54 năm trước, đúng ngay này (19 tháng 3 năm 1968) (Trích hồi ký "Lính trinh sát pháo binh trung đoàn")

Quy Mai

20/03/2022 16:04

Theo dõi trên

Trích Hồi ký: Lính trinh sát pháo binh trung đoàn

lua-chon-1647766998.PNG
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

 ... Nhìn xung quanh không biết mọi người đã rút đi đâu. Cái khổ của lính đi lẻ tăng cường cho đơn vị bạn là như vậy. Khi cần người ta luôn nhắc đến mình nhưng khi có tình huống cấp bách, mấy ai nhớ đâu. Việc đầu tiên là giấu máy và cái ví trong có ảnh bạn bè mang từ Bắc vào, gồm ảnh chàng lính radar hải quân Phạm Sỹ Bình, ảnh cha con diễn viên-nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, ảnh chị Kim Oanh và con gái. Hai anh chị là diễn viên Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị về biểu diễn phục vụ Trung đoàn chúng tôi trước khi đi B. Sau đêm biểu diễn, Đoàn chia nhỏ xuống thâm nhập các đại đội. Vô tình gặp phân đội trinh sát đang tập võ thuật trên ruộng mạ mới nhổ không có rơm rạ làm đệm, các anh chị diễn viên, nhất là số diễn viên nữ cũng ngang tuổi chúng tôi phục lắm. Ngoài ra trong ví không có gì để thằng địch khai thác về mình. Như vậy là tạm yên tâm, rồi trườn nhẹ sang chỗ khác có những bụi cỏ lòa xòa.Trong chiến tranh, điều chúng tôi lo lắng nhất là bị kẻ thù nắm được thông tin cá nhân của mình. Nếu chúng biết được thì dù anh bị bắt hay đã chết, chúng đều có thể in trong truyền đơn hoặc dùng loa trên máy bay phát ra rả tin "chiến binh cộng sản Bắc Việt X.Y.Z  đã ra hồi chánh..." Rồi bằng cách nào đấy, ở quê hương, cha mẹ anh em, làng xóm sẽ biết. Ở tiểu đoàn 2 sau đợt II Xuân 68 một đồng chí chính trị viên đại đội quê Đông Anh bất ngờ nhận được tin ở quê nhà gia đình bị cắt trợ cấp vì anh đầu hàng theo giặc, dù anh vẫn công tác bình thường ở đơn vị. Vợ con anh không dám đi đâu vì tủi hổ... Biết tin này, đơn vị phải thông báo ngay cho địa phương anh biết. Chờ tin hồi báo từ hậu phương căng thẳng hơn ngồi chờ B52 đến rải thảm. Mọi việc ở địa phương được giải quyết ổn thỏa. Chỉ tiếc, khi biết được tin này không lâu, anh hi sinh!

 Nằm “chém vè” ở đấy đến chừng 9 giờ sáng vẫn không thấy địch tiến ra, chỉ nghe thấy đạn pháo xoèn xoẹt trên đầu rồi lao xuống đồng nước. Mảnh đạn hết tầm bay xè xè rơi xuống, tạo nên những tiếng xèo xèo của kim loại chưa kịp nguội. Ngồi lâu không thấy địch tiến lại chỗ mình. Cũng không còn hồi hộp lo sợ như buổi sáng. Xung quanh chỉ có tiếng đạn súng cối 81 ly, đạn M79 nổ liên hồi. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng người nào đấy gọi to nhắc người của đơn vị chạy hướng này hướng nọ. Mỗi lần ông này cất tiếng gọi, pháo địch lại hướng về  những bờ rạch gần đấy bắn tới tấp. Nằm một mình yên ổn nên lo cho anh em hướng ấy, cũng lẩm bẩm: “ Không biết thằng nào ngu thế. Cứ thế này có khác gì chỉ cho Mỹ biết vị trí của mình.Trước sau gì cũng được nhận một loạt AK!” Đúng là ông ta đã xứng đáng nhận loạt đạn AK rồi, khi chỗ ông ta đứng lọt giữa đội hình phòng ngự của một đơn vị bộ binh thuộc trung đoàn 88. Chính vì có anh em bộ binh 88 che chắn nên địch không dám hung hăng tràn xuống.

 Sau này nghe anh em bộ binh trên đường rút trao đổi với nhau mới biết người “dũng cảm nhất trận đánh” là Lê Đăng C., chính trị viên đại đội 6 tiểu đoàn 2, đơn vị tôi mới lấy hướng chuẩn cho pháo của  họ bắn đêm qua. Là một cán bộ chính trị nhưng ông này nổi tiếng hách dịch, còn khả năng chỉ huy thì hôm nay ai cũng thấy rõ.

 Giữa tháng 10/1967 trước khi đi đánh Lộc Ninh ông ta đã từng quát lính trinh sát đại đội chỉ huy (c14) vì một việc mà ông ta không thích. Nhưng động vào lính trinh sát thì dù ở đâu, của binh chủng nào cũng không dễ nếu như họ không sai. Và ngày hôm nay khi ông ta gào to tưởng mình dũng cảm thì đâu có biết một nòng AK đang rê theo. Cũng may phúc  có một đồng chí chỉ huy bộ binh lệnh không nổ súng khi nhận ra ông chính trị viên đại đội pháo binh. Và cũng không hiểu sao tôi lại có quan hệ máu thịt với đại đội này như vậy? Cuối cuộc chiến tranh tôi được điều về đại đội này khi nó đã được tái lập đến lần thứ 3!

 Chê “thằng nào ngu thế” nhưng có biết đâu mình còn thuộc hàng “tổ sư ngu ”. Thấy tình hình có vẻ êm êm, tôi liếc nhìn về vị trí giấu máy rồi nhìn nơi vừa giấu chiếc ví, bụng thầm nghĩ: “ Nếu sau này còn sống trở về, mọi người hỏi đến mấy bức ảnh nhưng không còn thì ê mặt! ” Nghĩ là làm, tôi nhoài người về phía chiếc ví. Khi đã cầm chắc trong tay, theo phản xạ tự nhiên, tôi thò đầu nhìn lên xem bọn Mỹ ở trên mặt đường đang làm gì. Nói thì chậm, làm thì nhanh. Chưa kịp nhìn rõ mặt mấy thằng Mẽo, nó đã “ dộng” cho gần chục quả đạn cối rơi ngay bãi sình trước mặt. Bờ rạch cao đỡ hết mảnh pháo văng ngang nên không có gì nguy hiểm. Nhưng mục tiêu đã bị lộ. Bọn dưới đất không nhìn được nhưng thằng L-19 đang vè vè trên cao liền ngó nghiêng và …bụp! Một quả pháo màu chỉ thị mục tiêu rơi cách tôi không xa, mảnh văng rào rào. Trên má có cảm giác hơi nóng. “ Mình “ bị” rồi! ” Bất giác nghĩ đến anh Phạm Ngọc Cảnh và thốt lên trong vô thức: “Từ nay có thêm một trung úy Phương nữa rồi!”. Tôi vội lấy băng cá nhân băng lại nhưng băng sao nổi. Càng quấn, băng càng trôi xuống.Trong lòng con rạch nước vẫn còn, mọi vật vẫn hiện rõ nếu nhìn từ trên cao.  Chưa kịp quấn xong cuộn băng, hai chiếc F-100 đã ầm ầm lao đến. Với ưu thế tuyệt đối trên không, cả hai thằng cứ quay tròn liên tục mà chưa thèm lao xuống. Chúng định chơi trò mèo vờn chuột, muốn tôi vỡ tim chết trước khi bị hỏa lực từ trên máy bay đánh trúng. Biết chắc mình sẽ chết nên không có gì phải sợ. Chỉ tiếc mình chết khi còn quá trẻ, chết giữa con rạch đầy bùn, tuổi chưa tròn 22 đúng như mấy câu thơ của Phùng Quán :

   … Anh chết giữa chiến trường .

         Đôi môi tươi đạn xé .

              Chưa bao giờ được hôn . . .

  Hai chiếc F-100 vẫn quần đảo trên không, trong đầu tôi cũng có một bộ phim đang chiếu. Những cảnh đầu tiên thanh bình chậm chạp trôi đi. Những con đường ở vùng bán sơn địa Cầu Chồm, Chợ Bến, Chi Nê…Hòa Bình, nơi những người đàn ông dân tộc Mường dùng nỏ bắn vào chân con gà muốn bắt, nơi những đàn trâu gõ mõ khua khắp rừng khắp bản, những con chó leo thang nhanh thoăn thoắt…Những con đường quanh co ở vùng Chùa Hương, Mỹ Đức… rồi hai bên bờ sông Chu mùa hạn phải dùng gàu tát nước tiếp sức bốn, năm cấp chưa lên tới mặt ruộng…Dường như không còn đủ thời gian, bộ phim tua nhanh nhất có thể. Hình ảnh ba mợ tôi, các em tôi, quê hương tôi, xóm 7 xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, rồi con đường lát gạch nghiêng, nghe nói là đường làm bằng tiền nộp cheo, đi qua trước đền thờ Thành hoàng Làng, nơi ba tôi đã từng ngồi dạy học…

 Không kịp rồi. Không nghe thấy tiếng bom nổ, cả tiếng bom tiếp đất cũng không có nốt. Chỉ có bùn và nước, một màu đen kịt đổ ập xuống và kéo dài không dứt. Tôi tắc thở, tôi há miệng thở. Nhưng chưa kịp hít một hơi nào thì cả miệng cả mũi, cả tai, mắt đã đầy ắp nước bùn. Xung quanh tối mịt như đêm cuối tháng. Nhưng trong bóng tối vô tận ấy dường như có một đôi mắt, đúng là đôi mắt rất trong và thánh thiện đang nhìn tôi. Tôi không nhận ra. Chỉ tới khi khua nhẹ chiếc xẻng cá nhân thay mái chèo cho chiếc xuồng ba lá vượt sông Sài Gòn tôi mới nhận ra đôi mắt ấy của ai. Chiến tranh thì chiến tranh, ai cấm được một anh lính hơn 20 nghĩ tới tình yêu!..

 Khi cột nước vừa dứt, cả hai thằng F-100 nối đuôi nhau lao xuống găm tiếp những loạt đạn 20 ly. Những loạt đạn này tôi cảm nhận được khi nó nổ ngay bên sườn.  Lại ca cẩm: “May quá, nếu là thằng AD-6 bắn thì mình toi rồi!” Rằng thì là thằng AD-6 là máy bay cánh quạt, bay chậm hơn, điểm chạm của hai viên đạn gần nhau hơn, chắc chắn có một viên trúng mình! Cũng có thể mấy quả bom bọn này thả xuống đều cỡ 500 cân Anh (227 kg) nên chưa đủ sức nâng mình lên cao rồi dập xuống ?! Tất cả mọi suy đoán, kể cả suy đoán tếu táo nhất của lính đều không lý giải được. Cũng có thể Diêm vương chưa muốn nhận mình!

 Mọi chuyện chỉ được xâu chuỗi lại sau khi biết chắc chắn mình thoát chết. Lúc ấy làm sao nghĩ được gì hơn trong khi mình vẫn đứng im làm bia sống. Cho đến hôm nay, tròn 54 năm , tôi vẫn không lý giải được tại sao mình chưa chết chứ không phải “vì sao mình thoát chết?” Bạn có tin vào tâm linh, vào số mệnh không? Nếu không tin, vậy giải thích như thế nào? Chuyện cũng chưa hết. Nếu coi mỗi quả đạn rocket chỉ thị mục tiêu  là một kiếp nạn; mỗi quả bom bằng 5 và mỗi loạt đạn 20 ly cũng bằng ấy kiếp nạn thì mọi việc chưa thể kết thúc sớm như vậy. Còn bì bõm cả ngày cũng chưa đủ 81 kiếp nạn như thầy trò Đường Tăng ! Ngày 19 tháng 3 năm 1968 tôi đã trở về ngoạn mục từ cõi chết...

 ...Tôi vẫn đứng im tại chỗ như thân cây cụt nhưng khổ nỗi, nước ập xuống mạnh quá làm trôi hết bùn đất, nên tấm thân ngà ngọc của thằng con trai đất Bắc dù được trui rèn bằng nắng và gió Nam bộ, vẫn hiện rõ giữa làn nước đen!  Nước đang xuống nhanh.

 Bụp…! Thêm một quả rocket nổ sau lưng. Máu lại đổ và lại không thể tự băng... Gần đây, sau một lần chụp CT mạch vành, anh bạn kỹ thuật viên hỏi tôi :

 - Bác có biết phía sau tim bác có một vật thể lạ không?

  Không cần suy nghĩ, tôi nói ngay :

  - Mảnh rocket đấy !

 Cũng thật không ngờ, nó chui vào sâu như vậy sao tôi không cảm thấy gì. Cũng không biết nó di chuyển dần vào sau chừng ấy năm rồi cũng đến lúc phải dừng lại hay nó nằm đấy ngay từ đầu rồi bị lớp mỡ bọc kín ? Thôi kệ, thế nào cũng được. Đành chung sống hòa bình vậy !...

  Như đã phục sẵn đâu đó trên bầu trời, một tốp 2 chiếc F-100 khác lại lao ngay tới như nhặng xanh nhưng cũng chưa bổ nhào ngay. Chúng còn lượn lờ ngó nghiêng rồi tăng tốc vọt lên… Chúng vẫn muốn chơi trò giết gà dọa khỉ đây. Muốn những quả bom làm cho tôi tan nát như thịt băm để khủng bố tinh thần những anh em khác đang ẩn mình dưới các tán cây, bụi cỏ nên chúng làm trò rất từ tốn. Cả hai nối đuôi nhau lượn lờ rồi đột nhiên tiếng động cơ rít lên chói tai. Vẫn không nghe thấy tiếng bom nổ. Lần này chỉ có bùn nước đặc sệt đổ ập xuống đầu… Cũng không ngờ mực nước xuống nhanh quá, có lẽ đây là nguyên nhân cả tám quả bom không gây ra sức ép lên người tôi. Nếu nước sâu chắc chắn tôi đã bị ép dẹp ngực, lòi hai con mắt. Sau này kiểm tra thấy tim phổi vẫn bình thường. Cũng thật khó giải thích khi bùn đất, gốc cây bị hất tung lên rồi rơi xuống nhưng tôi vẫn đứng im! Thật may hết sức. Cứ như hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều. Tiếc nỗi, xung quanh chỉ có khói bụi mù mịt và mảnh đạn bom văng ào ào, không thấy bóng dáng nàng Kiều đâu.

 Lại thêm một cái may nữa, những cành cây, gốc cây bị hất tung lên, khi rơi xuống đã che kín người tôi. Bọn phản lực lao xuống bắn bừa rồi cút; thằng L-19 cũng quay sang hướng khác. Một thành tích rất đáng được ghi nhận của không lực Hoa Kỳ. Bản tin 18h hôm ấy của đài “ Bê-ba-xu” tận thủ đô Anh quốc sẽ có bản tin: “… Gần trưa nay theo giờ Sài Gòn, không lực Hoa Kỳ đã hạ sát hàng chục chiến binh Cộng sản và Việt cộng, phá hủy nhiều súng cộng đồng. Số quân Việt còn lại không chịu nổi sự tấn công của xe tăng và bộ binh sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” với sự yểm trợ của của không lực đã phải rút chạy, bỏ lại nhiều xác chết”. Kể ra nếu diệt được tôi thì phía Hoa Kỳ cũng phải chi ra một số tiền không nhỏ. Thằng giàu thì hay chi li nên mình cũng tạm tính chơi!

  Biết mình tạm thời thoát chết nên tôi vẫn đứng im dưới những cành cây trụi lá đang che chở cho mình. Tính ra mới hết 62 kiếp nạn, còn 19 kiếp nạn nữa! Cứ từ từ, được đến đâu hay đến đấy...

     Ngày 19 tháng 3 năm 1968 tôi đã trở về ngoạn mục từ cõi chết.

   Cũng có thể ngày hôm ấy tôi không thể chết vì bom đạn Mỹ bởi ngày 19 tháng 3 đúng là ngày "Toàn quốc chống Mỹ". Cả nước bên tôi, Mỹ nào thắng nổi.

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "54 năm trước, đúng ngay này (19 tháng 3 năm 1968) (Trích hồi ký "Lính trinh sát pháo binh trung đoàn")" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn