Ký ức về người cha Anh hùng Hoàng Lệ Kha (Kỳ 1)

Nhà văn Chanh Nguyen

17/12/2022 23:12

Theo dõi trên

Tôi gặp anh tình cờ trong buổi họp lớp hàng năm của các anh chị học sinh miền Nam trên đất Bắc , trường HSMN số 2 ( Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc ), lớp 10 niên khoá 1970-1971 , anh là người học lớp này . Ở cái tuổi 71, anh vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát.

Ngày đó, anh và người anh sinh đôi của mình cùng học ở lớp này. Chị Trần Thu Thảo ( con gái chú Ba Trần) giới thiệu với tôi : đây là anh Hùng và anh Hổ, con chú Hoàng Lê Kha anh hùng ra miền Bắc cùng với chị trên một chuyến bay tháng 5/1965 từ PnonPenh ra Hà Nội quá cảnh ở Quảng Châu ( Trung Quốc ). Tụi chị học chung với nhau ở trường 2, cùng lớp đó.

d1d1a-1671293342.jpg

Thấy tôi hơi ngờ ngợ cái tên Hoàng Lê Kha, chị Thảo nói luôn, chú ấy bị tụi nó bắt năm 1959 rồi tuyên án tử hình . Thời kỳ đó tụi Ngô Đình Diệm đã dìm cách mạng miền Nam trong biển máu , chúng thi hành luật 10/59 thẳng tay chém giết những người yêu nước theo cộng sản , kéo lê máy chém đi khắp nơi để khủng bố tinh thần của đồng bào. Tháng 3/1960 , chú ấy bị tụi nó xử chém đầu dã man tại Tây ninh. Nếu em ghé thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt nam ( ở đường Võ Văn Tần, quận 3 ) thì sẽ thấy máy chém rùng rợn này đã xử chém hàng ngàn người yêu nước, ở đó có ảnh và kể câu chuyện về chú Hoàng Lê Kha.

d2d2b-1671293444.jpg

 

Ngược dòng thời gian, sau ngày giải phóng, tôi được ba kể, trong những năm chống Mỹ cứu nước gian khổ, ba tôi là bác sĩ phụ trách nha khoa của bệnh viện trung cao Hoàng Lê Kha trong TW Cục ( R ). Ba bảo, bệnh viện này mang tên một người con yêu nước là cán bộ lãnh đạo của tỉnh ủy Tây ninh bị tụi nó bắt và xử chém đầu vào năm 1960. Tôi vẫn nhớ mãi và không biết bao nhiêu lần rồi khi tôi ghé thăm cái bảo tàng chứng tích chiến tranh này với những người bạn đến từ nước ngoài thì chúng tôi đều ghé thăm di tích Chuồng cọp và máy chém man rợ này. Cứ mỗi lần như thế, trong trái tim tôi cứ thắt lại nỗi đau khi tôi dịch cho khách nghe về người bị xử chém cuối cùng trên máy chém tàn bạo này là liệt sĩ Hoàng Lê Kha, khi ấy ông mới 43 tuổi với 24 năm tuổi Đảng. Tên của ông được đặt lần đầu tiên cho một bệnh viện trong R năm 1967, nơi ba tôi làm việc cứu người cho tới ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Sau này, nghe nói cũng có mấy ngôi trường và những con đường mang tên Hoàng Lê Kha ở Tây ninh và tp. Hồ Chí Minh.

Rất nhiều những người bạn nước ngoài của tôi sau này gặp lại, họ đều có chung nhận xét về sự tàn độc của chế độ Mỹ-Nguỵ đối với những người yêu nước lỡ bị sa vào tay chúng sau khi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh, có người nói, họ bị ám ảnh cái máy chém như thời trung cổ rồi nhiều đêm không ngủ được, cảm phục khí phách hiên ngang của người cộng sản trước đoạn đầu đài mà không hề run sợ. Dũng cảm lắm, họ coi cái chết tựa lông hồng, sống và chết cho lý tưởng của mình.

d3d3c-1671293522.jpg

 

Hôm nay ở đây, được gặp 2 người con trai của liệt sĩ Hoàng Lê Kha, tôi rất muốn được nghe họ kể về người cha dũng cảm của mình. Anh Hổ nói với tôi, mấy hôm rày nhà anh cũng đang có tang. Má anh mới ra đi hôm 4/11/2022 , thọ 95 tuổi. Má đã về với ba rồi em, vậy là sau 62 năm kể từ ngày ba hy sinh, hôm nay ở nơi suối vàng, ba đã đón được má, anh tin cũng có nhiều nước mắt của cả hai người dành cho nhau sau hơn nửa thế kỷ xa cách, sẽ là trùng phùng cho ngày hai người gặp lại nhau . Má sẽ cài trên ngực áo nhuộm đỏ máu cho ba tấm huy chương cao quý , phần thưởng của Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND, huân chương Tổ quốc ghi công, huân chương Độc lập hạng nhất . Đảng và nhân dân đã không quên những đóng góp to lớn của ba trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước .

Ngậm ngùi, anh Hổ tâm sự, ba anh sinh tháng 11 năm 1917, không ai nhớ ngày mấy và má cũng bảo chẳng có giấy tờ gì ghi ngày sinh của ba cả ? Chắc chắn rằng, trong cuộc đời của ông đi hoạt động cách mạng , chưa bao giờ ông được biết đến ăn mừng sinh nhật của mình, dù chỉ là một lần. Hôm nay nếu còn sống, ba cũng tròn 105 tuổi . Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại ở nước Nga lùi sâu bao nhiêu năm thì ba anh cũng ngần ấy tuổi . Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của ba thật ngắn ngủi. Ba hy sinh tháng 3/1960 đúng vào thời khắc đen tối nhất của cách mạng miền Nam sau hiệp định Giơ-ne-vơ, để rồi sau đó đồng bào Bến tre đã làm cuộc đồng khởi chống chế độ Mỹ-Diệm và ngày 20/12/1960 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam chống Mỹ và bè lũ tay sai...

Anh Hổ chia sẻ với tôi, ngày ba anh mất, anh mới hơn 8 tuổi. Anh đâu có được gặp ba , mấy anh em tụi anh ở với má và ông ngoại ở Gia định. Thỉnh thoảng ban đêm ba bí mật có tạt qua nhà thăm má và ngoại, tụi anh ngủ hết, gần sáng ba lại phải rời đi ngay sợ tụi nó bắt. Chắc ba chỉ đứng nhìn tụi anh đang ngủ thôi. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ba thoắt ẩn thoắt hiện. Anh không thể hình dung ra gương mặt của ba, tụi anh lớn lên trong tình thương yêu bao bọc của má và ngoại . Chưa một lần trong đời , anh thèm được gọi tiếng ba lắm ? Nhưng thôi, hôm nay ở đây họp lớp, ồn ào, không ngồi kể hết cho em được, hôm nào em ghé nhà anh, thắp cây nhang cho ba má anh rồi anh sẽ kể cho em ghi chép lại những ký ức gì của tụi anh về ba, về má, về gia đình và những vui buồn của cuộc sống, mình có rộng thời gian mà . Tôi vui lắm, và tôi đã ghé nhà anh để nghe anh kể câu chuyện về người cha anh hùng của mình, về gia đình anh sau ngày ba mất, câu chuyện thật hay, thật cảm động, tôi sẽ kể lại cho các bạn. Chờ nhé !

( còn tiếp )

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về người cha Anh hùng Hoàng Lệ Kha (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn