Kết hợp nội lực và ngoại lực để thúc đẩy 'mục tiêu kép'

Lan Anh (thực hiện)

24/07/2021 16:21

Theo dõi trên

Đó là điểm nhấn trong đường lối đối ngoại mà Việt Nam đã và đang triển khai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, được TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phân tích khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về chiến lược đối ngoại.

 

Bộ trưởng Bộ Thương mại, Đầu tư và Du lịch Australia Dan Tehan cho biết chính phủ Australia cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Australia cho Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Ông đánh giá như thế nào về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, đoàn kết quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay?

TS. Lê Đình Tĩnh: Theo đánh giá của cá nhân tôi, về vấn đề thích ứng và xử lý trong bối cảnh dịch COVID-19, ở góc độ đối ngoại, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành với tinh thần rất quyết liệt, chủ động, rõ ràng về mục tiêu và linh hoạt về biện pháp, thể hiện qua các chính sách bài bản trong tâm thế bình tĩnh, có trọng tâm, trọng điểm, bước đi thích hợp. Chính sách đó đã được cụ thể hóa bằng các hành động rất thiết thực trong chiến dịch “ngoại giao vaccine”, tranh thủ nguồn ngoại lực để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua sự vận động, tới nay, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó có COVAX và các kênh song phương. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Không chỉ vận động hỗ trợ vaccine, Việt Nam còn chủ động đề xuất hợp tác quốc tế, liên quan đến chuyển giao công nghệ vaccine và cùng sản xuất vaccine. Đối ngoại Việt Nam thời gian qua cũng đã dành ưu tiên cao cho việc hỗ trợ tăng cường hợp tác, viện trợ, mua bán thương mại các thiết bị, vật tư y tế.

Đặc biệt, ngoại giao cấp cao được chú trọng với những hoạt động nổi bật. Các vị lãnh đạo cấp cao đã có nhiều cuộc điện đàm, trao đổi với các nhà lãnh đạo của nhiều nước, tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Israel, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới… và các quốc gia có tiềm lực về vaccine, có quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng khu vực, thế giới trong phòng, chống dịch. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc đề xuất hợp tác phòng, chống COVID-19 trong ASEAN, đề xuất thành lập Quỹ COVID-19, lập Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN và xây dựng Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Việt Nam cũng là tác giả sáng kiến Ngày phòng, chống bệnh dịch thế giới. Cũng trên tinh thần thiết thực, Việt Nam đã đóng góp ban đầu khoản 500.000 USD vào quỹ COVAX để cùng cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ phòng, chống COVID-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã hỗ trợ chuyên gia, thiết bị y tế, tài chính cho hơn 60 quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực.

Đây là những biểu hiện sinh động của ngoại giao y tế, được thể hiện qua các hoạt động của các lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan…

Dự báo tình hình dịch COVID-19 còn dài và tác động đến đường lối đối ngoại của các nước, ngành ngoại giao có kế hoạch như thế nào để ứng phó và tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của quốc tế, thưa ông?

TS. Lê Đình Tĩnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong, đối ngoại trong việc gìn giữ và tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, tranh thủ tối đa nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao vị thế cho đất nước.

Ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, ngành đối ngoại đã rất chủ động trong việc phổ biến, quán triệt các chủ trương về đối ngoại, đặc biệt là những điểm mới, những nội dung mới. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng tổ chức các cuộc trao đổi, tọa đàm khoa học để làm rõ thêm các nội hàm và cụ thể hóa những nội dung của văn kiện để vận dụng vào thực tiễn trong công tác đối ngoại trước diễn biến mới của tình hình.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp và có thể kéo dài, theo tôi, nhiệm vụ của ngành đối ngoại là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XIII và chính sách của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, thúc đẩy ngoại giao phục vụ phát triển trong tình hình mới bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên.

Cụ thể, các hoạt động ưu tiên hiện nay và tới đây chắc chắn tiếp tục là ngoại giao y tế, trong đó có ngoại giao vaccine, tranh thủ sự điều chỉnh các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, nhận diện và đặt Việt Nam vào vị trí thuận lợi trong các xu thế phát triển mới của thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nâng cao vai trò, vị thế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề khu vực toàn cầu.

TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoạch định chiến lược đối ngoại rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia và nâng cao vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành và Việt Nam phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Xin ông cho ý kiến về vấn đề này?

TS. Lê Đình Tĩnh: Đây là cách đặt vấn đề rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang phải thúc đẩy “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thông qua việc tranh thủ và kết hợp giữa hai nguồn lực, bên trong và bên ngoài. Trong đối ngoại của Việt Nam, chúng ta đã có bài học lịch sử rất thành công, đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều này càng trở nên cần thiết trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, đòi hỏi khả năng thích ứng, chủ động trong việc thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu trên cơ sở kết hợp các nguồn lực, tạo sức mạnh cộng hưởng.

Tình hình thế giới hiện nay đang diễn ra rất mau lẹ, là thế giới của tốc độ, không chỉ là quy mô, và gắn với đó, là tính bất định, khó lường. Do vậy, hành động của các quốc gia cần nhanh nhạy, có sự phối hợp liên thông, để vừa bảo đảm thời gian vừa nâng cao hiệu quả chính sách. Trong một thời gian dài, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, ranh giới giữa các vấn đề đối nội, đối ngoại ngày càng mờ đi, vậy nên chúng ta càng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bên trong, bên ngoài, cũng như đề cao vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung.

Cũng cần nhấn mạnh thêm là hầu hết các nước hiện nay đều thực hiện chiến lược “mục tiêu kép” bởi logic là phòng chống COVID-19 để hạn chế tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển, ngược lại, phải có phát triển thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch. Hơn nữa, xét cho cùng, đích đến quan trọng hàng đầu là sự phát triển mọi mặt của quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều tác động sâu rộng, cạnh tranh nước lớn gia tăng, chúng ta cần phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại thế nào để đáp ứng trong bối cảnh này?

TS. Lê Đình Tĩnh: Có thể nói tác động của hai xu thế này vừa đem đến cơ hội, vừa đem lại thách thức cho Việt Nam. Điểm khác so với trước đây là cơ hội và thách thức chuyển hóa với nhau, đòi hỏi khả năng nắm bắt tinh nhạy hơn so với trước đây. Các quốc gia với độ trễ chính sách lớn, phản ứng chậm, sẽ thua thiệt.

Trước hết, về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điểm cần chú ý ở đây là cuộc Cách mạng lần này diễn ra với tốc độ và quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với các cuộc cách mạng trước đây. Các quốc gia không có sự điều chỉnh kịp thời, đầu tư nguồn lực tương xứng vào khoa học công nghệ, chất xám, nghiên cứu và phát triển thì sẽ đối diện với nguy cơ tụt hậu rất sâu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cuộc cách mạng này cũng đem đến cơ hội để tạo ra sự đột phá thay vì các tác động mang tính tiệm tiến. Do vậy, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên được xem là cơ hội nghìn năm có một (vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta đã lỡ các cuộc cách mạng KHCN trước đó) để Việt Nam có thể tạo ra sự bứt phá, trước hết là thoát bẫy thu nhập trung bình. Đây cũng là lý do Đảng ta nhấn mạnh đến tinh thần, khát vọng phát triển trong Đại hội vừa qua. Theo định hướng đó, ngành đối ngoại đã xem ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm như một nhiệm vụ chủ chốt.

Đối với quan hệ giữa các nước lớn, chúng ta có mặt thuận và mặt thách thức. Đối với mặt thuận, đó là giá trị chiến lược của Việt Nam ngày càng cao nhờ vị trí chiến lược, năng lực, vai trò của Việt Nam cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực. Ở mặt thách thức, từ bài học lịch sử cho đến hiện tại, cạnh tranh nước lớn tạo nguy cơ đẩy các nước vào tình thế phải chọn phe, đây là kịch bản mà các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam không mong muốn.

Về giải pháp, Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách cân bằng, linh hoạt, duy trì độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Càng độc lập tự chủ thì chúng ta càng có giá trị chiến lược trong chính sách của các nước. Điểm mới ở đây là Việt Nam hiện đang ở vị thế chủ động hơn, nhờ vào việc thế và lực cao hơn so với trước đây. Đồng thời, một cách khách quan, thế giới đã có những chuyển động theo hướng dân chủ hóa, đa cực hơn, từ đó giảm thiểu tác động bất lợi.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ phương cách triển khai đường lối đối ngoại theo hướng đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả. Do đó, chúng ta phải thực hiện các nhóm biện pháp một cách thống nhất, tăng cường phối hợp liên ngành và đa ngành, giữa Trung ương và địa phương, trong các hoạt động đối ngoại. Để nâng cao hiệu quả đối ngoại, Đại hội XIII đã nêu nhiệm vụ xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại: Toàn diện về mặt phương thức, chủ thể, trong đó đề cao vai trò của cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao y tế, ngoại giao kinh tế, phát triển, đối ngoại quốc phòng, an ninh, ngoại giao văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; còn hiện đại là về mặt con người với những kỹ năng mới, tri thức mới, cách làm mới, cơ sở hạ tầng, thông tin tiên tiến… Để làm được điều này, chúng ta cũng cần có sự bố trí nguồn lực thích đáng hơn nữa.

Trong quan hệ với các đối tác phát triển, nên tiếp tục coi trọng hợp tác thực chất, đan xen lợi ích, gắn kết với các mục tiêu trong nước, cách làm đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như đẩy mạnh ngoại giao số để bổ sung cho ngoại giao truyền thống trong việc thực thi các nhiệm vụ đối ngoại. Theo quan sát của tôi, các lực lượng đối ngoại, trong đó có Bộ Ngoại giao, đã và đang chủ động, tích cực triển khai theo hướng này trên thực tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết "Kết hợp nội lực và ngoại lực để thúc đẩy 'mục tiêu kép'" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn