Hành trình ly kỳ của một cựu binh Mỹ từng giữ cuốn sổ tay Nhật ký Đặng Thùy Trâm hơn 20 năm

Đặng Vương Hưng

25/07/2022 15:52

Theo dõi trên

Ông là Carl W. Greifzu, một người Mỹ gốc Đức, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, là người có công giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm. Hơn thế, ông còn phối hợp với người vợ mình là bà Trần Thị Kim Dung dịch cuốn sổ tay đó ra tiếng Anh từ hơn 40 năm trước.

ch1dvh1-1658737571.jpg
Bà Doãn Ngọc Trâm – Mẹ của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm – ôm hôm Carl W. Greifzu người cựu binh Mỹ đã có công gìn giữ cuốn nhật ký hơn 20 năm và dịch ra tiếng Anh, để các cựu binh Mỹ hiểu được gia trị của nó và tìm cách trao trả về Việt Nam. (Ảnh do Đặng Vương Hưng chụp năm 2016).

 

Nhờ vậy mà các cựu binh Mỹ hiểu được giá trị, ý nghĩa của cuốn sổ tay nhật ký. Họ đã tìm mọi cách chuyển nó về Việt Nam…

Con rể đất Bắc Ninh

Vào tháng 6/1970, khi Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Và “Ngọn lửa” ấy còn dẫn Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh VN) làm một cuộc hành trình vượt đại dương, tình nguyện đưa nhật ký của Đặng Thùy Trâm về với gia đình chị…

ch2dvh2-1658737779.jpg

Nhà văn Đặng Vương Hưng trò chuyện với cựu binh Carl W. Greifzu bên Hồ Gươm, Hà Nội, năm 2016.

 

Cách đây 15 năm, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm qua hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ, sau khi trở về VN đã in với số lượng hàng trăm ngàn bản. Cùng với nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, 2 cuốn sách đã tạo nên một hiện tượng xuất bản, gây chấn động xã hội, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến.

Nhưng còn rất ít người biết chi tiết này: Năm 1970, Sau khi Fredric Whitehurst nhặt được cuốn sổ tay của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ông đã trao nó cho Carl W. Greifzu, một lính Mỹ gốc Đức, có vợ là người Việt giữ hộ. Sau hơn 20 năm, nhờ đọc bản dịch tiếng Anh tóm tắt nội dung cuốn nhật ký của vợ mình, tham gia hiệu đích bản dịch ấy và nhận ra giá trị của di vật đặc biệt đó, năm 1996 Carl W. Greifzu đã quyết định trao lại nó cho Fredric Whitehurst, để chuyển về Việt Nam…

ch3dvh3-1658738183.jpg

Ông Carl W. Greifzu trao tặng Nhà văn Đặng Vương Hưng bản dịch tiếng Anh đầu tiên của "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".

 

Hơn 10 năm qua, có rất nhiều cựu binh Mỹ đã tới VN thăm lại chiến trường xưa và đến Hà Nội thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng Carl W. Greifzu – người đã giữ cuốn sổ tay nhật ký của chị Trâm hơn 20 năm, vẫn chưa có dịp trở lại VN, kể từ sau năm 1975.

Đúng như kế hoạch đã thông báo được gửi qua email cho tôi, sáng ngày 22/3/2016, cựu binh Carl W. Greifzu, người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm - đã đáp chuyến bay tới Hà Nội. Đó là một người Mỹ có mái tóc đã bạc và khá cao (tôi cao trên 1m70, nhưng chỉ đứng đến tai ông). Tuy nhiên, là một Luật sư có tiếng ở Mỹ, trông Carl W. Greifzu rất hiền và lịch lãm.

ch4dvh4-1658738321.jpg
Trang đầu bản viết tay và đánh máy dịch tiếng Anh của cuốn bản thảo Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

 

Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi cùng có mặt trên sân thượng của quán Coffee Club ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm để trò chuyện. Với tư cách là một nhà văn, cựu chiến binh, tôi mua sẵn một bó hoa mang đến tặng Carl W. Greifzu.

- Chào mừng ông đã đến Hà Nội an toàn! Tôi đã nghe người ta nói rất nhiều về ông. Rất hân hạnh được làm quen!

Tôi tặng cho Carl bó hoa tươi, rồi nói vài câu tiếng Anh theo phép lịch sự. Nhưng thật bất ngờ khi nghe người cựu binh Mỹ trả lời bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ, thật dễ thương:

- Cảm ơn! Anh khoẻ không? Anh ăn cơm chưa? Anh đã có bạn gái chưa?

ch5dvh5-1658738443.jpg
Bút tích đề tặng của Carl W. Greifzu cho Đặng Vương Hưng.

 

À, tôi quên ông ấy còn là con rể của Việt Nam. Chắc hẳn bà vợ người Việt từng dạy tiếng Việt cho ông ít nhiều. Tôi nói vui:

- Cái tên của ông phiên âm tiếng Việt đọc khó lắm. Cho phép tôi gọi thân mật ông là “Khôn” (khôn ngoan), hoặc “Kho” (nhà kho) nhé. Ở Bắc Ninh, quê vợ ông có Đền Bà Chúa Kho nổi tiếng lắm đó. Người ta đồn rằng, nhiều người nhờ tới đó đi lễ mà trở nên giàu có…

Cô phiên dịch giải thích xong, Carl W. Greifzu bật cười vui vẻ. Chúng tôi đã “làm thân” với nhau rất nhanh như thế.

ch1dvh1b-1658738602.jpg
Carl W. Greifzu tặng hoa các Liền chị Quan họ Bắc Ninh - Quê hương người vợ quá cố của ông.

 

Ông “Kho” có mang theo hàng trăm bức ảnh đen trắng kỷ niệm về chiến trường Quảng Ngãi những năm 1970 – 1971, trong đó có cả ảnh của Fredric Whitehurst và người phiên dịch thời đó. Rất nhiều tư liệu và ảnh về bà Trần Thị Kim Dung – người vợ Việt Nam quê Bắc Ninh. Đặc biệt, ông còn mang theo cả tập bản thảo hơn trăm trang viết tay và đánh máy bản dịch đầu tiên của "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" ra tiếng Anh, do ông bà phối hợp thực hiện từ thập niên 80.

ch2dvh2d-1658738726.jpg
Ông Greifzu trân trọng mang theo di ảnh vợ về quê hương Bắc Ninh.

 

Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được thực hiện như thế nào?

Ngay sau khi được ấn hành, cùng với Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành một trong 10 sự kiện Văn hóa nổi bật của cả nước ta năm 2005, do Bộ Văn hóa – Thông tin bình chọn. Hơn 10 năm qua, cuốn sách đã được chuyển ngữ và dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Nhưng còn rất ít người biết bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Sở dĩ tôi khẳng định đây là bản dịch đầu tiên vì nó được thực hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam của Carl W. Greifzu đã làm việc này và chính ông đã trực tiếp gõ máy chữ hiệu đính cho bản thảo.

ch6dvh6-1658738928.jpg
Carl W. Greifzu thân mật trò chuyện với bà Doãn Ngọc Trâm, người mẹ đã sinh ra AHLS Đặng Thùy Trâm.

 

Carl W. Greifzu nhớ lại, khoảng tháng 9 năm 1971, khi cấp trên cho phép ông từ chiến trường Việt Nam trở về Mỹ, Fredric Whitehurst đã gửi ông cuốn sổ tay nhật ký Đặng Thùy Trâm nhờ ông giữ hộ. Năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, những người lính Mỹ trở về nước, ai cũng bận rộn với công việc mới, lo chuyện mưu sinh, nên Carl và Fredric đã không có điều kiện gặp lại, vì họ sống ở hai bang cách xa nhau cả ngàn cây số.

Dù chỉ ở Việt Nam trong 2 năm, nhưng ký ức về cuộc chiến vẫn luôn ám ảnh, làm Carl W. Greifzu day dứt không nguôi. Những lúc rảnh, bà Trần Thị Kim Dung thường dịch nghĩa những trang nhật ký của người “Nữ bác sĩ Việt Cộng”, đọc cho chồng nghe từng đoạn. Càng ngày, những trang viết máu lửa chiến trường ấy càng cuốn hút ông. Đến một hôm, Greifzu đã chính thức đề nghị vợ giúp ông dịch toàn bộ cuốn nhật ký của “Nữ bác sĩ Việt cộng” ra giấy, để nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng được đọc.

ch7dvh1e-1658739103.jpg
Carl W. Greifzu ra nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm - Hà Nội đứng giữa 2 người em gái của AHLS Đặng Thùy Trâm thành kính thắp hương...

 

Bà Dung đồng ý và hưởng ứng ngay. Tuy nhiên, công việc dịch nghĩa diễn đạt lại theo lời nói và dịch viết ra bản thảo rất khác nhau. Bà Dung đã “đánh vật” với từng trang viết và vất vả nhiều tháng trời. Ông Greifzu đã trợ giúp vợ bằng cách tự đánh máy chữ và hiệu đính bản thảo vì thời đó, nhiều người Mỹ vẫn còn dùng máy chữ, chưa có sẵn máy vi tính như bây giờ. Rồi cuối cùng bản thảo dịch cũng hoàn thành.

Bản thảo bà Dung viết tay được sử dụng bằng loại giấy có dòng kẻ khổ lớn, đục lỗ một bên lề, đóng kẹp như tài liệu lưu trữ trong hồ sơ, để sửa chữa và lưu giữ cho dễ dàng. Phần bản thảo viết tay gồm 102 tờ giấy, được viết trên cả 2 mặt trước và sau. Phần bản thảo do ông Greifzu đánh máy dày 121 trang, loại chữ nhỏ, trên một mặt giấy. Hầu như trang nào cũng được thêm bớt và sửa chữa nhiều lần bằng chữ viết tay.

Carl W. Greifzu cho biết, ông và bà Dung đã thuộc lòng nhiều trang nhật ký của người “Nữ bác sĩ Việt Cộng” anh hùng ấy. Bởi đó là một phần cuộc đời của vợ chồng ông. Những năm sau đó, bà Dung đã photo thêm nhiều bản dịch đã được văn bản hóa nêu trên, để chồng mình gửi tặng cho những người bạn cựu binh Mỹ cùng đọc nó, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam…

Khoảng năm 1996, Fredric Whitehurs tìm đến thành phố nơi vợ chồng Carl W. Greifzu đang sống. Họ vừa ăn trưa cùng nhau, vừa ôn lại những kỷ niệm tại chiến trường Việt Nam. Carl đã quyết định trao lại cuốn sổ tay "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" cho Fredric. Và đoạn kết có hậu ở Việt Nam thì chúng ta đã biết...

ch8dvh3h-1658739239.jpg
Đặng Vương Hưng với cựu binh Carl W. Greifzu tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm - Hà Nội, năm 2016.

 

Vốn tính khiêm nhường, Carl W. Greifzu rất ít nói về bản thân. Ông tự nhận là mình chỉ góp một phần nhỏ vào việc cùng các cựu binh Mỹ giữ gìn và trao lại cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cho Việt Nam.

Carl W. Greifzu, người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm đã trực tiếp trao tặng tôi tài liệu rất quý: Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”!

Trước khi tiếp nhận 2 tập bản thảo gốc, tôi đề nghị Carl W. Greifzu viết mấy chữ đề tặng vào phong bì tài liệu. Là một luật sư, ông cẩn trọng hỏi lại: “Nên ghi như thế nào nhỉ”? Ở Việt Nam ghi ngày và tháng trước, hay là năm trước? Rồi ông lấy mấy tờ khăn giấy có sẵn trên bàn café, thử nháp trước tới 2 lần… Cuối cùng, Carl W. Greifzu đã chính thức viết, tạm dịch như sau: “Thay mặt Trần Thị Kim Dung, tôi vui mừng trao cho Đặng Vương Hưng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, bản dịch gốc ra tiếng Anh Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hà Nội, tháng 3, ngày 23 năm 2016. Carl W. Greifzu"

Người vợ Việt của cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu

Với sự cộng tác, trợ giúp của chồng mình, bà Dung là người đầu tiên dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Anh. Nhờ bản dịch này mà các cựu binh Mỹ hiểu được giá trị cuốn sổ tay ấy và họ đã quyết định tìm mọi cách trao trả cho gia đình Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

Tên đầy đủ của bà là Trần Thị Kim Dung. Theo một tài liệu, do Carl W. Greifzu cung cấp cho biết: Bà Dung sinh năm 1931, quê tại Yên Lãng - Phúc Yên. Nhưng lớn lên và gắn bó tại Niềm Xá – Bắc Ninh. Cha là Trần Văn Trùng và mẹ là Nguyễn Thị Dĩnh (*). Gia đình bà Dung từ Bắc di cư vào Nam từ rất sớm. Khoảng năm 1948, khi mới 17 tuổi, bà đã sang Đài Loan, rồi sang Mỹ học tập…

Bà Trần Thị Kim Dung từng làm nhân viên phiên dịch cho Tòa đại sứ của chính quyền Sài Gòn cũ tại Đài Loan. Tại đây, bà đã nhiều lần gặp ông Ngô Đình Diệm, từ khi ông này còn chưa làm Tổng thống chế độ Sài Gòn, rồi bị sát hại trong một cuộc đảo chính. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bà Dung chuyển sang Mỹ, làm nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho một số lính Mỹ trước khi họ sang chiến trường Việt Nam.

Carl W. Greifzu nhớ lại: Ông gặp bà Trần Thị Kim Dung năm 1969 trong một lớp học tiếng Việt cho lính Mỹ. Năm đó, Greifzu mới 26 tuổi, kém bà Dung tới 12 tuổi. Nhưng ông đã bị cô giáo làm cho “say nắng” ngay từ cái nhìn đầu tiên. “Thời đó, bà ấy là một phụ nữ đẹp lắm. Cả lớp chúng tôi đều mê cô giáo gốc Việt ấy - Greifzu thú nhận - Giờ nghỉ, tôi đánh bạo hỏi: Thưa, cô đã có bạn trai chưa? Bà ấy hóm hỉnh trả lời: “Có rồi. Tất cả các anh đây tôi đều coi là bạn”. Tôi chẳng chịu, bảo: “Không, ý tôi là chỉ một người duy nhất. Có thể kết hôn ấy!”.

“Chúng tôi yêu nhau từ đó - gương mặt Greifzu ánh lên niềm hạnh phúc khi kể lại chi tiết này - Trước khi sang tham chiến tại Việt Nam, tôi xin đính hôn với bà Dung, nhưng chưa làm lễ cưới, vì sợ làm lỡ dở cuộc đời bà. Những ngày ở Việt Nam, chúng tôi vẫn đều đặn viết thư cho nhau… Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ năm 1971, chúng tôi đã làm lễ cưới…”.

Dù hai người không có con, nhưng Trần Thị Kim Dung và Carl W. Greifzu đã sống hạnh phúc bên nhau 45 năm. “Lá rụng về cội”, những năm cuối đời, bà Dung luôn có một khát khao cháy bỏng là được một lần được về Việt Nam để thăm lại miền quê Quan họ Bắc Ninh, nơi bà đã sinh ra và lớn lên. Những đáng tiếc là ước nguyện cuối đời ấy bà đã không thực hiện được. Bà Dung đã mất tại Mỹ năm 2015, hưởng thọ 85 tuổi!

Tới thăm Việt Nam lần này, Greifzu mang theo một sứ mệnh thiêng liêng là thực hiện di nguyện của bà Dung về thăm quê hương, với tư cách là con rể của Bắc Ninh! Theo gợi ý của tôi, Greifzu đã nhờ người phóng to một bức chân dung đẹp nhất của vợ mình khi còn sống để cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu sẽ mang theo di ảnh chân dung của bà Trần Thị Kim Dung cùng về Bắc Ninh. Ông tin rằng linh hồn vợ mình sẽ cùng về thăm quê với ông. Mỗi bước đi của ông tại Bắc Ninh, đều như có bà vợ đã chung sống hạnh phúc với ông gần nửa thế kỷ đi cùng.

Và sáng thứ Bảy, 26/3, người đàn ông Mỹ cao lớn, tóc bạc trắng ấy, đã thực hiện chuyến rước di ảnh của vợ về thăm quê với tâm trạng xúc động rất khó diễn tả thành lời…

Bắc Ninh trong tâm tưởng của Greifzu là vùng đất cổ, cũ kỹ, nghèo khó và dân cư thưa thớt của những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, trong lời kể của bà Kim Dung…

Bởi thế, khi xe đưa ông đến thành phố của những điệu dân ca Quan họ nổi tiếng đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể, ông thốt lên: Sao nhiều nhà cao tầng đẹp thế! Nhiều con gái xinh thế! Mà người và xe cũng thoáng hơn Hà Nội rất nhiều!

Bắc Ninh, quê bà Trần Thị Kim Dung người vợ yêu thương của Carl W. Greifzu là vậy! Dù chuyện đi chỉ ngắn ngủi chỉ trong một ngày, nhưng cựu binh Mỹ đã luôn mang theo những tấm chân dung của người vợ mới qua đời cách đây 4 tháng. Khi nghe những Liền chị hát mấy làn điệu Quan họ, dù không hiểu nghĩa, nhưng ông vẫn cảm nhận được và nghẹn ngào, rưng rưng…

Vòng tay ôm người mẹ bên bàn thờ của AHLS Đặng Thùy Trâm

Có lẽ Chủ Nhật (27/3) là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời cựu binh Carl W. Greifzu – Người giữ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hơn 20 năm và cùng vợ ông dịch nó ra tiếng Anh từ gần 40 năm trước.

Carl W. Greifzu dậy từ rất sớm, nhờ cô phiên dịch đưa ra Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhân ngày Lễ Phục sinh. Ông ngạc nhiên khi ở Việt Nam cũng có những nhà thờ đã hàng trăm năm tuổi như thế.

Đúng 9 giờ 30 sáng, chúng tôi đón ông cùng lên taxi đến đến nhà bà Doãn Ngọc Trâm (thân mẫu của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) tại ngõ 135 phố Đội Cấn. Đã từ lâu, gia đình bà coi tôi như con cháu trong nhà. Vì đã hẹn trước, nên các chị Đặng Hiền Trâm, Đặng Phương Trâm và Đặng Kim Trâm đều đang đợi sẵn và ra tận cửa để đón Carl W. Greifzu.

Năm ấy đã 92 tuổi, lại bị chứng bệnh đau chân, nên người mẹ của người nữ Anh hùng liệt sĩ phải ngồi đợi trên lầu. Khi người cựu binh Mỹ vừa bước lên, bà cụ đứng dậy nói những câu chào hỏi bằng tiếng Pháp:

- Cảm ơn ông đã đến. Cảm ơn anh đã giữ gìn cuốn sổ tay nhật ký của con gái tôi và dịch nó ra tiếng Anh. Chúng tôi đợi anh đã lâu lắm rồi! Mấy lần trước, khi Fredric Whitehurst sang thăm Việt Nam, mỗi lần đến nhà tôi chơi, đều có nhắc đến anh.

Carl W. Greifzu lúng túng cảm động chào lại, rồi hai người ôm nhau nghẹn ngào không nói nên lời...

Người cựu binh Mỹ xin phép thắp hương trên bàn thờ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và vái lạy như phong tục Việt Nam. Ông quan sát căn phòng nhỏ và chợt như reo lên, vì phát hiện ra tấm ảnh quen thuộc có trong cuốn số tay nhật ký đang treo trên tường nhà…

Chị Kim Trâm đưa ra bản photo cuốn số tay nhật ký được đóng bìa cứng cho Carl W. Greifzu và hỏi:

- Anh có nhận ra những dòng chữ viết này không? Bút tích của chị Thùy Trâm tôi viết đó!

Người cựu binh Mỹ gật đầu và xúc động:

- Nhận ra chứ. Nhờ bản dịch của Kim Dung mà tôi đã hiểu đến thuộc lòng nội dung nhiều trang. Nhưng tôi nhớ cuốn sổ gốc kia cỡ chữ nhỏ hơn nhiều...

- Vâng, bản chính cuốn của cuốn sổ tay nhật ký gia đình đang nhờ lưu giữ bên Mỹ. Đây là bản sao, chúng tôi đã phóng to cỡ chữ lên cho dễ đọc.

Chờ cho nhóm phóng viên Truyền hình kỹ thuật số ghi hình mẹ Doãn Ngọc Trâm trò chuyện với Carl W. Greifzu xong, chúng tôi hối thúc ông lên đường ra nghĩa trang cho kịp trước 12 giờ trưa.

“Hãy yêu thương nhau khi còn sống”!

Tới nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm, tôi thấy Carl W. Greifzu bước xuống xe với tâm trạng rất lạ.

Sau khi thành kính thắp hương vái lạy trước mộ người Anh hùng Liệt sĩ đúng hướng dẫn của cô phiên dịch, ông bỗng quỳ xuống bên cạnh mộ thầm thì điều gì đó bằng tiếng Anh. Tôi đã kịp ghi lại giây phút hiếm hoi ấy: Người cựu binh Mỹ với mái tóc đã bạc ngồi lặng lẽ suy tư giữa nghĩa trang, xung quanh là các ngôi mộ của các Liệt sĩ Việt Nam với rất nhiều hoa và hương khói. Carl W. Greifzu dùng điện thoại ghi lại từng chi tiết nhỏ những hình ảnh và dòng chữ có trên bia mộ của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

Một cơn gió nổi lên, thổi nắm hương cháy bùng thành ngọn lửa. Người phiên dịch kéo ông đứng lên: “Chúng ta về thôi. Còn rất nhiều việc đang chờ và chương trình chiều nay nữa”. Carl W. Greifzu như bừng tỉnh. Ông dụi mắt đứng dậy, thành kính cúi người chào vĩnh biệt người nữ Anh hùng đã mang ấn tượng sâu đậm không bao giờ phai mờ trong cuộc đời mình. Người nữ chiến sĩ của đối phương một thời, vừa xa xôi lại vừa thật gần gũi với ông. Dường như có ai đó đã thì thầm với Carl W. Greifzu rằng: Sự trở về và sức lan tỏa của cuốn nhật ký cho thấy, nó như một nhịp cầu gắn kết những con người vốn ở 2 chiến tuyến gần nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách hận thù trong quá khứ. Có lẽ, đó là điều lớn hơn cả mà người Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã để lại cho thế giới này.

Ra khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ Từ Liêm, Carl W. Greifzu cứ nhắc mãi câu nói nổi tiếng có trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nay đã được khắc nổi trên mộ của chị: “Hãy yêu thương nhau khi còn sống”!

Ngày hôm sau, cựu binh Mỹ Carl W. Greifzu sẽ bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, dừng lại đôi ngày trước khi về Mỹ. Đã ngoài 70 tuổi, không biết ông còn có điều kiện trở lại VN - Vùng đất “máu lửa một thời” đã gắn bó cuộc đời ông với bao kỷ niệm vui buồn một lần nữa không?

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Hành trình ly kỳ của một cựu binh Mỹ từng giữ cuốn sổ tay Nhật ký Đặng Thùy Trâm hơn 20 năm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn