Nhà văn Liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa                       

 Bài: Trần Mạnh Thường. Ảnh: Tư liệu

29/07/2022 21:48

Theo dõi trên

Nhà văn liệt sỹ Lê Vĩnh Hoà, tên thật là Đoàn Thế Hối. Em ruột nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn), sinh ngày 6 tháng 10 năm 1932. Quê quán xã Mỹ Hiệp, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Cha là Đoàn Thế Cẩn, tham gia phong trào cách mạng bị thực dân Pháp truy lùng, nên cùng gia đình ly hương vào Rạch Giá làm nghề dạy học.

 

ch1le-vinh-hoa-01-1659105873.png
 Nhà văn Liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa .                     

 

Thuở nhỏ Lê Vĩnh Hoà sống với gia đình ở thị xã Rạch Giá. Sau Cách mạng tháng Tám thành công và bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Lê Vĩnh Hoà tham gia công tác phụ trách đội thiếu niên của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thị xã Rạch Giá. Tháng 10 năm 1948, Lê Vĩnh Hoà được cử đi học Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố của Khu IX (thầy dạy là ông Hà Mậu Nhai và bạn bè là các anh Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng… sau này trở thành các nhà văn có tiếng). Sau khi học xong, ông vào làm việc tại văn phòng Bộ Tư lệnh phân Liên khu miền Tây. Năm 1951, Lê Vĩnh Hoà được phân về làm việc ở văn phòng Ban Dân vận Mặt trận Liên Việt tỉnh Sóc Trăng.

ch2le-vinh-hoa-tuyen-tap-1659105975.jpg

Năm 1954, hoà bình lập lại ở Đông Dương, ông không đi tập kết ra Bắc, mà ở lại miền Nam hoạt động bí mật, làm công tác thanh vậnvà viết văn. Năm 1955,ông được điều về công tác tại thị xã Sóc Trăng với cương vị là Uỷ viên Ban chấp hành Thị đoàn Sóc Trăng. Tại đây, ông được tổ chức phân công vào học Trường Trần Văn, để vừa học vừa xây dựng cơ sở Đoàn trong thanh niên học sinh. Sau khi ra trường, do tốt nghiệp xuất sắc được mời làm giảng viên dạy một số trường tư thục và bán công tại thị xã Sóc Trăng.Tháng 5 năm 1957, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay Đảng Cộng sản Việt Nam). Thời gian này Mỹ-Diệm tăng cường đánh phá phong trào cách mạng khủng bố rất tàn khóc đối với nhân dân ta, khiến nhiều cơ sở Đảng bị tổn thất nặng nề. Cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân, các hoạt động diễn đàn báo chí công khai đã vạch trần bộ mặt của kẻ thù. Tiêu biểu cho phong trào này là nhà báo Lê Vĩnh Hoà. Nhiều bài viết của ông như truyện ngắn đầu tay có tựa đề “Vỏ Cà rem” đăng trên các tạp chí “Nhân loại”, được nhiều bạn đọc hoan nghênh. Sau đó ông viết nhiều bài, theo đủ thể loại lần lượt đăng trên các báo công khai tại Sài Gòn như tờ “Quyền sống”; “Bông lúa”; “Lúa vàng”…, cùng những bài thơ và một loạt tác phẩm: “Nước cạn”; “Áo vải tím vàng”; “Trăng lu”; “Dằn vặt”… do ông sáng tác mang nội dung chống Mỹ-Diệmmột cách khéo léo và sâu sắc, được nhân dân và cán bộ tỉnh Sóc Trăng ngợi ca và thường xuyên theo dõi. Tháng 10 năm 1958, ông bị địch bắt giam tại khám lớn Sóc Trăng, bị đánh đập, tra khảo tàn nhẫn, nhưng vẫn không khai nửa lời, chúng chuyển ông về giam tại khám Chí Hoà Sài Gòn, rồi lần lượt chuyển đến trại Thủ Đức (Bình Thuận), nhà lao Tân Hiệp (Đồng Nai), nhà tù Phú Lợi… Dù ở đâu, Lê Vĩnh Hoà vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, với Đảng.. Cuối năm 1963, ông được trả tự do, ông về tiếp tục hoạt động cách mạng. Lê Vĩnh Hoà hy sinh ngày 7 tháng 01 năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đến giai đoạn gay go và ác liệt.

Lê Vĩnh Hoà vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Ông đã  đăng tải trên 100 bài báo gồm truyện ngắn, tiểu phẩm, và hơn 10 bài thơ. Ông đã cho xuất bản tập sách “Mái nhà thơ”(truyện ngắn, 1964); “Người tỵ nạn” (văn và thơ, 1963); “Lê Vĩnh Hòa tuyển tập” (NXB Tổng hợp Hậu Giang và NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1976).

Trang viết của nhà văn liệt sỹ Lê Vĩnh Hoà  chưa nhiều, nhưng những gì ông để lại cho đời, cho đất nước, là tiếng nói từ cõi lòng, là niềm khát khao chiến đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cho nhân dân của một nhà văn chiến sỹ, một người Cộng sản kiên trung. Đúng như lời giới thiệu cuốn “Lê Vĩnh Hoà tuyển tập” viết: “Nhà văn Lê Vĩnh Hoà, cái chết không làm anh mất đi. Anh sống với cả sức lực của từ ngữ ấy. Bằng trí tưởng tượng đặc biệt phong phú và tâm hồn dạt dào chất thơ, anh đã huy động vào tác của mình cả một vùng rừng, biển, đồng ruộng và đô thành. Những trận mưa trên sông, những tiếng hú trong đêm, những câu chuyện mang đầy sử tích và truyền thuyết dân gian, với những bút ký đầy sắt và máu, nhưng rất đỗi lạc quan, tươi trẻ, giàu đức hy sinh cao cả của bộ đội và du kích khắp các chiến trường miền Tây. Nhưng đặc sắc nhất là anh đã huy động thành công những con người xã hội với cuộc sống thật của họ để miêu tả.Nhân danh một thành viên của vùng đất lạ phía Nam, anh sử dụng cách nói, duyên dáng,khoẻ nhẹ, pha lẫn chút giọng châm biếm dí dõm (ngôn ngữ và phong cách bình dân của người dân Nam Bộ)làm chất liệu phong cách văn học của mình.Cho nên đọc Lê Vĩnh Hoà , người đọc bắt gặp mình và những người thân cũng như kẻ thù của mình – tạo ra lực hấp dẫn và sức thuyết phục mà ta ít thấy ở các nhà văn khác”.

Người viết bài này hết sức ngạc nhiên khi được đọc “Lê Vĩnh Hoà tuyển tập”, những trang viết có sức lôi cuốn không chỉ bởi nội dung câu chuyện mà cả lời văn dung dị, ngắn gọn, khúc chiết của một nhà văn chuyên nghiệp, từng trải của một người chí ít đã được qua trường lớp đào tạo nhà văn.Thế nhưng suốt cuộc đời  Lê Vĩnh Hoà đã giành trọn cho chiến đấu, công tác lăn lộn ở chiến trường chưa một ngày được bồi dưỡng nghề nghiệp, mà cả việc tiếp xúc sách báo có lẽ cũng không nhiều, do điều kiện chiến tranh ác liệt. Đó phải chăng là tài năng  bẩm sinh trời phú.

Bạn đang đọc bài viết "  Nhà văn Liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa                       " tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn