Kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12: Từ gia đình đến Điên Biên Phủ và bức ảnh 67 năm còn mãi với gia đình

Ngô Thế Phổ

19/12/2021 19:21

Theo dõi trên

Bố mẹ tôi sinh ra trong những gia đình khá giả. Tôi chỉ biết rõ về ông nội tôi, khi tôi đã trưởng thành, đó là lúc tôi khai lý lịch vào Đảng (1968).

buc-anh-1639916380.jpg
Chụp tại Điện Biên Phủ ngày 9/5/1954

Ông tôi có hơn 100 mẫu ruộng, có vườn cam rộng lớn ở Bố Hạ, Bắc Giang. Một xưởng sản xuất sà phòng hiệu Tam Kỳ ở Thị Cầu,kinh doanh lò vôi bên sông Cầu( Bắc Ninh ). Ông còn là một thầu khoán gỗ trên sông Cầu, mua gỗ từ thượng nguồn,bán tận hạ lưu vùng than Hà Tu, Hà Lầm (Quảng Ninh), cho các ông chủ mỏ than, dùng gỗ để chống lò khai thác than.

Cách mạng Tháng 8/1945, ông tôi có tham gia nhiều hội đoàn: Hội cứu Quốc, phong trào Binh dân học vụ, hội cứu đói...Năm 1946 ông tôi được bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH, là đại biểu của tỉnh Bắc Ninh (khoá I).

Bố tôi sinh ra từ một gia đình như vậy,nếu không có cách mạng tháng 8/1945, một bước ngoặt của lịch sử,chắc bố tôi cũng đi theo con đường kinh doanh.

buc-anh-2-1639916411.jpg
Ảnh chụp 1983 tại Hà Nội,ô ng nội, bố, tôi và con trai tôi

 

Năm 1946 tiêu thổ kháng chiến,cả gia đình ra vùng tự do, tản cư nhiều nơi...Rồi về vườn cam của gia đình ở Bố Hạ, Bắc Giang. Năm 1950 bố tôi nhập ngũ, theo học lớp quân dược đầu tiên ở Viêt Bắc, vừa học vừa phục vụ chiến đấu, đi theo đại đoàn 308, tham gia chiến dịch Thượng Lào 1953, rồi chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Bức ảnh chụp ngày 9/5/1954 tại ĐBP với những người bạn quân y dược đại đoàn 308, xung quanh bạt ngàn dù chiến lợi phẩm được căng lên. Bên dưới lòng đất là một hầm ngầm đặt trạm quân y của Pháp ở chiến trường ĐBP.

Nụ cười chiến thắng tươi rói trên môi, khi quân ta toàn thắng. Bố tôi áo trắng đứng giữa, xoạc hai chân giữa hai phía giao thông hào.

Tính đến hôm nay 18/12/2021, bức ảnh đã tròn 67 năm. Giữ gìn lâu dài bức ảnh là nghĩa vụ, là trách nhiệm của con cháu chắt...để nhớ về một chiến công lừng lẫy của dân tộc ta, mà ông cha đã hy sinh bao xương máu để có được ngày hôm nay.

Theo Chuyện Làng Quê