Nàng công chúa có khí phách anh hùng

Huỳnh Hồng Điệp (biên tập)

23/09/2021 21:45

Theo dõi trên

Nàng công chúa Ngọc Tha có cha là Trần Minh Tông, mẹ là Lê Thánh Hoàng hậu, có các anh em ruột là Trần Dụ Tông, Cung tác vương Trần Nguyên Dụ, Cung tĩnh vương Nguyễn Trác. Tháng 4 năm Nhâm Ngọ 1342 nàng được vua Trần Dụ Tông phong Thiên Ninh Công chúa.

241300242-1567474503644493-1378951948575310066-n-1632372055.jpg
Ảnh minh họa

Thiên Ninh Công chúa được gả cho Chính túc Vương Kham và ban cho vùng đất ven sông Luộc với hàng nghìn mẫu ruộng. Tại đây, Công chúa đã chiêu mộ quân lính, xây dựng lực lượng vũ trang của riêng mình. Sau này nhờ có binh lực nên trong cơn loạn lạc bà đã giúp nhà Trần khỏi bị diệt vong sớm.

Năm 1369 vua Trần Dụ Tông  mất, sau 28 năm trị vì. Dương Nhật Lễ là người được Thái hậu Hiến từ chọn cho lên ngôi vua. Xuất thân của Dương Nhật Lễ, vốn dĩ ông ta là con của đào hát, mẹ ông có thai sẵn (với Dương Khương) nhưng do mê sắc đẹp của bà ta mà Cung tác vương Trần Nguyên Dục lấy làm vợ. Khi bà ta đẻ Dương Nhật Lễ, Trần Nguyên Dục nhận làm con mình luôn. Trần Nguyên Dục  là con trưởng của Vua mà  không được chọn làm vua, ông mất sớm, Nhật Lễ là con (hàng cháu vua) nên Thái hậu chọn cho nối ngôi là lẽ vậy. Dương Nhật Lễ lên ngôi bỏ bê việc triều chính, chỉ ăn chơi rượu chè. Ông ta có ý muốn kết thúc triều đại nhà Trần, muốn lập nên nhà Dương. Thái hậu Hiến từ vô cùng hối  hận vì bà đã lập Nhật Lễ  làm vua. Biết chuyện, Nhật Lễ giết luôn Thái hậu. Sự việc này làm nhà Trần vô cùng tức giận và lên kế hoạch trừ khử Nhật Lễ.

Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Đêm hôm ấy cha con  Nguyễn Trác và hai con của Công chúa Thiên Ninh đem người tôn thất vào trong thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường  nép dưới cầu mới, mọi người lùng không thấy rồi tan ra về. Khi trời gần sáng, Nhật Lễ vào cung, sai người chia bắt những người chủ mưu, tổng cộng 18 người. Bọn Nguyễn Trác đều bị giết”.

 Trước nỗi đau quá lớn mất mẹ, mất anh trai cùng hai con, Công chúa Thiên Ninh biến nỗi căm hận thành hành động. Bà tập hợp lực lượng, chỉnh đốn quân ngũ  với lòng quyết tâm trả thù nhà và trên hết là lấy lại quyền lực của nhà Trần. Công chúa Thiên Ninh liên kết với Cung định vương Trần Phủ, người anh cùng cha khác mẹ với bà để mưu việc lớn. Bà thuyết phục ông này chung chí hướng với mình (Trần Phủ có con gái gả cho Nhật Lễ, được phong làm hoàng hậu, đương nhiên là bố vợ của vua). Họ hẹn dấy binh tại sông Đại Lại, chi lưu của sông Mã, Thanh Hóa. Một mặt Công chúa Thiên Ninh thuyết phục được  người  thân tín cận kề Nhật Lễ làm nội gián. Ông này là Thiếu úy Ngô Lang. Nhờ vậy mà bà và nghĩa quân đã bao phen thoát khỏi sự truy sát của Nhật Lễ. Tháng 11 năm Canh Tuất 1370, Công chúa Thiên Ninh và Cung định vương Trần Phủ, Cung tuyên vương Trần Kính đem quân tiến về Thăng Long, giết Nhật Lễ. Cung định vương Trần phủ lên ngôi lấy niên hiệu là Trần Nghệ Tông. Tháng 2 năm Tân Hợi 1371, vua Trần Nghệ Tông  phong cho Công chúa Thiên Ninh làm Lượng Quốc thái trưởng công chúa, tên là Quốc Hinh. Công chúa Thiên Ninh không màng chức tước, xin lui về ở ẩn tại thái ấp của mình.

Vậy nên tuy là người con gái liễu yếu đào tơ nhưng Công chúa Thiên Ninh có khí phách anh hùng được ghi danh sử sách lưu truyền các đời sau vì bà có công cứu nhà Trần khỏi họa diệt vong sớm.

 

Theo Trái tim Người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nàng công chúa có khí phách anh hùng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn