Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 21)

Phạm Việt Long

07/09/2022 21:52

Theo dõi trên

Ngợi ca đất nước, nhân dân, tình yêu là chủ đề xuyên suốt của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Giai đoạn này, nổi lên nhiều ca khúc được công chúng hâm mộ, như: “Quê Hương” (Nguyễn Văn Tý phổ thơ Đổ Trung Quân), “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng), “Huyền Thoại Mẹ” (Trịnh Công Sơn), “Thuyền và Biển” (Phan Huỳnh Điểu), “Gửi em chiếc nón bài thơ” (Lê Việt Hòa), “Giai điệu Tổ quốc” (Trần Tiến), “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” (Trần Hoàn, Đỗ Quý Doãn)...

Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích, do nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ lời thơ của nhà thơ Đỗ Quý Doãn:

“1. Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe (ớ ơ) nghe câu hò Nghệ Tĩnh

Ơi câu hò xứ sở thắm đượm tình quê.

 

Chiều Mạc Tư Khoa rừng dương như thầm lặng

Mà nghe câu giặm rằng hết giận rồi thương

Ơi câu hò quê hương em hát chiều nay sao mà thương mà nhớ

Tiếng hát em vút cao mây lẳng lặng cúi đầu

Giọng hò sông nước xao xuyến tình đất nước.

Gợi bóng hình của Bác lúc tìm về Lê-nin.

 

Ngày xưa mẹ ru anh bằng câu hò xứ sở

Điệu ví giặm quê mình răng mà thương mà nhớ

Anh qua bao miền quê câu hò theo chân bước

Càng ngân cao câu  hát...

Ơ  hơ hơ hớ hơ...

Mà bồi hồi con tim…..

 

2. Giọng em ngân lên rằng thương nhau cho trọn

Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau

Ơi câu hò năm nao em hát chiều nay sao mà yêu mà quý

Hát nữa đi hỡi em cho vọng mãi đất trời

Điệu hò sóng nước xao xuyến tình đất nước

Đậm nghĩa tình sau trước với bạn bè năm châu.

 

Ngày xưa Người ra đi vì câu hò ví  dặm

Tìm khắp bốn phương trời con đường lên no ấm

Hôm nay trên đường đi sáng ngời theo chân Bác

Càng ngân cao câu hát…

Hơ hơ hớ hơ...

Càng thắm tình nước non…”

Nhà thơ Đỗ Quý Doãn kể với phóng viên vov.vn: “Vào một chiều thu năm 1981, khi tôi đang học ở Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, còn nhạc sỹ Trần Hoàn học ở Viện Hàn lâm khoa học trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Chiều đó có chương trình của đoàn nghệ thuật Bông Sen sang biểu diễn tại Moscow, trong đó ca sỹ Hồng Vân hát bài “Giận thì giận, thương thì thương”, một làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh. Lúc đó trên trời mây xanh rất đẹp, tâm trạng của người xa Tổ quốc khi nghe dân ca thì nhớ không chịu nổi. Sau chương trình đó, hai anh em đi dạo trên đồi Lênin, nay là đồi Chim Sẻ, thì ông Trần Hoàn bảo tôi viết lời thơ. Thế là về nhà tôi ngồi viết trong 2 tiếng đồng hồ rồi chuyển cho nhạc sỹ và ông ấy bắt đầu ngồi ôm đàn sáng tác phần nhạc”.

Từ xứ sở Bạch Dương, bài hát theo nhạc sĩ Trần Hoàn về Việt Nam, được nhạc sĩ chỉnh sửa, công bố và cứ thế lan tỏa ngày càng rộng trong đời sống.

Trong giai đoạn này, nhiều bài hát được sáng tác từ nhiều năm trước có dịp trở lại ngân vang trên khắp mọi miền đất nước. Tôi xin điểm lại một số bài gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi.

Năm 2001, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin bảo tôi chuẩn bị một món quà tặng Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX. Tôi đề xuất là làm một bộ CD giọng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung gồm hai đĩa, một là các tác phẩm của Việt Nam, hai là các tác phẩm của thế giới. Được Bộ trưởng phê duyệt, tôi cùng nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đọc lại tài liệu, sưu tầm để làm hai CD: “Âm thanh ngày mới” và “Những tác phẩm thính phòng.” Tuy đã đi xa, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung vẫn để lại cho cuộc đời một kho tàng âm nhạc quý giá. Qua 16 bài hát Việt Nam, giọng hát Lê Dung như một biên niên sử bằng âm thanh dựng lại cả một quá khứ hào hùng của dân tộc từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ và trong hòa bình xây dựng đất nước. Tình cảm thắm thiết, lý tưởng lớn lao ấy được Lê Dung hát bằng cả trái tim, vừa hào hùng mãnh liệt; vừa tha thiết sâu lắng, khiến cho người nghe thấy thấm vào gan ruột như uống một dòng nước ngọt ngào. Với 16 tác phẩm thính phòng, gồm 15 bài quốc tế và 1 bài Việt Nam trong CD “Những tác phẩm thính phòng”, chúng ta lại thấy một Lê Dung đầy tài năng với giong hát khỏe khoắn vang động và với kỹ thuật opera điêu luyện ngang trình độ quốc tế. Nhờ Lê Dung (và một vài nghệ sĩ Việt Nam khác), thế giới biết đến một Việt Nam của âm nhạc bác học, với những tác phẩm của chính mình, mà trong đó “Cô Sao” của cố Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một điển hình.

Đây là bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong CD “Âm thanh ngày mới”:  Người Hà Nội :

“Ðây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.

Ðây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Ðây Thăng Long, đây Ðông Ðô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu.

Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời.

Hà Nội hồng ầm ầm rung.

Hà Nội vùng đứng lên, Hà Nội vùng đứng lên sông Hồng reo.

Hà Nội vùng đứng lên!

Hà Nội đẹp sao!

Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng.

Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng.

Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng.

Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô.

Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa,

kìa Ô Cầu Rền, làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi thắm.

Sống vui phố hè, bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào.

Quanh co, chen quanh rộn ràng Ðồng Xuân,

xanh tươi bát ngát Tây Hồ, hàng Ðào ríu rít,

Hàng Ðường, Hàng Bạc, Hàng Gai.

Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu.

Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi.

 

Một ngày thu non sông chiến khu về,

đường vang tiếng hát cuốn dòng người.

"Ðoàn quân Việt Nam đi"

Hà Nội say mê chen đón Cha về,

kín trời phơi phới vàng sao.

Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước.

Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà,

Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời.

Hà Nội hồng ầm ầm rung, sông Hồng reo.

Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng.

Bùng cháy khắp phố ta ơi!

Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu.

Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày.

Ầm ầm cười tiếng súng vui thay vang ngày mai sáng láng.

Này lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta.

Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn.

Nhìn đây máu chúng ta tưới bao nhiêu đất này,

Ta tưới ngày mai vút lên

Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha, bóng Người mênh mông.

Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi,

trán Người mái tóc bạc thêm.

Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười,

Trên môi Người cười, tiếng cười ngày về.”

Có thể nói, đây là một tác phẩm thanh nhạc bất hủ về Hà Nội mà tới nay, chưa một nhạc phẩm nào vượt qua được. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, đúng hơn là nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, viết không nhiều tác phẩm âm nhạc, nhưng chỉ cần một tác phẩm như “Người Hà Nội” đủ để ông sống mãi trong lòng dân tộc với tư cách là một nhạc sĩ. Tác phẩm này vừa chứa đựng tâm huyết của ông đối với đất nước, với Thủ đô, vừa chứa đựng trí tuệ siêu việt của ông với khả năng âm nhạc hóa lịch sử hào hùng của Hà Nội, tạo nên một trang sử bằng âm thanh vừa cụ thể, vừa khái quát với những giá trị điển hình mang tính nghệ thuật cao.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi nói về tác phẩm “Người Hà Nội” như sau: “Năm 1946, thực dân Pháp gây hấn, trở lại xâm lược nước ta. Khúc Thủy là một làng cổ nằm ven sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Đây là nơi sơ tán của nhiều cơ quan Trung ương, trong đó có Hội Văn hóa Cứu quốc. Bài hát “Người Hà Nội” đã ra đời ở đây.

Tối ngày 19/12/1946, tôi và đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, khi sau lưng cả Hà Nội đã chìm trong khói lửa của ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bên cây đàn Piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…” cứ hiển hiện trong đầu. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn.

“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…” với những kỷ niệm không thể nào quên: “Một ngày non sông chiến khu về/ đường vang tiếng hát cuốn lòng người…/ Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê đón Cha về/ Kín trời phơi phới vàng sao/ Ngày ấy chói vinh quang…” và với một niềm tin lạc quan: “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta/ Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn…/ Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi/ trán Người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười…”.

Sau khi viết xong “Người Hà Nội”, tôi tìm gặp nhà báo Thép Mới, vừa đệm đàn vừa hát cho anh Thép Mới nghe. Sau đó, bài hát được đăng trên báo Cứu quốc Tết 1947 và được các bạn cho phổ biến rộng rãi. Tôi rất vui khi hay tin trên các chiến lũy ác liệt, ca khúc đã được những người lính Trung đoàn Thủ đô hát vang, thúc giục họ tiến lên giữa “xác thù rơi dưới gót giày/ Ầm ầm tiếng súng vui thay, vang ngày mai sáng láng…” (theo Nhạc sĩ Dân Huyền - vov.vn).

Đây là bài hát Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:

“Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê

Cuối sông nhiều bến ai về có thấy

Ngàn gió xanh rì bát ngát đồng mía ven bờ đê

Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về khơi

Sông Thao ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về

Say mê dòng nước vui tràn về.

 

Bên sông đoàn du kích ẩn từng lều

Nơi đây người đông tới họp chợ chiều

Sông Hồng Hà réo (ú u u ù)

Chiến binh về đây đứng rợp một trời

Vui lên đầy vơi sóng giục lòng người

Sông Hồng Hà réo, sông Hồng Hà réo

Ven sông đoàn du kích họp chiều chiều

Khi bơi thuyền đi thúc giục nhịp chèo

Nghe dòng sông réo, đứng lên giết thù.

Khi đi lập công cuối trời màu hồng

Vui lên dòng sông lúa ngập đầy đồng

Sông Hồng Hà réo, sông Hồng Hà reo...

Hồng Hà ơi...

Ta nhớ mùa Thu xưa

Nước về như sóng cờ lên khi quân về Thủ đô.

Hồng Hà ơi...

Nay cũng mùa Thu thấy quân thù

Ngơ ngác nhìn sang bên Việt Trì tàn phá

Hồng Hà reo...

Du kích về đây ngăn quân thù

Như nước phù sa đang pha hòa dòng Lô

Hồng Hà ơi...

Đây những người dân quân Hạc Trì

Đang chống giặc nên quyết không rời quê nhà.

 

Thu nay xơ xác lũy tre làng quê

Thấy không giặc chiếm nhà thờ, bắn nát bờ bến, đốt nhà

Với xác thuyền đắm ven bờ đê

Hồng Hà trôi xuôi đưa xác quân thù về phơi

Cuối sông chờ đón Cha già có những chàng áo nâu thề

Mai đây cùng sóng đưa ngày về”

Bản trường ca của Đỗ Nhuận đã phản ánh chân thực, sinh động bằng nghệ thuật hấp dẫn Chiến thắng Việt Bắc lẫy lừng Thu - Đông 1947, bẻ gẫy hai gọng kìm tiến quân của giặc Pháp, phá tan âm mưu “cất vó” bộ máy lãnh đạo kháng chiến của Chính phủ Hồ Chí Minh. Bản trường ca có sự kết hợp hài hòa giữa tính trữ tình êm ái và tính hùng ca hảo sảng.

“Nói về hoàn cảnh ra đời của bài hát, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai cả của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có những chia sẻ chân thành và cụ thể. Ông nói: “Thời điểm cha tôi viết Du kích sông Thao, trước đó NS Văn Cao đã viết Trường ca Sông Lô, Nguyễn Đình Thi có bài Người Hà Nội. Đây là những ca khúc đã vượt ra khỏi sự ảnh hưởng của một bài hát đơn thuần. Nó mang ý nghĩa lịch sử, cổ động, khích lệ tinh thần của cả một thế hệ ra trận. Bởi trong kháng chiến cách mạng, văn học nghệ thuật cũng là một vũ khí sắc bén. Đó cũng là những đóng góp to lớn của thế hệ các nhạc sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

           Sự xuất hiện của những ca khúc ở thể loại trường ca, hợp xướng tuy không mới so với thế giới nhưng lại rất mới mẻ khi xuất hiện tại Việt Nam ở thời điểm đó.

          NS Đỗ Nhuận từng viết trong hồi ký Âm thanh cuộc đời về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Du kích Sông Thao. Năm 1948, sau thời gian bị đày ở nhà tù Sơn La, ông và các bạn tù vượt ngục và thoát được ra ngoài. Trên đường xuôi xuống Ấm Thượng, Phú Thọ, ông nhớ đến những người bạn, người thân cũ trong đó có cô du kích tên Hà từng giúp ông và đồng đội trên đường công tác. Hỏi thăm thì được biết, cô gái lúc đó được phân công nhiệm vụ làm “người lái đò” đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng qua sông. Xuất phát từ câu chuyện và những cảm xúc về cô du kích nhỏ, trên tuyến đường tiếp tục di chuyển sau đó, NS Đỗ Nhuận vừa đã vừa đi bộ vừa cầm ghi ta và sáng tác ca khúc Du kích sông Thao. Khi vừa đến ngã ba sông, nơi giao thoa giữa các nhánh sông của Việt Trì, Sông Hồng thì bài hát này được hoàn thành.

Theo NS Đỗ Hồng Quân, đây là một ca khúc có sự đan xen, hòa trộn giữa hai yếu tố: trữ tình và hùng ca. Âm nhạc hào sảng, lời ca đẹp, giàu sức gợi với hình ảnh dòng sông và một người con gái đã mang lại một sự lan tỏa về cảm xúc cho người nghe. Chính vì những yếu tố này mà về sau, nhiều đoàn nghệ thuật đã lựa chọn ca khúc này để dàn dựng thành các vở nhạc kịch rất thành công.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh của một người con gái, một hình ảnh rất con người, rất lãng mạn để nói lên tình yêu đất nước to lớn, theo nhà phê bình lý luận âm nhạc Thụy Kha, đó là sự đan xen của những cung bậc cảm xúc trong nghệ thuật.

Đây cũng là nét thi vị của ca khúc Du kích sông Thao cũng là điều làm nên sức hấp dẫn trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Có điều gì mâu thuẫn trong những khúc tráng ca hào hùng với tinh thần xông trận ngùn ngụt, mạnh mẽ với vẻ đẹp trữ tình của những cô gái, những người phụ nữ trong cảm hứng sáng tạo của tác giả. Thực tế, theo NS Đỗ Hồng Quân, không hề có bất cứ một mẫu thuẫn nào, thậm chí hai trường phái cảm xúc, hình ảnh, biểu tượng tưởng chừng như khó liên quan này lại hỗ trợ, khơi gợi, đan xen và hoàn quyện với nhau, tạo nên sức hấp dẫn và lan tỏa cho ca khúc.

Hình ảnh đẹp từ một nguyên mẫu đời thực đã giúp ca khúc Du kích sông Thao có thể vận dụng, chuyển soạn theo nhiều thể loại khác như đàn dây, giao hưởng và có mặt trong nhiều festival âm nhạc.” (Đào Bích – giadinh.net).

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 21)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn