Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 24)

PGS TS Cao Văn Liên

18/07/2021 08:22

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến năm 2007” của PGS TS Cao Văn Liên  do NXB Thanh niên ấn hành năm 2009.

cvl2-1626483501.jpg

Kỳ 24

Tư sản Việt Nam có mặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế như hoạt động trong các công ti, hãng buôn, xí nghiệp, phần lớn kinh doanh trong các ngành dịch vụ, sửa chữa ô tô, buôn tơ lụa, thực phẩm, chế biến nông phẩm, xay xát lúa gạo, nấu đường, nấu rượu, trong ngành dệt, sản xuất xà phòng, chiếu, thuộc da, nhuộm. Tư sản Việt Nam cũng có mặt ở ngành khai mỏ, lập đồn điền. Bước đầu xuất hiện tư sản ngân hàng, một ngân hàng được thành lập do một số tư sản địa chủ Nam kỳ bỏ vốn kinh doanh, hoặc một số ngân hàng kinh doanh với hình thức hùn vốn với tư bản nước ngoài. Nhưng nhìn  chung, tư sản Việt Nam đa số là tư sản thương nghiệp. Kinh tế tư sản Việt Nam nhỏ yếu, vốn chỉ bằng 5% vốn của tư bản Pháp, số lượng ít, thế lực yếu, bị tư bản Pháp cạnh tranh,  chèn ép và thường bị phá sản.

Ra đời trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến nên trong quá trình phát triển,  giai cấp tư sản Việt Nam phân hoá thành hai bộ phận: bộ phận tư sản mại bản giầu có, có thế lực hơn, quyền lợi của họ gắn với quyền lợi tư bản Pháp. Vì thế Tư sản mại bản đấu tranh chỉ nhằm đòi hỏi quyền lợi kinh tế và chính trị của tầng lớp họ. Tư sản mại bản đấu tranh không nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Cho nên tư sản mại bản là đối tượng  của cách mạng dân tộc dân chủ.

Bộ phận thứ hai trong giai cấp tư sản là tư sản dân tộc. Tư sản dân tộc thế lực kinh tế yếu, bị tư bản Pháp cạnh tranh, chèn ép. Cho nên tư sản dân tộc Việt Nam có hai mặt, một mặt có tinh thần đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, mặt khác có thái độ không kiên định, dễ thoả hiệp khi lực lượng đế quốc, phong kiến mạnh. Song họ có tinh thần đấu tranh chống đế quốc, phong kiến nên trong cách mạng dân tộc dân chủ phải thu hút tư sản dân tộc vào vào mặt trận đoàn kết dân tộc. Mặt khác, phải hạn chế mặt tiêu cực của họ. Tư sản dân tộc là một trong những lực lượng của cách mạng Việt Nam.

Tầng lớp tiểu tư sản: Gọi là tầng lớp vì lớp người này không có trong tay tư liệu sản xuất, đúng hơn họ không gắn với một hệ thống sản xuất nhất định nào. Họ là trí thức: giáo viên, sinh viên, học sinh, viên chức nhỏ, thị dân nghèo, tiểu chủ, thợ thủ công. Tầng lớp này ra đời trong cuộc khai thác lần thứ hai do sự mở rộng các đô thị, các cơ quan hành chính nhà nước, văn hoá, giáo dục, báo chí. Tiểu tư sản phát triển nhanh về số lượng, tập trung ở các đô thị như Hà Nội, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẳng, Sài Gòn, Chợ Lớn. Tiểu tư sản là người dân mất nước, bị thực dân Pháp áp bức,  ngược đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh, dễ bị thất nghiệp cho nên họ khát khao đòi độc lập dân tộc, đòi quyền dân chủ, cải thiện dân sinh. Họ là tầng lớp có tri thức, có văn hoá cho nên dễ tiếp thu các học thuyết cách mạng mới từ bên ngoài và truyền bá vào trong nước. Cho nên họ có tinh thần cách mạng hăng hái, châm ngòi cho các xu hướng cách mạng mới. Tiểu tư sản là lực lượng quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ.

Giai cấp công nhân Việt Nam: Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời vào cuối thế kỷ XIX, trong công cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp. Trong cuộc khai thác lần thứ hai, công nhân Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trong cuộc khai thác lần thứ nhất, công nhân Việt Nam khoảng 10 vạn người, trong khai thác lần thứ hai tính đến năm 1929 đã có 22 vạn. Công nhân Việt Nam tập trung ở các đô thị hoặc ở những trung tâm kinh tế quan trọng của Pháp. Nguồn gốc công nhân phần lớn bắt nguồn từ nông dân bị cướp đoạt ruộng đất, phá sản ở nông thôn phải ra hầm mỏ, vào nhà máy bán sức lao động cho tư bản Pháp (đa số) hoặc cho tư bản người Việt. Một phần công nhân Việt Nam xuất thân từ thợ thủ công và thị dân.

Giai cấp công nhân Việt Nam có tính chất chung của giai cấp công nhân quốc tế. Họ là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới,  là giai cấp tiên tiến, có khã năng lãnh đạo các giai cấp khác làm cách mạng đập tan xã hội tư bản và xây dựng một xã hội mới, xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Công nhân có trình độ kĩ thuật chuyên môn cao, có tinh thần đoàn kết, có ý thức kỷ luật, có tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết với giai cấp vô sản và với lao động trên toàn thế giới. Những tính chất chung như vậy nói lên tính chất tiên tiến của giai cấp vô sản, nói lên sức mạnh to lớn của họ vì vô sản là một lực lượng quốc tế. Ngoài tính chất chung của vô sản quốc tế,  công nhân Việt Nam còn có đặc điểm riêng. Là giai cấp sinh ra trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến nên họ bị ba tầng áp bức, bóc lột: tư sản Pháp, tư sản Việt Nam và phong kiến, điều này nói lên tính chất cực khổ đặc biệt của vô sản thuộc địa. Thực dân pháp là kẻ thù giai cấp cũng chính là kẻ thù dân tộc, cho nên đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ngoài mang tính giai cấp còn mang tính chất dân tộc. Giai cấp công nhân Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông dân nên dễ dàng thực hiện được liên minh công nông. Có liên minh được với nông dân thì vô sản mới khẳng định được vai trò lãnh đạo cách mạng, sức mạnh của vô sản mới được nhân lên. Trong hàng ngũ công nhân Việt Nam không có tầng lớp công nhân quí tộc, không có cơ sở xã hội cho chủ nghĩa cơ hội, cho “công đoàn vàng”.

Tính chất chung và đặc điểm riêng của giai cấp công nhân Việt Nam  làm cho giai cấp này trở thành lực lượng chính trị độc lập, đang vươn lên đóng vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, quyết định chiều hướng của lịch sử  cách mạng Việt Nam.

          Như vậy, công cuộc khai thác lần thứ nhất và lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng làm cho nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế thuộc địa phong kiến, kinh tế tư bản đan xen với kinh tế phong kiến, quan hệ tư bản đan xen với quan hệ phong kiến trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Những giai cấp cũ còn tồn tại, những giai cấp mới ra đời trong hoàn cảnh mất độc lập. Giai cấp phong kiến cấu kết với đế quốc thực dân, làm tay sai trung thành cho thực dân Pháp. Xã hội thuộc địa nửa phong kiến cũng in đậm trong cơ cấu chính trị, trong nhà nước thực dân thuộc địa. Từ đó, xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam mất độc lập với đế quốc Pháp xâm lược, mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ nhất, Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đánh đuổi đế quốc Pháp. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản thứ hai, Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản, đánh đổ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân. Hai cuộc cách mạng này phải tiến hành đồng thời, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong các cương lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi gộp hai cuộc cách mạng này là hai chiến lược cách mạng hay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là cương lĩnh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Có nghĩa là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo, được tiến hành bằng phương pháp cách mạng vô sản và sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp. Như vậy cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, tức là làm nhiệm vụ cách mạng tư sản nhưng do giai cấp vô sản lãnh đạo.

IV:Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ 1900 đến 1919

Phan Bội Châu và cuộc vận động giải phóng dân tộc. Phong trào Đông du (1901-1908). Vào đầu thế kỷ XX, do cuộc khai thác lần thứ nhất của Pháp, kinh tế xã hội Việt Nam chuyển biến đã làm chuyển biến tư tưởng, từ đó xuất hiện những xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vả lại, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo xu hướng và phương pháp cũ đã rhất bại. Một số sĩ phu phong kiến thức thời tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản Tây Âu đã khởi xướng lên phong trào giải phóng dân tộc theo xu hướng tư sản mà người tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu.

          Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 5 năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam. Tham gia Hội có các sĩ phu như Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (cháu 6 đời vua Gia Long) được tôn làm Hội chủ. Mục đích của Hội Duy Tân là dùng vũ trang bạo động đánh đuổi giặc Pháp, thành lập quốc gia độc lập theo chế độ quân chủ nghị viện. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật Bản để đánh Pháp. Hội tổ chức phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang du học ở Nhật. Ngày 20 tháng 1 năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ sang Nhật, tiếp xúc với Khang Hữu Vi, Lương Khải Sưu, Tôn Trung Sơn. Chính do sự tiếp xúc này mà cụ Phan Bội Châu hiểu thêm về tư tưởng dân chủ tư sản. Năm 1908, số du học sinh Việt Nam  ở Nhật Bản tăng lên 200 người trong đó 100 người ở Nam kỳ, 50 nguời ở Trung kỳ, 50 người ở Bắckỳ. Với sự giúp đỡ của các chính khách Nhật Bản Khuyển Dưỡng Nghị, Phúc Đảo, Đại Ôi bá tước, du học sinh Việt Nam được vào học trường Đông Á đồng văn thư viện của  Đông Á đồng văn hội-một tổ chức truyền bá văn hoá của Nhật Bản. Ở trong nước, Phan Bội Châu liên kết với nghĩa quân Yên thế của cụ Đề Thám, tranh thủ các nhà hào phú, quyền quí quan lại, tín đồ Thiên chúa giáo, binh lính thuỷ quân, lục quân ngưòi Việt trong quân đội pháp, các đảng, hội, giới phụ nữ, con em các tầng lớp trên và học sinh hải ngoại. Như vậy, Phan Bội Châu là người đầu tiên đưa ra tư tưởng đoàn kết rộng rãi để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên,  do hạn chế của nhãn quan chính trị, Phan Bội Châu chưa thu hút được công-nông vào mặt trận và chưa thấy được họ là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Phan Bội Châu cũng là người đầu tiên gắn đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh thống nhất đất nước. Dù đã nhìn thấy sự thối nát của giai cấp phong kiến nhưng Phan Bội Châu không thấy được giai cấp này là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng. Ông đề cao dân quyền và đề cập đến quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Phan Bội Châu tuy chủ trương bạo động chống Pháp nhưng ông không bài xích xu hướng cải cách ôn hoà của cụ Phan Chu Trinh. Ông là người đầu tiên mở ra xu hướng hướng ra bên ngoài để tìm con đường giải phóng đất nước. Ông và các đồng chí của ông đã để lại những áng văn chương tràn ngập tinh thần yêu nước, cổ vũ nhân dân đứng dậy đánh đuổi quân thù, giải phóng dân tộc.

          Phong trào Đông du lên mạnh làm cho thực dân Pháp lo ngại. Chính quyền Pháp đã thương lượng với chính phủ Nhật. Tháng 9 năm 1908 chính phủ Nhật giải tán Đông Á đồng văn thư viện và trục xuất 200 du học sinh Việt Nam về nước. Phong trào Đông du thất bại vì cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật  chống pháp là điều không tưởng .

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn