"Lính chiến" - Một phát hiện mới của Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" trong năm 2022 (Kỳ 1)

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

19/12/2022 10:09

Theo dõi trên

Đây không phải là chuyện văn chương mà là chuyện đời! Những câu chữ đã vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học thông thường.

Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã nhập ngũ năm 1968, hành quân đi B, sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ như thế nào. Sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến đầy máu và nước mắt: Những trận đánh kéo dài hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác, lần lượt hiện lên qua từng trang nhật ký đầy máu và nước mắt. Càng đọc về cuối, càng thấy hấp dẫn...

Từ hôm nay, chúng tôi xin được trích một số trang trong cuốn nhật chiến trường ký độc đáo "Lính chiến" của CCB Phạm Hữu Thậm, để giới thiệu cùng bạn đọc gần xa...

***

TỪ GIÃ LŨY TRE LÀNG

Nước non muôn dặm xa quê

Nhớ cha thương mẹ có về nữa không?

8 giờ sáng ngày 05 tháng 4 năm 1968, chúng tôi tập trung tại Đình Huề Trì gồm có 12 người: anh Bống, anh Thịnh, Anh Ấu, anh Đàm, chú Thà và tôi thuộc Thôn Huề Trì. Thôn An Lăng có anh Bối, anh Lư, chú Hòe. Thôn Phương Luật có chú Bộ, chú Khang, chú Như. Được chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể đến động viên chia tay, chúng tôi ra đi trong mưa trơn đường lội. Đi khỏi gốc đa Đình Làng thì chị Bối bế 2 con đến vừa khóc vừa lôi anh Bối lại vì gia đình neo đơn, con cái đông đến 7 đứa, anh Bối cũng đã 40 tuổi.

d1qa1s-1671419120.jpg
Ảnh do gia đình cung cấp: Vợ chồng ông bà Phạm Hữu Thậm và Dương Thị Gái (đứng giữa) năm 2022, tại nhà riêng ở Kinh Môn (Hải Dương).

 

Lúc lên đường mà có người níu kéo, khóc lóc thế xúi quẩy thật. Bà Nhậm là Hội trưởng phụ nữ xã nói: anh em người ta đi việc tốt lành sao lại làm như vậy, thế rồi kéo chị Bối ra, đúng lúc đó chú Tư Xã đội đi đến bảo “thôi cho anh ấy về rồi giải quyết sau”.

14 giờ chiều ngày 05 tháng 4 năm 1968 chúng tôi đến Làng Dạ Sỏn Xã Thăng Long – Kinh Môn – Hải Dương, có cán bộ khung thuộc tỉnh đội Hải Dương tiếp nhận đưa chúng tôi đến các nhà dân trọ. Ở đây văn nghệ các xã đến biểu diễn động viên bộ đội. Những ngày đầu chúng tôi được nghỉ ngơi.

Ngày 07/4 gặp chú Ba ở đội văn nghệ xã. 18 giờ tối, ngày 11/04 (thứ 7), anh Thịnh bảo tôi tranh thủ về nhà. Lúc gà gáy sớm hai chúng tôi vừa đi vừa chạy, về đến nhà đã 22 giờ, cả nhà đã ngủ, vợ tôi đánh thức cu Trí dậy, cu Tuấn thấy động cũng dậy theo, hai đứa thích quá reo lên: Bố về. Vợ tôi đi nấu cơm nếp với cá rô xề.

Chuyện trò đến khuya, ngủ được một giấc. 3 giờ đêm rạng ngày 12 tháng 4 thì anh Thịnh gọi, tôi đến nhà chị Bống xóm 3 lấy xe đạp đi lên đơn vị để tối mai cho anh Bống về lúc rạng sáng. Chúng tôi có mặt, ăn xong tập trung ở sân kho nghe đọc biên chế. Lúc ấy tôi thấy chú Liên con ông Huệ Làng ta đi bộ đội năm 1966 làm y tá ở Đại đội này.

7 giờ, ngày 14 tháng 5 năm 1968, đơn vị chuyển quân đi về đầu núi Sấu, qua đò Vạn sang xã Đông Lạc - Chí Linh - Hải Dương.

Một ngày nắng gắt, nóng như đổ lửa.

15 giờ chiều chúng tôi đến thôn Trại Bến, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh. Cán bộ Trung, Tiểu đội đưa anh em đến các nhà dân trọ nghỉ ngơi.

8 giờ, ngày 14 tháng 5 năm 1968, chúng tôi tập trung tại sân Đình, thôn Trại Bến, nghe cán bộ đọc biên chế. Tôi ở Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 210, Trung đoàn 2, Hải Dương, được phát một bộ quân phục vải Triều tiên của lớp huấn luyện trước để lại; bấy giờ chưa được phát mũ, tôi vẫn dùng mũ nhựa màu xanh đem từ nhà đi.

Tiếp theo là 10 ngày học chính trị, đêm gác, bắt đầu huấn luyện là ăn tiêu chuẩn đi B. Sức thanh niên ăn vẫn đói, một số anh em người nhỏ bé không ăn hết tiêu chuẩn, còn bánh mì luộc để lại cho tôi. Thời gian này, do mặc quần áo cũ sinh ra ghẻ lở, hắc lào, chiều tối bộ đội đi tập về tắm giặt xong phải tập trung ở Đình Làng để cho y tá bôi cồn I ốt. Chủ nhật nghỉ, chúng tôi đi mò trai ở đầm Trại Bến về cải thiện.

Tiếp theo là 10 ngày học chính trị, đêm gác, bắt đầu huấn luyện là ăn tiêu chuẩn đi B. Sức thanh niên ăn vẫn đói, một số anh em người nhỏ bé không ăn hết tiêu chuẩn, còn bánh mì luộc để lại cho tôi. Thời gian này, do mặc quần áo cũ sinh ra ghẻ lở, hắc lào, chiều tối bộ đội đi tập về tắm giặt xong phải tập trung ở Đình Làng để cho y tá bôi cồn I ốt. Chủ nhật nghỉ, chúng tôi đi mò trai ở đầm Trại Bến về cải thiện.

18 giờ, ngày 20/4/1968 Đại đội báo động kiểm tra vũ khí. Trung đội 3, đồng chí Hân mất súng trường, cả Đại đội phải đi tìm kiếm suốt 3 ngày không thấy. Hôm sau, 21/4/1968 anh Bống, anh Đàn Thôn Huề Trì sức khỏe yếu được đơn vị cho về địa phương.

12 giờ ngày 22/4/1968, chị Âu Dơ Lăng bạn tôi đến thăm. Tôi đưa chị đi tắm rồi ăn cơm. Buổi chiều tôi được nghỉ cùng đi chơi với chị. Sau hai ngày đêm chị ở thăm tôi thì chúng tôi chia tay.

16 giờ, ngày 26/04/1968, Tuy và Khuề được Xã đội gọi đi thay anh Bống, anh Đàn có mặt tại đơn vị, Đại đội biên chế về Trung đội 2.

Ngày 27/4/1968 tôi đưa anh Khuề và Tuy đi phố Lẫm ăn bánh đa cua và uống si rô.

8 giờ sáng ngày 30/04/1968, toàn Tiều đoàn hành quân dã ngoại tập leo Trường Sơn. Chúng tôi đi vào Hố Cua, qua nông trường chè, đến khu dân tộc Sán Dìu rồi vượt lên Dốc Voi. Khi cả Đại đội lên đến đỉnh núi, Trung đội trưởng Hứa tập trung số đoàn viên trong chi đoàn. Bí thư chi đoàn- Trung đội Phó Tân tuyên bố kết nạp tôi vào đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, lúc đó là 12 giờ ngày 30/04/1968.

Chúng tôi tiếp tục hành quân xuống dốc đến một khe giữa rừng thì trời cũng sắp tối, toàn đơn vị nghỉ mắc võng, nấu cơm, đêm trong rừng bập bùng ánh lửa vui thật. Chúng tôi tắm nước suối trong mát rượi, kiếm củi đốt sáng thâu đêm.

*

Sáng ngày 01/5/1968, chúng tôi leo dốc Bòng, đi 4 giờ nữa thì sang huyện Lục Nam tỉnh Hà Bắc, nghỉ nấu ăn.

Sáng 02/5/1968, hành quân về Đan Hội rồi về Trại Bến.

14 giờ ngày 02/5/1968, tôi cùng anh Thịnh đi đá cóc lấy đường về cho đơn vị. Về đến nhà đã thấy mọi người ở quê lên thăm, có bố anh Ấu, bố chú Thà, mẹ Tuy, bố Khuề, mẹ tôi. Tối chúng tôi ăn cơm ở nhà chị Lúa.

16 giờ chiều 06/05/1968, Đại đội đi lấy gạo, khi đi mỗi người đeo một ba lô đất qua thao trường tập, rồi vượt qua đỉnh núi Voi Mọp đi về hướng nam 2000m, xuống dốc đến Thị trấn Phả Lại đổ đất trong ba lô, đóng đầy ba lô gạo. Trời mưa to sấm răng, chớp giật, tối như mực, đường trơn đi trên đê ngã lăn ngã lộn, đến Kiếp Bạc, chúng tôi vào đền trú mưa.

15 giờ ngày 07/05/1968, tôi đi tập về đến sân nhà chị Thóc, thấy một phụ nữ đang nhặt rau với bà chủ, nhìn ra là vợ tôi. Đêm hôm ấy chúng tôi tràn trề tâm sự, hai ngày sau tôi đưa vợ lên đường cái, đứng nhìn tà áo bay nghiêng nón lá xe đạp bon xa dần khuất sau rặng núi le thưa.

Ngày 10/5/1968, cơm trưa xong chúng tôi đi lấy gạo, đến chùa Hun Sỏn trời tối mịt, qua rừng Thanh Hao, quanh Sườn núi Đến Ngái. Ở đây dân cư không có, chúng tôi vào một kho gạo lợp lá gồi đóng gạo, ra về đến chùa Hun trời lại mưa to. Chúng tôi vào chùa trú cho tới sáng.

9 giờ sáng ngày 11/5/1968 (Chủ Nhật), tôi đi phố Lẫm ăn canh bánh đa cua gặp Lăng, hai người cùng đi chơi phố chiều về.

Từ 08 giờ đến 15 giờ ngày 14/5/1968, đơn vị đi chùa Hun bắn bia, kết quả đợt huấn luyện tôi đạt loại giỏi.

Ngày 16/5/1968, bắt đầu học chính trị 7 ngày, sau đó chúng tôi viết quyết tâm thư đi chiến trường.

Ngày 24/5/1968, liên hoan mổ bò mổ lợn, ăn tổng kết đợt huấn luyện, chia tay nhân dân địa phương.

Sáng 25/5/1968, đơn vị hành quân, trời nóng như đổ lửa, nước si rô trong ba lô túi cóc cạn dần. Về tới thôn Dạ Sỏn, xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, chúng tôi để quân trang trong khu Hợp tác xã, mỗi người chỉ đem bình tông đựng nước.

19 giờ đêm về đến nhà, cu Trí biết tin trước lên tận bờ sông đón bố.

18 giờ, ngày 26/5/1968, tôi đến nhà chị Lăng ăn cơm, hai người tâm sự chia tay.

Ngày 27/5/1968, bạn bè trong xóm, trong thôn đến chơi chúc cho đi năm về mười rồi tôi đi ăn cơm chia tay mấy nhà bà con.

9 giờ, ngày 28/5/1968, anh Hôn và Cơ cùng nhập ngũ từ Thôn Quýt - Lạc Long xuống chơi, làm thịt con ngan khồ.

Ngày 29/5/1968, ăn cơm bố vợ và chú Phề. Ngày 30, sáng ăn cơm chú Lãm chiều thịt hai con ngan, hai con gà làm 6 mâm.

Lúc sáng 30/5/1968, chị Uân Sơ hẹn tôi lúc 19 giờ gặp nhau ở Cổ Hạc. Chúng tôi tâm sự chia tay, rồi Uân Sơ dúi vào tay tôi phong bì giấy viết thư, ảnh kỉ niệm với 10 đồng. 13 giờ ngày 31/5, bà con trong đội sản xuất đến tiễn chân. Chú Êm bạn tôi và chị Âu Dơ Lăng dắt xe đạp đến. Chị Lăng tặng tôi 5 đồng và ảnh kỉ niệm, phía sau có hàng chữ “Em tặng anh tấm ảnh để nhớ mãi”. Chị In Mơ cũng tặng tôi phong bì, giấy viết thư, khăn mùi xoa.

Chúng tôi ra đi. Anh Êm lai Tuy, tôi lai Chị Lăng, trời mưa vừa tạnh thì tới làng Than, gặp chị Phúc đang làm lúa ở sân kho hợp tác xã. Chị Phúc mới lấy chồng về đây tháng trước, chị rót cho chúng tôi mỗi người một bát nước chè xanh rồi nói “đi phải về đấy”.

Đêm ngày 31 rạng sáng ngày mồng 01/6/1968, tôi và Lăng không ngủ, ngồi ở bếp chủ nhà tâm sự, mưa cả ngoài trời và trong lòng người.

*

8 giờ, ngày 01/6/1968, Tiểu đoàn tập trung tại sân kho Hợp tác xã thôn Dạ Sơn. Từng Đại đội lần lượt hành quân. Lăng vẫy tay tạm biệt tôi. Chúng tôi hành quân qua phà Lai đi trên đê phía nam sông Vận, đến huyện Cẩm Giàng về thôn Cẩm La, xã Cẩm Đoài.

Một tuần học chính trị, ăn dưỡng, bổ sung trang bị, phong quân hàm Binh nhất. Nhân dân tại đây biết chúng tôi chuẩn bị đi chiến đấu, Hội Phụ nữ đem các thức rau quả, lợn, gà đến động viên.

Tiêu chuẩn ăn của bộ đội không đi B là 6 hào, 8 lạng gạo. Bộ đội huấn luyện để đi B là 1 đồng 2 hào, 8 lạng gạo. Từ ngày 01/6/1968 chúng tôi ăn tiêu chuẩn đi B, một ngày 8 lạng gạo, tiền 1 đồng 8 hào.

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Lính chiến" - Một phát hiện mới của Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" trong năm 2022 (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn