Nếu ngày mai dự án thành hiện thực sẽ ghi dấu ấn vàng son trong lịch sử văn hóa Thăng Long, Hà Nội (Bài 2)

Thạc sĩ Nguyễn Nữ Hoàng Anh - Văn phòng Quốc hội

02/08/2022 10:09

Theo dõi trên

Từ quan điểm trên, tôi nhất trí với 6 nội dung lớn về hạng mục công trình dưới đây của Dự án đề xuất.

van-hoa-thang-long5-1659409394.png
Lý Thái Tổ (974 – 1028)

 

1. Đại diện và điểm nhấn của toàn tuyến Sông Tô Lịch về những truyền thuyết, biểu tượng cho các vị thần Thăng Long - Hà Nội nên có một cụm tượng đài 9 Rồng vàng cao từ 15 đến 20m trên diện tích 1000m2, thiết kế đặt tại Bến Giang Tân cũ như Dự án đề xuất đã đề cập.

van-hoa-thang-long6-1659409394.png
Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018)

9 Rồng vàng là biểu tượng thờ Thần Long Đỗ - Thần Sông Tô Lịch (Nhất đẳng thần của Kinh Thành Thăng Long). 9 Rồng vàng mang khí phách Thăng Long Hà Nội - Rồng vàng bay lên. Con số 9 là con số tuyệt vời về mã số của Vũ trụ và là con số lớn nhất của liệt số tự nhiên. Trong đời sống thường nhật, nó biểu tượng mỗi con người đều có cửu khiếu và là con số luân hồi nhân quả của nhà Phật, con số ưa chuộng nhất của hai nền văn hóa Đông - Tây phương. 

van-hoa-thang-long7-1659409394.png
Đào Cam Mộc (942 – 1015)

2. Để ghi lại dấu ấn muôn đời sau về hai triều đại Tiền Lý và Hậu Lý, tôi tán thành với ý tưởng đặt cụm tượng đài hai nhà Vua vào vị trí không gian khu đất hợp lưu của Hoàng Hoa Thám - Lạc Long Quân - Bưởi - Hoàng Quốc Việt như Dự án đề xuất đã nêu, đó là vị trí “đắc địa” không nơi nào có được mà lịch sử đã sắp đặt.

van-hoa-thang-long8-1659409394.png
Tô Hiến Thành (1102 – 1179)

3. Về vấn đề phân bổ lưu lượng nước trên Sông Tô Lịch: Để người dân Thủ đô và khách du lịch khi tới nơi đây được thỏa thích ngắm nhìn dòng sông tái sinh “Dòng nước trong vắt như xưa”, chúng ta cần phân mực nước thành hai đoạn:
* Đoạn 1: Từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt (thượng lưu con sông) đến Cầu 361 (Thời đại Hồ Chí Minh, Thời Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân - Tổ Mẫu Âu cơ, Thời Hùng Vương), mực nước cao 0,5m. Đoạn này mực nước được khống chế, đáp ứng và đảm bảo an toàn cho trẻ em và người dân có thể lội xuống hoặc ngồi trên bậc thềm sát mép sông thả chân xuống dòng nước mát để tâm hồn được thư thái, quên đi những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật.
Tôi tán thành với Dự án đề xuất, có các cây cầu Kiều bắc qua sông để cư dân, khách du lịch qua lại được thuận tiện. Và tại đây, tận dụng tường bờ kè thẳng đứng và không gian trống để thực hiện tạo tác những mảng tranh tường cùng hệ thống tượng đài.
* Đoạn 2: Từ Cầu 361 đến trước Đập Thanh Liệt (hạ lưu sông, gần ra Sông Nhuệ), mực nước thiết kế, điều tiết đảm bảo đủ độ sâu cho hoạt động du lịch tham quan trên thuyền rồng dọc sông, xây dựng sân khấu nổi, xây dựng các Thực thể, khu Tượng đài, khu Văn bia ở vị trí giữa lòng sông, bia tóm tắt niên biểu lịch sử các triều đại và hệ thống tranh phù điêu theo dòng lịch sử từ Cổ đại đến Hiện đại. 

van-hoa-thang-long9-1659409394.png
Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 – 1117)


4. Trong tổng thể Dự án đề xuất, có đề cập tới việc thiết kế hành lang mái che để trưng bày tác phẩm nghệ thuật: Điêu khắc, hội họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, tác phẩm sách, v.v… được treo, bày định vị và màn ảnh di động ở hai bên bờ sông. Đây là ý tưởng rất hay. Vấn đề này không mới, nhiều nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Italia đã làm. Nước láng giềng Trung Hoa đã xây dựng ở Di Hòa Viên - Tử Cấm Thành, Bắc Kinh một hành lang dài 720 mét, dài nhất Thế giới. Nơi đây, họ đã tập hợp, trưng bày trên trần hành lang hàng nghìn tác phẩm hội họa của nhiều triều đại Trung Hoa. Hầu hết các du khách khi xem rồi đều trầm trồ ca ngợi.
5. Dự án đề xuất có đề cập tới việc phá bỏ 2 bờ mái dốc bờ kè hiện có phần taluy để xây dựng thành bờ kè thẳng đứng và hai bên bờ sông là đường dạo cho người đi bộ. Vấn đề này theo tôi rất cần thiết. Một mai đây, Dự án đề xuất trở thành hiện thực, dọc theo dòng sông sẽ là tuyến đi bộ nhộn nhịp suốt ngày đêm. Khách du lịch bốn phương sẽ được hưởng thụ những “đêm trắng”. Đồng thời, khi trở thành tuyến phố đi bộ dài 12-13km, đối với người cao tuổi và phụ nữ, trẻ em không thể đi được hết quãng đường này, cần có phương tiện giao thông trợ giúp. Đó là những đoạn dải băng chuyền mà kỹ thuật thiết kế thi công cho phép. Đứng về góc độ khoa học, nó là điểm nhấn đánh dấu về cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội.
6. Một nội dung rất quan trọng của Dự án đề xuất là việc tổ chức xây dựng 63 kiốt văn hóa dành cho 63 tỉnh, thành. Đây là nơi hội tụ, trưng bày tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần của 63 vùng, miền đất nước. Nó có ý nghĩa xã hội và triết lý nhân sinh rất sâu xa. 
Đây sẽ là “sân chơi” để cho các tỉnh, thành phố giao lưu, liên kết sức mạnh cộng đồng 54 dân tộc trong một đại gia đình. Về ý nghĩa mạch nguồn bên trong luôn luôn thức tỉnh trái tim muôn người ở mọi vùng, miền của Tổ quốc hướng về Thủ đô. Nó cũng là cội nguồn, cầu nối lịch sử của cha ông với hiện tại. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta biết rằng: Vào năm 1028, khi Lý Thái Tổ vừa mới băng hà, linh cữu còn chưa chôn cất thì lập tức xảy ra nạn tam vương kéo binh về Kinh thành Thăng Long tranh giành ngôi vị. Trước tình hình nguy ngập ấy, vị Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đã tâu lên với Lý Phật Mã rằng: “Xin bệ hạ đừng do dự nữa, hãy lấy xã tắc làm trọng”. Vừa dứt lời, ông cầm gươm lao ra chém phăng đầu người em loạn thần, nghịch tử của Lý Phật Mã. Loạn tam vương được dẹp. Và trước đó, vào năm 1020, khi Lý Phật Mã theo lệnh Vua cha đi đánh Chiêm Thành, lúc đến Trường Châu, vùng Núi Khả Phong, Thanh Hóa, đêm nằm mộng có vị thần tự xưng là Thần Núi Đồng Cổ đã giúp Thái tử Lý Phật Mã đánh thắng giặc. Khi lên ngôi nối nghiệp cha, Vua Lý Thái Tông lại được thần báo mộng có “loạn tam vương”. Vì vậy, cùng năm 1028, Vua Lý Thái Tông lệnh cho xây dựng ngôi đền bây giờ ở Phố Thụy Khuê gọi là Đền Đồng Cổ. Nhà Vua đã phong Vương cho Thần Đồng Cổ và trước linh vị của Thần, Vua đã đọc lời thề độc, đại ý rằng: “Làm con phải hiếu với cha mẹ, làm tôi phải trung với Vua, ai sai lời trời tru đất diệt”. Từ đây, theo lệ hàng năm khi Tết đến, Xuân về, các quan đứng đầu châu, phủ, lỵ khi về Thăng Long đều phải mang theo nắm đất nơi mình cai trị đặt lên bàn thờ Đền Đồng Cổ và đọc lời thề như trên. Vì thế, suốt 215 năm, Vương triều Lý tồn tại không có cảnh tranh ngôi, đoạt vị trong nội tộc và hoàng thân quốc thích.
(Còn nữa)