Người cao tuổi

Đặng Văn Hương

10/08/2021 16:32

Theo dõi trên

Tổ chức Văn hóa và Giáo dục Thế giới (Liên Hiệp Quốc) có phân chia cuộc đời của con người làm những giai đoạn (tuổi) như sau: tuổi Nhi đồng, Thiếu nhi; Thanh niên; Trung niên; Cao niên (người cao tuổi).

Việt Nam từ ngày xửa ngày xưa, có nói: Tam thập - nhi lập (30 tuổi có nghề, có gia đình riêng, tự lập); Tứ thập - bất hoặc (40 tuổi trở lên là rất chững chạc, chín chắn trong cuộc sống); Ngũ thập - tri thiên mệnh (50 tuổi trở lên là hiểu sâu, biết rộng, việc Trời, việc Đời); Lục thập - nhi thuận (60 tuổi trở lên là an nhàn, hòa thuận).

ct1a-1628587817.jpg
Tác giả Đặng Văn Hương, Chủ tịch Hội khuyến học thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Trung Hoa là quốc gia có một công việc, một nghề ghi chép Thống kê về cuộc sống con người (nhất là tầng lớp quan, vua, chúa) và lưu trữ hàng ngàn năm, đã cho ra đời một môn khoa học thống kê về con người (gọi là quy nạp không hoàn toàn nhưng xác suất đúng khá cao - toán học định nghĩa như vậy). Từ đó họ đã xác định (tính) được ngày tốt, ngày xấu, năm tốt, năm xấu theo tuổi của từng người và dự báo được số phận, công danh, tiền bạc... của một người. Theo lý thuyết đó, họ đã tổng kết: đời người phải trải qua bốn mốc, (bốn tuổi - năm xấu, năm hạn) rất quan trọng đặc biệt, đó là: tuổi 49; tuổi 63; tuổi 73; tuổi 83 và họ gắn với bốn chữ như sau: tuổi 49 là chữ PHÚC; tuổi 63 là chữ THỌ; tuổi 73 là chữ KHANG và tuổi 83 là chữ NINH. Ngày xưa các cụ đồ Nho hay nói chữ, chúc mừng nhau đã đạt được (vượt qua): PHÚC, THỌ, KHANG, NINH là lẽ vừa nói trên! Ngày nay một số người thường nói: hạn tứ cửu (49) là hạn to, hạn nặng, rất lo lắng, làm sao có thể giải được hạn, giảm bớt rủi ro! Rồi khi bị ốm đau là suy nghĩ xem có phải là năm hạn không và lúc chết thường trùng hợp với năm hạn!? Qua nội dung này, mong muốn người cao tuổi biết được để vận dụng, sống chung với nó, có biện pháp, sống khéo với quy luật tự nhiên và xã hội để vượt qua bốn chữ PHÚC, THỌ, KHANG, NINH!

Hiện nay, Việt Nam còn chia người cao tuổi thành ba giai đoạn: 60-79 tuổi là người cao tuổi (niên), được gọi là người sống Thọ; từ 80-99 tuổi là người thượng thọ; từ 100 tuổi trở lên là người thượng thượng thọ (đại thọ- được Chủ tịch Nước tặng quà hằng năm). Như vậy, không có từ NGƯỜI GIÀ trong cuộc sống của loài người trên trái đất này!

Sau đây có vài suy nghĩ về NGƯỜI CAO TUỔI:

1. NGƯỜI CAO TUỔI là khi đôi mắt ngày càng mờ đi nhưng lại càng nhìn cuộc đời rõ hơn trước. Nhìn thấy những người tốt, người xấu, người bình thường và hình như người xấu có chiều hướng giảm bớt. Vì có những thứ không thể nhìn bằng mắt thịt và cũng có những điều không thể nghe bằng tai trần nhưng biết rõ về nó nhờ bộ não và kinh nghiệm của cuộc đời! Cho nên nhìn thấy rõ nhất là người vợ (chồng) và con cháu chắt ngoan hiền hiếu thảo, người thân tri kỷ!

ct1b-1628587635.jpg
Tác giả (người đứng giữa, cao nhất) được nhận Giấy khen của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ, năm 2020.

2. NGƯỜI CAO TUỔI là khi đôi tai ngày càng điếc hơn nhưng lại nghe rõ được thiên hạ đang xôn xao về chuyện đời và biết được rằng ai nói đúng, ai nói sai, ai nói nửa vời. Và rất vui khi nghe thấy hơn một nửa trong số ấy là nói thật. Khi đó, âm thanh nghe rõ nhất, êm dịu nhất là tiếng con cháu chắt, người thân và những âm thanh còn đọng lại trong lòng, của những người xa lạ từng trân quý nhưng bây giờ ít được gặp lại nhau.

3. NGƯỜI CAO TUỔI là khi nhận ra rằng cả đời đã may mắn được hít thở không khí trong sạch một cách thoải mái, vì bây giờ, không khí bị ô nhiễm, mỗi hơi thở là một thước đo của sự sống. Ta thở ra nhưng không thể biết lúc nào đó có thể còn hít vào được nữa hay không?

4. NGƯỜI CAO TUỔI là khi lời nói ngày một khó khăn hơn nhưng mỗi câu, mỗi từ là một "kho báu" được đúc kết từ mắt nhìn, tai nghe, kinh nghiệm sống của cả cuộc đời. Hạnh phúc là trong nhà có tiếng ho của người cao tuổi và tiếng khóc của trẻ ấu thơ!

5. NGƯỜI CAO TUỔI là khi đôi chân ngày càng mỏi mệt vì đã đi gần hết quãng đường đời nhưng khi ngoái đầu lại ta dường như mới là đứa trẻ ngày hôm qua. Bây giờ, chân còn khỏe hãy bước tiếp đến chơi thăm con cháu, bạn bè người thân. Sau này chân yếu mỏi hãy bước chậm hơn trước, chắc hơn trước và cũng trân trọng hơn từng cái chạm đất, vì có thể ngày mai không còn bước đi được nữa.

6. NGƯỜI CAO TUỔI là khi những người tri kỷ còn ngồi lại cùng nhau hoài niệm về một thời xa xưa nhiều niềm vui và nỗi buồn, tuy là không nhiều. Âu đó cũng là quy luật tự nhiên, khi ta không còn như trước, những bằng hữu sẽ rời xa ta, người còn ở lại nhất định ta phải trân quý.

NGƯỜI CAO TUỔI là khi nếm đủ ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Những thứ làm ta say đắm ngẫm lại vui sướng rất nhiều và những thứ làm ta đau khổ tuy là rất ít nhưng lại rất buồn. Có những thứ ta cứ tưởng nắm chặt trong tay rồi thì ngày mai lại trôi đi mất. Cuộc đời rất nhanh "Ngựa phi qua cửa sổ", như một trò đùa mộng mị mà không ít người chơi phải trả bằng cả tuổi thanh xuân của mình, bây giờ ngẫm lại chỉ còn là kỷ niệm.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Người cao tuổi" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Dangtan

Dangtan

20:18 10/08/2021

Rất hay ạ