"Không thể mồ côi" (Kỳ 14): LẦN ĐẦU TIÊN TỪ HÀ NỘI VÀO SÀI GÒN…

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

27/12/2021 11:07

Theo dõi trên

Tôi lên tàu thủy Thống Nhất vào ngày 22 tháng 6 năm 1975, chuyến đi chỉ có hai mẹ con với một túi quần áo. Lúc đó, tôi vô tư đến mức quyết định đem trả lại chìa khóa căn hộ tập thể tôi đang ở cho Ban quản lý.

chudvh-1640577933.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998) - một người bạn chiến đấu thân thiết của anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc, tháng 10/1990 đã không chỉ trao lại di vật cho tác giả Minh Vân, mà còn tặng thêm tấm ảnh và bút tích này (tư liệu của gia đình tác giả).

 

Đó là căn hộ tập thể tôi được phân ở khu Nam Đồng và tôi có toàn quyền sử dụng. Nhưng vì ao ước vào Nam tìm cha, nên tôi không nghĩ ra điều gì cả. Sau này mới biết nhà đó tôi có quyền sở hữu, có thể giữ lại để khi ra Hà Nội có nhà mà ở.

Tôi không cần gì cả, sau chiến thắng thống nhất đất nước ai cũng vậy. Chỉ hi vọng tìm được gia đình sau thời gian chia cắt. Lúc đó, tôi chỉ có một điều ước duy nhất là làm sao tìm được cha tôi để được biết mặt, để cho cháu Đào có ông ngoại. Vậy mà, chiến tranh đã cướp đi mọi niềm hi vọng của một người con suốt tuổi thơ côi cút là tôi.

Chắc ông trời cũng thương, nên trên tàu Thống Nhất có anh Tuấn người quen của chồng tôi ở Đức trước đây cũng về quê. Thấy tình trạng tôi mệt mỏi vì say sóng, anh đã tự tay chăm sóc hộ cháu Đào trong hơn 3 ngày lênh đênh trên biển. Đúng là ở hiền gặp lành. Tàu cặp bến cảng Nhà Rồng, tôi không đi được nữa mà phải bò xuống tàu, còn anh Tuấn thì vừa bế hộ bé Đào vừa xách hộ quần áo của mẹ con tôi. Thật là một người tốt!

Trong túi tôi lúc đó có đúng 60 đồng cho hai mẹ con ở xứ lạ. Thật là liều lĩnh, vào một miền đất mới không có điều gì ở tương lai. Khi ra đi trong túi chỉ có 30 đồng, lúc xuống chào me Kíu bà cho cháu Đào 32 đồng cộng lại.

Sài Gòn lúc đó phố xá thật đẹp, cờ hoa khắp nơi. Ai cũng tươi cười phấn khởi chào đón những chuyến tàu thống nhất Bắc Nam. Cảm nhận của tôi lúc đó Sài Gòn lớn quá, lộng lẫy quá, nhà cửa to lớn khác Hà Nội. Đường đi tốt, sạch đẹp quá, các loa phóng thanh thì suốt ngày hát các bài hát giải phóng Sài Gòn. Người Sài Gòn lúc đó ăn mặc rất đẹp, hoan nghênh nhiệt liệt các cán bộ từ Bắc vào đến trình diện cơ quan ở phía Nam. Anh Tuấn thì hứa với tôi là anh sẽ đi tìm đơn vị của chồng tôi để báo tin tôi và Đào đã vào.

Tôi được Ban Tổ chức Quân quản lúc bấy giờ gọi lên giao nhiệm vụ tạm thời về Trường Bổ túc công nông làm cán bộ dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ nòng cốt từ các chiến khu ra, ở tù về. Tôi cũng được lưu ý, các học viên đều là những người đã tham gia chiến đấu gian khổ, nhưng không có điều kiện học văn hóa. Nay để chuẩn bị cho chính sách mới và quản lý mới do chính quyền cách mạng cần phải có văn hóa cấp tốc, chương trình học một lớp trong ba tháng học những môn cơ bản…

Trường ở Thủ Đức, trong trường dòng Lasan Mosal cũ. Cơ sở vật chất rất tốt, khuôn viên rộng rãi thoáng mát. Lúc đầu thì ngày hai buổi tôi và Đào đi xe lam từ Sài Gòn lên dạy xong lại về. Nhưng do đường xa quá, mà đi xe lam thì bụi bặm. Sau tôi được xếp cho hai mẹ con một phòng tại trường, ăn và ở luôn ở đó. Vì học Bách Khoa ra, nên tôi được phân công dạy 3 môn Hóa, Sinh, Vật lý cấp II theo luôn học sinh lên cấp III.

Anh chị em trong lớp học và trường sau này ai cũng có những vị trí nhất định ở tổ chức trong chính quyền. Có khi đang học ở trên lớp có nhiều người lên cơn sốt rét liên tục. Có người thì di chứng ở trong tù tàn phá sức khỏe đến độ không còn sức mà học. Nhìn anh chị em như thế, tôi thương lắm, họ đều rất hiền lành nhiệt tình và trung thành tuyệt đối với con đường mà mình đã đi qua và đang nối tiếp tương lai.

Vì tôi được giới thiệu là con của bố Năm Thu, nên anh chị em rất có tình cảm, ngoài ra có bé Đào nên các cô chú rất yêu cháu… Lâu lâu có một số anh chị em hoạt động bí mật ở thành cũ cũng có kể cho tôi nghe: Trước đây có đôi lần được triệu tập về căn cứ để học tập, nghe chỉ thị mới, họ cũng có được gặp chú Năm. Nhưng vì bảo mật, chú Năm ở sau tấm màn, còn có anh chị em ở thành về đầu có khăn che mặt, chỉ chừa hai con mắt để nhìn, để đề phòng lúc ở nội thành lỡ có ai phản lại thì không nhận diện được.

Trong lớp cũng có hai anh trước đây là cánh vai vế vòng ngoài cho cha tôi, nên các anh chị rất hay nói chuyện chú Năm cho tôi nghe. Cho đến lúc đó các anh mới hay chú Năm đã hy sinh. Đúng là sự bảo vệ bí mật thật tuyệt đối… Cũng có vài anh chị lúc Tổng tiến công năm 1968 Mậu Thân có làm giao liên dẫn đường cho cha tôi, khi ông là Chính ủy Quân khu.

Khi được biết tôi là “Con gái chú Năm từ Hà Nội vào” các chị khóc và bảo: “Trời ơi chú Năm hiền lắm và thương các anh chị như con! Giờ thì hiểu ra, vì chú cũng có con cỡ cùng tuổi”.

Qua lớp học viên này, tôi thấy mình chỉ là người đi bên lề của cuộc chiến tranh. Còn các anh chị ở trường này họ đều bằng tuổi tôi, thậm chí còn trẻ hơn nhưng họ đều là những người đã trực tiếp đem xương máu và cả tuổi trẻ góp phần cho cuộc giải phóng dân tộc này. Nhìn những anh chị em học viên lên cơn sốt rét, lên cơn đau xé vì các vết thương. Tôi lại tự nhủ mình vẫn còn sung sướng gấp ngàn lần các anh chị đó.

Lúc này, chồng tôi mặc quân phục giải phóng, có súng lục, anh là sĩ quan, có điều kiện phát triển sở trường công việc, vì đang công tác ở bộ phận an ninh.

Bảy tháng dạy học ở đây, tôi thấy con người mình thuần khiết hơn, học được ở các anh chị sự đùm bọc chia sẻ lẫn nhau. Tuy sức khỏe kém, tuổi cũng không còn nhỏ nhưng họ học say sưa, chịu khó và đặt quyết tâm cao và rất ham học. Với họ lúc bấy giờ học là nhiệm vụ hàng đầu, cũng như trước đây là nhiệm vụ đánh giặc. Họ tự giác học, không đầu hàng để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong những ngày đầu của thời bình. Được biết lớp văn hóa đó sau đấy sẽ tỏa đi khắp nơi làm cán bộ nòng cốt toàn Miền Nam.

*

Tôi được điều về Sở Giáo dục, được phân công về dạy tại Trường cấp III Trần Quốc Tuấn.

Được điều về gần nhà, nên có lúc về ở nhờ nhà Má Hường và được gần gũi các em. Hồng đang thi hoàn tất cấp III để chuẩn bị đi nước ngoài. Thu đang chuyển qua bộ môn khác, để hoàn tất đại học em đang học dang dở. Ngọc vừa tốt nghiệp Khoa Toán Trường đại học Lômônôxốp ở Liên Xô về. Trong nhà lúc đó, chỉ có bé Đào là trẻ em, mới 6 tuổi, nên được các dì, cậu thương yêu và chăm sóc chu đáo.

Qua má Hường tôi được gặp bác Giáo, là chị họ của bố tôi tên là Đào Thị Loan. Vì chồng bác là thầy giáo nên mọi người thường gọi bà là bà Giáo. Qua bà, tôi có được gặp thêm một số người nữa, mà họ nói trước 1954 di cư vào Nam. Họ đều là công chức của chính quyền cũ, có người còn làm việc có chức sắc ở Phủ Tổng thống. Sau 30 tháng 4 phải đi học tập cải tạo.

Tôi hay đến bà giáo chơi, vì bà rất hiền và cứ nhắc đến bố Lộc là bà lại khóc… Bà kể lại rằng: Sau 1954 một thời gian, bà đã thấy chú Lộc xuất hiện tại Sài Gòn. Bà nhớ lần đầu tiên bà gặp, là lúc bà gọi xích lô đi chợ Bến Thành. Nhà bà ở trong một con hẻm nhỏ, đường Cao Thắng, quận 3. Khi lên xe xích lô bà không để ý mặt người lái xe, xe chạy một đoạn mới nghe người đó chào chị Loan, đó là tên con gái bà khi chưa lấy chồng (Đào Thị Loan) bà giật mình định quay lại xem là ai? Thì bố cháu bảo “Chị cứ ngồi tự nhiên, nói chuyện với em như bình thường để khỏi ai để ý đến”… Nhiều lần gặp như vậy, bố cháu đều hỏi tình hình bà con di cư, tình hình bà con Công giáo di cư… và bố cháu có yêu cầu tiếp tế một ít thuốc men, một ít tiền.”

Sau này tìm hiểu, tôi mới biết ứng với những lời kể của bà Giáo là khoảng thời gian Nhóm Tình báo chiến lược của cha tôi cũng đóng ở Bàn Cờ, là nhà Bảo Sanh ở đường Cao Thắng. Mỗi lần đến họp mọi người đều cải trang, xách đồ đạc như đi thăm nuôi bà đẻ. Đường Cao Thắng đó có nhiều con hẻm nhỏ đâm đi qua nhiều con đường khác chằng chịt… Có nhiều đường hẻm đều vào được vào nhà bà giáo Hồng… Bà còn kể có lần cha tôi đang ở trong nhà bà thì bị mật thám vây ráp tình cờ thôi. Cha tôi đã tự thoát ra đi bằng cửa nào bà cũng không biết… sau đó chỉ cho người nhắn tin về là “em an toàn”.

Càng nghe nhiều, tôi mới hiểu xung quanh ông bà là cả một huyền thoại và các cơ sở hoạt động bí mật của ông chằng chịt khắp nơi ngay tại Sài Gòn, vậy mà tụi nó đâu có biết.

*

Tôi được Văn phòng Thành ủy gọi lên gặp chú Bảy Dự (tức ông Nguyễn Võ Danh) mà tôi đã gặp ngoài Miền Bắc, lúc chú ở Ban Thống nhất Trung Ương. Chú nhận ra tôi ngay. Mừng vì tôi đã vào Nam, chú bảo:

- Con vào được đây là tốt rồi, có điều kiện chú cháu gần nhau. Chú và thím cũng nghèo nhưng nếu chú làm được cái gì cho con của anh Năm Thu, chú sẵn sàng…

Chú Bảy sau này là người đã ảnh hưởng đến tôi về suy nghĩ, về cả cách xử lý công việc lúc gian nan…

Tôi còn nhớ trước lúc mất, chú cầm tay tôi nói:

- Chú ra đi được rồi, vì theo chú biết cha con đã có quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng, chỉ còn chờ ngày công bố, thế là chú ra đi yên tâm rồi. Mà còn có biết không? Nghĩ lại chú thấy mình bậy quá: Về mặt chức tước thì Năm Thu từng là thủ trưởng của chú, về tuổi đời anh cũng hơn chú 6 tuổi. Mà lúc ở với nhau từ căn cứ đến nội thành đến Campuchia, chú không gọi được một tiếng “anh”, mà toàn gọi Năm Đời, Năm Thu, có lẽ vì tình thân quá sâu sắc.

Cha cháu cũng là người đặt tên cho thằng Công con của chú lúc sanh ở bên Miên. Cũng là người nuôi giùm thím Bảy lúc sanh thằng Công, khi chú đi công tác Đồng Khởi Bến Tre…”.

Chú Bảy nói thêm:

- Anh Năm có thể được phong vài ba lần anh hùng mới xứng đáng: Anh hùng Tình báo, anh hùng Binh vận, Anh hùng Địch tình trong chiến tranh và sách lược đánh giặc…

Thím Bảy kể thêm về cha tôi:

- Anh Năm tội lắm, giặt giùm quần áo cho bà đẻ ở suối mà lại vừa giặt vừa vui vẻ ca hát. Cha con là người sống có tình nghĩa lắm, con à”.

Mỗi khi nhắc đến cha tôi, thím Bảy lại khóc. Bà là người được cha tôi giao viết tài liệu mật, vì có chữ viết rất đẹp nên ba tôi phân công thím hàng ngày viết thư bằng mật mã hóa chất, giữa kẽ của hai hàng chữ trên báo địch, từ đó cho giao liên chuyển tài liệu đi công khai. Đó là những mệnh lệnh, những nhiệm vụ cần phải tuyệt đối giữ bí mật được chuyển vào nội thành.

Lúc nào cũng vậy, thím nói: “Anh Năm tốt lắm, thương lắm cháu ơi!” Sau đấy cứ định kỳ chú Bảy Dự lại cho người kêu tôi lên để hỏi thăm tôi sống ra sao? Nếu phát hiện tôi có gì sai sót, chú cho nguyên một bài giảng chính trị và đạo đức, rồi chú so sánh với thời của chú và bố. Đó là sự chân tình, là cách chú bộc lộ tình cảm - Tình cảm của đồng đội đối với con của đồng chí đã hy sinh. Chú nói: “Ba bay và chú với bác Hai Văn, ông Ba Duẩn, bác Mười Cúc ở với nhau tất cả suốt thời gian ở trong căn cứ” .

Cha tôi đã kể về gia đình cho chú nghe tất cả. Bởi thế, sinh thời, mỗi khi nhắc đến cha tôi, chú Bảy đều kính trọng cha tôi bằng câu “Anh Đạo là Đồng chí cũ”. Lúc đầu tôi không hiểu “Đồng chí cũ” là gì? Sau chú giải thích là: “Đồng chí đã tham gia Cách mạng rất sớm từ trước năm 1940. Ba cháu là một người như vậy”. Đối với mọi người, ai ai cũng sợ chú vì chú nghiêm khắc, phụ trách công tác nội chính và an ninh, công an. Nhưng với tôi chú rất gần gũi, như là một người em ruột của cha tôi…

Mỗi khi ký ức quay về quá khứ, tôi hay nhớ về thời gian tôi được phân công về dạy học ở trường cấp III. Lúc đó, tôi dạy hai môn Hóa và Sinh. Giáo viên ở đây từ khắp nơi về. Những giáo viên cũ là các thày tu gọi thày phe, đa số họ dạy sinh ngữ và khoa tự nhiên. Một số giáo viên từ Bắc về. Một số khác là giáo viên được bổ sung như tôi… Tôi không thấy có sự ngăn cách về giai cấp, về người của xã hội chủ nghĩa đào tạo, hay người tại chỗ được sử dụng lại.

Tôi cũng sinh hoạt đoàn thể chi đoàn, sau này là Chi bộ đảng. Nhưng hình như tất là cả đảng viên. Tôi là một trong số người dễ gần gũi, hòa nhập với anh em tại chỗ hơn. Có lẽ tôi được ảnh hưởng từ me Kíu, bá Cung và cả tư tưởng lúc học ở Tiệp Khắc. Các cô khác tại chỗ hay tâm sự với tôi và tôi cũng hay hóa giải vấn đề theo cách nhẹ nhõm nhất.

Dần dần, do điều kiện sống về kinh tế quá khó khăn, những tác động bên ngoài do những hiểu lầm về chính sách. Và do cả cách ta đối xử với họ không có sự trân trọng, hiểu biết mà dễ quy chụp. Nhất là những việc không vui từ nơi địa phương mà họ đang cư trú. Tất cả những điều đó đã khiến họ lần lượt rời quê hương theo tàu vượt biên, hoặc đi theo diện “bảo lãnh”. Động cơ chủ yếu là kinh tế lúc đó quá khó khăn và họ đã không vượt qua được.

Điều xảy ra theo tôi không có gì đáng trách, mọi người có thể tìm lấy cuộc sống cho chính mình. Chỉ tiếc là chúng ta đã không có cách thuyết phục, không có chính sách kịp thời cụ thể để giữ họ lại, để họ thông cảm mà gánh vác trách nhiệm cùng ta. Thời điểm này, ta bị mất quá nhiều trí thức. Cũng có lúc tôi suy nghĩ về điều đó và cảm thấy tiếc tại sao ta không tìm cách giữ họ lại. Lúc đó, trong Chi bộ tôi có người giáo điều, phê bình, quy chụp ngay tư tưởng tiểu tư sản, lập trường chưa kiên định đó của tôi.

Ở trường này, tất cả giáo viên lên lớp phải mặc áo dài. Tôi phải đi may vài bộ để lên lớp. Nhớ lại khi còn ở Miền Bắc, tôi không có áo dài do hoàn cảnh lúc đó còn khó khăn. Lúc đám cưới còn phải mượn áo dài. Nay có được 4 cái áo dài khác màu. Khi mặc vào, tôi thấy mình cũng xinh đẹp như ai. Bạn bè ai cũng khen “Con lớn thế mà vẫn còn đẹp ra phết”. Cũng tại đây, tôi được công nhận là Đảng viên chính thức, và tôi có bầu cháu thứ hai, khi Đào đã được 6 tuổi.

*

Lúc bắt đầu có bầu bé Mai tôi, là lúc tôi bắt đầu nghe lao xao những tin đồn việc chồng tôi có chuyện này chuyện nọ…

Khi đó, tôi không tin, vì tôi nghĩ đơn giản chồng tôi đã được ăn học và rèn luyện căn bản, thì sẽ không có điều kiện xảy ra những chuyện như vậy được. Giờ nghĩ lại, thấy mình thật là ngu dốt và thiếu hiểu biết chuyện đời.

Mai ra đời ngày 22 tháng 6 năm 1973. Cháu cân nặng được 3,2 kí lô. Mai trông rất dễ thương, tóc dựng ngược lên hoàn toàn, người trắng như sữa và bụ bẫm, mắt to ai gặp cũng muốn bế ẵm. Các cô giáo trong trường thì mê bé Mai lắm.

Lúc này, tôi được cấp một căn nhà cấp 3 nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, số 425/25, gần chợ vườn chuối. Căn nhà trệt có gác xếp bằng gỗ, mái tôn rất nóng. Nhưng với tôi, như vậy đã là rất sung sướng.

Cạnh nhà tôi có ông bà cụ tên Ba, chuyên bán đồ lặt vặt cho sinh hoạt. Bà rất dễ thương, cứ nhìn bà tôi lại nhớ đến bà cụ bán khoai lang, sắn, dong riềng… ở phố Lò Sũ khi tôi còn nhỏ. Bà cụ Ba cũng hiền lành như vậy, cũng nghèo như vậy. Hai ông bà đã trên 60, tự chăm sóc nhau, lâu con cháu lại thăm là những lúc tôi thấy ông bà vui nhất.

Ngoài ra còn có vợ chồng anh Tuyến, chị Thu là thợ sửa giày và làm giày thuê. Nhà đối diện, là một gia đình buôn bán nhỏ, họ đi tối ngày, cả 5 đứa con họ đều để ở trong nhà. Đào với bọn trẻ con nói chuyện qua cửa sổ, cách con hẻm nhỏ. Mỗi lần 5 đứa trẻ cần ăn lặt vặt thứ gì là bà cụ Ba lại bỏ vào cái rổ, cho chúng kéo lên bằng dây. Tất cả bọn trẻ đều trang lứa của Đào, nên chúng chơi với nhau.

Hàng ngày trước đi làm, tôi kéo cửa sắt và khóa lại. Đào cứ ở trong nhà một mình, ăn bánh, kẹo, bỏng ngô, uống nước bà đưa qua cánh cửa. Còn thức ăn thì mẹ nấu sẵn để ở trong tủ. Lúc đó tôi chưa có tủ lạnh, máy lạnh, hay tivi. Có một căn nhà riêng với tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Con hẻm nhỏ, đa phần gia đình kinh tế đều bình dân, nhưng đùm bọc nhau. Mấy gia đình có bọn trẻ con bị nhốt trong nhà đều nhờ ông bà Ba canh chừng. Do tôi là giáo viên cấp III, nên các học sinh cũng đã lớn, các anh chị học sinh hay ra nhà chở Đào đi ăn bánh. Tôi lại ở trong xóm lao động nghèo. Đối với họ, nghề giáo là một biểu tượng tốt đẹp và thực sự lúc đó cuộc sống của tôi rất thanh bạch.

Ngày đi dạy học về, lo cơm nước xong lại lo cho Đào và Mai. Bé Mai lúc bé quá dễ thương, nên cả xóm thường sang chơi. Một phần nữa họ thấy cô giáo từ Miền Bắc về, có cuộc sống cũng đạm bạc, bình dị, nên bà con ở hẻm 425 này cũng thấy dễ hòa đồng. Tôi nhận thấy không có sự cách biệt về giai cấp, về người Bắc hay Nam. Đáng tiếc là, có một số học sinh của tôi cũng đi vượt biên theo gia đình, nhưng cũng có em đến chào cô và cũng nói thật con đi vượt biên… Những lúc như thế, tôi thấy thật buồn.

Lần đầu tiên được sống trong căn nhà có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng. Với tôi, như vậy đã là quá đủ, đã thỏa mãn còn hơn cả trăm lần ngày mới cưới. Lại nhớ, khi chúng tôi mới đám cưới xong thuê phòng ở phố Trương Hán Siêu ở Hà Nội. Phòng ở ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng, mà nhà vệ sinh lại bằng tro. Cứ một tuần mới có người đến kéo thùng đổ đi một lần, trong nhà lúc nào cũng có mùi hôi khó chịu. Cũng may thời gian đó, hai vợ chồng đi làm cả ngày.

Sau khi ba chồng tôi về hưu, ông gom tiền lại mướn được một căn nhà lá nhỏ 3 gian ở Giáp Bát rất xa chỗ tôi đi làm. Tôi làm ở chùa Bộc nên rất vất vả cho việc đi lại. Nước đựng trong nhà, đi gánh ở giếng nước công cộng, cả hai vợ chồng thay phiên nhau gánh mỗi tuần ba lần đổ cho đầy thùng phi to để tắm rửa, cơm nước… còn quần áo thì tôi bê ra giếng công cộng giặt tại chỗ luôn. Trời nắng thì đỡ những lúc gánh nước, đi làm, lý do đường đất, chứ hễ mưa xuống là bị té ngã, vồ ếch liên tục.

Những khi trời mưa, chúng tôi thường đem thùng phi ra hứng nước mưa từ mái rơm xuống để lắng trong mà dùng. Nền nhà được làm bằng đất nén chặt, tường nhà bằng đất sét trộn với rơm trét lên sau đó quét vôi, cũng may là có một chổ ở. Trong làng cũng có chợ nhỏ gọi là chợ con cóc. Rau thì mua ở vườn của bà con quanh đấy.

Trước cửa nhà tôi hồi đó là một cánh đồng trồng lúa, rất thích hợp với độ tuổi của ông. Chỉ có tôi và chồng là đi làm xa quá. Hàng xóm của tôi là hai vợ chồng làm ở nhà máy xe đạp Thống Nhất. Suốt ngày họ cãi cọ chỉ vì một lý do đã lấy nhau 14 năm không có con. Những lúc bực bội, chồng đổ cho vợ, vợ đổ cho chồng sinh rồi cãi, mắng chửi bằng những từ ngữ mà từ lớn đến bé tôi chỉ nghe được ở chỗ sơ tán, và nay thì lại nghe ở đây. Cứ sau mỗi lần cãi nhau, chị vợ lại sang nhà tôi ngồi nói chuyện cả buổi, than thân trách phận về cuộc đời quá bất hạnh của mình. Lúc ấy, tôi đâu có ngờ có những lúc chính tôi cũng cần tìm một người để tâm sự mà không có… Những lúc như vậy, tôi chỉ biết khuyên chị ta thôi đừng khóc nữa…

Khi tôi được cấp căn nhà ở tập thể Nam Đồng cũng chỉ có nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng. Do vậy, tuy căn nhà nhỏ bé ở Sài Gòn này rất nóng, và cũ kỹ, nhưng bù lại vệ sinh có được sự riêng biệt, nên tôi tự thấy thực sự đã nhất trên đời đối với một cô giáo nghèo rồi. Và thấy tự bằng lòng với mình, chẳng còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Khi má Hường đi bước nữa, tôi tự nhủ lòng là đừng hi vọng vào cuộc sống gia đình lớn của má nữa, mà sẽ đi theo con đường má chọn trong cuộc sống. Vả lại, tôi cũng chỉ là con riêng của bố!

Từ trong tâm mình, tôi hiểu các em tôi cũng có nỗi buồn, nỗi đau như tôi. Có thể tùy từng em mà cảm giác, hoặc phản ứng khác nhau. Chúng tôi là chị em cùng cha khác mẹ. Má của các em còn sống và má tự chọn ngã rẽ cho riêng mình. Tôi làm sao có thể tâm sự với các em được! Từ đó, tôi lại chọn một biện pháp xa mà gần, gần mà xa để tránh mọi sự tổn thương về mặt tình cảm. Chính sự không biết gửi niềm tâm sự vào đâu mà gây ra cho tôi một cảm giác cô độc thường trực.

Tôi hiểu các em tôi cũng sẽ có những điều tương tự xảy ra hoặc có thể còn đau hơn nữa mà không nói ra được. Tôi nghĩ, đó cũng là một trong những bi kịch gia đình sảy ra sau chiến tranh.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 14): LẦN ĐẦU TIÊN TỪ HÀ NỘI VÀO SÀI GÒN…" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn