Nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến – Người lính thời bình trên mặt trận văn hóa

Xuân Huy

03/06/2021 16:08

Để có được nghi lễ đặc sắc trong Lễ hội Đền Bảo Hà, ông Phạm Văn Chiến đã dày công đi học tập cách tổ chức lễ hội ở các đền trên cả nước, trên cơ sở học tập cách thức tổ chức lễ hội truyền thống dân gian và kết hợp với duy trì bản sắc văn hóa của địa phương.

 

pham-van-chien7-1622710777.jpg

Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai) nằm trong “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy” (cùng Đền Cô Tân An) từ lâu đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Đền Bảo Hà là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997. Đền thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng. Theo truyền thuyết kể lại, vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786 ) khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc vùng phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt, an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của ông.

Đền Bảo Hà có lưng tựa vào núi, mặt hướng theo dòng nước sông Hồng, với phong cảnh thiên nhiên hữu tình: trên bến, dưới thuyền và xung quanh là núi rừng bao la, rộng lớn xanh mướt một màu. Nơi đây còn có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam theo thuyết phong thủy. Nhưng để có được di sản ấy, không thể không nhắc đến cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Chiến thủ nhang cụm di tích đền Bảo Hà, người đã miệt mài, bền bỉ sưu tầm, phục dựng lễ hội đền Bảo Hà.

 

pham-van-chien1-1622711116.JPG
Đền Bảo Hà

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã lùi xa nhưng đến nay, trong trái tim người cựu chiến binh đó là vết thương trên cơ thể bởi bom, đạn thù và nỗi đau, giằng xé trong tâm hồn khi từng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Những kỷ niệm của quá khứ luôn thôi thúc ông nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, lao động, công tác, làm nhiều việc tốt, việc nghĩa, việc nhân văn, bởi trong sâu thẳm trái tim là lời hứa với đồng đội rằng “trong bất kể hoàn cảnh nào cũng không đầu hàng và luôn giành chiến thắng”. Hàng chục năm qua, vào các ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày lễ, tết… năm nào ông cũng tới thắp hương tri ân đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn, cũng như tham gia các chương trình “Đền ơn, đáp nghĩa”, ủng hộ quỹ giúp đỡ gia đình các đồng đội Bộ đội Trường Sơn, gia đình thương binh nghèo, gia đình cựu chiến binh, thanh niên xung phong có hoàn cảnh éo le, gia đình chính sách. Là Trưởng ban quản lý, giờ đây là thủ nhang cụm di tích Đền Bảo Hà, thương binh Phạm Văn Chiến luôn có sự ưu tiên đặc biệt khi bố trí việc làm, sắp xếp vị trí làm việc cho những người là thương binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong hoặc con em họ như một sự tri ân nghĩa tình sâu sắc.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tân An (Văn Bàn), nên ngay từ nhỏ, ông Chiến đã được bậc sinh thành và người già trong làng kể cho nghe nhiều câu chuyện về lễ hội đền Bảo Hà - Tân An. Như mối nhân duyên trời định, khi chính quyền xã đề nghị, ông Chiến đã thành tâm phụng sự nhang khói đền Bảo Hà vào tháng 6/2003. Từ một ngôi đền xập xệ, ông đã nhanh chóng sắp xếp, tổ chức quản lý, kêu gọi đầu tư xây dựng, bài trí theo đúng vị hiệu thánh thờ trong đền (tượng pháp, hoành phi, câu đối). Ngay năm đầu tiên tổ chức, lễ hội đến Bảo Hà đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các cụ cao niên ở vùng đất Bảo Hà - Tân An. Vào mỗi dịp lễ hội đầu năm, đền Bảo Hà thu hút rất nhiều du khách đến hành hương. Từ lâu ngôi đền này đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, du khách thập phương thường lựa chọn đây là điểm đến trong những ngày đầu năm mới, đến đây để cầu sức khoẻ, bình an, tài lộc cho cả gia đình. 

 

pham-van-chien2-1622711198.jpg
 

Trải qua thời gian, kiến trúc của ngôi đền vẫn giữ được gần như toàn bộ, khi ánh mặt trời lên dáng vẻ uy nghi và trang nghiêm của ngôi đền dần được hiện lên trước màn sương mờ ảo và núi non trùng điệp. Đền Bảo Hà không chỉ có giá trị về ý nghĩa lịch sử, tâm linh mà còn là hiện thân của các vị anh hùng đã có công lao to lớn với cả dân tộc. Kiến trúc đền thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn. Hàng năm, lễ hội Đền Bảo Hà được long trọng tổ chức vào ngày 17/7 âm lịch. Đến với Lễ hội Đền Bảo Hà, người dân và du khách sẽ được xem các nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu an (từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút) - Cầu cho quốc thái, dân an, các linh hồn của anh hùng tử trận vì sự bình yên của đất nước; Thả đèn hoa đăng trên sông Hồng (khu vực bến phà cũ gần khu vực di tích), nhằm tạo không khí linh thiêng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu thương và đoàn kết dân tộc; Lễ tế theo nghi thức truyền thống vào đầu giờ Tý (từ 23 giờ đến 00 giờ) trước giờ chuyển giao sang ngày giỗ chính, các nghi thức dâng lễ vật tế sống như trâu, lợn, gà được diễn ra, đó là những đồ hiến tế thánh Hoàng Bảy đề Ngài khao quân. Trong tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà, chọn ra 250 cụ già cầm cờ hội tham gia rước kiệu (250 người ứng với số 7). Trong mâm lễ có 7 loại quả; xôi 7 màu; còn đội tế nam nữ có 70 người. 6 giờ sáng ngày 17/7 âm lịch từ đền cô Tân An (thờ bà Nguyễn Hoàng Bà Xa - con gái của ông Nguyễn Hoàng Bảy) sẽ dâng mâm lễ cúng sang Đền Bảo Hà. sĐặc biệt, đến với Lễ hội người dân và du khách còn được xem màn Rước kiệu truyền thống: phần rước kiệu linh đình mang tính nghi lễ này không thể thiếu. Đường rước kiệu được thực hiện từ Đền Bảo Hà ra sân hội để làm lễ với trời đất và để cho nhân dân, khách thập phương chiêm ngưỡng, sau khi đánh trống khai hội, tổ chức lễ hội xong thì đoàn rước lại rước kiệu ông quay về làm lễ tế tại Đền. Các giá kiệu gồm có: Kiệu rước Mẫu, kiệu Vua Cha Ngọc Hoàng, kiệu Phật, kiệu Ông Bảy, kiệu Công chúa Thượng Ngàn và kiệu rước các mâm lễ vật. Khi rước kiệu Ông về Đền, nghi lễ thiêng liêng nhất của ngày lễ được diễn ra, mở đầu là phần đọc Chúc Văn tóm tắt về công lao to lớn của Ông trong việc giúp dân trừ gian, diệt ác, diệt giặc xâm lăng, xây dựng quê hương trù phú, bình an. Tiếp đó là phần nghênh Ông về ngự Đền để con cháu thập phương thực hành lễ bái. Để có được nghi lễ đặc sắc đó, ông Phạm Văn Chiến đã dày công đi học tập cách tổ chức lễ hội ở các đền trên cả nước, trên cơ sở học tập cách thức tổ chức lễ hội truyền thống dân gian và kết hợp với duy trì bản sắc văn hóa của địa phương. Lễ hội Đền Bảo Hà là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá du lịch tâm linh của Đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Lễ hội đền Bảo Hà theo nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống uống nước nhớ nước, lòng tự hào dân tộc. Lễ hội truyền thống đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016 như một sự ghi nhận đóng góp công lao to lớn của thủ nhang Phạm Văn Chiến cùng nhân dân các dân tộc hai bên bờ tả hữu sông Hồng Bảo Hà –Tân An.

pham-van-chien4-1622711158.jpg
Nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến – Thủ nhang đền Bảo Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích huyện Bảo Yên nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Gần 20 năm được giao nhiệm vụ quản lý đền, với những cống hiến trong công tác tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa địa phương góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ tri ân công lao dựng nước và giữ nước của các anh hùng dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, nâng cao tầm nhận thức của nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, gìn giữ, trùng tu, tôn tạo di tích. Để ghi nhận những cống hiến đó, năm 2016 ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian”; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCNVN tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen của các cấp, Bộ, ngành và UBND tỉnh.

pham-van-chien3-1622711231.jpg
 
pham-van-chien5-1622711231.jpg
 
pham-van-chien6-1622711231.jpg
 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân dân gian Phạm Văn Chiến – Người lính thời bình trên mặt trận văn hóa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Vân Anh

Vân Anh

19:49 03/06/2021

Tuyệt vời !!