, mỗi con chừng 7kg, để chăn nuôi cải thiện. Cũng từ đó, nhân dân huyện Quỳnh Lưu có bài hát truyền thống “Đất mẹ anh hùng”.

 Vài tháng sau, chúng tôi tạm biệt Hoàng Mai vào bảo vệ sân bay, nhà ga, Bến Thủy, Bara Nam Đàn… tiếp tục vào Đồng Lộc, đèo ngang Hà Tĩnh và Nam Bắc sông Gianh, Quảng Bình. Mấy con lợn tình nghĩa cứ lớn dần. Đơn vị sử dụng làm thực phẩm theo ngày tháng. Riêng có một con, giống lợn ỷ Móng Cái, tai to, chăm ăn, nhanh nhẹn. Được anh em nuôi quân thân mến chăm sóc, đặt tên cho nó là Hành. Hành được tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Anh em còn tập cho Hành biết vẫy tai, ngoắt đuôi khi gặp chủ. Lúc cơ động di chuyển trận địa, tập cho Hành lên xuống xe ô tô, bằng cách đặt tấm ván dày, một đầu trên thùng xe một đầu ở dưới mặt đất. Người quen đứng trên xe gọi Hành, Hành là Hành tiến lên từng bước. Ngược lại, khi đến nơi, người đứng dưới đất gọi Hành là Hành xuống.

 Hành thông minh, như hiểu được bổn phận của mình nên cán bộ chiến sỹ càng quý mến. Chúng tôi đã cùng Hành cơ động dần sang phía Tây Trường Sơn để bảo vệ tuyến đường 559.

 Cả chặng đường hành quân xa, đầy gian khổ, ác liệt. Chúng tôi phải tác chiến với không quân Mỹ nhiều trận. Có trận thắng, bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Nhưng cũng có trận đầy gian nguy, có đồng đội hy sinh, có đồng đội bị thương. Quân số luôn thay đổi, còn Hành may mắn không bị mảnh bom đạn nào.

 Có một lần trên đất Lào, Hành được bố trí nằm ở hốc nhỏ của hang lên gần bếp. Nuôi quân biết bộ đội ở trận địa thích ăn sắn nên đã lấy gạo đổi cho đồng bào một số sắn tươi về bóc luộc. Buổi chiều ở nước Lào xuống muộn. Nồi sắn được luộc sạch sẽ ngon lành để gần bếp, chờ khi đơn vị nổ súng bảo vệ từng đoàn xe ta xuất kích vào phía trong, nuôi quân sẽ mang sắn ra cho bộ đội dùng. Anh nuôi vừa vào hang nghỉ một chốc. Bỗng nghe Hành ục ịch, miệng nó phù phù rồi hét lên rất to. Chúng tôi tưởng Hổ đến mang Hành đi hoặc Trăn đã cuốn thân Hành. Anh em khoác súng chạy đến, thấy Hành vẫn nguyên vẹn, mắt Hành nhìn ngược lên phía đỉnh lèn. Chúng tôi nhìn theo Hành, thấy một đàn khỉ đến vài chục con. Con nào cũng cầm sắn luộc chạy trên từng tảng đá, từng thân cây. Tôi lên đạn Aka nhằm thẳng bọn trộm. Anh Viết Khi, Tiểu đội trưởng tuổi Thân, vỗ vào vai tôi bảo: “Đừng bắn nó”. Nhìn lại nồi sắn không còn củ nào, chúng tôi tiếc sắn, thương Hành và mỉm cười.

 Hết mùa khô năm đó, chúng tôi được lệnh trở về nước. Xe kéo pháo bị tổn thất hư hỏng nhiều, chỉ còn lại 7 xe gát 63. Lúc này, anh em đo Hành đã nặng 180kg. Chỉ huy lệnh giết Hành, nhưng ai cũng thương Hành mà không cầm dao. Đơn vị phải nhờ nuôi quân của binh trạm làm thịt. Nhìn Hành bị mổ, anh Công, Anh Khi, anh Vang… những người có công chăm sóc Hành nhiều nhất đã xúc động mắt đỏ hoe. Thịt rồi, nhiều người cũng không ăn thịt Hành nữa. Cuối cùng phải nhượng lại cho các đơn vị trên tuyến đường giải quyết.

  Nay ôn lại và xin kể chuyện Hành, đơn giản mà hiếm có trong thời kỳ binh nghiệp của chúng tôi ở chiến trường.

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Kể chuyện…hành" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn