Lào Cai: Ngọt ngào hương cốm Khảu Tan Đón

An Kiên, Vân Anh/Tây Bắc

08/11/2021 09:53

Theo dõi trên

Canh tác muộn hơn so với các giống lúa nếp thông thường, thời điểm này, các thửa ruộng trồng lúa nếp Khảu Tan Đón của xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai mới bắt đầu chín vàng.

 

 

Vốn được bà con quanh vùng suy tôn là “Đệ nhất nếp”, sản phẩm cốm làm từ giống lúa này cũng nức tiếng gần xa về hương vị ngọt ngào, dẻo thơm đặc trưng.Vốn được bà con quanh vùng suy tôn là “Đệ nhất nếp”, sản phẩm cốm làm từ giống lúa này cũng nức tiếng gần xa về hương vị ngọt ngào, dẻo thơm đặc trưng.

Gieo trồng 40 cân giống lúa nếp Khảu Tan Đón, dự kiến năm nay gia đình chị Vi Thị Sơn, ở thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai thu hoạch được khoảng 1,5 tấn thóc. Tranh thủ thời điểm lúa đang bắt đầu khum ngọn, còn nguyên hương sữa thì cũng là lúc chị Sơn lựa cắt đem về làm cốm.

"Vào mùa làm cốm, gia đình phải dậy từ 5h sáng để đi cắt từng bông lúa nếp. Cắt về lại phải chọn từng bông, bông nào lúa chín vừa mới làm được cốm ngon, còn bông già thì không làm được. Mà lúa vừa lấy về phải làm cốm luôn, để lâu thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa", chị Sơn cho biết.

Người Thái xã Thẳm Dương có nhiều cách để làm cốm. Một bí quyết nhằm giữ được hương vị đậm đà, thơm ngọt thường được bà con lựa chọn là bỏ nướng lúa nếp cho chín trên than hồng, sau đó mới đem ra tuốt và cho vào cối đá để giã. Qua mỗi nhịp chày, hạt thóc dần được đánh bẹp, phần vỏ trấu và nhân gạo tự nhiên được lật tách ra, sau đó đem sàng sảy kỹ giữ lại phần tinh túy nhất là những hạt cốm xanh mượt, nõn nà. Ngoài sản phẩm cốm truyền thống, một số mặt hàng khác làm từ gạo nếp Khảu Tan Đón cũng được phát triển đưa ra thị trường, tín hiệu bước đầu khá khả quan.

 

Chị La Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương chia sẻ: "Hiện Thẳm Dương chúng tôi đã thành lập được 3 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ từ 15 đến 20 chị, hàng năm tổ chức thu hoạch Khảu Tan Đón tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như cốm, gạo, bánh chưng đen. Và sản phẩm cốm làm đúng vụ thì giá trị kinh tế cao hơn, mang lại thêm nguồn thu cho chị em phụ nữ".

Năm 2021, toàn xã Thẳm Dương có gần 100 hecta diện tích trồng lúa nếp Khảu Tan Đón. Sản phẩm cốm Khảu Tan Đón là một trong những biểu tượng văn hoá truyền thống độc đáo của người Thái địa phương. Việc giữ gìn và khai thác giá trị của lúa nếp Khảu Tan Đón cũng đang là hướng đi căn cơ được chính quyền nơi đây đặc biệt chú trọng, với mục tiêu phát triển thành sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm trong thời gian tới, trước mắt thông qua Ngày hội Hương Cốm diễn ra thường niên.

Ông Hoàng Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thẳm Dương cho biết: "Xã tổ chức hội Hương Cốm nhằm tạo tiền đề phát triển thành một sản phẩm du lịch sau này, cố gắng đến năm 2023 đưa được thương hiệu cốm Khảu Tan Đón vào thị trường phục vụ du lịch cộng đồng".

Khảu Tan Đón là sản phẩm gạo nếp đầu tiên trong cả nước được cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2018. Năm 2020, địa phương cũng đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao. Với giá bán ổn định từ 35.000 đến 40.000 đồng/1 kg gạo nếp; 100.000 đến 120.000 đồng/1 kg cốm, thương hiệu nếp dẻo thơm Khảu Tan Đón đang mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Bạn đang đọc bài viết "Lào Cai: Ngọt ngào hương cốm Khảu Tan Đón" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn