Linh ứng "sấm Trạng Trình" Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hiền tài siêu phàm của nước Việt: Bài 1: Tại sao gọi là Trạng Trình - Đôi nét về Nguyễn Bỉnh Khiêm

Vũ Xuân Bân

18/10/2021 09:50

Theo dõi trên

Trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, ít có người nào tên tuổi lại được nhắc đến với nhiều giai thoại kỳ bí như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dân gian truyền tụng về ông như một bậc hiền tài siêu phàm của nước Việt, với khả năng thấu thị và tiên tri về số mệnh, vận mệnh...

nguyen-binh-khiem-11-1634525267.jpg
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguồn: Internet

 

Bài 1: Tại sao gọi là Trạng Trình - Đôi nét về Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sách báo đã đề cập đến nhiều nhưng vẫn nhiều người, nhất là giới trẻ, chưa hiểu rõ vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được gọi là Trạng Trình?

Xin trả lời ngay: Nguyễn Bỉnh Khiêm được gọi là Trạng Trình, vì năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm 44 tuổi. Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ. Ông mất năm 1585, là người trường thọ (95 tuổi), vốn người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, thuở nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Nguyễn Văn Đạt. Thân phụ của ông là giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên, nổi tiếng hay chữ nhưng không hanh thông trong đường khoa cử. Thân mẫu của ông là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan Tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan. Từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương của gia đình. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu.

Nhưng do nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê Trung Hưng) rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay cho Lê sơ năm 1527, xã hội dần ổn định, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều Mạc. Như đã nêu ở trên, tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên.

 Từ đấy, ông làm quan dưới triều Mạc, được nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông làm quan cho nhà Mạc, được tin dùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Cái chết đột ngột của Mạc Thái Tông (1541) đã kết thúc thời kỳ thịnh trị của triều đại này sau đó không lâu.

Sau khi Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, rồi đến Mạc Đăng Doanh qua đời, triều Mạc suy yếu nghiêm trọng dưới thời vua Mạc Phúc Hải. Chứng kiến gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi vua hạch tội 18 tên lộng thần. Bản tấu trình không được để ý, ông lập tức từ quan về quê làm nghề dạy học với hiệu Bạch Vân cư sĩ.

Dù sau này vua Mạc Hiến Tông phong cho ông tước Trình Tuyền hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, rồi Thái phó, tước Trình Quốc công, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nhất quyết không trở lại quan trường. Ông chỉ nhận lời về triều những khi luận bàn việc trọng đại hoặc theo xa giá nhà vua khi cần thiết.

Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm tạ thế khi 95 tuổi. Vua Mạc Mậu Hợp cử nhiều đại thần cùng văn võ, bá quan về dự tang lễ, lại sai cấp hàng trăm mẫu ruộng, ba nghìn quan tiền lập đền thờ ông tại quê nhà.

Đánh giá về tài năng, đức độ của Trạng Trình, các danh nhân về sau đều dành cho ông sự kính trọng rất lớn. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn cho rằng “Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa".

Danh sĩ Phạm Đình Hổ thời Nguyễn nhận định: "Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại”.

Sử gia Phan Huy Chú xem Nguyễn Bỉnh Khiêm là "một bậc kỳ tài, hiển danh muôn thuở”.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. Đặc biệt, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng cũng như các tập sấm kí mang tên "Sấm Trạng Trình", phần lớn viết theo thể lục bát.

(Còn nữa)

Đón đọc Bài 2: Bốn thế lực phong kiến đối nghịch nhau đều tuân theo lời khuyên của Trạng Trình