Ngược dòng là để xuôi dòng

  Nhà thơ Hải Đường

07/01/2023 07:49

Theo dõi trên

Tập thơ Ngược dòng thế sự của Nghiêm Thanh (NXB Hội Nhà văn) gồm hai phần. Phần một: Muôn mặt thói đời, Phần hai: Thù tạc bằng hữu. Và những Lời bình trên facebook được chọn lọc đưa vào cuối sách, cũng là một cách làm mới, kéo bạn đọc và người viết vào cùng “sân chơi”, trong thời buổi mạng xã hội tác động ngày càng mạnh mẽ vào đời sống xã hội.

nguoc-dong-the-su-1673052402.jpg
                                            

 

Năm 2020, Nghiêm Thanh trình làng tập thơ trào phúng có tên NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ. Tập thơ nhanh chóng được độc giả tìm đọc, bàn luận và hưởng ứng. Nó được đón nhận bởi mấy lẽ sau: Trước hết, thơ nói những điều gần gũi ngay trước mắt mình, hầu như ai cũng thấy mà nay đọc thì thấy đúng quá, hài hước quá mà cũng thật sâu cay. Thứ hai, lâu nay hình như trong dòng văn học đương đại, thơ trào phúng dường như có phần lắng xuống, người làm thơ trào phúng và người đọc, người phê bình đều ít đi. Thứ ba, Nghiêm Thanh có cách viết mới và lạ, ngôn ngữ bình dị mà trong sáng, giọng giễu nhại có khi buốt nhói mà vẫn có tình.

Vì lẽ ấy, sau khi đứa con đầu lòng ra đời (nói riêng về thơ trào phúng), bạn nghề, bạn đọc đề nghị ông tiếp tục viết. Lại cũng vào thời buổi cái mới và cái cũ, cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác đan xen, chung quanh chúng ta sao mà lắm chuyện nhiễu nhương, nhí nhố! Thế là viết.

Nhà thơ viết như một sự giải tỏa, như một mong muốn, một lời cảnh tỉnh thiên hạ hãy đừng chìm trong sắc hoa và trong những tràng pháo tay mụ mị. Đấy là lý do NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2 hôm nay xuất hiện.

Tôi lại hân hạnh viết lời tựa là vì có quá nhiều câu chuyện, có không ít sự kiện, nhân vật trong tác phẩm, tôi là người trong cuộc, người chứng kiến, chứng kiến cả tiếng thở dài và cái lắc đầu ngao ngán của ông. Mừng là ở “tập hai” này nội lực trào phúng của ông vẫn mạnh mẽ. Vượt trội hơn cả vẫn là tính tư tưởng, hay nói nhẹ nhàng hơn là các vấn đề mà ông lựa chọn, đề cập, phê phán mang tính khái quát cao. Nó không dừng lại ở một vài chi tiết nhỏ, mà ít nhất, một góc của đời sống đầy ba động hiện hình. Thơ ông vẫn mạnh ở hình tượng và ngôn ngữ. Đọc một lần thì ấn tượng, thấy lóe lên cái vệt sáng dẫn dụ, đọc hai ba lần thì nhớ, thuộc cả câu, cả bài. Và điều này nữa, chất trữ tình trong thơ trào phúng khiến cho các bài thơ xinh xắn, thường là thể truyền thống Đường luật, có độ rung ngân trong nguồn cảm xúc dồi dào.

Tập thơ gồm hai phần. Phần một: Muôn mặt thói đời, Phần hai: Thù tạc bằng hữu. Và những Lời bình trên facebook được chọn lọc đưa vào cuối sách, cũng là một cách làm mới, kéo bạn đọc và người viết vào cùng “sân chơi”, trong thời buổi mạng xã hội tác động ngày càng mạnh mẽ vào đời sống xã hội.

Muôn mặt thói đời, đương nhiên là phần nội dung chủ yếu của NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2. Ta gặp ở đây một cuộc sống sôi động của xã hội hiện tại, thời kinh tế thị trường, thời mở cửa, hội nhập, thời làng lên phố, nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi, thói đạo đức giả khi thấp thoáng sau cánh gà, lúc hiện nguyên hình trên sân khấu chính trị ...

Trào phúng thơ Nghiêm Thanh đã điểm mặt rất nhiều thứ cỏ rác: tham lam, buôn lậu, phá hoại môi trường sinh thái, thói đạo đức giả, chạy chức, lừa đảo, nạn ma túy, cờ bạc, thói bốc đồng, ảo tưởng, vi phạm an toàn giao thông, những tiến sĩ dởm, loạn thi nhan sắc, ngoại tình, bạo hành trẻ em ... Thơ cũng dành nhiều bài nói về thói tệ ẩn sâu trong lớp áo ngoài của các vị quan chức biến chất, sử dụng quyền lực bòn rút ngân sách, ăn của đút, có chức mà “không có chữ”, dân chủ giả hiệu, cám cảnh quan tham về hưu...

Có những đề tài tưởng như đã cũ nhưng nay nhắc tới thấy vẫn mới. Nghĩa là cái xấu thâm căn cố đế, loại trừ không dễ. Như cái trò giả dối, bịp bợm của tham quan phong kiến cách đây đã hơn trăm năm mà Tú Xương đã viết trong bài “Hát tuồng”:

                                      Nào có ra chi lũ hát tuồng

                                      Cũng hò cũng hát cũng y uông

                                      Dẫu rằng dối được đàn con trẻ

                                      Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn!

Còn bây giờ trò bịp ấy được Nghiêm Thanh viết bằng những lời ăn tiếng nói thời Internet đã vào đến từng ngõ phố, đường làng, có kẻ mũ cao, áo dài lớn giọng uốn ba tấc lưỡi rao giảng đức độ nhưng không giấu được bản chất:

                                      Đâu phải đức tài giữ ghế cao

                                      Chỉ là ếch nhái núp bờ ao.

                                                      (Ếch nhái lên ngôi)

Hay như Cụ Tú thành Nam viết trong “Đùa ông Phủ” :

                                      Chữ “y”, chữ “chiếu” không phê đến

                                      Ông chỉ phê ngay một chữ “tiền”.

thì “ông Đồ” Nghiêm viết riết dóng hơn:

                                      Lọt vòng bầu cử là trở mặt

                                      Thoáng thấy của dân đã ngoạm liền!

                                                      (Trở mặt)

Nghiêm Thanh nói về một ông “quan” thời nay suốt đời chui luồn, chẳng quản lấm đầu:

                                       Bao năm luồn lách tấm thân lươn

                                       Đến độ bùn khô mất lối trườn.

                                                       (Về vườn)

Cái mẹo ăn của đút thì mấy viên quan thời phong kiến còn thua xa “quan” thời nay, mà “vụ Việt Á” là điển hình:

                                      Test dởm biến thành que ngoáy mũi

                                      Chứng thực đóng bừa đỏ dấu son.

                                                       (Lộ mặt bất nhân)

Đọc những câu thơ sau:

                                       Quanh quẩn vẫn mẫu văn soạn sẵn

                                       Lời dậy cũ mèm thật khó nhai.

                                                        (Nói dai)

nói về bệnh lười nghĩ, lười học, tôi nhớ đến thơ “Giang hồ khái” của Đồ Phồn:

                                       Chợt vẳng xa nghe thằng bị gậy

                                       Rủ đi... ăn vạ với non sông.

Và nhớ đến bài “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến:

                                       Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe

                                       Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!

Thời nào thì nạn hữu danh vô thực, quan đần dân khổ cũng vẫn một khuôn mặt ấy. Chỉ có khác là, càng ngày cái xấu, cái khuyết tật được che đậy càng tinh vi, như con dơi bay trong chiều nhập nhoạng mà Nghiêm Thanh viết:

                                         Vơ của mà còn được tiếng nghiêm!

                                                        (Nửa dơi nửa chuột)

Đấy là phần mảng tối, nói theo ngôn ngữ báo chí hiện đại là mảng nói về sự suy thoái chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Còn khá nhiều bài khác viết về những tệ nạn, thói xấu, nghịch cảnh trong đời sống. Có tiếng cười ra nước mắt. Có tiếng cười thấu tim gan. Có tiếng cười xa xót, thức tỉnh...

Hãy nghe:

                                          Này trần trụi hình hài xăm trổ

                                          Nọ nội y khêu gợi lẳng lơ.

                                                        (Biến dạng trang phục)

Còn đây:

                                            Mèo chó cũng váy đầm, quần soóc

                                            Xịt nước hoa chân, mõm thơm lừng.

                                                         (Thú cưng)

Và nữa:

                                          Danh hiệu tặng trao như nấm mọc

                                          Thành đất kinh doanh dễ kiếm lời!

                                                       (Loạn thi hoa hậu, hoa khôi)

Trong NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2, có những câu thơ tinh tế, dùng từ ngữ gợi âm thanh, hình ảnh sống động:

 

                                 Níu vòng vai ấp lim dim mắt

                                 Ngả nghiêng mông nhún nhịp đung đưa.

                                                                     (Ghi ở quán Bar)

                                          Chém gió mỏi tay nơi quán nước

                                          Ngồi ỳ chai đít chỗ rượu mời.

                                                        (Tin vịt)                                         

 

                                          Sư dởm ê a ngồi niệm Phật

                                          Thêm phần linh diệu mõ, chuông khua

                                                      (Chùa kinh doanh)

 

     Nghiêm Thanh có hơn 40 năm làm báo. Nghề báo giúp ông tố chất nhanh nhạy và “nói có sách mách có chứng”. Nhiều bài thơ trong tập có chú thích cụ thể về những vụ việc còn đang nóng sốt, góp thêm tiếng nói, thái độ, hướng giải quyết. Nhưng, là thơ, nên quan trọng nhất là thức tỉnh lương tri, là nói cái xấu để hướng đến cái đẹp, như chân lý xưa nay của văn học xây dựng hình ảnh, hình tượng chân, thiện, mĩ.

Vẫn theo hướng đó, phần hai NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2, những bài thơ Thù tạc bằng hữu viết về các bạn văn, bạn báo, họa sĩ, doanh nhân, nói về cái riêng đấy nhưng cũng là cái chung, nói về những đám mây nhưng không tách khỏi bầu trời, và cánh diều bay cao kia vẫn có sợi dây gắn với mặt đất. Riêng chung ấy gắn với nhau, hòa quyện vào nhau, thúc đẩy nhau phát triển hài hòa, phong phú hơn là bởi đạo đức và trách nhiệm công dân:

                                           Bài tin viết dưới làn bom đạn

                                          Văn, thơ phác thảo vội trên đường.

                                                         (Bạn Vong niên)

hoặc:

                                           Xã luận chính tà phân định rõ

                                           Điều tra hư thực bút không cong.

                                                         (Một đời làm báo)

Trong tư thế ấy, nói như Bakhtin (1895-1975) - triết gia, nhà phê bình văn học Nga:“Tiếng cười chính là sự chiến thắng nỗi sợ hãi”.

    TNGƯỢC DÒNG THẾ SỰ đến NGƯỢC DÒNG THẾ SỰ 2, vẫn một Nghiêm Thanh hào hoa, lực lưỡng, hóm hỉnh mà khảng khái. Khảng khái thì có khi thua thiệt. Nhưng không, với ông, trong cái mất có cái được, và cái được có khi không nhìn thấy nhưng nó mới là cái thực, cái bền lâu. Đúng như câu thơ ông viết trong bài Tự vịnh khi “phượt qua tuổi tám mươi” (lời Nguyễn Sĩ Đại):

                                         Trực tính lánh xa trò nịnh hót

                                         Thiện lành miếng lạ để cò xơi.

Xin chúc mừng nhà thơ Nghiêm Thanh. Ông thường nói vui lúc trà dư tửu hậu: Ngược dòng là để xuôi dòng…

Bây giờ, mời quý vị cùng mở những trang thơ còn nóng hổi và nở một nụ cười... trào phúng.

 

Xuân Phương, Hà Nội, tháng 11-2022

                                                                  

                                                                 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngược dòng là để xuôi dòng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn