Kiên Giang: Đờn ca tài tử cần được phát huy giá trị

Trương Anh Sáng

09/05/2021 22:09

Theo dõi trên

Các nghệ nhân Đờn ca tài tử thường không ca hết câu trong một bài mà chỉ ca 01 hoặc 02 lớp, điều này đã làm cho tính chất “tài tử” dần mất đi.

1-kien-giang-don-ca-tai-tu-can-duoc-phat-huy-1620572831.jpg
Truyền dạy Đờn ca tài tử góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của loại hình nghệ thuật này

Phong trào Đờn ca tài tử còn mang tính tự phát, số lượng Câu lạc bộ và người tham gia, người am hiểu Đờn ca tài tử, nghệ nhân truyền dạy Đờn ca tài tử trong cộng đồng ngày càng ít, nhất là tài tử đờn. Nhiều Câu lạc bộ Đờn ca tài tử hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động. Các Câu Lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử hầu hết tập hợp một cách tự phát, kinh phí hoạt động phụ thuộc vào sự đóng góp của các thành viên. Việc tổ chức sinh hoạt chưa thường xuyên, chưa có sự gắn kết giữa các thành viên sau một thời gian hoạt động dẫn đến tan rã hoặc hoạt động cầm chừng. Các bài bản, kỹ thuật trong buổi sinh hoạt chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, dễ gây nhàm chán. Các nghệ nhân Đờn ca tài tử thường không ca hết câu trong một bài mà chỉ ca 01 hoặc 02 lớp, điều này đã làm cho tính chất “tài tử” dần mất đi. Việc sinh hoạt đờn - ca ở hầu hết các Câu lạc bộ hiện nay chủ yếu dựa vào nền tảng các trích đoạn cải lương hoặc một số bài bản nhỏ, bài vọng cổ. Các bài bản tổ thường không được thực hành một cách trọn vẹn.

Các loại hình nghệ thuật khác như các dòng nhạc mới, băng đĩa các loại, truyền hình kỹ thuật số, Internet...phát triển hấp dẫn hơn đã cạnh tranh, lấn át phong trào đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử dần bị “thương mại hóa” trở thành một sản phẩm phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, đám tiệc. Ở những không gian này, người ca là khách hàng còn người đàn là người phục vụ. Với mối quan hệ này thì người ca và người đàn không có sự tri âm của những bậc tài tử mà chỉ chú trọng đến tính chất phục vụ. Người ca thì chỉ dám ngâm nga một vài câu, vài lớp “tủ” chứ không dám ngẫu hứng hòa nhịp đờn ca để “khoe giọng”, người đàn lại càng không dám sáng tạo lòng bản mới ngay trong các cuộc chơi để “khoe ngón đờn”, điều này đã làm phai nhạt dần tính chất tài tử của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Nhiều hoạt động, chương trình liên hoan, các cuộc thi Đờn ca tài tử vẫn còn mang tính phong trào và hình thức, thiên về tính phục vụ giải trí nên chưa tạo được sự yêu thích, gần gũi với đông đảo công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này. Đờn ca tài tử vẫn còn thiếu những cá nhân thực sự xuất sắc. Việc sáng tạo nên những lòng bản mới chưa được các nghệ nhân mạnh dạn sáng tạo nên chưa phát huy được tính ưu việt của bộ môn nghệ thuật. Chế độ nhuận bút thấp nên chưa khuyến khích tác giả sáng tạo tác phẩm mới, hay, có chất lượng đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Nguyên nhân của những hạn chế yếu, yếu kém trên là do việc đầu tư ngân sách nhà nước cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử chưa đáp ứng được yêu nhu cầu thực tế và công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao. Còn thiếu chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành bộ môn này. Các nghệ nhân lớn tuổi, nắm vững nhiều bí quyết trong nghề chưa được quan tâm tạo điều kiện vật chất và tinh thần để họ truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ sau. Chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ thiếu tính đồng bộ, chế độ nhuận bút thấp chưa khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm mới.

2-kien-giang-don-ca-tai-tu-can-duoc-phat-huy-1620572884.jpg
Thường xuyên tổ chức Hội thi tạo sự lan toả Đờn ca tài tử trong cộng đồng dân cư

Công tác thông tin tuyên truyền về nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh chưa thực sự sâu rộng, số người được dự các lớp tập huấn, truyền dạy nghề còn ít. Công tác truyền dạy Đờn ca tài tử chủ yếu là tự phát trong cộng đồng, việc truyền nghề một cách đầy đủ các bài bản tổ vẫn còn hạn chế. Số lượng Câu lạc bộ, tài tử, nghệ nhân ngày càng giảm, chậm phát triển thành viên mới, đặc biệt các tài tử, nghệ nhân có kinh nghiệm lại thiếu nghệ nhân kế thừa.

Để nghệ nhân Đờn ca tài tử có môi trường thuận lợi phát huy tài năng, cần thực hiện tốt các quy định về định mức chi, chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử. Cần bảo tồn lòng bản nguyên gốc, cách diễn tấu, cách ca đúng chuẩn mực đờn ca tài tử, tránh trường hợp vô tình hay cố ý thể hiện đờn ca tài tử lệch lạc sang một loại hình nghệ thuật khác như nhạc mới, nhạc cải lương. Nhiều nghệ nhân Đờn ca tài tử về mặt bài bản đã tốt, nhưng thiếu tính ngẫu hứng, trao đổi tự nhiên, vì thế làm mất nét đặc thù riêng của nghệ thuật này. Cần chú trọng đào tạo nhạc công vì ở Kiên Giang đang thiếu những nhạc công giỏi và tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu hội thi, hội diễn để tạo môi trường cho các nghệ nhân trao đổi rút kinh nghiệm, thống nhất lòng bản và cách thể hiện.

Cần xây dựng quy định tài chính và định mức hỗ trợ đối với nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại trong đó có nghệ thuật Đòn ca tài tử. Hỗ trợ về trang thiết bị âm thanh nhạc cụ cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử, tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nghệ nhân đờn và nghệ nhân ca, cán bộ phụ trách cơ sở nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực Đờn ca tài tử, bởi, Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với cuộc sống của con người Nam bộ từ những ngày đầu mở đất nên cần được bảo tồn và phát huy giá trị đúng hướng.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Đờn ca tài tử cần được phát huy giá trị" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn