"Không thể mồ côi" (Kỳ 15): ANH MƯỜI LÙ, CHÚ NĂM XUÂN VÀ CHUYỆN BUỒN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Đào Minh Vân (kể). Đặng Vương Hưng (chấp bút)

28/12/2021 11:26

Theo dõi trên

Nhắc đến anh Mười Lù, tôi thấy cần nhắc lại những ngày đầu vào Miền Nam lúc chưa nhận công tác, tôi có đi tìm anh. Hồi đó nhà anh ở 24 Tú Xương.

chutratim1-1640665504.jpg
Chú thích ảnh

Khi tôi nói xin gặp anh Mười, chú bảo vệ vào báo có chị người Bắc vào tìm, tên là Minh Vân. Anh Mười chạy ra, cũng vẫn quần đùi áo bà ba, anh la lên: “Bay đã vô rồi đó ư!” Anh kéo tôi vào nhà, đưa lên nhà trên một Vila bự nói:

- Đây là nhà ông Tám mà bay đã gặp ở Nhà khách Trung ương tại Hà Nội. Từ bây giờ nhớ gọi ông là ông Năm Xuân nghe không?

Kế đó, anh hỏi:

- Bay có nhà cửa chưa? Nếu có rồi bay thích đồ dùng gì: chén bát ly tách gì cứ lấy đi. Đây là của tụi nó chạy đi để lại chứ có phải của ai đâu?

Tôi trả lời:

- Em không cần dùng những thứ này vì quá đẹp và mắc tiền đối với em.

Một lúc sau chú Năm về, anh Mười đưa tôi vào chào chú Năm, chú hỏi:

- Cháu vào rồi đó hả? Thôi ở lại Sài Gòn luôn đi con. Sau giải phóng có biết bao việc phải làm, còn đang thiếu người để đưa vào các vị trí cần thiết. Với lại bay ở lại đây là đúng. Vì cha bay hy sinh cho chiến trường này. Anh em đồng đội của cha bay qua hai cuộc chiến đấu đa phần đều ở đây. Ở lại đây còn đi tìm hài cốt cho cha bay chứ?

Lúc đó anh Mười nói:

- Nãy giờ tôi nói nó rinh đồ của nhà này đi bớt, mà con nhỏ không chịu…

Nghe vậy, chú Năm mới la lên:

- Thằng Mười này hay thật! Có phải của bay đâu? Cũng không phải của tao. Mà nhà này bây giờ là của quân quản. Bay làm bậy nó kiểm điểm chết…

Anh Mười xuống phòng anh ở rồi giải thích:

- Ông Năm giờ làm lớn lắm đó bay, nhớ gọi ông là ông kẹ.

Từ Bắc vào tôi có hiểu từ “ông kẹ” là gì đâu? Hỏi anh, anh nói:

- “Ông kẹ” là làm lớn tới mức ai cũng sợ.

Mãi sau này, tôi mới biết chú Năm Xuân chính là Đại tướng Mai Chí Thọ, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tức Bộ Công an ngày nay). Ngày đó, anh Mười Lù dặn tôi:

- Bay vào đây có cần gì, khó khăn gì cứ lên đây anh Mười lo cho bay. Không lo được thì báo cáo chú Năm là xong hết!

Chính vì vậy tôi thấy cần nhờ anh Mười làm rõ về người chồng nhiều nghi vấn. Một hôm anh Mười nhắn lên nhà gặp chú Bảy Kiệp. Không cần đợi tôi hỏi, chú đã bảo:

- Sau giải phóng có bao điều tốt đẹp và cũng có bao điều không như ý. Chồng cháu đã bị “đạn bọc đường” hạ gục, nên gần đây có nhiều hiện tượng sai lệch. Mặc dù là anh ta đi tập kết về được ăn học đàng hoàng, có học vấn có trình độ chuyên môn cao. Nhưng lối sống bắt đầu theo trào lưu đi xuống. Chú biết chồng cháu là con rể ba cháu, nên chú đã nói chuyện nhiều lần, lần nào nó cũng hứa rồi lại chứng nào tật đó. Chú vừa khai trừ nó ra khỏi Đảng và ra khỏi tổ chức rồi,. Cũng tại vì cái bóng Quân giải phóng sau 30 tháng 4 lớn quá, nên nó dễ bị dụ dỗ mà không dừng lại được nên đi lạc đường. Thôi đành phải dũng cảm làm lại con ạ.

Từ chỗ chú Bảy Kiệp ra, tôi rất buồn.

Về đến nhà, không thấy ba của các con, tôi thật sự hoang mang. Thỉnh thoảng lại có những người lạ hoắc đến tìm, thậm chí có cả người pê đê.

Chờ mãi rồi chồng tôi cũng về. Tôi lựa lời thăm dò chuyện chú Kiệp đã nói:

- Có đúng là anh đã mắc lỗi và đang có chuyện buồng không?

Không tỏ vẻ ngạc nhiên, anh ta lạnh lùng bảo:

- Đúng vậy, tôi đã thôi sinh họat Đảng và ra khỏi tổ chức rồi. Giờ cô muốn gì thì cứ làm.

Đi dạy với tâm trạng rối bời, tôi tâm sự với chị Thịnh hiệu trưởng và với chị Tự, là những người thân nhất và cũng hiểu tôi nhất. Hai chị đều bảo:

- Uổng quá, em cần phải chủ động vực dậy gia đình. Nếu không thì hạnh phúc sẽ đi luôn đấy.

Khi đó bên nhà tôi không ai biết chuyện kể cả má, tôi cũng không nói cho bất cứ một ai. Hồng lại đi học Liên Xô. Thu vừa ra trường đang chờ công tác. Ngọc vẫn ở nước ngoài. Má Hường lại vừa sinh con riêng của má.

Tôi chỉ viết thư cho me Kíu và chú Sơn ở ngoài Bắc tâm sự. Không có gia đình nương tựa trong lúc khủng hoảng tình cảm nhất. Tôi đã “mồ côi” thêm nhiều phương diện, giữa nơi đất khách quê người.

Thời gian này, nhà tôi rất hay thấy những người buôn gỗ tìm đến. Rồi những người chuẩn bị chạy cách vượt biên… Khoảng hai tháng sau, chồng tôi về nói với tôi, có vẻ tình cảm và xây dựng:

- Anh muốn gia đình chuyển về Cà Mau quê anh. Vì ở đó anh nghĩ mình có điều kiện làm lại từ đầu…

Biết làm sao đây? Tôi đã đồng ý và lên Ban Tổ chức chính quyền xin chuyển công tác đi tỉnh. Thời gian đó các tỉnh xa rất cần cán bộ, nên tôi được chấp nhận ngay.

Lại bán đồ đạc và di chuyển. Trước khi đi, tôi lên chào chú Bảy Dự, chú Năm Xuân, anh Mười Lù. Ai cũng bảo: “Thôi ráng một lần nữa xem sao. Nhắm không êm thì quay lại đây, con sẽ được tiếp nhận lại làm việc.”

Khi tôi tới chào má Hường, bà chỉ tưởng tôi về quê chồng bình thường. Tôi cũng không nói gì với má, vì bà không phải là người mà tôi có thể tâm sự được. Tôi thấy cũng không cần phải nói quá kỹ hoàn cảnh trớ trêu của mình.

Tôi nôn mửa đầy cả người, vì không quen đi xe khách xa, lại phải xuống xe chờ đợi đi qua hai phà nắng nóng, là Bắc Mỹ Thuận và Cần Thơ…

*

Tới Cà Mau, tôi được Tỉnh ủy phân công nhận công tác ngay về làm Trưởng phòng Kế hoạch và Tổ chức của Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh( ). Chủ nhiệm là chú Bửu cũng đi tập kết về, tôi được xếp một phòng tập thể trên sân thượng ở ngay cơ quan, làm việc thì xuống dưới tầng 2. Chồng tôi vì không phải Đảng viên nữa, nên mãi mới được xếp về Ban Trọng tài Kinh tế tỉnh.

Ở Cà Mau muỗi nhiều đến nỗi bé Đào bị chúng đốt nổi mụn. Chỉ sau một thời gian ngắn, mà khắp người bé ghẻ nổi thành cục. Nhìn cháu gày tọp đi tội lắm. Còn bé Mai thì thiếu chất nên lúc nào cũng thèm đường. Không có đường trắng cho cháu uống, tôi cứ phải ra chợ Cà Mau mua cho cháu đường đen về pha vào nước cháo cho cháu bú bình, nên tất cả răng hư hết, thành ra mới có bí danh là Mai “móm”.

Đó cũng là thời điểm của chính sách “ngăn sông cấm chợ”. Người ta cấm lưu thông mọi thứ từ địa phương này qua địa phương kia. Thật là một quy định ngu ngốc, phản lại nhu cầu tự nhiên trong cuộc sống. Chợ Cà Mau thấy trên là trời, dưới là cua, ba khía, cá khô sặc, ngoài ra còn lại là thịt trăn khắp nơi. Tôi không quen, ăn không được, suốt ngày chỉ có ăn cơm với chao và ba khía nên gày xơ xác.

Bà nội các cháu cũng ở Cà Mau, nhưng ở xa trung tâm tỉnh lỵ, vì lúc ông đi tập kết, bị địch o ép nên bà phải trốn vào vùng xa, cũng chỉ làm ruộng. Anh chị em nhà chồng tôi, trừ mấy người tập kết, có chú Bảy cũng là “tay hảo hán” thì về tận Kiên Giang lấy, cuộc sống nay đây mai đó. Còn anh Năm ở Sài Gòn cũng không khá giả gì. Nhiều lúc tôi nghĩ lẩn quẩn thấy sao đời mình lại cùng cực vậy.

Tại Cà Mau, tôi làm việc được tín nhiệm, nên đi họp thường xuyên ở Tỉnh ủy và Ủy ban. Chủ tịch lúc đó là ông Mười Kỷ. Khi nghe chú Hai Bửu nói về lý lịch của tôi. Chú có gọi lên một lần động viên làm việc cho tốt để còn đào tạo, chú cho biết: “Chú cũng không đi tập kết và có biết nhiều về anh Năm Đời, tức cha cháu. Hồi Xứ ủy Nam Kỳ đóng ở Cà Mau, U Minh, anh Năm lúc đó là Phó ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ… Cố gắng lên cháu nhé! Mặc dù tỉnh Cà Mau còn rất nghèo, nhưng cháu ráng trụ lại…

Hiểu theo một cách nào đó, thì nếu tôi cố gắng làm việc tốt, tôi sẽ có con đường thăng tiến. Đúng vào lúc đó tôi lại có bầu bé Minh, vì thiếu thốn quá, nên đẻ cháu ở trạm xá của phường. Lúc lên bàn đẻ, tôi đã khóc và nói: Nếu tôi có chết tất cả tại vì chồng tôi cả.

Lúc sinh ra bé Minh chỉ có 2,5 kg, quá còi cọc, mẹ lại không có gì bồi dưỡng, cháu gày trơ xương lại rất èo uột. Đã thế, cháu còn bị bệnh suyễn. Thật tội cho các cháu, mỗi lần nhìn chúng ăn uống mà rơi nước mắt, vì lúc đó đời sống công chức thiếu thốn lắm, cơm trộn với bo bo. Không có thịt cho các con ăn, tôi đành mua mỡ về làm thật kỹ. Cứ đến bữa tôi lại lấy ít mỡ trộn vào với cơm cho cháu ăn để gọi là có tý “bôi trơn”.

Khổ là vậy, những tưởng yên ổn thì ai dè, chỉ khoảng sau khi sinh cháu được vài tháng, thì tôi nghe tin chồng tôi đã lại có bồ mới…

Một lần, chú Năm Xuân xuống làm việc với tỉnh Cà Mau cho người gọi tôi đến hỏi thăm công việc. Anh Mười Lù đã ghé thăm nhà, thấy tôi nheo nhóc quá, cứ xót xa mãi. Anh nói: “Thiệt tình cái thằng chồng mày trông thì to con đẹp trai mà bậy hết sức, để tao nói chuyện với nó xem sao?”

Ba tháng sau anh Mười báo xuống: “Bay làm thủ tục xin chuyển về Sài Gòn để làm việc mà sống.” Tôi đành nói thẳng với chồng tôi:

- Từ đây tôi phải quyết định hướng đi cho cuộc đời mình, vì chịu hết nổi rồi! Tôi sẽ về thành phố Hồ Chí Minh để làm việc và lo nuôi dưỡng lũ nhỏ. Anh ở Cà Mau hay về lại thành phố thì tùy…

Hình như chồng tôi coi đó là việc tất yếu phải đến, nên đã không có phản ứng gì. Anh ta chấp nhận.

Vậy là gia đình tôi lại di chuyển từ Cà Mau về thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc di chuyển thật gian nan và cũng không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước. Cái số của tôi chắc đẻ vào giờ thiên đi hay sao mà cứ di chuyển suốt vậy?

*

Về lại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi không có chỗ ở, phải lên ở tạm với má Hường một thời gian. Má cũng tốt cho ở tạm, nhưng quá trình ở chung rồi mới thấy có nhiều cái cách biệt: Như tôi thì ăn rất lạt, má thì ăn mặn, tôi thì nghèo nhưng không đến mức tiết kiệm như má. Do đó má lúc nào cũng bảo tôi ăn xài như tư sản hoặc ảnh hưởng tính tư sản nhiều quá… Tuy vậy, giữa tôi và má chưa bao giờ có điều gì xảy ra. Tôi luôn biết mình là thân phận làm con.

Hơn một tháng sau, tôi được điều về Nhà máy giày Sài Gòn, làm Trưởng phòng Điều động và Hành chính nhân sự. Qua làm việc tôi được chú Giám đốc Mười Trí coi như con và rất tin tưởng. Chú cũng là cán bộ đi tập kết về. Chị Ngọc Sương, Phó giám đốc kỹ thuật là người Huế, cán bộ đi tập kết về, chị quý tôi vô cùng, chị coi tôi như một cô em gái nhỏ.

Nhà máy thời gian ấy vừa bán sản phẩm trong nước vừa gia công giày cho Tiệp Khắc, Hungari, các chuyên gia đều thân với tôi và tôi cũng tận tình giúp đỡ họ. Ba chồng tôi có lên ở với tôi và có lúc cả anh Ba của chồng là nông dân ở Cà Mau cũng lên chơi với ba. Tôi được phân nhà theo tiêu chuẩn vừa làm việc vừa là con liệt sĩ tại số 787 đường 3/2.

Tưởng yên ổn mọi bề, thì gia đình tôi lại có chuyện “ngựa quen đường cũ.” Một buổi sáng, trước khi đi làm tôi thấy có một người đàn ông nhỏ con, thập thò đứng trước cửa nhà đang chửi bới chồng tôi. Vì ở trên gác tôi không nghe được cụ thể, đường 3/2 lại ồn quá, chỉ nghe được “Tao đánh mày chết”. Tôi đi xuống và hỏi chuyện gì vậy, thì nghe chồng tôi nói “Chuyện hiểu lầm mà.”

*

Một lần, tôi nói chuyện với anh Hai Thảo con bác Mười Phi (còn gọi là Mười Thăng Long) là người anh lớn cùng học ở Trường Thiếu nhi Quốc tế năm xưa.

Anh Hai Thảo bảo:

- Thành ủy đang có lớp đào tạo ở Liên Xô hơn ba năm về quản lý Nhà nước. Nếu Minh Vân thi đậu Tiếng Nga và Triết học, sẽ vào danh sách được đưa ra tuyển chọn. Em lại là con liệt sĩ, chắc được quan tâm…

Tôi quyết định vừa làm việc, vừa cấp tốc đi học Tiếng Nga. Dù tôi tham gia học muộn, lớp Tiếng Nga đã học được hơn 4 tháng rồi. Nhưng cuối cùng, tôi đậu cả Triết cả Tiếng Nga và được đưa vào tuyển chọn đi học. Chọn ngành học là Ngoại thương Liên bang Nga. Tôi quyết định phải đổi đời không còn con đường nào khác.

Lúc được tuyển chọn, đã có quyết định của Ban Tổ chức Thành ủy, tôi về nói chuyện nghiêm túc với chồng tôi. Chúng tôi thỏa thuận: Không cãi vã anh sẽ đi đường anh, tôi sẽ đi đường tôi. Trước mắt, anh phải trông nhà cửa con cái chờ cho tôi lấy bằng về sẽ ra tòa ly dị.

Trong gia đình tôi có một đặc điểm là cho tới tận ngày nay, các con tôi chưa bao giờ thấy tôi và chồng cãi nhau. Vì giữa hai chúng tôi có thỏa thuận: Nếu không ở cùng nhau được thì chia tay không cãi vã. Trước ngày lên đường tôi đau xót lắm, thương ba con tôi còn quá nhỏ.

Tôi biết trước rằng, khi tôi ra khỏi nhà thì chồng tôi sẽ dẫn bạn gái về ở công khai. Vì thế, tôi lặn lội xuống tận Cà Mau mời ông nội lên ở với các cháu. Hi vọng có ông nội sẽ hạn chế đi sự thiếu thốn tình cảm cho các con. Đồng thời cũng kim hãm bớt thói trăng hoa của bố các cháu.

Tôi không ngờ rằng, tôi vừa đi hôm trước, hôm sau anh ta đã công khai và ngang nhiên đón bạn gái về ở và còn đuổi cả ông nội các cháu. Thời gian này chồng tôi ở nhà tung tin, tôi là bồ của anh Hai Thảo… Đúng là “cả vú đắp miệng em”. Tin thất thiệt này lan sang tới Liên Xô. Bọn tôi ở trong lớp buồn cười quá, vì anh Hai là Lớp trưởng kiêm Bí thư chi bộ của lớp… Mặc kệ, tôi cần phải cố gắng có bằng. Tôi cần phải đổi đời trong tương lai.

Ở Nga 3 năm, tôi tiết kiệm được ít tiền. Tổ học tập ở Thành phố Hồ Chí Minh đi học chỉ có 4 người; Anh Tám Triết, anh Năm Nục, anh Hai Thảo góp cơm ăn chung cho đỡ tốn. Chúng tôi đã coi nhau như ruột thịt chung một nhà.

Khi tôi ở bên kia đang cố gắng tiết kiệm, cố gắng học cho tốt nghiệp thì ở nhà chồng tôi rêu rao khắp nơi rằng anh ta cực khổ nuôi con. Còn tôi thì lại cặp bồ lung tung. Nghe vậy, nhiều người ở nhà tin ngay, chỉ vì tôi đang ở bên trời Tây.

Cho đến nay có giỗ chạp, tiệc vui gia đình anh Hai vẫn thường đến nhà tôi chơi và lúc nào cũng đùa: “Này người yêu lý tưởng có đúng không?” Và bạn bè lại cười ầm cả lên… Chồng tôi đã chiến thuật la lớn lên để hợp thức hóa thói trăng hoa, giấu đi việc đưa bồ về nhà ở với các con tôi. Các cháu lúc đó lại còn quá bé. Nhớ các con cháy lòng, nhưng tôi chỉ hi vọng, cho dù có ăn chơi gì đi nữa, thì cha các cháu cũng không thể bỏ con ruột của mình được.

Suốt thời gian đó, bố chồng tôi viết thư động viên tôi liên tục và kể cho tôi nghe mọi chuyện xảy ra ở Việt Nam… Có ai vừa phải cố gắng học để lấy bằng tốt nghiệp, phải tiết kiệm dành dụm tiền cho cuộc sống của bốn mẹ con trong tương lai, mà trong lòng canh cánh chuyện khi trở về Việt Nam phải ra tòa li dị như tôi không? Nhưng tôi đã chiến thắng, đã đi qua được các năm học bằng sự động viên của bạn bè xung quanh và cả bằng ý chí về việc phải đổi đời cho bốn mẹ con.

Do thành phần học viên lớp của tôi học cả Bắc và Nam, đi học từ nhiều cơ quan, nhưng lại chỉ có một người nữ duy nhất là tôi, nên cũng được các anh trong lớp cưng chiều và giúp đỡ. Đặc biệt là các anh Tám Triết, Năm Nục, Hai Thảo tại đất nước Nga.

(Còn nữa)

______

Rút từ bộ sách CHUYỆN ĐỜI TÔI ngàn trang khổ lớn, do Đặng Vương Hưng chủ biên, dự kiến sẽ xuất bản quý II năm 2022. Ai có tự truyện muốn tham gia, hoặc đăng ký sở hữu bộ sách, xin để lại tin nhắn và số điện thoại.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Không thể mồ côi" (Kỳ 15): ANH MƯỜI LÙ, CHÚ NĂM XUÂN VÀ CHUYỆN BUỒN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn