Người thầy đáng kính

Phạm Minh Phong (Trường Tiểu học Thanh Thủy, huyện Tuyên Hóa, Tỉnh Quảng Bình)

18/11/2022 14:14

Theo dõi trên

Khi hay tin tôi ốm, thầy đã đạp xe đến thăm. Thầy ôm nhẹ vai tôi vỗ về, rồi tự tay vắt cam cho vào ly, pha thêm một chút mật ong do chính tay cô đã chuẩn bị từ ở nhà cho thầy trước khi đi dạy để cho tôi uống bồi bổ sức khoẻ.

1-nguoi-thay-1668755543.jpg
Tác giả (người đứng thứ 2 từ trái qua) cùng người thầy đáng kính

 

Người thầy yêu quý mà tôi nói tới với một lòng kính trọng sâu sắc chính là thầy Lương Văn Bảy, Trưởng khoa tiểu học Trường đại học Quảng Bình (trước đây là Trường cao đẳng sư phạm Quảng Bình), hiện đã nghỉ hưu tại phường Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Thời điểm năm 1994 - 1996, chúng tôi học Trường cao đẳng sư phạm (tiền thân là Trường trung học sư phạm Quảng Bình) được học người thầy có làn da trắng hồng, khuôn mặt vuông vức, đôi hàng lông mi dày, rậm và đen, cặp mắt đen, sâu thẳm có ánh nhìn xa xăm với sống mũi dọc dừa, cao, miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi như một đoá hoa nhài tinh khiết.

Học sang năm thứ hai chúng tôi thân thầy hơn. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, không có tiền về quê – vì bọn tôi đều là những đứa con nhà nghèo mà. Ngày nghỉ, bọn tôi rủ nhau lên nhà thầy chơi. Đến nơi, lũ chúng tôi thật bất ngờ khi được chiêm ngưỡng mảnh vườn của gia đình thầy. Mảnh vườn của gia đình thầy như một trang trại thu nhỏ vậy, cây gì cũng có như: Mít, cam voi (bởi lúc ấy chỉ có cam voi là được trồng phổ biến nhất vì dễ trồng, hợp khí hậu, thổ dưỡng và là cây lưu niên, chỉ có điều bán rất rẻ thôi), đào tiên (còn gọi là đào lộn hột) và nhiều nhất là dưa chuột. Đứng trước khu vườn mướt màu xanh xây trái, tụi tui tha hồ chiêm ngưỡng, ngắm nghía, hết lời trầm trồ khen ngợi về khu vườn của gia đình thầy. Phải là người có tình yêu thiên nhiên, yêu cây trái và có sự tư duy, sáng tạo thì thầy mới tạo ra khu vườn vừa đẹp vừa đem lại nhiều hữu ích như vậy ở một miền quê đầy nắng và gió.

Nhưng có lẽ với chúng tôi, đẹp nhất là ao cá cảnh với rất nhiều cá vàng. Nghe cô nói là tới dịp lễ tết, bán cũng kiếm được kha khá. Bọn tui say mê tới mức cô thầy gọi vào dùng cơm trưa mà quên luôn - một bữa cơm đạm bạc cây nhà lá vườn mà ấp áp tình thầy trò. Biết bọn chúng tôi ăn uống kham khổ trong những ngày ở trường nên trong bữa ăn thầy luôn giục chúng tôi mạnh dạn gắp đồ ăn, đừng ngại ngùng gì cả, ngại là đói đó, rồi thầy tự tay gắp những món ngon vào bát từng đứa bắt phải ăn, có như thế thầy cô mới vui, chứ các em không ăn là chê cơm thầy cô phải không. Hôm đó, ở nhà thầy,  bọn tôi được thưởng thức một bữa cơm đầy ấn tượng không thể nào quên mà mãi sau này chúng tôi chẳng bao giờ có được một bữa cơm như thế.

Vào một chiều muộn, bọn tôi nhận cơm ở bếp tập thể về. Bữa cơm rất đặc biệt vì trị giá 1.000 đồng được trừ vào trong số 60. 000 đồng học bổng, có nghĩa là tụi tui chỉ lo bữa sáng. Nói là đặc biệt bởi vì chỉ có cơm nhà bếp mới có giá đó chứ cơm bụi lúc bấy giờ rẻ cũng 2.000 đồng. Một nghìn đồng thì ra một nghìn thôi, cơm được 2 chén vơi được nấu bằng loại gạo rẻ nhất ngoài đại lý mà tụi tui quen gọi là gạo lơn ăn. Hình như là gạo để lâu năm hay sao ấy, không có mùi vị gì cả, các hạt cơm  không có dính kết, cứ rời ra từng hạt. Thức ăn mỗi khẩu phần 1 con cá nục, một bát canh rau lơ thơ vài cọng rau muống hoặc rau khoai lang, rau dền, loại tép con sống dưới biển mà ngư dân thường đánh bắt làm nguyên liệu chế biến ruốc (mắm tôm). Có khi không có cá thì được thay bằng một bát thức ăn gồm vài lát thịt ba chỉ và các trích ve khô, chủ yếu là nước chan để ăn với cơm,…

Chúng tôi không biết đặt mô mà ăn, nhìn qua nhìn lại, chỉ có cái ban công trước phòng làm việc của thầy có thể ngồi ăn ở đó được, thế là bọn tôi triển luôn. Lúc đó, thấy ai cũng ngao ngán thở dài: “Bây ơi, có trụ nổi không đây hay về nhà phụ xây được bố mẹ hầu chứ đời trai khổ lắm, …”. Lúc đó, thầy đang chuẩn bị tư trang để cưỡi chiếc xe đạp cà tàng về nhà trên xóm Cộn. Xóm Cộn là một địa danh khá nổi tiếng thời chống Mỹ Quảng Bình quật khởi. Đây là một khu vực hành chính, là trung tâm của thị xã Đồng Hới trước khi chia tách tỉnh. Sau khi chia tỉnh, sự phát triển đô thị hóa lại tập trung dưới Đồng Hới, gần quốc lộ 1A hơn, nhưng xóm Cộn vẫn được mọi người ưa thích bởi ở đó chợ búa rẻ, hàng nông sản rất sẵn và tươi mặc dù cách xa trung tâm Đồng Hới gần chục cây số.

Thấy tụi tui đang lúng ta lúng túng như gà mắc tóc với chén, bát, canh nơi ban công trước cửa phòng thầy thì thầy bắt gặp. Thầy dựng lại xe cho chắc chắn rồi lặng lặng mở cửa phòng,…rồi tự tay thầy bưng nồi cơm vô trước, ra hiệu cho tụi tui theo sau vào phòng ăn cơm cho đàng hoàng, thoải mái. Cả bọn thi nhau múc cơm, múc lấy múc để, chắc do đi cả ngày bụng đói meo lắm rồi. Tôi cũng thấy đắng miệng quá cũng làm một bát và chan canh lùa cơm vào miệng mà lòng nghẹn lại, không thể nuốt trôi. Tôi chững lại một lúc, cái làm tôi bùi ngùi lúc này, không phải là do cơm khó nuốt mà tự dưng kí ức một thời sống bên Nga dội về thật không thể diễn tả hay so sánh nổi. Nói chung là một trời một vực vậy. Thấy bọn tôi ăn ăn, nói nói, không để ý đến ai, thầy tôi lẳng lặng đi sang dãy phòng nội trú của giáo viên gần đó chuyện trò với các giáo viên, nhân viên cùng khu nội trú. Một lúc sau, thầy quay lại thì bọn tôi đã vét sạch phần cơm và kịp thu dọn bát đĩa. Chúng tôi cúi đầu cảm ơn thầy rồi nhanh chóng quay về khu nội trú. Còn thầy cũng vội vàng dắt xe đạp ra về. Bóng thầy tan hẳn vào bóng đêm hun hút, để lại một khoảng sáng trên sân trường với nổi nhớ nhà đang dâng trào trong tôi.

Thầy luôn dành sự quan tâm đặc biệt với tôi với những lời nói, cử chỉ thân mật, yêu thương “cố gắng lên con nhé, hai năm đó nó sẽ trôi nhanh như nghe một bản nhạc lí thú thôi”. Rồi thầy hỏi han chuyện gia đình, chuyện ăn, nghỉ ở nội trú có thiếu thốn gì không. Thầy cứ kể về những tấm gương hiếu học làm tôi phần nào thêm vững tin hơn. Có bữa, tôi vừa ngủ dậy đã thấy thầy đợi tôi trước phòng nội trú, thầy trao tôi mấy tập thơ của mấy người bạn làm tong Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình tặng thầy và luôn dặn tôi phải cố gắng chịu khó, chịu khổ, rồi mọi vất vả cũng sẽ qua.

Khu nội trú của khoá 5 bọn tôi là một phòng cấp 4 rộng vừa đủ đặt hai dãy giường đôi theo chiều dọc, còn lại ở giữa một lối đi hơi chật, mùa đông thì ấm, sang hè thì nóng, chẳng thể nào ngủ được trọn đêm. Những lúc như vậy, tụi tui thường rủ nhau lên trần khu nhà A mới xây gồm 4 tầng, cũng là lớp học của chúng tôi, để ngủ qua đêm. Với tình trạng như vậy, không những thầy tôi mà rất nhiều thầy cô sống ở khu nội trú dành cho giáo viên ở đó, ai cũng lên tiếng và nghe nói đã có ý kiến đề đạt lên tới công đoàn trường, trong một buổi chào cờ đầu tuần, tôi có nghe qua vậy.

Thầy dạy lớp chúng tôi hai môn Văn học thiếu nhi và môn Rèn luyện kĩ năng viết Tiếng Việt. Khỏi phải nói là độ hấp dẫn về những bài giảng của thầy phần Văn học Thiếu nhi,  nó hấp dẫn lòng người và lôi cuốn biết bao nhiêu! Bọn tui hầu như chỉ biết há hốc miệng say sưa nghe thầy giảng như nuốt từng chữ từng câu, từng chữ. Giọng nói ấm áp truyền cảm của thầy tôi lắng đọng day dứt làm sao! Những bài giảng về thơ Khoa (nhà thơ Trần Đăng Khoa) của thầy rất ấn tượng kiến tôi lúc nào cũng thuộc làu làu. Nhớ nhất là thầy phân tích cách miêu tả thiên nhiên, kết hợp miêu tả nội tâm con người trong thơ Khoa, như hình ảnh “muôn ngàn cây mía múa gươm” “kiến hành quân”, “bố em đi cày về/ đội sấm/ đội chớp/ đội cả trời mưa”.

Hay là các hình ảnh trong bài “Đám ma bác giun” mỗi con kiến rất nhanh nhẹn, khẩn trương, mỗi con một công việc khác nhau, việc tốt rất nhiều, việc chưa tốt cũng vài hình ảnh như “uống rượu la đà (kiến đen), hay “...bay ra chia phần” (Kiến Gió). Tất cả, qua lời giảng của thầy hiện lên như một bức tranh sinh động về thế giới loài kiến nhưng phảng phất đâu đó, hiển hiện một nhóm người, một cuộc sống xảy ra thường nhật xung quanh chúng ta, người tốt, kẻ xấu luôn luôn tồn tại song hành,...

Rồi phần Văn học nước ngoài viết về Thiếu nhi cũng không kém phần hấp dẫn. Thầy giảng về sự độ lượng, tình bạn trắng trong, tình yêu đẹp đẽ giữa Dét - đi và Kay (Bà Chúa Tuyết) nhưng cũng không quên bỏ qua về sự tồn tại của cái ác trên thế gian này khi được minh họa như những mảnh vỡ thủy tinh rơi vào không gian vô định và càng bay vào vũ trụ xa xôi bao nhiêu, chúng càng vỡ ra hàng triệu triệu mảnh vỡ, cắm vào con tim trẻ thơ đầy khát vọng hoài bão của Kay mà chỉ có tình yêu đẹp của Dét-đi, cô bé xinh đẹp luôn sưởi ấm trái tim băng giá của Kay bằng những giọt nước mắt của sự đau khổ, tột cùng, và chỉ có phép màu của tình bạn, tình yêu mới thức tỉnh được, mới giải mã ra khi mảnh vỡ thủy tinh cắm sâu vào trái tim còn non trẻ của Kay và rồi cũng được lay động bởi những giọt nước mắt của sự thương cảm, của tình bạn thủy chung son sắt.

Nhiều vô kể những bài giảng của thầy làm tụi tui không những được bồi đắp kiến thức đơn thuần mà còn hơn thế nữa, nhân cách, phẩm giá, cũng như lòng yêu nghề mến trẻ cũng bắt đầu từ những bài giảng lắng sâu của thầy.

Học môn rèn luyện kĩ năng viết với thầy là một trong những điều may mắn nhất với bọn tôi, bởi con trai thì đa số viết ẩu, viết loáy (tốc kí), mấy ai quen trau chuốt từng nét chữ như thầy. Bởi vậy, hầu hết các giáo sinh sư phạm khi ra trường đều không quên được công ơn rèn chữ của thầy tôi và trong số đó, ai may mắn dành điểm 9 là quá giỏi.

Một kỉ niệm không thể nào quên với tôi, khoảng tầm tháng 10 năm 1995, lúc đó tôi bị một trận đau khá nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt Năm - Cu Ba. Bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp X quang rồi chuẩn đoán tôi bị xơ gan, điều đó khiến tôi khá lo lắng và phải nghỉ học hơn một tháng để điều trị, chuyển về nhà một anh bạn đi Nga cũng cách trường không xa, trên quốc lộ 1A  để tiện bề điều trị bệnh.

Khi hay tin tôi ốm, thầy đã đạp xe đến thăm. Thầy ôm nhẹ vai tôi vỗ về, rồi tự tay vắt cam cho vào ly, pha thêm một chút mật ong do chính tay cô đã chuẩn bị từ ở nhà cho thầy trước khi đi dạy để cho tôi uống bồi bổ sức khoẻ. Thầy nói chuyện với tôi nhiều lắm, chuyện đời, chuyện người, chuyện nghề, chuyện nghiệp. Tôi nhớ nhất câu nói của thầy vẫn còn in mãi trong tâm trí đến bây giờ: “Em ạ! Đời người chỉ có khổ mới cho ta nhiều bài học quý và nên người, chứ sướng thì chưa chắc đã thành người tử tế”.

Không những tôi, nhiều và rất nhiều bạn khóa trên, khóa dưới, hệ Cao đẳng, Tiểu học, Mầm non, hay 9 + 1, thậm chí có khóa vô nhập học có vẻn vẹn 1 tháng, khi mọi người chưa kịp nhớ hết tên nhau đã phải tăng cường về các huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa để đứng lớp do thiếu giáo viên nhưng hễ học với thầy một vài buổi thôi, sau này khi gặp miệng luôn nhắc thầy Bảy đức độ, thầy Bảy viết chữ đẹp, thầy Bảy rất phong cách, thầy Bảy như một đức thánh hiền. Vâng, với tôi, thầy còn hơn cả một vị thánh, bởi chưa bao giờ tôi thấy thầy có một cử chỉ nào, một phản ứng nào gọi là nóng nảy, bức xúc trước tụi tôi dù chỉ một lần cũng hoàn toàn không!

Ra trường, tụi tôi ôm nhau khóc dầm khóc dề. Thầy đi từng dãy phòng, đến thăm và chia tay từng bạn, từng bạn, hầu như không sót một ai. Mỗi đứa một phương, miền xuôi, miền ngược, đâu đâu cũng có giáo sinh Sư phạm Quảng Bình, đâu đâu người ta cũng luôn miệng hai tiếng thân thương, thầy Bảy, thầy Bảy là nhất.

Tôi ngẫm về một thời cơ cực, nghĩ về thầy, một nhân cách vĩ đại, một tâm hồn trong sáng như pha lê, một trái tim rực lửa cháy mãi, cháy mãi để thắp sáng và nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trò nhỏ toả sáng trên con đường sự nghiệp trồng người.

Và hình ảnh thầy là nguồn sáng ấm áp để tôi có niềm tin vững chắc vững bước trên con đường đã chọn - Con đường của sự nghiệp trồng NGƯỜI.

Bạn đang đọc bài viết "Người thầy đáng kính" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn